Thăm lại thủ đô Paris vào dịp đón chào năm mới 2019, từ Nhà thờ Đức Bà, chúng tôi quyết định đến chiêm ngưỡng Nhà hát Nghệ thuật Opéra một lần nữa. Xuống nhà ga Metro để lên tàu số 7, chạy qua 6 ga, con tàu đưa chúng tôi nhà ga Opéra. Lên khỏi ga, đi bộ một đoạn ngắn là đến nhà hát lừng danh này.
Tòa nhà này rất nổi bật nên từ xa đã có thể nhìn thấy khá rõ. Trên những con đường đằng trước và hai bên nhà hát, xe du lịch liên tục chở khách đến tham quan, có xe chạy chầm chậm để du khách chiêm ngưỡng nhà hát ở bên ngoài.
Chiếm một khoảng không gian rất rộng lớn, nhà hát sừng sững vươn cao ở giữa những con đường san sát nhiều tòa nhà cổ kính. Mặt trước của nhà hát nổi bật với kiểu dáng của một kiến trúc cổ điển, được tô điểm một phong cách trang trí đa dạng với những bức tượng điêu khắc bằng đá cẩm thạch. Hai tượng lớn mạ vàng trên nóc nhà. Nhiều người nói rằng tòa nhà này là “chiếc bánh cưới cỡ lớn” để nói đến hình dạng và phong cách độc đáo của nó quả không sai.
Sau khi chụp một vài tấm hình lưu niệm bên ngoài, chúng tôi mua vé vào tham quan bên trong, giá vé là 12 euro/người. Bước vào một sảnh lớn được trang hoàng rất lộng lẫy để lên tầng trên bằng cầu thang lớn được tách làm hai ở hai bên. Dưới chân cầu thang lớn có bậc được chế tác bằng mã não và cẩm thạch. Hai bên dựng những bức tượng và các tác phẩm mạ vàng. Trần nhà với những bức bích họa và phù điêu thể hiện thần Apollon, nữ thần Minerva và thành phố Paris dưới dạng một phụ nữ đang đón nhận bản vẽ của nhà hát.
Bên trong là sân khấu chính rộng hơn 1.000m2. Mặt sân khấu hơi nghiêng, có lẽ điều này làm cho khán giả có thể nhìn rõ dàn nhạc và ngược lại. Người bạn đi cùng cho biết, đây là sân khấu Opera rộng nhất thế giới trong suốt thế kỷ XX. Sau đó, nó nhường vị trí này cho sân khấu nhà hát lớn Warsaw (Ba Lan) vào năm 2009. Nhà hát này cũng giữ kỷ lục có diện tích xây dựng lớn nhất thế giới cho đến năm 1970.
Sân khấu nhà hát được trang trí cực kỳ sang trọng với màu vàng kim và đỏ. Có lẽ khi xây dựng nhà hát này, người ta muốn khán giả không chỉ đến để xem biểu diễn, mà còn để chiêm ngưỡng nghệ thuật của toàn bộ nhà hát. Ấn tượng nhất là những bức tranh trên trần nhà mô tả về các vở diễn và cảnh đẹp của Paris. Có thể nói rằng đây là những tác phẩm hội họa rất hoàn hảo của những nghệ sĩ Pháp giữa thế kỷ 19.
Bên cạnh là một căn phòng rất rộng cũng được trang hoàng lộng lẫy. Theo sơ đồ chỉ dẫn thì đây là nơi dành các vị quan khách nghỉ ngơi hoặc giao lưu với nhau. Đặc biệt, phía bên trong nhà hát có một thư viện khá rộng. Bên trong thư viện, có treo nhiều bức tranh của nhà hát từ khi mới xây dựng. Xung quanh là các kệ chứa khá nhiều sách.
Được biết nhà hát này được xây dựng vào năm 1861. Người thực hiện thi công là một kiến trúc sư trẻ tuổi tên là Charles Garnier. Bản vẽ thiết kế xây dựng của ông đã được xếp hạng nhất trong số hơn 170 bản tham gia cuộc thi do thành phố tổ chức. Trong thời gian xây dựng, năm 1870, chiến tranh Pháp – Phổ nổ ra, Hoàng đế Napoléon III đầu hàng, bị giam lỏng. Vì thế, việc thi công công trình bị đình lại. Nhà hát trở thành kho chứa lương thực, thực phẩm cho quân đội. Đến năm 1873, nhà hát Le Peletier bị hỏa hoạn, người dân Paris vô cùng thất vọng vì thành phố không còn nhà hát Opéra nào nữa, vì thế chính quyền Paris đã khẩn trương cho hoàn thiện nhà hát này.
Sau 15 năm kể từ ngày khởi công, nhà hát chính thức được khánh thành vào ngày 05-01-1875, dưới thời Tổng thống Mac-Mahon, thuộc nền Đệ Tam Cộng hòa Pháp. Qua đời vào năm 1873 nên Hoàng đế Napoléon đã không được chiêm ngưỡng công trình kiến trúc mà ông hằng mong ước. Lễ khánh thành là một sự kiện trọng đại thời đó, với sự tham dự của nhà vua và thái hậu Tây Ban Nha, đô trưởng Luân Đôn cùng với khoảng 2.000 khách mời cao cấp tới từ khắp châu Âu.
Lúc khánh thành, nhà hát được chính thức mang tên là Académie Nationale de Musique – Théâtre de l’Opéra. Nó đã mang tên này cho đến năm 1978 thì được đổi thành Théâtre National de l’Opéra de Paris. Sau khi Công ty Opera chọn Opéra Bastille làm nhà hát chính của họ khi nó hoàn thành năm 1989; nhà hát này đã được đổi tên thành Palais Garnier, dù tên ban đầu vẫn còn được ghi trên các cột của mặt tiền nhà hát. Và dù đã được đổi tên, nhưng nhà hát này vẫn được nhiều người biết đến với tên là Paris Opéra.
Thông tin trên một số tạp chí cho biết khi mới xây dựng xong, nhiều người cho rằng điểm độc đáo của nhà hát nằm ở sự cách tân, nói cách khác, đó là sự pha trộn giữa nhiều phong cách kiến trúc, sự sáng tạo trong cách thể hiện nhưng vẫn đảm bảo các nguyên tắc thiết kế. Tuy nhiên, cũng giống như nhiều công trình nổi tiếng khác tại Pháp như tháp Eiffel, Bảo tàng Orsay…, nhà hát Paris Opéra cũng không được một số người đánh giá cao. Nhiều tài liệu ghi lại giai thoại là có lần Hoàng hậu Eugénie, vợ của Hoàng đế Napoléon III, đã từng hỏi kiến trúc sư Garnier: “Phong cách này là gì vậy? Đây chẳng phải phong cách Hy Lạp, cũng không phải phong cách của vua Louis XV hay XVI!”. Kiến trúc sư Garnier đã trả lời bằng một câu ngắn gọn “để đời”: “Đây là phong cách của Hoàng đế Napoléon III!”.
Vào năm 1896, 21 năm sau khi nhà hát lớn mở cửa thì có một tai nạn làm một nhân viên chết do một trong những dụng cụ làm quân bình sức nặng của chiếc đèn bách đăng treo khổng lồ rơi xuống. Tai nạn này và những tin tức liên quan đến nhà hát như hồ nước ngầm, hầm trữ đồ ăn và rượu, cộng thêm vài giai thoại truyền miệng về nhà hát đã làm nhà văn Gaston Leroux có cảm hứng viết nên cuốn sách The Phantom of the Opera (Bóng ma trong nhà hát). Từ tác phẩm này, sau đó rất nhiều kịch bản, tập phim ra đời phỏng theo cốt truyện của Leroux.
Tác phẩm của Gaston Leroux kể về một con người khốn khổ, tên là Phantom với khuôn mặt biến dạng đã trốn chạy khỏi xã hội phù hoa nhưng đầy giả dối, ích kỷ của nước Pháp vào thế kỷ XIX. Nơi anh chọn để trú ẩn an toàn là trong mê lộ những tầng hầm và kho chứa bên dưới nhà hát Opera. Sau đó, tại đây bắt đầu xuất hiện những tin đồn về một bóng đen thoắt ẩn thoắt hiện bên trong nhà hát, và những đồ vật cũng thường bị mất một cách bí hiểm.
Một thời gian sau, khi vô tình nhìn qua một lỗ nhỏ về phía sân khấu, Phantom nhìn thấy Christine, một diễn viên phụ trẻ đẹp và trái tim anh lập tức bị hạ gục. Phantom có kỹ thuật hát Opera hoàn hảo do học lỏm được từ những giọng ca hay nhất châu Âu thường biểu diễn tại đây. Phantom đã xuất hiện trước mặt Christine, dạy cô hát. Nhờ đó, cô diễn viên nhanh chóng trở nên nổi tiếng khắp nước Pháp.
Phantom ôm trong lòng một mối tình mộng mơ, rằng Christie sẽ đáp lại tình cảm của mình. Nhưng nàng lại phải lòng một chàng quý tộc trẻ đẹp. Đau khổ và tức giận, Phantom liền bắt cóc Christine tới nơi ở của mình, cạnh một chiếc hồ ngầm ở tầng hầm thứ 7. Chàng quý tộc trẻ bất chấp tất cả để chạy tới cứu người yêu; đám đông phía trên cũng lũ lượt chạy xuống để tìm những người mất tích, trên tay là các ngọn đuốc sáng rực. Phantom buộc phải từ bỏ người mình yêu, chạy vào nơi tối tăm nhất của tầng hầm để ẩn nấp. Và từ đó trở đi, Phantom; người đàn ông bất hạnh với con tim tan nát, biến mất và không bao giờ được nhắc đến nữa…
Có thể nói rằng nhà hát Opéra Paris là hình tượng tiêu biểu của Paris thời Đệ Nhị đế chế. Bản thân nhà hát là một tác phẩm nghệ thuật vĩ đại của nước Pháp, ngay sau khi khánh thành, Paris Opéra đã trở thành một hình ảnh của sự xa hoa, lộng lẫy, đế vương, cũng như là biểu tượng của các hoạt động vui chơi giải trí ở “Kinh Đô Ánh Sáng” chỉ dành cho giới quý tộc. Cũng cần nói thêm là mô hình tòa nhà này đã được làm mẫu để xây dựng một số công trình lớn tại một vài quốc gia như tại Mỹ có tòa nhà Thomas Jefferson của Library of Congress tại Washington D.C; tại Việt Nam có Nhà hát lớn ở Hà Nội…