Ba phần tư của năm 2013 đã trôi qua nhưng nền kinh tế vẫn chưa thoát khỏi giai đoạn trì trệ, chưa cải thiện được cả về tốc độ lẫn chất lượng tăng trưởng. Nguy cơ tái lạm phát cao vẫn còn: Sau nhiều tháng tăng không đáng kể, hai tháng gần đây chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã tăng mạnh. Theo Tổng cục thống kê, chỉ số CPI cả nước tháng 8 tăng 0,83% so với tháng 7; tháng 9 tăng 1,06% so với tháng 8 và tăng 6,83% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng mạnh nhất từ đầu năm đến nay.
Nguyên nhân sự trì trệ có nhiều, chủ yếu là những vấn đề nội tại chưa được giải quyết, dòng tín dụng bị tắc nghẽn do nền kinh tế không hấp thụ được vốn. Nếu lạm phát kỳ vọng năm nay là 7%, thì việc hạ lãi suất tiết kiệm tiền gửi các kỳ hạn dưới 12 tháng không còn dư địa (hiện là 7%/năm), đồng nghĩa với việc lãi suất cho vay không thể giảm thêm, đặc biệt là với các khoản vay trung, dài hạn dành cho các đơn vị sản xuất. Nếu quá tập trung cho mục tiêu ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, không duy trì tổng vốn đầu tư xã hội ở mức hợp lý và cần thiết để đảm bảo cho các doanh nghiệp có điều kiện tiêu thụ hàng hóa, mối nguy trì trệ vẫn còn. Một sự tăng trưởng không hợp lý còn khiến cho các doanh nghiệp thu hẹp hoạt động, ảnh hưởng đến thu ngân sách và việc làm của người lao động.
Đầu tư tư nhân gặp khó khăn, nên dù lãi suất tiền gửi thấp như hiện nay, hoạt động huy động vốn của các ngân hàng vẫn khá dễ dàng. Chiều ngược lại, việc cho vay của các ngân hàng tiếp tục gặp rất nhiều khó khăn. Dù những tháng cuối năm là cao điểm của hoạt động sản xuất kinh doanh, nền kinh tế sẽ đói vốn, nhưng các ngân hàng thương mại cũng không quá kỳ vọng mọi chuyện sẽ suôn sẻ. Bởi với tình hình của các doanh nghiệp hiện nay, không nhiều đơn vị đủ điều kiện tiếp cận với ngân hàng và khiến các ngân hàng bớt đề phòng rủi ro để quyết định cho vay. Dù vẫn có những thông tin về các ngân hàng đã giải ngân những khoản vay lớn, một tháng bơm ra hàng ngàn tỉ đồng… thì mức tăng trưởng tín dụng 12% của toàn hệ thống vẫn không dễ đạt được, do những khoản vay lớn của các ngân hàng vào cuối năm trước cũng đến ngày đáo hạn.
Tuy nhiên, bức tranh kinh tế không chỉ có gam màu trầm. Điểm tích cực nhất là các chỉ báo kinh tế vĩ mô được cải thiện theo hướng ổn định hơn, dự trữ ngoại hối tăng cao, tỷ giá được bình ổn. Tốc độ tăng trưởng kinh tế năm nay quý sau vẫn đang cao hơn quý trước, cho thấy nền kinh tế có dấu hiệu dần hồi phục. Kinh tế vĩ mô được kiểm soát ổn định dù tình hình sản xuất công nghiệp chưa được cải thiện nhiều. Riêng tiêu dùng của khu vực dân cư là một điểm sáng: Theo thống kê, tiêu dùng của người dân chín tháng đầu năm nay tăng 5,34% so với cùng kỳ năm trước. Riêng yếu tố này đã đóng góp 4,07 điểm phần trăm vào tăng trưởng kinh tế chín tháng đầu năm nay.
Một nhân tố quan trọng khác là đầu tư. Vốn đầu tư thực hiện theo giá hiện hành chín tháng đầu năm đạt 755,9 ngàn tỉ đồng, tăng 6,1% so cùng kỳ năm trước, chiếm 31,2% giá trị GDP tương ứng. Cả ba khu vực nhà nước, ngoài nhà nước và đầu tư trực tiếp nước ngoài đều cho thấy vốn đầu tư thực hiện có tăng so với cùng kỳ năm trước. Trong khi thu ngân sách nhà nước gặp khó khăn, vốn đầu tư thuộc khu vực nhà nước vẫn tăng 4,2%, chứng tỏ Nhà nước đã có những giải pháp ứng trước vốn đầu tư từ nguồn ngân sách và trái phiếu chính phủ để giúp doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh.
Và một điểm khá quan trọng, mặt bằng lãi suất hiện đã ngang với thời điểm của năm 2005-2006, ổn định và khá thấp, nên các doanh nghiệp có thể lấy lãi suất này làm điểm mốc để lên kế hoạch kinh doanh phù hợp.
Minh Hằng