Mũi Đại Lãnh thuộc bờ biển tỉnh Phú Yên còn được người dân gọi là Mũi Nạy, Mũi Diều, Mũi Chùa và sau khi ngọn hải đăng được xây dựng xong vào khoảng năm 1903-1904, mũi Đại Lãnh còn có thêm tên là Mũi Điện.
Trên các bản đồ phương Tây, mũi Đại Lãnh được ghi là Cap Varella. Tại sao có tên Varella?
Vào trang Wikipedia tiếng Việt tìm “Mũi Đại Lãnh” sẽ có được thông tin: “Mũi Đại Lãnh do một tướng người Pháp tên Varella phát hiện nên có tên gọi trước đây là Cap Varella trên các bản đồ cũ”.
Dựa vào thông tin của Wikipedia nên tất cả các bài viết đều khẳng định địa danh Varella là tên của viên sĩ quan người Pháp tên Varella, người phát hiện ra mũi Đại Lãnh vào thế kỷ XIX[1].
Ý nghĩa của từ ngữ Varella
Năm 1637, nhà buôn người Anh là Peter Mundy (1597-1667) trong bản tường trình The travels of Peter Mundy in Europe and Asia có nhắc đến địa danh Varella: “Ngày 18-6-1637 (tàu) chúng tôi đi ngang qua Varella, một tảng đá đá lớn thẳng đứng giống như một cái tháp tọa lạc gần đỉnh của một dãy núi cao gần biển…Tảng đá Varella này phân chia nước Champa và Đàng Trong (Cauchin-China) mà cả hai vương quốc này luôn tìm cách thâu địa danh này cho riêng mình”[2].
Bản đồ trong tài liệu năm 1651 và 1653 của giáo sĩ Alexandre de Rhodes đã có địa danh Ponto da Varella ngay ranh giới giữa xứ Đàng Trong và Vương quốc Champa. Như vậy, địa danh Varella đã có trước thế kỷ XVII chứ không phải đến thế kỷ XIX mới xuất hiện. Vậy Varella nghĩa là gì?
Ông Nguyễn Lục Gia cho rằng: “Danh xưng Varella ban đầu được các nhà hàng hải áp dụng chỉ với riêng tảng đá trên đỉnh núi đoạn ngang qua bờ biển Champa”. Ông đã trích tập Advertencias para a navegacão da India – Roteiros (Những tài liệu giới thiệu về ngành hàng hải ở Ấn Độ – Các tập hải đồ) của người Bồ Đào Nha có niên đại khoảng giữa thế kỷ XVI, trong đó tập hải đồ số 1 mô tả giải thích: “… mũi Varella này ở ngang tầm với chỗ còn thiếu một tí nữa là vĩ độ 13 độ Bắc; đây là một ngọn núi cao, và khi anh đến gần nó thì anh sẽ thấy trên đỉnh núi có một tảng đá với hình thù của một núi đá linh thiêng (Varella), đến đây những người đi biển Trung Hoa thường tìm lên để lễ bái”. Tập hải đồ số 12 có cùng cách lý giải: “Varella là chỗ đất cao, nó tiến ra sát bờ biển và nó có ở trên đỉnh núi một núi đá giống như một cái tháp mà những người Trung Hoa gọi là Varella, nó có nghĩa giống như một cái đền, chùa”[3].
Tự điển tiếng Bồ Đào Nha và tiếng Anh (1773) thì cho biết: “Varella hay Varela chỉ chùa hay đền thờ thần của người Ấn Độ hay tu viện của họ”[4].
Bản đồ năm 1823 cho thấy Cap Varella còn gọi là Pagoda Cape (Mũi Chùa). Như vậy, từ “Chùa” phù hợp với nghĩa của từ Varella trong tiếng Bồ Đào Nha.
Từ xa xưa, người Chămpa xem núi Đá Bia (Thạch Bi Sơn)là ngọn núi thiêng với tên gọi Lingaparvata (Linga – Đấng Đại sơn thần). Từ xa nhìn khối Đá Bia trông giống như cái linga (dương vật). Linga là biểu tượng của thần Siva. Ấn Độ giáo du nhập vào vương quốc Chămpa, thần Siva được người Chămpa suy tôn là “Thần của các vị thần”, là “Chúa tể của muôn loài”.
Cap Varella “thật” và Cap Varella “giả”
Trên bản đồ phương Tây, dọc theo bờ biển Việt Nam có hai nơi mang địa danh Varella. Varella “thật” được ghi: Cap Varella, Cap Varela, Avarella, Pr. Varella verum (verum tiếng La tinh: đúng, thật) hoặc bản đồ An Nam đại quốc họa đồ năm 1838 ghi “Mũi Nại seu Varella promontorium”(Mũi Nại hoặc mũi Varella- “Seu” tiếng La tinh có nghĩa là “hoặc”). Varella “giả” được ghi: Faux cap Varella, False cap Varella, Falsa Avarella, Pr.Varella falsum, Avarellafalsa (Pr. là viết tắt của từ “Promontorium hoặc Promunturium” tiếng La tinh có nghĩa là mũi, mỏm đá nhô ra biển. Faux [Pháp], False [Anh], Falsa/Falsum [La tinh]có nghĩa là sai, giả). Người Việt gọi Varella “thật” là Mũi Nại, Mũi Diều, mũi Đại Lãnh, còn Varella “giả” là mũi Đá Vách. Hai địa điểm này cách nhau khoảng 70 dặm.
Cap Varella “thật”
Năm 1885, Aymonier theo đoàn quân Pháp ra dẹp phong trào Cần vương Bình Thuận, Khánh Hòa có ghi chép khá kỹ về vị trí Cap Varella “thật”: “Enfin, la province est bornée au Nord par la grande chaine[*] qui va plonger son dernier contrefort au cap dit de Varella”[5] (Và cuối cùng tỉnh Khánh Hòa được giới hạn về phía Bắc bởi dãy núi lớn đâm ra bờ biển như pháo đài gọi là Varella). Ông Aymonier xác định thêm: “A ce cap Varella ou cap de la Pagode, le Mũi Nại des Annamites finit la côte de la province du Khanh Hoa qui”[6] (Từ cái mũi Varella này, hay là Mũi Chùa, Mũi Nại của người An Nam là chấm dứt đường bờ biển của tỉnh Khánh Hòa). Annuaire Général de l’Indochine 1910 xác định: “C’est au Varella que se termine la province du Phu Yen et que commence celle du Khanh Hoa”[7] (Chính ở Varella mà kết thúc tỉnh Phú Yên rồi bắt đầu tỉnh Khánh Hòa).
Cap Varella “giả”
Dọc bờ biển về phía Nam cách mũi Đại Lãnh khoảng 70 dặm có một địa điểm mang tên “faux cap Varella” (mũi Varella giả).
Aymonier ghi chép khá kỹ về khu vực Faux cap Varella: “Par une trouée basse où passe la route Mandarine, lance dans la mer, vers le Nord-Est, une pointe que les Annamites appellent Mũi Đá Vách, le cap du mur de pierre” et que les Européens portent souvent sur leurs cartes sous la désignation de faux cap Varella”[8] (Con đường Cái quan đã đi qua lỗ hổng dài và thấp ấy. Phía Đông Bắc núi đồi chìa ra biển một mũi nhọn mà dân An Nam gọi là mũi Đá Vách. Mũi Đá Vách mà người Âu châu ghi trên bản đồ là Varella giả).
Phía Nam cửa vịnh Cam Ranh đến mũi Đá Vách là một chuỗi dãy bức tường đá dài hàng mấy cây số: “La pointe du Sud se relie au faux cap Varella par une série de mornes rocailleux de plus en plus élevés à mesure qu’on va vers le Sud”[9] (Mũi đá phía Nam nối với mũi Varella “giả” bởi một chuỗi đá núi càng tiến về phía Nam càng cao).
Aymonier mô tả Faux cap Varella (Varella “giả”): “La baie est dominée par le sommet le plus élevé du faux cap Varella d’une hauteur de 930 mètres. Ce faux Varella ne ressemble au vrai, situé à 70 milles plus au Nord, c’est- à-dire à l’autre extrémité de la province“ que par son aspect général de massif montagneux descendant graduellement à la mer. On n’y voit sur le sommet de rocher isolé qui soit analogue au rocher Đá Bia”. La pointe est escarpée et accore, haute de 300 mètres, mur sombre et sauvage, qui plonge à pic dans l’océan et qui se dirige au Nord jusqu’à l’entrée de la grande passe de la baie de Cam Ranh”[10] (Vịnh biển được chế ngự bởi đỉnh cao nhất của mũi Varella giả có chiều cao 930 mét. Đỉnh Varella giả này chỉ giống với đỉnh Varella thực [mũi Đại Lãnh-ND], cách 70 hải lý phía Bắc, biên giới của tỉnh “ở chỗ nó cũng là những ngọn núi càng gần tới biển thì càng thấp, nhưng người ta không hề thấy ở Varella giả những tảng đá giống như Đá Bia”. Mũi Đá Vách dốc đứng hiểm trở cao 300 mét, vách núi đen tối, hoang dại chìm thẳng xuống biển, đi lên hướng bắc tới cửa ải vào vịnh Cam Ranh) Aymonier cho biết đường biển từ Phan Rang ra phía Bắc: “Juste avant de doubler cette pointe, les barques indigènes contrariées par le vent peuvent se réfugier dans une petite baie voisine, celle de Vũng Găng, qui est très abritée par les hautes montagnes du massif. Cette baie est divisée en deux bassins, le bassin extérieur où pourrait s’abriter un vaisseau profond, d’un accès facile, bon pour les deux moussons, et le bassin intérieur qui peut recevoir un navire ne calant pas plus de 4 mètres celui-ci absolument sur[*]. Au fond de ce deuxième bassin est un village de pêcheurs appelé Vĩnh Hi, et, à côté, un ruisseau d’eau douce donnant une excellente aiguade. Ces pêcheurs troquent leur saumure, leur poisson contre du riz; ils n’ont ni rizières, ni salines.Ils font sur les pentes des monts des rẫy où ils plantent du mais[*] et du tabac. Il appartiennent au Khánh Hòa, dont la frontière n’est pas éloignée”[11] (Trước khi vượt qua cái mũi này [faux cap Varella/ mũi Đá Vách- ND], thuyền đánh cá của dân địa phương có thể tránh gió bão ở một vịnh nhỏ kế cạnh gọi là Vũng Găng, được nhiều đồi núi cao che chở. Cái vũng này được chia thành hai vũng nhỏ: vũng phía ngoài rất dễ cho tàu bè lớn ra vào trốn bão cả hai mùa; vũng phía trong càng an toàn hơn nhưng chỉ cho phép tàu cao không quá 4 mét. Bờ biển phía trong là làng đánh cá gọi là Vĩnh Hi, bên cạnh đó có con suối cho nước ngọt. Dân đánh cá đổi cá và nước mắm lấy gạo, vì họ không có ruộng cũng như ruộng muối. Họ làm rẫy trên sườn núi, trồng bắp và thuốc lá. Họ thuộc tỉnh Khánh Hòa nhưng rất gần biên giới của tỉnh).
Vè “Các lái” kể về Đá Vách, Vũng Găng: “Mò O, Dỏ Tó rất xinh/ Lại thêm Đá Vách dựa kề Vũng Găng/ Vũng Găng, Đá Vách như thành/ Hai bên núi tấn xung quanh như buồng/ Mặc dù thuyền ghé bán buôn/ Nào ai đình trú ở luôn mặc lòng/ Túi thơ, chè rượu xem chơi/ Buồm giăng ba cánh nhắm vời chạy ra”.
Đại Nam nhất thống chí, mục tỉnh Khánh Hòa ghi: “Đầm Găng: tục gọi Vũng Găng, về cực giới phía Nam, chu vi 24 dặm linh”[12]. Vào thời điểm năm 1885, Aymonier cho biết: “A ce cap Varella ou cap de la Pagode, le Mũi Nại des Annamites finit la côte de la province du Khánh Hòa qui, sauf la petite baie de Vũng Găng, au Sud, est donc comprise tout entière entre le faux et le vrai cap Varella des cartes”[13] (Cái mũi Varella này hay Mũi Chùa, Mũi Nại của người An Nam gọi ở cuối cùng vùng biển Khánh Hòa, và như thế, ngoại trừ Vũng Găng ở phía nam, cả miền duyên hải Khánh Hòa đều nằm trọn vẹn giữa mũi Varella giả và mũi Varella thật của các bản đồ).
Theo Đồng Khánh dư địa chí vào thời Đồng Khánh (1886-1888) thôn Vĩnh Hi ở Vũng Găng thuộc tổng Xương Hà, huyện Vĩnh Xương, tỉnh Khánh Hòa. Hiện nay Vũng Găng, mũi Đá Vách (Faux cap Varella) thuộc xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận và Cap Varella (mũi Đại Lãnh) cũng như Vũng Rô thuộc về tỉnh Phú Yên kể từ ngày 18-4-1994.