Từ thế kỷ XIX, Túng Sán đã là nơi hấp dẫn cả ta – Tây – Tàu bởi tuy là núi rừng heo hút, nhưng nơi đây sở hữu nhiều lâm thổ sản quý hiếm như trà, ngọc am, lan kim tuyến, thảo dược…
Nghe đến Hoàng Su Phì, huyện miền núi phía Tây Hà Giang, còn có chút quen, nhưng Túng Sán thì quả thật… rất lạ. Túng Sán là xã nhỏ của Hoàng Su Phì, chen giữa bên là Tây Côn Lĩnh, bên Chiêu Lầu Thi, nơi phần đông cộng đồng người Dao quần trắng, Tày, H’mông, Hoa… quần tụ bên những sườn núi dốc, canh tác lúa trên thửa ruộng thang và khai thác nguyên liệu từ rừng trà shan cổ thụ mọc hoang dã trên dãy Tây Côn Lĩnh.
Câu chuyện dẫn dắt tôi về Túng Sán, cũng thật tình cờ. Nhớ lại khi cuộc thi Tea Master Cup Việt Nam diễn ra 2019 ở Hoàng Su Phì, trong số khách mời của tỉnh có một vị trà sư đến từ Đài Loan, ông là người thâm niên đi tìm các vùng trà hoang dã ở núi rừng Hà Giang để nghiên cứu, thử nghiệm các kỹ thuật chế biến trà của Đài Loan nhưng sử dụng nền nguyên liệu là trà shan cổ thụ.
Trong các buổi hội thảo, nói chuyện chuyên đề, những buổi thưởng trà bên lề cuộc thi Tea Master Cup, ông chia sẻ với tôi về một vùng trà shan mà ông xác định rất kỳ lạ. Ông dẫn chứng cả những tư liệu nghiên cứu, rằng vùng Túng Sán đặc biệt đến nỗi người Pháp ngày xưa ở thế kỷ XIX đã đến xây dựng trạm quản lý về lâm thổ sản, và mặt hàng đặc biệt trong đó chính là trà. Hiện ở cổng trời Túng Sán, một số điểm cao thuộc Túng Sán vẫn còn rõ dấu tích công trình kiến trúc được người Pháp xây dựng, vừa sử dụng làm nơi ở cho binh lính để kiểm soát địa bàn, cũng đồng thời kiểm soát sản vật.
Tìm đến Túng Sán, hành trình không mấy đơn giản bởi cung đường núi DT177 từ quốc lộ 2 lên Hoàng Su Phì ngập mặt với uốn lượn, đường lại hẹp, bên dốc núi, bên vách cao, mùa mưa lũ thường xuyên sạt lở.
Cứ đi theo DT177, chỉ còn cách thị trấn Vinh Quang 5 km là đến ngã rẽ lên vùng Túng Sán. Thêm khoảng chục cây số đường núi lắt léo nữa, Túng Sán mở ra với cảnh quan thật kỳ ảo. Nhờ giới thiệu của vị trà sư Đài Loan, tôi gặp được người dẫn đường là Chu Văn Thanh, 31 tuổi, hậu duệ đời thứ 4 của người Thượng Hải.
Chu Văn Thanh kể: “Ông cố em là người Thượng Hải, ông giỏi nghề mộc và hay đi khắp núi rừng tìm gỗ quý. Ngày xưa ở Túng Sán, Tây Côn Lĩnh, nổi tiếng là gỗ ngọc am, ông em sang đây săn gỗ, đóng quan tài chuyển về Trung Quốc bán cho nhà giàu. Rồi gặp bà em người Tày, nên duyên và ông ở lại đất này luôn”.
Túng Sán có khí hậu thật khác lạ, do ở cao độ trên 1.500 m, kẹp giữa bên là Tây Côn Lĩnh, bên là Chiêu Lầu Thi, khe núi này hút gió khiến cho nhiệt độ luôn thấp hơn so với thị trấn Vinh Quang 3 – 5 độ mọi thời khắc trong ngày. Sương mù vương vất cả ngày lẫn đêm, nhờ thế mà những sản vật Túng Sán, từ con cá, con gà, đến cọng rau, hạt gạo… cảm giác thật khác lạ.
Theo chân Chu Văn Thanh vào đường mòn dẫn lên núi cao, khi qua khỏi những thửa ruộng thang, đến các vạt rừng, đã thấy cây trà cổ thụ mọc rải rác, chen bên những phiến đá lớn, có cây sức sống mạnh mẽ, chẻ đôi cả tảng đá để vươn lên. Nói đến trà shan cổ thụ, vùng nguyên liệu là thứ cực quan trọng bởi thể hiện cá tính, nội chất, hương vị phong phú trong trà. Nói chung về trà shan cổ thụ Hà Giang, đặc điểm nổi bật là vị ngọt nên thích hợp chế biến hồng trà. Riêng Túng Sán, bởi thổ nhưỡng kỳ lạ nên trà nơi này có mùi hương hoa lan, dịu nhẹ, quyến rũ, ít gặp từ các dòng trà shan cùng loại. Mới hiểu tại sao người Pháp ngày xưa cất công tìm đến đặt trạm khai thác, bởi nguyên liệu Túng Sán đem chế biến hồng trà rất hợp, đủ cả hương và vị, và ở Pháp, hồng trà là thức uống phổ biến được giới quý tộc xưa và nay ưa chuộng.
Càng lên cao, núi thêm dốc, các thửa ruộng thang mất dấu, thay vào đó rừng thêm rậm rạp. Lác đác đây đó những nóc mái của người Tày, người H’mông, Dao… Chu Văn Thanh kể: “Ngày xưa đường từ huyện vào đây khó đi lắm, người dân có đồ gì ngon, chờ đến chợ phiên thì bán, không là phải cõng sang Trung Quốc, đi bộ khoảng ngày rưỡi mới đến nơi, mua bán, trao đổi xong, mất khoảng hai – ba hôm thì đi bộ về lại”. Cũng nhờ còn giữ được ngôn ngữ qua thế hệ nên Văn Thanh có thể dễ dàng giao tiếp với người bản xứ, và mặt hàng phổ biến nhất để mang đi bán, cũng là những thứ ngày xưa tổ tiên Thanh kiếm tìm, chính là gỗ ngọc am, trà, thảo quả…
- Xem thêm: Du ngoạn mùa hè Sơn La – Mai Châu
Đi qua một rừng trà trên sườn dốc, cây to một người ôm mọc san sát, Văn Thanh giới thiệu đây là vùng trà của nhà chị Lý Thị Bằng, dân tộc Dao quần trắng. Đang dọn cây cối nơi vườn nhà, gặp khách thăm hỏi chuyện trà, chị vui vẻ tiếp chuyện: “Cây trà nhà mình nhiều đời rồi, không nhớ hết được, chỉ biết là tổ tiên truyền lại”. Thanh cho biết chị Bằng sống dựa vào nguồn thu chủ yếu từ trà, nhà khấm khá từ trà. Trò chuyện thêm, mới biết cả đời chị Bằng, cho đến giờ, chưa một lần đặt chân đến huyện, dù chỉ cách đó khoảng 20 cây số.
Chị bảo thêm: “Nhà mình bán mấy vụ trà, cũng mua được xe máy, nhưng vợ chồng không ai biết đi, gửi nhà quen ở dưới núi, khi nào muốn đi chợ phiên ngoài xã thứ Năm hàng tuần, đi bộ theo đường mòn xuống núi rồi nhờ ai rỗi thì chở đi giúp”.
Sống gắn với rừng, cảm giác như xa rời thế giới văn minh. Chuyến đi vùng trà Túng Sán tôi còn gặp được bác Cháng Seo Màn đúng lúc bác từ rừng về, cảm giác như gặp người cõi xa xôi nào chứ chẳng phải thời hiện đại, bởi trên tay bác Màn là cây cung, chỉ có điều thay cho mũi tên là túi đá nhặt từ ven suối. Hỏi về cây cung, bác Màn bảo: “Để mình đi săn chim rừng, chăn đuổi dê”. “Thế cung không dùng tên à bác?”- “Mình thay bằng đá cuội rồi, gài đá vào dây cung, giương lên là bắn thôi”. Đoạn bác thị phạm, tiếng bật vang lên, ngay sau đó là tiếng xé gió, tiếng lá rách của đường đạn bay, thật đầy uy lực.
Người trên núi thật quý khách, bác Màn lôi kéo bằng được khách lạ về ngôi nhà đang ngập trong sương mù, pha ấm trà từ cây cổ thụ sau nhà đãi khách. Hương trà thơm tỏa khắp gian bếp lửa ấm cúng, vị trà thật mạnh mẽ vì chế biến theo kiểu thủ công thô sơ, sao suốt như trà xanh, tuy không quen độ nặng nhưng không khó để thấy hương trà Túng Sán thật khác biệt, hiếm gặp ở các vùng trà shan khác, cùng độ ngọt hậu quen thuộc đặc trưng của trà shan Hà Giang. Bác Màn kể thêm: “Vài năm trở lại đây mới có người lạ đến chơi, chứ bao năm qua, chẳng ai đến nơi này cả”.
Các xưởng trà cũng dần phát triển, bà con Túng Sán giờ đây không phải gùi trà sang bên kia biên giới nữa, cuộc sống khá lên dần nhờ cây trà. Nhiều nhà sản xuất trà, người yêu trà, cũng bắt đầu tìm đến Túng Sán, để nghiên cứu, sản xuất, để chơi, để khám phá, để hiểu và thêm tự hào rằng Việt Nam lại có thêm một vùng trà shan cổ thụ để bảo tồn và phát triển thành đặc sản quê hương.