Được vợ tự hào, được bà con nội ngoại cùng bạn bè khen ngợi là một người chồng tốt, có bản lĩnh thì cũng đáng hãnh diện lắm chứ! Nhưng đàn ông chỉ được có thế thôi sao?!…
“Đàn ông gì mà so đo, tính toán với vợ lắm thế!”, “Làm chồng, làm cha thì phải biết hy sinh cho vợ, cho con chứ!”, “Chồng em cao cả quá!”… Những câu trách móc hoặc tâng bốc đại loại như thế nhiều khi lại chính là nguyên nhân khiến một số ông chồng càng trở nên “bí ẩn” hơn. Họ ít khi dám hạch sách vợ theo kiểu như phụ nữ thường làm với chồng, có chăng chỉ là những lúc đã chuếnh choáng hơi men. Như đã trở thành quy luật, làm đàn ông thì phải biết nhường nhịn, rộng lượng và chịu thiệt thòi hơn phụ nữ. Khi chưa yêu thì phải đi chinh phục, khi yêu rồi thì phải nâng niu, chiều chuộng “một nửa còn lại” của mình, còn khi “ván đã đóng thuyền” thì phải cố gắng làm sao cho vợ được hạnh phúc. Đó mới là bản lĩnh của bậc đại trượng phu!
Tuy nhiên, phụ nữ có thiên chức làm mẹ, làm vợ thì nam giới cũng có thiên chức làm chồng, làm cha, với đầy đủ những quyền hạn và nghĩa vụ của mình. Có hai chị em lâu ngày gặp lại, sau đôi lời thăm hỏi, cô em bắt đầu than vãn: “Dạo này em với nhà em xảy ra chiến tranh lạnh. Anh ấy bảo em là người chẳng tâm lý gì cả. Nhưng khổ nỗi anh ấy thích gì, nghĩ gì lại không nói. Chồng gì rắc rối, bí ẩn thế không biết”. Nghe thế, người chị liền tư vấn: “Đàn ông cũng… con nít lắm em ơi! Với vợ thì họ chẳng thích gì to tát cả. Chỉ thích nấu ăn ngon, thích được âu yếm, vuốt ve, thích được khen ngợi, ngưỡng mộ. Thế thôi!”.
Rượu vào lời ra. Có khi, bí mật trong mong muốn của đàn ông lại được bật mí bởi chính các khổ chủ. Cứ nghe câu chuyện của hai người đàn ông sau thì rõ. Anh A nói: “Vợ bác trông rất giống “người mẫu”! Lúc nào cũng nổi bật hẳn lên. Chảng bù cho nhà em luôn chìm lỉm. Bác mặc sức hãnh diện nhé!”. Những tưởng sẽ được dịp nở mày, nở mặt, nào ngờ anh B lại đau khổ than vãn: “Ôi! Hãnh diện cái quái gì, chú em! Anh thì thích giản dị, tự nhiên mà chị ấy thì… Mỗi khi ra đường, anh thấy mình với vợ cứ… so le thế nào ấy!”. “Thì anh cũng phải “hình thức” lên một chút!” – anh chồng trẻ gợi ý. Anh B lại tiếp tục ngao ngán: “Vợ không tinh ý giúp thì thôi chứ anh chẳng tự chải chuốt cho chính mình được. Tiếc rằng…”.
Như bắt trúng đài, anh A tâm sự: “Em thì cũng sung sướng gì đâu! Vợ em trẻ người non dạ lắm, chẳng biết “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ” nghĩa là gì cả. Đã thế còn học đòi “quyết đoán”, tự dàn xếp mọi thứ trong nhà mà chẳng cần hỏi ý em”. Trên thực tế, đi vào cuộc sống gia đình là đi vào một thỏa thuận ngầm: vợ chồng là “nô lệ” của nhau nên cũng là “chủ nhân” của nhau. Vì thế, điều quan trọng là mọi thứ cần phải được thông qua và thống nhất giữa hai người. Người đàn ông bao giờ cũng tự coi mình là trụ cột trong nhà, nếu vợ có thái độ “lên mặt” thì rất dễ làm anh ta tự ái. Khi có thu nhập cao, dù người vợ hoàn toàn có khả năng tự lo chi tiêu cho cả gia đình, nhưng tốt hơn hết vẫn nên để người chồng cùng chia sẻ trách nhiệm đó. Có như vậy, người chồng mới cảm thấy mình được tôn trọng, tự tin và thoải mái hơn.
Người ta bảo đằng sau sự thành công của người đàn ông luôn có bóng dáng của người phụ nữ. Điều đó đúng nhưng chưa đủ, bởi trong cuộc sống không phải lúc nào người đàn ông cũng thành công. Vì thế, nhiều ông đã đau khổ bổ sung rằng: “Đằng sau sự thất bại và những giây phút đau buồn của người đàn ông rất cần có sự cảm thông, an ủi và chở che của người phụ nữ”!
Giá như mọi phụ nữ đều thấu hiểu điều đó!