Mức lãi suất ấy được xem là phù hợp với kỳ vọng lạm phát năm nay, đủ để mức lãi suất thực có thể dương nhưng lại không cao đến mức tạo sức ép lên lãi suất cho vay. Không những vậy, việc lãi suất huy động giảm suốt một thời gian dài đã tạo điều kiện cho các ngân hàng giảm mạnh lãi suất cho vay. Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tính đến thời điểm này mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm khoảng 9 – 12%/năm so với thời điểm giữa năm 2011 và đã trở về mức lãi suất của giai đoạn lãi suất thấp của những năm 2005-2006. Hiện lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại dành cho các đơn vị thuộc lĩnh vực ưu tiên chỉ 7 – 9%/năm, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh ở mức 9 – 11%/năm. Cá biệt, các doanh nghiệp tốt còn được các ngân hàng chào mời lãi suất cho vay chỉ từ 6,5 – 7%/năm, tức là xấp xỉ lãi suất huy động.
Các tổ chức tín dụng làm được điều này do gửi tiết kiệm vẫn được nhiều người lựa chọn trong giai đoạn hiện nay. Không những thế, vì lãi suất huy động giảm mạnh ở các kỳ hạn ngắn nên nhiều người đã quyết định chọn các kỳ hạn dài để được hưởng lãi suất cao hơn. Việc người dân yên tâm gửi tiền với kỳ hạn dài cho thấy đây vẫn là kênh đầu tư an toàn và hiệu quả. Theo Ngân hàng Nhà nước, tính đến giữa tháng 9-2013, gửi tiết kiệm bằng tiền đồng của khu vực dân cư tăng đến 13,78% so với cuối năm 2012.
Điều đáng mừng là, theo Vụ Chính sách tiền tệ, mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã bỏ quy định trần lãi suất kỳ hạn từ sáu tháng trở lên nhưng kỷ luật lãi suất trên thị trường nhìn chung vẫn được duy trì. Dù lác đác cũng xuất hiện tình trạng “lách” trần lãi suất ở các ngân hàng không mạnh về huy động, nhưng đã không còn sự cạnh tranh về lãi suất huy động một cách tiêu cực giữa các ngân hàng với nhau nhằm lôi kéo khách hàng. Cũng không nhiều người gửi tiền rút tiền từ ngân hàng này gửi sang ngân hàng khác để hưởng chênh lệch lãi suất. Hệ quả từ những điều kể trên là thời gian qua, các ngân hàng thương mại đã có thể huy động được nguồn vốn dài hạn và ổn định, từ đó mạnh dạn hơn trong việc cho vay kỳ hạn dài đối với các doanh nghiệp sản xuất.
Một điểm tích cực nữa trong thời gian qua là tín dụng bằng ngoại tệ giảm mạnh, rất phù hợp với chủ trương của Ngân hàng Nhà nước là chuyển quan hệ huy động – cho vay bằng ngoại tệ sang quan hệ mua – bán bằng ngoại tệ, giảm sức ép tín dụng bằng ngoại tệ và rủi ro liên quan đến chênh lệch giữa các loại tiền của hệ thống ngân hàng. Để có được sự chuyển biến này, ngay từ đầu năm, Ngân hàng Nhà nước đã cho biết sẽ tiếp tục duy trì ổn định tỷ giá với sự biến động chỉ 2 – 3% nhằm ổn định tâm lý thị trường, định hướng kỳ vọng tỷ giá và củng cố niềm tin của người dân vào tiền đồng. Ngân hàng Nhà nước một mặt khuyến khích các tổ chức tín dụng bán ngoại tệ cho Ngân hàng Nhà nước, mặt khác điều chỉnh giảm mạnh lãi suất đối với tiền gửi bằng USD của tổ chức, cá nhân tại ngân hàng. Nắm giữ tiền đồng hoặc đem gửi tiết kiệm trong điều kiện tỷ giá (VND/USD) chỉ thay đổi 2 – 3% và lãi suất tiền gửi bằng USD rất thấp (1,2%/năm) trở nên hợp lý. Chênh lệch giữa việc chọn tiền đồng để gửi tiết kiệm thay vì gửi bằng USD là lớn, đã khuyến khích người dân nắm giữ tiền đồng, giảm nắm giữ ngoại tệ. Tình trạng đôla hóa nền kinh tế gây nhức nhối trong những năm qua phần nào có giảm bớt. Đó là một nét sáng trong bức tranh kinh tế vĩ mô chưa có những chuyển biến mạnh mẽ trong năm 2013 này.
Minh Hằng