Nhạc điệu nằm sâu trong tâm thức hóa nghiệp duyên. Một duyên hai nợ ba tình… hóa sinh thể tinh thần. Trước khi bước vào con đường sáng tác âm nhạc, nhạc sĩ Đoàn Chuẩn từng là nghệ sĩ nổi tiếng biểu diễn đàn guitare hawaienne. Phải chăng tính uyển chuyển, lả lướt của loại nhạc cụ này đã ảnh hưởng không ít đến âm hình tiết tấu và âm hình giai điệu trong các ca khúc của con người tài hoa này như Gửi gió cho mây ngàn bay, Tình nghệ sĩ, Thu quyến rũ…
Người nhạc sĩ tài hoa đó sinh ra cách chúng ta đã gần tròn trăm năm. Số bài hát còn để lại cũng chỉ chừng đâu hơn 20 bài. Vậy mà mỗi độ thu sang, lòng người dậy những xôn xao không cớ, thèm nghe một tiếng thu réo rắt, thế là trong đầu cứ tự động bật lên những giai điệu không nhuốm màu thời gian của tác giả luôn ký cái tên kép: Đoàn Chuẩn – Từ Linh.
Cổ kim nặng lòng với mùa thu nào phải chỉ có ông, dòng tân nhạc Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX ghi dấu những nốt thu dìu dặt của Đặng Thế Phong, Văn Cao… nhưng những nốt thu của Đoàn Chuẩn – Từ Linh cứ riêng biệt tươi mới không hề lẫn, không hề ngả màu. Thu xưa nay vẫn lưu dấu trong sắc vàng, riêng Đoàn Chuẩn lại dệt nên một mùa thu xanh đến lạ.
Mọi người gọi ông là nhạc sĩ của mùa thu, vì thu xuất hiện trong hầu hết những bản nhạc của ông. Mùa thu là bối cảnh không gian, là hoài niệm thời gian, được nội hóa trong những tầng lớp xúc cảm làm say đắm lòng người. Thu là chứng nhân cho cuộc tình, giăng mắc khôn cùng, chạm khơi mạch nhớ, tơ vướng nỗi sầu. Ta quen nhau mùa thu (Tà áo xanh), yêu nhau cũng trong mùa thu Nhớ tới mùa thu năm xưa gửi nhau phong thư ngào ngạt hương (Lá thư), chia tay trong mùa thu Khi mùa thu đến báo, tình duyên đã dứt (Vàng phai mấy lá), đau đớn tột cùng trong mùa thu Thu đi cho lá vàng bay, lá rơi cho đám cưới về (Lá đổ muôn chiều), để rồi từ đó thu thành nỗi mong chờ, nhớ tiếc Anh mong chờ mùa thu, Thu nay vì đâu nhớ nhiều, thu nay vì đâu tiếc nhiều (Thu quyến rũ), từ đó mà vĩnh hằng vô tận Yêu một sớm nhớ nhau bao mùa thu (Cánh hoa duyên kiếp)…
Dễ dàng nhận ra thu trong nhạc Đoàn Chuẩn – Từ Linh đẹp lạ, một Thu quyến rũ. Đó không phải là thu điểm nhịp bởi giọt mưa hắt hiu Ngoài hiên giọt mưa thu tí tách rơi – Trời lắng u sầu mây hắt hiu ngừng trôi như nước mắt vợ chồng Ngâu trong Giọt mưa thu, Miền xa lời gió van thông ngàn – Ai oán thương ai tàn mơ vàng mang nỗi niềm lửng lơ vô định trong Con thuyền không bến của Đặng Thế Phong, hay bẽ bàng mong nhớ lòng người khuê phụ Đếm mùa thu chết, em ngồi đan áo, em thương nhớ chàng trong Buồn tàn thu của Văn Cao. Thu của Đoàn Chuẩn – Từ Linh không tàn, không chết mà được dệt bằng mộng, bằng mơ, giăng mắc nắng gió, bướm hoa của một mùa tình, vì vậy mà rạo rực, xôn xao như muôn tiếng gì reo vang trong nắng: Trời đất kia ngả màu xanh lơ – Đàn bướm xinh đùa vui trên muôn hoa – Bên những bông hồng đẹp xinh (Thu quyến rũ). Khách ly hương mơ thu, giấc mơ, người mơ… thu mang vẻ đẹp như mơ, vậy nên thu trong ông cứ mãi tươi mãi thắm, thậm chí có tàn thì cũng không phai. Ấn tượng sao một mùa thu xanh quen thương đến lạ lùng.
Trong nhạc Đoàn Chuẩn – Từ Linh, thỉnh thoảng ta vẫn bắt gặp mùa thu buồn với lá vàng rơi rụng, mang ý nghĩa tượng trưng cho tình hết, người đi, mộng dứt. Thế nhưng gam vàng trầm buồn này không lấn át được gam màu chính trải ngan ngát trên những nốt nhạc của ông là màu xanh. Từ sắc xanh cụ thể xanh trời (trời đất ngả màu xanh lơ), xanh lá (trên cây có lá xanh), xanh áo (với bao tà áo xanh đây mùa thu), đến nghiêng sang màu xanh của mộng, của ảo: đã có ánh trăng màu xanh lá thư lại có lá thư màu xanh ái ân (Gửi gió cho mây ngàn bay)… Xanh ái ân, xanh màu yêu… Thực và mộng hòa lẫn, đồng nhất: áo xanh – thư xanh – xanh ái ân… Lăng kính của tâm cảm chi phối lên ngoại cảnh, để từ đó nhìn đâu cũng ra một sắc xanh. Mùa thu với Đoàn Chuẩn – Từ Linh là mùa mơ, mùa yêu, gắn với người yêu, người mơ, dệt nên sắc xanh ngan ngát.
Mùa thu xanh trong nhạc Đoàn Chuẩn – Từ Linh chính là được dệt nên từ tâm hồn xanh ngát của ông. Mùa thu, mùa tình trong âm nhạc của ông – cũng giống như phần lớn những cuộc tình trong nhạc trong thơ – không phải là những cuộc tình tròn đầy, viên mãn, kết thúc có hậu để lại gam màu tươi sáng. Tình đều là tình dứt, mộng là mộng tan, người biệt ly, duyên đứt gánh. Ấy vậy mà lời nhạc không hề bi lụy não nề, oán trách nặng lời. Có đau, có trách, thì cũng là trách rất nhẹ: Người về lặng lẽ sao đành (Tà áo xanh), thậm chí là trách anh: Anh đi quên dáng xưa, anh đi quên ước mơ (Màu nắng có bao giờ phai đâu). Bài hát day dứt nhất, có âm điệu, ca từ buồn bã nhất của ông có lẽ là Lá đổ muôn chiều: Lá đổ muôn chiều ôi lá úa, phải chăng là nước mắt người đi. Xót xa từ giai điệu đến ca từ: Có những đêm về sáng, đời sao buồn chi mấy cố nhân ơi, nhưng ngẫm kỹ lại là đau cho người hơn là cho mình, trách người đã vội chi men rượu nhấp đôi môi thì sâu thẳm cũng là vì thương người mà phung phí đời em không tiếc nhớ. Trách cũng là trách duyên kiếp, chứ không trách em: Ai xui ta gặp nhau, để tình gây oan trái – Để tình anh bẽ bàng, và tình em lỡ làng (Cánh hoa duyên kiếp). Đau mà không lụy, xét cho cùng là ở góc nhìn, yêu người, nghĩ cho người, lấy người làm trung tâm, nên em trong nhạc của ông đẹp, tươi, sáng, chia tay không băn khoăn được mất Dù hạnh phúc có ra đi, nhưng tình ta còn đó (Màu nắng có bao giờ phai đâu). Tình yêu rộng lớn, bao dung mang dấu ấn trái tim xanh mà dệt nên những nốt nhạc xanh.
Đoàn Chuẩn – Từ Linh dành cho em những ca từ đẹp đẽ nhất. Em đến với tà ánh xanh tươi trẻ, giàu mộng mơ từ đó mà theo ông suốt dòng chảy âm nhạc một đời. Tình em được so sánh đẹp đẽ rộng lớn dường nào: Tình em như mây trong mùa thu bay rợp lối (Cánh hoa duyên kiếp). Em là linh hồn của mùa thu, thu cũng vì em mà làm một cuộc hóa thân tình yêu, rạng ngời, tỏa sáng: Em hãy mở tung cửa sổ, gió thu về chải tóc cho em… Em hãy mở tung cửa sổ, nắng thu về ủ ấm tim em. Biết mấy trân trọng, biết mấy nâng niu. Nên em có đi thì cũng vương vấn mà nhẹ nhàng đến thế: Nhưng một sớm mùa thu, giữa chân trời xanh ngát, nàng đi gót hài xanh. Lòng người ở lại cũng gửi theo nhẹ nhàng như thế: Nàng đi cho dạ sao đành, đừng quên lối cũ ân tình nghĩa xưa. (Gửi người em gái). Vậy thôi, cuộc đời tụ tán, tình yêu không tròn, lòng người nuối tiếc, âu cũng đành. Còn trong lòng nhau lối cũ, nghĩa xưa. Đẹp.
Dòng chảy tân nhạc những năm đầu thế kỷ XX cho ra những hồn thơ – hồn nhạc chắt lọc tinh túy Đông – Tây mà biến hóa, tài hoa về giai điệu, đẹp đẽ về ca từ giàu hồn thơ ý nhạc. Dễ nhận thấy trong những bản nhạc của các nhạc sĩ thời kỳ này, nếu tách phần ca từ độc lập thì sẽ là những bài thơ đích thực. Đoàn Chuẩn – Từ Linh hội tụ đầy đủ vẻ đẹp này. Ông dùng dạng câu 7 chữ thuần thơ cổ phương Đông, nhắc lại những điển tích tình yêu Phù Sai, Tây Thi, Bao Tự, Dương Quý Phi trong chiều sâu của nguồn mạch văn hóa Để có những chiều im tắm nắng – Người ta nhớ lại mối tình đi – Theo trăng không ngủ anh thao thức – Sao nỡ dối lòng Dương Quý Phi (Tâm sự). Thấu hiểu lẽ đời mà nhẹ tênh. Nhạc dìu ca từ bay trong nắng. Để bây giờ, yêu không đành, mà trách cũng không đành, mà dứt cũng không đành (Vàng phai mấy lá).
Đành lòng vậy, cầm bằng thôi… Thời gian trôi hay con người tự trôi… Con người ký thác trong hiện hữu không gian. Thu đến thu đi… lá vàng lại rơi. Thu lòng người hồ dễ không ai giống ai. Sau này, nhạc Trịnh mang cảm thức ám ảnh thiên thu. Những mai hồng ngồi nhớ thiên thu… Vạt nắng vàng, nhắc lời thiên thu… Bờ bến thiên thu chìm dưới cơn mưa… Hỏi ai, tự hỏi mình… tự trả lời riêng mình… Hỏi về đời sống tìm những xác tín khác nhau trước cuộc đời. Còn bao lâu cho thiên thu xuống trên thân này… Ấy là nỗi niềm Nhìn những mùa thu đi… chớp bóng phù du… nở Đóa hoa vô thường. Ở Đoàn Chuẩn, đau đáu mà giản dị hằng thường, giai điệu thu man mác nhẹ buồn thương, thu sang vẫn chưa tàn, nắng vàng đồng hiện sáng, mây xao lòng ngọn gió thu đông. Cuộc hôn phối ý tình hình nhạc.
Nhà thơ thường dừng lại ở từ ngữ, họa sĩ ở màu sắc, nhạc sĩ ở âm thanh. Âm nhạc, hội họa, thơ ca… đều sử dụng nhịp chuyển. Chuyển từ nắng hạ vàng sang giọt đông trắng là tiếng thu buồn thương man mác tim trần. Vọng đưa giai điệu Gửi gió cho mây ngàn bay lặng tỏa niềm yêu thương, bâng khuâng, luyến tiếc… Tiếng thu xanh tạo cho tác giả một phong cách riêng: trữ tình lãng mạn, trong sáng lành mạnh, lồng trong nét nhạc có nhiều phách nghịch, nhiều bước nhảy lớn (quãng bảy, quãng tám) vẫn mang tính dịu dàng, thanh thoát… như tiếng đàn Ha-uy-di của ông. Với bao tà áo xanh đây mùa thu… Gửi thêm ánh trăng màu xanh lá thư về đây với thu trần gian… Có bao màu sắc vọng âm thanh vườn Địa đàng. Đếm sao hết những tiếng thu xanh. Xanh biêng biếc, xanh lửng lơ, xanh rười rượi, xanh thấp thỏm, xanh ngơ ngẩn, xanh trắng nắng, xanh ấm tim trần… Tim lăn trên đường mòn… chợt lặng tiếng thu xanh…
- Xem thêm: Tản mạn người xưa chuyện xưa
Trong những ngày chớm thu nắng hanh hao ngoài cửa sổ, mở đĩa nhạc Đoàn Chuẩn – Từ Linh, ngồi nghe giọng nghệ sĩ quá cố Lê Dung cao vút réo rắt như nắng thu… mà như không khí thu dệt ngát quanh mình. Không hiểu sao, trong các nghệ sĩ hát nhạc Đoàn Chuẩn – Từ Linh, tôi cảm thấy Lê Dung có một sự khế hợp kỳ diệu nhất, như thể Khánh Ly với nhạc Trịnh, Thái Thanh với Văn Cao… Chất giọng giàu nội lực, thiên về gam cao, sáng, tha thiết mà nhẹ nhàng… như một mùa thu ngân nga nắng, nghe thế nào cũng biếc xanh sự sống, xanh tình yêu. Người sáng tác và người hát đều không còn, nhưng giai điệu, lời ca vẫn để lại cho đời, du dương bất tận. Lòng xanh, tình xanh, thu xanh… Ừ thì màu nắng có bao giờ phai đâu…