Với những bộ tộc săn bắt – hái lượm ở Philippines, đảo quốc có chủ quyền tại Đông Nam Á, tài kể chuyện được xem có giá trị hơn bất cứ kỹ năng nào. Người kể chuyện hay nhất không chỉ thường xuyên được tặng quà mà còn được xem như đối tượng kết hôn lý tưởng, người tình quyến rũ nhất. Họ cũng là người đặc biệt được trọng vọng trong các bộ tộc vẫn gìn giữ lối sống từ thời nguyên thủy này.
Ngày xửa ngày xưa, mặt trời và mặt trăng không ngừng tranh cãi xem ai mới là người xứng đáng thắp sáng bầu trời. Họ đánh nhau kịch liệt, nhưng sau một thời gian chiếu sáng ban ngày như mặt trời, mặt trăng quyết định thay đổi. Nó nhường vị trí lại cho mặt trời, tự rút về đêm. Đây là nội dung sơ lược của một trong nhiều truyện truyền miệng được kể bởi Agta, một nhóm sắn bắt – hái lượm của Philippines.
Người Agta thường dành nhiều thời gian để kéo sợi dệt vải giúp nhau. Câu chuyện mà họ kể khác với sự cố ý nâng cao vai trò nam giới, xem nhẹ phụ nữ của hầu hết các nền văn hóa trên cả phương Đông lẫn phương Tây, luôn truyền tải chủ đề hợp tác và bình đẳng. Không phải mặt trăng thua cuộc trong chiến tranh giành ngôi với mặt trời. mà mặt trăng tự nguyện cùng mặt trời phân chia công việc chiếu sáng nhân gian.
Kể chuyện là đặc điểm phổ biến của loài người. Nó xuất hiện từ thời xa xưa, tồn tại trong mọi nền văn hóa. Một số câu chuyện có thể có tuổi thọ đến 6.000 năm. Tất nhiên, truyện dân gian không nhất thiết phải có tuổi bằng thời gian song, nó chắc chắn cũ hơn văn học viết. Bởi sự cổ xưa và tính phổ biến của nó, một số học giả xem kể chuyện là một trong các hình thức thích nghi của con người. Trong cộng đồng Agta, kể chuyện đóng vai trò là một phần của giáo dục xã hội, thấm đẫm lý tưởng đạo đức hợp tác.
Cộng đồng Agta của Philippines là một bộ tộc du mục. Họ liên tục thay đổi chỗ cắm trại. Cộng đồng Agta cũng phân chia vai trò, trong đó có thợ săn, người đánh cá, người cắt cỏ, người được trọng vọng nhất, người có kiến thức y khoa xuất sắc nhất. Tuy nhiên, kỹ năng được người Agta coi trọng hơn cả là tài kể chuyện. Trong nhóm du mục Agta, người kể chuyện hay nhất cũng là người được xem như đối tượng kết hôn lý tưởng nhất. Họ thậm chí được đánh giá cao gấp đôi một thợ săn giỏi.
Hầu hết những truyện truyền miệng của Agta đều xoay quanh chủ đề bình quyền và bình đẳng giới, hợp tác, giúp đỡ lẫn nhau. Không chỉ mặt trăng, mặt trời bắt tay san sẻ công việc mà cả con lợn lòi cũng giúp đỡ con lợn biển, đối thủ đấu tranh của nó, để có thể thực hiện cuộc chạy đua trên bờ biển một cách công bằng. Một con kiến có cánh không hề tỏ ta kênh kiệu, tưởng mình cao sang hơn các chị em không có cánh khác.
Không riêng Agta, 70% các truyện truyền miệng từ các nhóm săn bắt – hái lượm khác của Philippines cũng mang chủ đề này. Trong thực tế, cuộc sống săn bắt – hái lượm buộc các nhóm du mục Philippines phải di chuyển liên tục. Họ dễ dàng nhận thức không ai là người siêu đặc biệt. Hợp tác bình đẳng mới là cách hiệu quả nhất để đảm bảo an toàn và sống còn.
Trong khi phần lớn các nền văn hóa tiền hiện đại đều lấy thần linh và sự trừng phạt thảm khốc của thần linh để đe nẹt, giáo huấn đạo đức, văn hóa trong các bộ tộc săn bắt – hái lượm không cần viện đến sức mạnh siêu nhiên. Lịch sử nhân loại ghi nhận, việc hình thành tôn giáo chỉ xuất hiện khi có sự phân chia giai cấp, giàu nghèo trong xã hội. Là một cộng đồng vẫn ở trong giai đoạn tiền sử, Agta sử dụng câu chuyện với mục đích duy nhất: khuyên bảo “hợp tác thì sống, chia rẽ là chết”.
Người Agta yêu thích kể chuyện và tụ họp. Đương nhiên, ở xã hội không thịnh hành các phương tiện truyền thông, sách báo, trò chơi điện tử… người ta ưa tụ họp chuyện phiếm không phải điều gì lạ lẫm. Thêm vào đó, trong tập thể trọng sự hợp tác, thời gian làm việc sẽ rút ngắn còn thì giờ rảnh rỗi dồi dào. Người ta cần những câu chuyện để mua vui.
Nhưng các nguyên nhân này không đủ để lý giải tại sao người Agta chỉ tập trung vào duy nhất một chủ đề: hợp tác bình đẳng. Những câu chuyện hài hước, vui nhộn hoàn toàn vắng bóng. Và, chắc chắn, chúng càng không đủ để lý giải tại sao người có kỹ năng kể chuyện thuyết phục nhất lại được trọng vọng hơn tất thảy.
Không chỉ được xem là đối tượng kết hôn lý tưởng, người kể chuyện giỏi nhất còn là người luôn nhận được nhiều phần thưởng, quà biếu. Đại đa số người kể chuyện của Agta đều là phụ nữ đã có con. Hầu hết họ đều có nhiều con hơn các chị em khác. Chúng ta thường nghe kể chuyện cũng như các hoạt động văn hóa ca hát, nhảy múa, đều giúp người với người xích lại gần nhau.
Như nhận định của Lisa Zunshine (Anh), “sáng tạo đi liền với việc thể hiện cá tính riêng biệt. Điều này có thể khiến người sáng tạo trở thành đối tượng tình ái hấp dẫn hơn người khác”. Ở Agta, nếu được hỏi ai là người xuất sắc nhất của bộ tộc, sẽ không có thợ săn, người trông trẻ giỏi nhất được gọi tên, chỉ người kể chuyện được giới thiệu. Rõ ràng, trong cuộc sống săn bắt – hái lượm, kể chuyện đóng vai trò tiên quyết.
Có phải vì các thợ săn – người hái lượm nhận thức được, kể chuyện là hình thức thích nghi có lợi nhất, nên mới đặc biệt coi trọng? Trong các cộng đồng khác, ví dụ Tsimane, tộc người da đỏ bản địa sinh sống tại các khu rừng nhiệt đới của Bolivia (quốc gia ở Nam Mỹ), kể chuyện cũng đóng vai trò tương tự. Nó không mang vác nghĩa vụ nào khác ngoài việc củng cố các hành vi đạo đức.
Dù không cố ý, truyện dân gian vẫn chứa đựng những tri thức văn hóa giá trị khác. Người kể chuyện chính là nhân tố làm nên sự thịnh vượng của kho kiến thức này. Đó là lý do, ngoài việc truyền tải thông điệp đạo đức, truyện truyền miệng của người Agta còn cho thấy các thông tin về thực phẩm, thời tiết, đời sống…
Rất khó để phát hiện các thông tin khác thông điệp đạo đức trong truyện dân gian của các bộ tộc săn bắt – hái lượm. Nó thường được “mã hóa” trong các chi tiết, khiến người đọc dễ bỏ lỡ. Ví dụ: trong câu chuyện hai vị thần thời tiết tranh cãi nhau kịch liệt về việc quản lý gió của người Andaman (Quần đảo Andaman), họ cuối cùng giải quyết bằng cách chia nhỏ các nhiệm tạo ra gió, cùng nhau gánh vác.
Không khó để bạn nhận ra đây là câu chuyện khuyên răn tránh xung đột song, bạn có biết nó cũng hàm chứa thông tin về các sức gió ở quần đảo Andaman? Tương tự, một câu chuyện khác kể về con kỳ đà vào rừng săn lợn lòi, xui xẻo mắc kẹt trên cây. Nó may mắn được một “cô” cầy hương cứu thoát và rồi quyết định chung sống với “nàng” trọn đời.
Lập tức, bạn nhận ra câu chuyện này mang bài học hợp tác giới tính, không phân biệt, kỳ thị chủng tộc. Nhưng bạn có để ý nó cũng bao gồm các thông tin về môi trường sống, chế độ ăn uống của hệ động vật trên đảo?
Người kể chuyện dân gian có ý hay chỉ vô tình truyền đạt các kiến thức này, rất khó để khẳng định. Tuy nhiên, có vẻ nghiêng về phía “không” thì hợp lý hơn. Nhưng nếu như vậy, làm sao giải thích vị trí “tối cao” của người kể chuyện trọng cộng đồng Agta?
Chúng ta đều biết thoạt đầu các câu chuyện không đặt nặng mục đích sử dụng mai sau. Người kể chuyện đơn giản kể câu chuyện mà họ thấy có ý nghĩa giáo dục rõ ràng. Chính sự đam mê với các nội dung mới là thứ khiến chúng ta xây thêm lớp lớp thành lũy cho câu chuyện, làm nó trở nên tương thích với nhiều mục đích khác nhau, phù hợp với mỗi giai đoạn lịch sử. Văn hóa tiếng Maya từng lưu truyền câu chuyện về con quỷ dâm dục có cánh với dương vật dài 6 mét, kẻ đặt quy tắc cho các vai trò tình dục thích hợp với nam giới và nữ giới.
Thay vì thúc đẩy bình đẳng giới, câu chuyện về con quỷ dâm dục này cổ xúy nam nhân và hạn chế nữ quyền. Câu chuyện có thể không đem đến thông điệp yêu thương, coi trọng lẫn nhau mà ngược lại, kích động sự thù hằn. Đó là lý do tại sao những người kể chuyện của Agta, trong thế giới đầy rẫy mưu toan, tranh chấp hiện tại, lại đáng yêu đến thế. Dù chưa biết chính xác nguyên nhân dẫn đến việc được trọng đãi đặc biệt trong xã hội của họ là gì, chỉ với một lý do này, cũng đủ để xác nhận: người kể chuyện xứng đáng được tôn kính.