100 năm trước, nhà báo Lưu Quý Kỳ sinh ra tại làng Hóa Đông, nay thuộc xã Đại Hòa, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam. Ông gốc người làng Minh Hương, phủ Điện Bàn, nay thuộc thành phố Hội An. Thân sinh ông là một trong số ít người Minh Hương đầu tiên đưa gia đình lên chợ Quảng Huế (huyện Đại Lộc) sinh sống và là chủ tiệm hớt tóc đầu tiên ở chợ này.
Trọn đời gắn bó với nghề làm báo
Lưu Quý Kỳ “bén duyên” với nghề làm báo từ rất sớm. Tốt nghiệp lớp Năm (primaire), ông đã viết bài báo đầu tiên Nhiệm vụ của thanh niên đăng trên báo Nước Non của Trần Trung Viên tại Hà Nội, lúc ấy mới 15 tuổi (1934). Một năm sau, Lưu Quý Kỳ viết truyện ngắn Vượt ngục đăng ở báo Tin Vắn của Thái Phỉ, xuất bản tại Hà Nội.
Năm 1937, đang là học sinh Trường Kỹ nghệ thực hành ở Huế, do tham gia phong trào cách mạng nên Lưu Quý Kỳ bị đuổi học. Tháng 8 năm này, ông thoát ly gia đình tham gia cách mạng và hoạt động báo chí. Sau khi báo Dân bị cấm ở Trung Kỳ, ông được phái vào Sài Gòn tiếp tục xuất bản báo Dân muốn, Dân tiến, Tiến tới thay cho báo Dân. Những tờ báo này, Lưu Quý Kỳ đều làm Thư ký Tòa soạn. Giữa năm 1938, cả 3 tờ báo trên lần lượt bị cấm lưu hành, Lưu Quý Kỳ sang công tác thanh niên. Năm 1939, ông là người viết chính cho tờ báo Mới của cơ quan Đoàn Thanh niên dân chủ Nam Kỳ, đồng thời làm biên tập cho các báo Lao Động, Phổ Thông, Dân Chúng… là những tờ báo của Đảng ta xuất bản công khai. Ông còn viết nhiều tin, bài về các cuộc đấu tranh của công nhân để đăng trên các báo khác như: Công Luận, Điện Tín, Thế Kỷ… Khi Đảng chủ trương thành lập “Đông Dương văn sĩ tả phái Liên đoàn” để đẩy mạnh công tác vận động các nhà văn tiến bộ thời bấy giờ, Lưu Quý Kỳ được cử làm Tổng Thư ký của Ban vận động.
Năm 1940, ông bị thực dân Pháp bắt giam ở Trà Khê (Quảng Ngãi). Mãi đến đầu năm 1945, Lưu Quý Kỳ mới thoát khỏi nhà tù trở về Hội An tham gia Tổng khởi nghĩa.
Sau Cách mạng Tháng Tám, ông làm chủ bút báo Quyết thắng của Mặt trận Việt Minh Trung bộ, chủ bút báo Ánh sáng. Năm 1947, làm chủ bút báo Cứu quốc khu IV và phụ trách tạp chí Kháng chiến, báo Sáng tạo ở khu IV. Khi vào Nam Bộ, ông được cử làm Giám đốc Sở Tuyên truyền văn nghệ Nam bộ (sau là Sở Thông tin Nam Bộ), Chi hội trưởng Chi hội Văn nghệ Nam bộ, chủ bút tạp chí Thống Nhứt – cơ quan của Hôi Nghiên cứu chủ nghĩa Mác ở Nam Bộ, chủ bút báo Nhân dân miền Nam – cơ quan của Trung ương Cục miền Nam, chủ nhiệm tạp chí Lá lúa – cơ quan của Chi hội Văn nghệ Nam bộ…
Năm 1954, tập kết ra Bắc, Lưu Quý Kỳ được cử làm Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền miền Nam, Phó Chủ nhiệm Ủy ban liên lạc văn hóa nước ngoài, Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền quốc tế, Vụ trưởng Vụ Báo chí thuộc Ban Tuyên huấn Trung ương Đảng, trợ lý Trưởng Ban Tuyên huấn Trung ương Đảng, Phó Tổng Thư ký Hội Nhà báo Việt Nam, đồng chủ bút tuần báo Thống Nhất…
Với những hoạt động tích cực trong Tổ chức Quốc tế các nhà báo (OIJ) và góp phần tăng cường sự đoàn kết giữa các nhà báo nước ta và giới báo chí thế giới, tháng 10.1981, tại Đại hội X của OIJ ở Matxcơva (Liên Xô), ông được bầu vào Đoàn Chủ tịch và giữ chức Phó Chủ tịch OIJ.
Trên đường đi công tác nước ngoài, ông lâm bệnh và mất lúc 4 giờ 50 phút ngày 1.8.1982 tại Đại sứ quán Việt Nam ở Bangkok, Thái Lan. Vô cùng tiếc thương ông, Ban Tổng Thư ký Hội Nhà báo quốc tế ghi nhận: “Mất nhà báo Lưu Quý Kỳ, phong trào báo chí dân chủ quốc tế mất một trong những người đại diện đáng kính nhất. Sự tổn thất lớn nhất đối với chúng tôi là đã mất đi một nhà báo nhiều kinh nghiệm, một nhà báo có niềm tin không lay chuyển vào thắng lợi của sự nghiệp chính nghĩa của các dân tộc”.
Trong suốt 48 năm hoạt động báo chí liên tục từ Nam ra Bắc, Lưu Quý Kỳ lập “kỷ lục” mà ít nhà báo nào có được: đã tổ chức xây dựng 15 cơ quan báo chí, viết trên 3.000 bài báo, xuất bản 27 cuốn sách thuộc nhiều thể loại và chủ đề như Bài thơ Nam Bộ (thơ, 1950), Tác phong văn nghệ nhân dân (lý luận, 1951), Miền Nam yêu quý (bút ký, 1955), Thực tiễn văn nghệ kháng chiến Nam Bộ (bình luận văn học, 1958), Phút im lặng (bút ký, 1961), Nước về biển cả (tùy bút, 1971)…
Nhà báo Lưu Quý Kỳ vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huy hiệu Thành đồng Tổ quốc. Tên ông đã được nhiều địa phương đặt tên đường, như Quảng Nam, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh. Ông còn được tặng thưởng 6 huy chương về báo chí nước ngoài, trong đó có Huy chương Julius Fucik của OIJ – “Nhà báo cống hiến cho hòa bình và hữu nghị”.
Những dấu ấn để đời
Theo các đồng nghiệp, nét nổi bật trong cuộc đời và sự nghiệp của nhà báo Lưu Quý Kỳ là sự nhạy bén, sắc sảo, cẩn trọng… Nhà báo Vĩnh Trà, cựu phóng viên Đài Phát thanh Giải phóng, Đài Tiếng nói Việt Nam kể lại: Ngày 18 tháng 12 năm 1972, máy bay B52 của Mỹ bắt đầu ném bom hủy diệt Hà Nội, Hải Phòng, chúng tôi ở chiến trường B4 (Trị Thiên Huế) như ngồi trên đống lửa. Ai có radio đều mở suốt ngày đêm dõi theo từng bản tin, từng phóng sự, ghi nhanh của phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam về tội ác của kẻ thù và tinh thần chiến đấu oanh liệt của quân dân Hà Nội.
Như thường lệ, rạng sáng 19/12, Đài Tiếng nói Việt Nam mới mở đầu bản tin thì vụt tắt. Chúng tôi hỏi nhau: “Vì sao?” và bối rối dò làn sóng. Sóng 297 m bị mất. Điều gì đã xảy ra với Đài Phát thanh Quốc gia, với Hà Nội? Sau 9 phút, sóng được nối lại, báo tin Hà Nội bắn rơi máy bay B.52. Ngày sau nữa, tôi đang phỏng đoán có phải Đài Phát sóng Mễ Trì bị bắn phá thì hay tin khu tập thể Đài ở 128 C Đại La cùng bệnh viện Bạch Mai bị bom Mỹ đánh phá. Nhà cháy, trăm gia đình mất chỗ ở, nhiều người chết và bị thương.
Ruột gan như lửa đốt, vì vợ con tôi và bạn bè đang ở đó. Mấy ngày sau được nghe giọng chị Tuyết Mai, phát thanh viên quen thân xúc động đọc bài tùy bút “Đây là Tiếng nói Việt Nam” của nhà báo, nhà văn Lưu Quý Kỳ. Giọng văn mạch lạc, khi dứt khoát, đanh thép lên án tội ác tày trời của quân thù, lúc hào sảng ngợi ca tinh thần chiến đấu của quân dân ta, lúc nghẹn ngào với chín phút mất sóng phát thanh Quốc gia như bóp nghẹt triệu, triệu con tim Việt và bè bạn: “Tiếng nói ấy nghẹn lại rồi! Một phút, Hai phút. Ba phút. Điều gì đã xẩy ra? Bao nhiêu người hồi hộp. Trái tim của đồng bào ta đã quen đập theo nhịp tim của Tổ quốc. Hà Nội ra sao rồi? Đúng chín phút sau, giọng dịu hiền, trang nghiêm, trầm tĩnh, thân yêu lại phát ra: “Đây là Tiếng nói Việt Nam, phát thanh từ Hà Nội…”.
Mọi người thở phào nhẹ nhõm. Sung sướng biết bao nhiêu, vẻ vang biết bao nhiêu cho chúng ta. Tiếng nói Việt Nam, tiếng nói kiên cường bất khuất! Tiếng nói không gì dập tắt! Tiếng nói mãi mãi vang dội khắp non sông! Bài tùy bút nổi tiếng này sau đó được dịch ra nhiều thứ tiếng, trong đó có tiếng Nhật Bản và tiếng Anh. Bạch Vân, nữ phát thanh viên tiếng Nhật với chất giọng mềm mại, duyên dáng, rõ ràng đã truyền đi cảm xúc và sức mạnh bài tùy bút này.
Một tuần lễ sau, Bộ Biên tập Đài Tiếng nói Việt Nam nhận được bức điện của ông Katemura báo tin: Sau khi được tin Đài Tiếng nói Việt Nam bị B52 phá hủy, Công đoàn Truyền thanh dân gian Nhật Bản, mà ông làm Chủ tịch đã tổ chức ghi âm bài bút ký “Đây là Tiếng nói Việt Nam” của Lưu Quý Kỳ gửi cho các công đoàn cơ sở và 200 tổ nghe Đài Tiếng nói Việt Nam tại Nhật Bản. Chỉ gần một tuần đã nhận được 5 triệu Yên, góp phần khôi phục lại các cơ sở của Đài bị phá hủy.
Nhà báo Trần Hữu Minh, nguyên phóng viên Thông tấn xã Việt Nam, nhắc lại một mẩu chuyện: Một lần, cuối thập niên 70, buổi tối nọ, ông tháp tùng nhà báo Lưu Quý Kỳ, Vụ trưởng Vụ Báo chí, Tổng Thư ký Hội Nhà báo Việt Nam dự chiêu đãi của Bộ Ngoại giao một nước láng giềng. 5 giờ sáng hôm sau, một tờ báo ở nước ấy phát hành tới khách sạn và đã đăng bài tường thuật, xen kẽ trả lời phỏng vấn của nhà báo Lưu Quý Kỳ, nhưng nội dung đã bị thêm bớt, cắt gọt làm méo mó nội dung, không đúng với quan điểm đối ngoại của Nhà nước Việt Nam thời điểm đó.
Nhà báo Lưu Quý Kỳ trao đổi với nhà báo Trần Hữu Minh “phản kích” ngay, có thư phản đối gửi lên Vụ Báo chí, Bộ Ngoại giao nước sở tại, yêu cầu tờ báo phải cải chính, bằng cách đăng lại bài phỏng vấn ngắn của nhà báo Lưu Quý Kỳ. Tất cả, nhà báo Lưu Quý Kỳ xử lý trong vòng 30 phút. Cuối cùng, Tổng biên tập tờ báo đó đã phải cho đăng lại bài phỏng vấn ngắn của nhà báo Lưu Quý Kỳ như là một cách cải chính nội dung bài báo có nội dung sai lệch mà họ đã công bố.
Nhà báo Phan Quang – nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Phó Chủ tịch Tổ chức Quốc tế các nhà báo (OIJ) – nhận định nhà báo Lưu Quý Kỳ là người “khen chê dứt khoát, hiểu biết rộng, nắm bắt đúng thời cuộc, phân tích có lý có tình. Lời văn chọn lọc, gợi cảm”. Đây có thể xem là khắc họa “chân dung” của nhà báo cách mạng Lưu Quý Kỳ với nhiều dấu ấn để đời!