Nhà văn hóa Nguyễn văn Vĩnh nhận xét: “An Nam ta có một thói lạ là thế nào cũng cười. Người ta khen cũng cười, người ta chê cũng cười. Hay cũng hì, mà dở cũng hì; quấy cũng hì. Nhăn răng hì một tiếng, mọi việc hết nghiêm trang”.
Thế nhưng, thật lạ lùng vào thời điểm thể loại tân văn xuất hiện vẫn chưa có nhiều người viết thể loại trào phúng. Phải đợi đến lúc sự xuất hiện của Nguyễn Công Hoan – người trước nhất đem đến tiếng cười cho thể loại tân văn. Trong Nhà văn hiện đại, Vũ Ngọc Phan nhận định: “Những truyện ngắn của ông tiêu biểu cho một thứ văn rất vui, thứ văn mà có lẽ từ ngày trước nước Việt Nam có tiểu thuyết viết theo lối mới, người ta chỉ thấy ở ngoài bút ông mà thôi” (NXB Thăng Long, 1959 – trang 1069).
Chính thế hệ Nguyễn Công Hoan, cùng thời với nhà văn, nhà báo Vũ Bằng, Tam Lang, Hoàng Tích Chu, Ngô Tất Tố, Đồ Phồn… đã sử dụng “thứ văn rất vui” ấy trên báo chí qua các chuyên mục như Hài đàm, Nói hay đừng, Xã hội ba đào ký, Bức tranh vân cẩu… Rồi mãi về sau, các thể loại trào lộng ấy mới có sân chơi riêng trên những tờ báo “chuyên trị” tiếng cười. Từ năm, 1930 Nhất Linh có giấy phép tờ Tiếng cười nhưng không có tiền ra báo. Căn cứ Thư mục báo chí Việt Nam (PSG, PTS Tô Huy Rứa chủ biên – NXB Chính trị Quốc gia – 1988.), ta thử liệt kê năm tháng ra đời vài tờ báo trào phúng cười tiêu biểu.
- Ngày 15-11-1931: Tuần báo Duy Tân do Nguyễn Đình Thấu chủ trương.
- Ngày 22-9-1932: Tuần báo Phong Hóa (số 14, loại mới) do Nhất Linh chủ trương.
- Ngày 8-2-1934: Tuần báo Loa do Phan Trần Chúc quản lý.
- Ngày 1-10-1937: Tuần báo Cười do Lê Thanh Cảnh chủ trương.
- Ngày 24-1-1938: Tuần báo Vịt Đực do Tam Lang Vũ Đình Chí chủ trương.
- Ngày 4-6-1939: Tuần báo Con Ong do Nghiêm Xuân Huyên chủ trương.
Với các chứng cứ này, rõ ràng, tờ báo trào phúng đầu tiên của nước ta chính là tờ Duy Tân, đúng như trong Những cây cười tiền chiến (Cơ sở Văn Học XB năm 1971), nhà văn Vũ Bằng đã khẳng định. Có điều tờ báo này không thọ, chỉ ra được 21 số, tồn tại đến ngày 15-11-1931. Về lý đình bản, nhà Vũ Bằng cho biết: “Mặc dù báo có khẩu hiệu: “Cười cợt để sửa đổi phong hóa” nhưng thực ra đã chửi bới tùm lum: chửi thời thế, chửi phong hóa, chửi xéo Tây và chửi luôn cả đồng nghiệp nữa. Rốt cuộc Tây ghét mà ta cũng ghét”. Ngày báo bị đóng cửa, ông Thấu làm một đám ma có xe đòn đi đưa, có phường kèn thổi bài “Marche fumèbre” di diễu vài phố lớn rồi ngừng ngay nhà hàng Đông Hưng Viên để… ăn mừng.
Báo cười Việt Nam, nổi tiếng nhất và có tuổi thọ lâu hơn cả vẫn là tờ Phong Hóa. Ngày 22-9-1932 tờ báo Phong Hóa (trào phúng bộ mới) xuất hiện. Việc đầu tiên, tờ báo này được quảng cáo rầm rộ với câu: “Một sự lạ chưa từng thấy trong làng báo 7 xu” với những cây bút mà làng báo bấy giờ chưa mấy ai biết đến: Nhất Linh, Khái Hưng, Hoàng Đạo, Tú Mỡ, Thạch Lam… Báo ra ngày thứ sáu hằng tuần, khổ 42×30 cm, tòa soạn đặt tại số 1, Bd Carnot (nay là đường Phan Đình Phùng), sau đổi về 80 Quán Thánh – dây nói: 874, tờ báo có 16 trang, in một màu. Hầu như trên số báo nào, nhóm chủ trương cũng “gây sự” với chính quyền thực dân phong kiến và… các đồng nghiệp!
Có thể nói, tờ Phong Hóa đã làm đúng theo chủ trương của họ đề ra như: “Hăng hái theo con đường mới, tìm lý tưởng mới. Không chịu khuất phục thành kiến. Không làm nô lệ ai, không xu phụng một quyền thế nào. Lấy lương tri mà xét đoán, lấy lẽ phải mà hành động. Lấy thành thực làm căn bản. Lấy trào phúng làm phương pháp, lấy tiếng cười làm vũ khí” (Tiếng cười Tú Mỡ – NXB Hội Nhà văn, 1993, trang 21). Và cũng theo hồi ký của Tú Mỡ, Phong Hóa thời đó in đến số lượng 1 vạn! Đó là con số phát hành lớn nhất thời bấy giờ.
Báo Phong Hóa được tất cả 110 số báo. Lý do bị đóng cửa: số báo 108 ra ngày 26-3-1936 đã đăng bài phóng sự nảy lửa của Hoàng Đạo viết về Tổng đốc Hoàng Trọng Phu “quan phụ mẫu” tham nhũng và tàn bạo khét tiếng mà ai cũng căm thù. Báo lập tức bị rút giấy phép, tác giả bài phóng sự bị đổi cấp tốc vào làm việc tại tòa án Đà Nẵng. Thế nhưng một tuần sau, ngày 2-4-1936, nhóm chủ trương tờ Phong Hóa đã cho xuất hiện tờ Ngày Nay. Nhìn chung, tờ Ngày Nay không khác tờ Phong Hóa bao nhiêu, nhưng nặng về văn chương trữ tình hơn trào phúng. Một điều đáng lưu ý là trên tờ báo này, hai danh họa Nguyễn Gia Trí (với bút danh Rist) và Tô Ngọc Vân (bút danh Tô Tử) đã đẻ ra những nhân vật hoạt kê nổi tiếng trong lịch sử báo chí Việt Nam: Bang Bạnh, Lý Toét, Xã Xệ.
Không chỉ khi đọc báo cười, hễ báo nào có những bài báo đăng tin không đúng sự thật thì người ta gọi là “tin vịt”. Tại sao? Cho đến nay vẫn chưa ai có thể giải đáp rõ ràng vì sao có thuật ngữ “tin vịt”. Thôi thì, ta tạm bằng lòng với cách giải thích rằng: Một trăm năm về trước, một tờ báo đăng một bài báo ngắn của nhà văn hài hước Bỉ Cóc-nê-lít-xen như sau: “Tính phàm ăn của vịt thì ai cũng biết nhưng nó biểu hiện rõ nhất trong trường hợp sau đây: Một nhà bác học mua 20 con vịt và bắt thái ngay một con cả lông lá, xương xẩu ra thành những miếng nhỏ và cho các con khác ăn. Sau đó mấy phút, ông ta lại bắt một con khác, sau đó là con thứ ba, thứ tư, cứ thế cuối cùng chỉ còn một con vịt đã ăn cả 19 con kia…”. Từ đó, trên mặt báo xuất hiện từ “tin vịt”. Giải thích kiểu này nghe ra có vẻ… trào lộng quá. Không phải ngẫu nhiên mà trong làng báo Việt Nam trước năm 1945 có xuất hiện tờ báo Vịt Đực rất nổi tiếng, chỉ tiếc là tuổi thọ của nó không bằng tờ Phong Hóa.
Tờ báo này xuất hiện trong thời kỳ Mặt trận Dân chủ Đông Dương, nhờ không khí đấu tranh công khai đòi cải thiện dân sinh, dân chủ do Đảng Cộng sản Đông Dương phát động. Tờ báo này giám đốc là nhà báo Tam Lang Vũ Đình Chí, quản lý là nhà báo Nguyễn Đức Long, sau là Lưu Văn Phụng – tòa soạn đặt ở số 8 đường Puginier (nay là Điện Biên Phủ) sau chuyển về số 11 phố Julien Blanc (nay là phố Phủ Doãn). Tờ báo trào phúng này đã trào lộng, châm biếm thói xấu của hầu hết các nhân vật “tai to mặt lớn” thời ấy. Ngay cả ông vua Bảo Đại, báo cũng không tha. Thử đọc lại một đoạn văn ngắn khi báo Vịt Đực đưa tin về việc nhà vua bị gãy chân trong lúc… đi chơi dã ngoại ở Đà Lạt: “Ngài bị cái nạn rất tầm thường của dân gian là sa chân xuống hố… chắc ngài cũng đau đớn như một người thường dân… Các ông lang An Nam chuyên môn bó chân gãy sẽ bĩu môi một cách kiêu ngạo: Gãy chân, thường lắm, đây chỉ dùng vài vị thuốc bó bằng mo cau trong bảy hôm thì chân đi lại được như thường. Nhưng tiếc thay, chân vua không phải là chân dân…”.
Qua các số báo sau, Vịt Đực lại tiếp tục đưa tin và bình luận cay độc nữa. Lâu nay, nhà cầm quyền vốn căm ghét tiếng cười của Vịt Đực nên mới nhân chuyện này ghép nhà báo vi phạm Sắc lệnh ngày 4-10-1937 và lôi ra tòa. Báo Vịt Đực có bài tường thuật lại phiên tòa xử báo của mình đã diễn ra vào ngày 19-4-1939. Cuối cùng, đến số 53 ra ngày 18-7-1939 thì báo Vịt Đực bị đình bản.
Sau năm 1975, trong nền báo chí Cách mạng Việt Nam sự ra đời của Tuổi trẻ cười (TTC), số đầu tiên phát hành tháng 1-1984, đã đánh dấu thay đổi một tư duy về sử dụng công cụ báo chí. Từ sự xuất hiện kèn trống rôm rả trên sân chơi một mình một ngựa, sau đó đã tạo ra những cú nhảy ngoạn mục khác. Ta có thể kể đến các tờ Thư Giãn, Tiếng cười, Long An cười, Học sinh cười, Làng cười… Muôn hoa đua nở trong thời điểm đó cho thấy diện mạo báo chí có sự khởi sắc nhất định, đáp ứng được nhu cầu đa dạng của bạn đọc. Chỉ tiếc, các tờ báo đó lại rời bỏ đường đua quá chóng vánh; hoặc có cầm cự cũng không thu hút được số lượng bạn đọc như TTC. Chính vì lý do đó, đến nay TTC vẫn là tờ báo trào phúng có một cõi riêng, tuổi thọ bề thế, có một vị trí mà không tờ báo cười nào có thể soán ngôi.
- Xem thêm: Giá mà bắt nhanh… như Mỹ