S&S Art vinh dự được chọn là nơi đầu tiên và duy nhất tại TP. Hồ Chí Minh, Việt Nam để trưng bày những tác phẩm của nghệ sĩ Hom Nguyen. Nhân dịp này, chúng tôi mang đến cho bạn đọc một mảnh hội thoại nhỏ cùng Hom. Anh tâm sự về tuổi thơ nhọc nhằn, về sự trưởng thành bị bắt buộc trước tuổi, về sự mất mát, về những cái duyên, và về một Hom Nguyen hôm nay.
Hom Nguyen sinh năm 1972, là nghệ sĩ Pháp gốc Việt, bắt đầu con đường hội họa của mình bằng cách tự học, nổi tiếng với dòng tranh chân dung cùng phong cách sáng tác đầy bản năng và giàu cảm xúc. Những tác phẩm của anh luôn chan chứa nhiều cung bậc khác nhau. Những xúc cảm được thể hiện bằng những nét tô lặp đi lặp lại – đậm, nhạt, thanh, mỏng -tạo nên từng chi tiết, nụ cười, ánh mắt, khóe môi. Màu sắc sử dụng gam màu tối giản có, đa sắc cũng có, những màu cơ bản hay những vệt màu nổi bật vẩy thành vệt lên nét mộc mạc của khuôn mặt của con người – vừa là nền, vừa là chi tiết trọng tâm. Những khuôn mặt Hom Nguyen sáng tác đều có “tiếng nói” – khi nhìn vào, bản thân người đối diện, hẳn tự muốn có một cuộc đối thoại với chính mình.
Dù chỉ mới đặt chân vào thế giới hội họa chính thức từ năm 2009, Hom Nguyen có vinh dự được đặt những tác phẩm của mình tại Grand Palais – là “Khải Hoàn Môn” trong giới nghệ thuật tại thủ đô Paris. Tổng thống Pháp Francois Hollande khi đến thưởng tranh, cũng không tiếc lời khen dành tặng cho anh. Không những vậy, từ năm 2013, những tác phẩm của Hom đã được trưng bày ở nhiều buổi triển lãm cá nhân được tổ chức không chỉ ở Pháp, mà còn rất nhiều nơi trên thế giới.
Các tác phẩm của Hom Nguyen sử dụng đa dạng các loại chì than, màu nước, sơn dầu hay thậm chí là bút viết để sáng tác. Việc lựa chọn màu sắc, ứng dụng vật liệu hay sự linh hoạt trong đường nét của Hom đã cho thế giới thấy sức tưởng tượng của anh về con người đã vượt ra khỏi vẻ bề ngoài, thay vào đó, anh nắm bắt và vượt lên trên chiều sâu của cảm xúc và sự phức tạp nội tâm vốn dĩ đang lấn át tâm trí con người.
Những sự “không-còn-nữa”
Trước khi gửi câu hỏi đến anh Hom, chúng tôi đã tìm hiểu được về cuộc sống khó khăn thuở bé của mình. Anh sinh ra tại Pháp, năm lên 4 tuổi, mẹ anh gặp tai nạn và không may bị mất khả năng lao động. Khi được hỏi đến ký ức về phản ứng của anh khi nhận được tin này vào ngày đó, anh chia sẻ rằng, chỉ nhớ về những âu lo và đau buồn bao trùm suy nghĩ của một đứa trẻ con 4 tuổi. Anh nhớ về nhiều sự – không – còn – nữa; không còn nữa những buổi sáng mẹ dắt đi học, không còn nữa những buổi đêm ngủ thẳng giấc vì phải thức chăm mẹ, không còn nữa một tuổi thơ vô tư. Anh kể lại, “Cuộc sống, mọi thứ đều đảo lộn, tôi đã phải trưởng thành nhanh, rất nhanh bởi vì giờ đây tôi còn cần phải chăm sóc cả mẹ của mình”.
Hom Nguyen phải buộc bỏ ngang con đường học vấn ở tuổi 12 để bắt đầu đi làm, trở thành trụ cột trong nhà. Trong những ngày tháng gian khó, Hom Nguyen vẫn có những niềm vui và sở thích riêng, anh vẽ nguệch ngoạc như bao đứa trẻ khác, vẫn xỏ đôi patin trượt dọc những con phố Paris khi có cơ hội. Cứ thế, cậu bé Hom vượt qua từng ngày…
Hình ảnh khoảng khắc Hom Nguyen trượt patin trên góc phố Paris năm 14 tuổi trong gam màu trắng đen.
Năm 2009 là năm đau khổ mang tính tỉnh thức trong cuộc đời Hom Nguyễn khi mẹ qua đời. Trong buổi hoang mang và hàng ngàn câu hỏi về sự hữu hạn của cuộc sống, Hom Nguyễn về Việt Nam hai tháng sau khi lo xong việc cho mẹ. Anh miên man đi tìm những câu chuyện mẹ đã kể, mong thấy lại cậu bé với tuổi thơ quấn quít bên mẹ, giờ còn lại một mình trên đời. Hom Nguyen trải lòng, “Mẹ đã từng là người thân duy nhất của tôi, là trọng tâm của vũ trụ cuộc đời tôi. Sự mất mát đó làm tôi dường như đánh mất đi một phần bản thân mình, tôi quyết định về Việt Nam với hy vọng tìm được nó”. Chính tại Hà Nội, là nơi anh tìm được hiện thực hài hòa với sự tưởng tượng về Việt Nam qua lời mẹ kể, dường như đi ngược cỗ máy thời gian để chạm lại vào những giây phút vĩnh viễn không còn nữa. Anh chia sẻ, “Thành phố ngàn năm
tuổi mang đậm dấu ấn của những con phố rợp bóng cây, những khu vườn và nét Paris len lỏi, thoang thoảng trong từng góc phố, căn nhà đã giải phóng ra một nguồn năng lượng và một bầu không khí làm rung động trái tim tôi. Tôi yêu thành phố này, con người nơi đó. Như là tôi đã về đúng đến nhà mình vậy.”
Anh kể thêm, “ Một phần ký ức về mẹ trong tôi là những câu chuyện về Hà Nội. Mẹ tôi đã nhớ nhà da diết. Tôi nhớ vào năm 1991, nước Pháp hứng chịu một mùa đông lạnh khắc nghiệt, những ngày đó mẹ tôi nói về nỗi nhớ nhà khắc khoải, bà đã luôn kể về những kỷ niệm, về những con phố, về con người, và cả những mùi hương. Nỗi nhớ Hà Nội của mẹ tôi khắc lên khuôn mặt bà, ghi sâu vào trong tâm trí của tôi”.
“Tôi không có gia đình tại Việt Nam, nhưng đây là một phần tôi thuộc về”, Hom Nguyen chia sẻ, “ Việt Nam thật sự rất giàu có, giàu có tình người, văn hóa và những bản sắc riêng. Thứ tôi thích là sự khác biệt. Điều này rất quan trọng vì nó góp phần phong phú cho những yếu tố khác, khiến chúng ta suy nghĩ và cho phép chúng ta tiến về phía trước. Khác biệt cũng là học cách sống chung với tâm hồn cởi mở và lan tỏa năng lượng tích cực. Theo một nghĩa khác, Việt Nam truyền một nguồn cảm hứng mãnh liệt đến với tôi.”
“Nghệ thuật là thứ duy nhất chịu được cái chết”
– ANDRE MALRAUX –
Hom Nguyen xuất thân là một nghệ nhân nhuộm giày Patina. Sắc màu trong kỹ nghệ nhuộm màu thủ công này đã đưa anh đến sự khao khát để được vẽ trên nền tranh canvas. Anh kể lại, “Canvas là một điều đáng kinh ngạc, một chất liệu sống động cộng hưởng, gắn kết với bạn. Bạn cần phải lắng nghe nó, hòa hợp với nó để có thể nhận được những gì tốt nhất từ nó, bản chất của nó”.
Cùng năm 2009 đó, anh quyết định mở xưởng vẽ tranh của riêng mình. Để nói về bước ngoặt cuộc đời này, Hom Nguyen nhớ lại, “Sau sự ra đi của mẹ tôi vào năm 2009, cuộc đời tôi đã bước sang một trang khác. Andre Malraux đã từng nói một câu rất thú vị, “nghệ thuật là thứ duy nhất chịu được cái chết.” Lúc đó, tôi không nhận ra được điều này, bản thân vẫn đang chịu một nỗi đau rất lớn. Thế nhưng việc mở một studio và giới thiệu bản thân mình với tư cách một người nghệ sĩ, dần tôi nhận ra rằng, đây là một hình thức tái sinh và cũng là mong muốn trong vô thức để tỏ lòng kính trọng và tình yêu bất tử tới người mẹ của mình thông qua những tác phẩm”.
Cái tài của Hom Nguyen là dùng những nét vẽ rất ngẫu hứng, đan xen, rối bời, không có sự bắt đầu, không có điểm kết thúc để thể hiện được cái hồn trong những bức tranh, tạo nên phong cách vẽ chân dung chẳng giống ai, mà giờ cứ nhìn tranh người ta biết đó là Hom Nguyen.
“Khi tôi quyết định cống hiến cho hội họa, tôi đã từ bỏ mọi thứ về giày. Tôi đã ngừng làm việc trong ngành công nghiệp giày hoàn toàn để có thể dành cả cơ thể và tâm hồn mình cho việc vẽ và vẽ.”
Ba từ để miêu tả anh lúc bé? Điều gì còn ở lại, và điều gì đã thay đổi?
“Ba từ đó chính là, hiếu kỳ, liều lĩnh và trung thành. Cho đến bây giờ, tôi vẫn vô cùng hiếu kỳ. Tôi luôn muốn khám phá nhiều góc cạnh của nghệ thuật, từ chất liệu tôi sử dụng, loại sơn tôi dùng, màu sắc tôi lựa chọn, đôi khi là chì, là bút, là than. Tôi ráp chất liệu nền tranh này với loại màu vẽ kia. Sắc màu sẽ hòa tan thế nào? Sẽ rời rạc chứ? Nếu rời rạc biết đâu lại hay hơn hòa quyện với nhau? Để biết được những điều đó, tôi phải thử hầu hết những suy nghĩ tò mò đó trong tôi. Tôi vẫn luôn đi tìm những lời giải đáp, khao khát tri thức nghệ thuật như vậy. Tôi vẫn trung thành, bởi vì tôi trân trọng gia đình và tình bạn vô cùng, đây là những mối quan hệ ràng buộc mà chúng ta cần phải bảo vệ, nâng niu và gìn giữ.
Điều thay đổi một chút, có thể là sự liều lĩnh. Tôi đã phần nào lớn lên theo tuổi tác, thời gian và có sự trưởng thành. “Liều lĩnh” có lẽ không còn là tính từ đúng để miêu tả tôi nữa, mà có lẽ “dũng cảm” đúng hơn. Điều này có được một phần vì đứa trẻ trong tôi, vốn là một đứa trẻ nghị lực và can đảm. Tôi – Hom Nguyen hiện giờ có một chút vô tư của người nghệ sĩ, mạnh dạn với ý tưởng của mình, thực hiện chúng và đứng vững trong mọi hoàn cảnh. ”
Cảm xúc khi ngắm tranh của anh là một thứ tình cảm xoa dịu, một sự kết nối nhẹ nhàng, sự cảm thông và lòng trắc ẩn. Những giá trị đó luôn hiện hữu trong mọi sáng tác nghệ thuật của anh, tạo nên mối liên kết giữa con người, gắn kết tất cả chúng ta với nhau.
Vì sao anh chọn vẽ chân dung khổ lớn?
“Tôi yêu thích khi được làm việc với những tấm tranh định dạng lớn. Và Canvas là một loại chất liệu vô cùng sống động. Trước khi bắt tay vào công việc tôi luôn quan sát, thử nghiệm, xem nó phản ứng thế nào với những nét vẽ của tôi, những phản hồi mà tôi nhận được mỗi
khi đặt những đường nét lên bức tranh này. Làm việc trên những định dạng lớn cho phép tôi trở thành một người sử dụng và làm chủ vải canvas. Thao tác trên những bức chân dung khổ lớn cho phép tôi gắn kết mạnh mẽ với loại chất liệu này, giải phóng được những gì vốn có trong quá trình sáng tạo của mình. Làm việc trên những thứ lớn hơn mình không hề tầm thường, nó buộc bạn phải trở nên khiêm tốn, điều này trở nên cần thiết đối với bản thân tôi. Nói thật, tôi không biết thế nào là một bức chân dung thành công. Không có cảm ứng kì diệu nào. Khi làm việc trên một tác phẩm nào, tôi không bao giờ nghĩ rằng mình sẽ làm được điều gì đó tuyệt vời cả. Tôi chỉ đang trung thực nhất có thể, và để trái tim mình sẽ dẫn lối. Điều quan trọng là cảm xúc sẽ được khơi gợi khi bạn ngắm nhìn vào nó”.
Tại bệnh viên Tenon, phía đông Paris, Hom Nguyen đã vẽ một bức chân dung khổ lớn để tưởng nhớ Edith Piaf, nơi mà nữ danh ca huyền thoại của nước Pháp chào đời. Tác phẩm có kích thước 9 x 3,6m được lắp đặt trên một bức tường của khu hộ sinh đã thể hiện lòng kính trọng của Hom Nguyen với “đứa trẻ” được sinh ra trong chính cái nôi của mình.
Tập hợp trong kho tàng tác phẩm của anh là những con người rất bình thường, trong họ có những thái độ rất dễ kết nối với cảm xúc của người xem. Mục đích của Hom Nguyen là muốn những khán giả xem tranh của anh cảm nhận những điều bình thường này, bởi đó chính là khuôn mặt của xã hội trong thời đại mà họ đang sống cùng, đó là xã hội của ngay giây phút này.
Nguồn cảm hứng của những khuôn mặt?
Dễ nhận thấy, phụ nữ và trẻ em là hai chủ đề Hom Nguyen sáng tác nhiều, dù không chỉ giới hạn ở đó. “Tôi là người nhạy cảm với chủ đề về thời thơ ấu vì những trải nghiệm cá nhân trong cuộc đời tôi trải qua. Nó trôi qua nhưng vẫn để lại vết thương sâu trong tôi. Để trả lời cho câu hỏi vì sao tôi thực hiện nhiều những bức chân dung về người phụ nữ, đó có thể là sự chuyển hóa của hơi thở tình yêu vô điều kiện của mẹ con tôi đối với nhau, giúp tôi vượt qua sóng gió của những ngày tháng đó.”
Những yếu tố này tạo nên thông điệp rất riêng tư dành cho người đối diện từng bức chân dung. Là nỗi buồn? Hay là niềm vui? Là sự che giấu niềm đau? Hay là sự an bình trên đôi mắt đang nhìn đó? Người thưởng thức bức chân dung sẽ có câu trả lời cho riêng mình.
Tác phẩm “Woman”, được sáng tác vào năm 2020. Khuôn mặt người phụ nữ Á Châu với đôi mắt sáng sắc, nhìn trực diện, tạo nhiều cảm xúc cho người đối diện bức chân dung. Những vệt màu tạo thành lớp áo, vừa là những điểm nhấn, vừa là màu sắc nên nhằm tôn vinh một gương mặt chỉ hai sắc trắng đen làm chủ đạo.
Ngắm một bức chân dung của Hom Nguyen, ta sẽ không thấy trầm trồ vì giống người thật quá. Sự hỗn độn của những nét vẽ lại giúp lột tả một nội tâm phức tạp nào đó mà mỗi người xem có một sự đón nhận khác nhau. Nếu bạn đứng trước một tác phẩm của Hom Nguyen bỗng thấy lòng rung động mà chẳng hiểu vì sao, chắc hẳn những nét vẽ, gương mặt, đôi mắt, cái hồn kia đã có gì đó khiến bạn cảm thấy tương đồng.
Hom Nguyen và Nghệ thuật:
Sự nghiệp và những mối nhân duyên
Ít ai biết được Hom Nguyen và Cyril Kongo – nghệ sỹ Graffiti quốc tế – là bạn thân. Nói về Kongo, ông là nghệ sĩ Graffiti người Pháp gốc Việt nổi tiếng thế giới bởi ông là người thủ lĩnh thúc đẩy phong trào Graffiti, đưa môn nghệ thuật đương đại này vượt ra mọi chuẩn mực. Hơn 30 năm trong nghề không ngừng di chuyển và nâng cao kỹ năng của mình, Kongo với triết lý tận hưởng cuộc sống hết mình đã đem đến nhiều tác phẩm trên rất nhiều chất liệu, với nhiều chủ đề cuộc sống hiện thực mang những thông điệp tích cực cho mọi người. Khả năng sáng tạo cùng nỗ lực luôn làm mới và thử thách bản thân của Kongo, đã thu hút những thương hiệu cao cấp hàng đầu thế giới như Chanel, Hermes, Richard Mille tìm đến để kết hợp, nâng giá trị của Graffiti, trở thành một bộ môn nghệ thuật được mọi người công nhận. Cyril Kongo Gallery tại phố Tràng Tiền, Hà Nội chính là mong muốn được tri ân quê hương và truyền cảm hứng cho giới trẻ của ông.
“Tôi đã biết Cyril được khoảng 10 năm. Chúng tôi có điểm chung là đều nhạy cảm với mọi đối tượng nghệ thuật, Việt Nam và gia đình. Điều cũng mang chúng tôi đến với nhau, đó là mặc dù đều sinh ra tại Pháp, vậy nhưng chúng tôi có tình yêu mãnh liệt với mảnh đất quê hương cội nguồn của mình”
Gần lứa tuổi với nhau lại có cùng sự nghiệp hoạt động nghệ thuật tại Paris, hai nghệ sĩ đã sớm kết nối trở thành những người bạn đồng hương và đồng chí. Hoạt động tại Gallery tại Hà Nội được sự quan tâm và chào đón của nhiều khán giả quê nhà đã khiến Cyril Kongo ngỏ lời rủ Hom Nguyen cùng mang những sáng tác về giao lưu và cùng lan tỏa câu chuyện của mình tới những người yêu nghệ thuật trong thời gian tới ở Sài Gòn.
Nói về những dự định và kỳ vọng của bản thân khi mang nghệ thuật của mình về trưng bày tại quê nhà cùng Cyril Kongo, Hom Nguyen chia sẻ:“Tôi được sinh ra tại Pháp, cũng chưa từng có cơ hội sống tại Châu Á. Phải dành lời cảm ơn tới sự giáo dục mà mẹ dành cho tôi, tôi có một nền văn hóa kép, giữa Pháp và Châu Á. Đó là lí do vì sao hình ảnh người Châu Á hiện diện khắp nơi trong những sáng tác của tôi. Trong những năm qua, tôi đã đi du lịch rất nhiều nơi ở Châu Á, mỗi chuyến đi đều như một chuyến hành trình khởi đầu để tôi khám phá được cội nguồn của mình. Dù ở Việt Nam, Singapore, Hongkong hay Bali, tôi đều được gặp gỡ với những con người có niềm khao khát đáng kinh ngạc với nghệ thuật và văn hóa. Tôi cảm thấy rất vinh dự và hạnh phúc khi có thể triển lãm tác phẩm của mình tại Việt Nam. Là người được quan sát nền văn hóa kép giữa phương Tây và phương Đông, tôi cảm thấy mình có nhiệm vụ phải làm mọi thứ để phát triển một nền tảng đa văn hóa rộng lớn hơn với tư cách là cầu nối giữa Pháp và Đông Nam Á”
Mặc dù đã đạt được những danh tiếng nhất định trên thị trường thế giới, nghệ sĩ Hom Nguyen vẫn không quên nguồn cội. Những sáng tác của anh đem về Việt Nam không đơn thuần chỉ là việc trưng bày quảng bá danh tiếng bản thân ngay tại Viêt mà đó còn là một nghĩa cử nhân văn, mang tâm niệm của người nghệ sĩ gửi gắm đến thế hệ trẻ quê nhà, truyền cảm hứng cho những ước mơ nghệ thuật vẫn còn đang mới hình thành hay dang dở, hãy cố gắng theo đuổi đam mê của mình tới cùng. Một ngày không xa, biết đâu được lớp nghệ sĩ trẻ Việt Nam sẽ mang những tác phẩm của mình vươn tầm quốc tế, chúng ta hãy hi vọng về những điều tốt đẹp ấy.
“Tôi là một người rất nhạy cảm với mọi thứ liên quan đến cộng đồng Việt Nam, bất cứ khi nào có cơ hội, tôi đều muốn giúp đỡ cộng đồng theo cách của mình.”
– HOM NGUYEN –
S&S Art tự hào giới thiệu những tác phẩm của Hom Nguyen trong không gian S&S Art Gallery ngay tại trung tâm tp. Hồ Chí Minh. Nơi đây là một điểm hội tụ những tinh hoa nghệ thuật nói chung và trường phái đương đại nói riêng, từ khắp nơi trên thế giới,với nguyện vọng được đóng vai trò là một cầu nối giữa những điều đẹp đẽ mà nghệ thuật mang lại có thể gần hơn đến công chúng.