Tôi dần ngộ ra rằng, âm nhạc ấy là sinh thành từ căn cước ấy, từ trong cõi tâm hồn Mẹ lung linh Phật tính. Và tôi hình dung, người nhạc sĩ tài hoa kia có đi hết trần gian, đi dư kiếp người, thì vẫn là đi trong không gian mặt đất-bầu trời-bàn tay Mẹ.
Sau ngày 30-4-1975, tôi theo một đoàn chuyên viên kỹ thuật của bộ đội thông tin từ Hà Nội vào tiếp quản các cơ sở truyền tin trong khu vực sân bay Tân Sơn Nhất. Hôm dừng ở Huế, tôi may mắn được quen nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, rồi cùng với anh và mấy văn nghệ sĩ đang có mặt tại trụ sở Hội Văn nghệ lúc đó (gồm nhà thơ Phạm Tiến Duật, cặp nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ – Hoàng Phủ Ngọc Tường, nhà văn Tô Nhuận Vỹ, họa sĩ Bửu Chỉ, dịch giả Lê Khắc Cầm…) làm ngay cuộc thơ – nhạc “Bắc Nam sum họp” ngẫu hứng và ấm áp.
Khi chia tay, anh Sơn viết vội mấy dòng giới thiệu và dặn, vô Sài Gòn nhớ đến thăm bà già mình nghe, 47C Duy Tân nghe…
Dạo đó tôi đang mặc áo lính nhưng đã là phóng viên chiến tranh, được hưởng chế độ sinh hoạt khá thoải mái, hết giờ làm việc có thể xin giấy phép ra phố dạo chơi hoặc ngủ đêm ngoài doanh trại. Tôi thường đến thăm gia đình anh Sơn, được bà mẹ và các em của anh đón tiếp ân cần, chuyện trò thân mật, đôi khi còn được cô út (Trịnh Vĩnh Trinh) búng guitar hát cho nghe những bản nhạc Trịnh.
Tôi dần ngộ ra rằng, âm nhạc ấy là sinh thành từ căn cước ấy, từ trong cõi tâm hồn Mẹ lung linh Phật tính. Và tôi hình dung, người nhạc sĩ tài hoa kia có đi hết trần gian, đi dư kiếp người, thì vẫn là đi trong không gian mặt đất-bầu trời-bàn tay Mẹ.
Cuối năm 1975 lịch sử ấy, ngay tại ngôi nhà ấy, nay là Nhà Lưu niệm Trịnh Công Sơn, 47C Phạm Ngọc Thạch, tôi đã làm được hai bài thơ. Bài Tìm thân nhân (in trên báo Văn Nghệ Giải Phóng số Xuân Bính Thìn, 1976). Và, Bầu trời – Mặt đất – Bàn tay, lấy cảm hứng từ bài hát Ca dao mẹ của họ Trịnh.
Bầu trời – Mặt đất – Bàn tay
Kính tặng thân mẫu nhạc sĩ Trịnh Công Sơn
Mẹ ngồi ru con
bàn tay âu yếm đung đưa vui buồn
bàn tay thao thức đong đầy lo toan
từng giọt ngọt lành
từng cơn ấm lạnh
bàn tay le lói canh chừng bóng đêm
từng lời bập bẹ
từng bước chập chờn
bàn tay sương gió đo lường nắng mưa
từng ngày chồi nụ
từng giấc ngây mơ
bàn tay vun xới gom mùa trăng sao
xòe ra là đất
cất lên là trời
bàn tay vô lượng bao dung nỗi đời
Mẹ ban cho con
tình yêu
thiên tài
cây đàn hát rong mang nặng kiếp người
hai vai mong manh đôi vầng Nhật – Nguyệt
một cõi đi về
đường trần
biền biệt
dù con đi hoài
đi dư kiếp người
vẫn trong Bầu trời – Mặt đất – Bàn tay…
(Tại 47C Duy Tân, Sài Gòn – tháng 12, 1975)