Từ TP. Hồ Chí Minh, băng qua những cung đường lúa vàng tuyệt đẹp ở Thạnh Hóa – Tràm Chim rồi vượt hàng trăm cây cầu nhỏ lên Hồng Ngự, Thường Phước, tiếp tục ngồi tắc ráng trên dòng Hậu Giang mênh mông, ròng rã gần một ngày trời, chúng tôi đã đến được ngôi làng cổ có cộng đồng người Chăm Hồi giáo Islam cư ngụ hàng trăm năm qua. Đó là Búng Bình Thiên, nơi mà những nét riêng trong văn hóa tín ngưỡng, đời sống hằng ngày và phong tục tập quán của người Java di cư vẫn được gìn giữ nguyên vẹn như thuở xưa.
Làng xưa bên hồ
Búng Bình Thiên, tên làng cũng là tên hồ nước rộng mênh mông được tiếp nước bởi con sông Bình Di, một nhánh của sông Hậu. Hồ nằm trên địa bàn ba xã: Khánh An, Khánh Bình và Nhơn Hội thuộc huyện An Phú, tỉnh An Giang. Điều kỳ lạ là dòng Hậu Giang luôn đỏ màu phù sa nhưng nước hồ Búng Bình Thiên quanh năm lại luôn xanh biếc. Đặc biệt hơn nữa, dù cho mực nước sông Hậu mùa lũ có cao đến thế nào thì mực nước hồ vẫn ổn định.Đến bây giờ, đây vẫn là câu hỏi mà các nhà khoa học chưa có lời giải.
Hồ Búng Bình Thiên
Bến sông Bình Di
Hàng trăm năm trước, từ khi Nam bộ còn là vùng đất “Dưới sông sấu lội, trên rừng cọp um” thì những người Chăm Hồi giáo đầu tiên đã di cư về vùng đất này lập nghiệp.Trong cộng đồng đó có một nhóm người gốc Malaysia được gọi là Chăm Chà-và (do không phân biệt được người Java tới từ Indonesia và người Malaysia nên dân Nam bộ xưa gọi chung hai nhóm người này là Chà-và). Người Chăm ở đây theo Hồi giáo chính thống nên còn được gọi là Chăm Islam. Trải qua cả thế kỷ, nét văn hóa đặc trưng của họ còn in rõ trong những nét điêu khắc trên mái nhà, trên cầu thang mà đặc sắc nhất chính là trong trang phục hằng ngày.
Bé gái Chăm Islam
Từ khi còn nhỏ những bé gái Chăm ở Búng Bình Thiên đã được học cách quấn khăn trùm đầu và che mặt.Rồi tới khi lớn lên, chiếc khăn lại có ý nghĩa quan trọng trong việc giữ gìn sự kín đáo thanh cao của người thiếu nữ Islam.Không thể nhìn mặt để đoán tính cách nên chính màu sắc của những chiếc khăn sẽ giúp người khác hiểu thêm về họ.Ẩn dưới chiếc khăn đen huyền bí thường là một tâm hồn thanh khiết thuần hậu.Còn dưới một chiếc khăn sặc sỡ chắc chắn là ánh mắt tinh nghịch hồn nhiên. Người lữ khách đang mê mải trên con đường làng nhỏ, bên kia sông cô thiếu nữ Chăm Islam trùm khăn bất chợt ngước nhìn lên. Hàng lông mi cong vút với đôi mắt đen sâu thẳm trên khuôn mặt thánh thiện làm người lữ khách sững sờ như lạc vào vùng đất không dành cho kẻ phàm trần.
Mùa hạnh phúc Ramadan
Rảo bước dạo chơi trên con đường nhỏ ngắm những mái nhà san sát nhau, chẳng mấy chốc chúng tôi đã đến thánh đường Mas Jid Khoy Ri Yah rộng lớn bên bến nước thiêng – nơi nuôi dưỡng đời sống tâm linh của cộng đồng Chăm nơi đây. Hằng ngày cứ trước giờ lễ, tất cả đàn ông ra trước bến nước thiêng rửa mặt, rửa tay rồi chỉnh lại trang phục và bước vào thánh đường hành lễ. Giữa vùng sông nước mênh mông, tiếng kinh cầu nguyện rầm rì làm cho không gian tĩnh lặng thêm phần trang nghiêm, huyền bí.
Thánh đường
Ở Búng Bình Thiên, lễ chay Ramadan được coi là “mùa hạnh phúc”.Trong suốt tháng chay này, từ khi bình minh ló dạng đến lúc hoàng hôn buông trên mặt hồ, tất cả tín đồ đều không được ăn uống gì cả.Điều này nhằm nhắc nhở các tín đồ biết kiềm chế những ham muốn vật chất và đồng cảm với sự thiếu thốn đói nghèo, từ đó làm cho tâm hồn rộng mở vị tha.Cũng trong tháng chay này, sau giờ lễ soly trưa, các nam tín đồ tập trung tại thánh đường chính, cùng nhau nấu món cháo cho giờ TaLeh Ớk đầu tiên trong ngày.Ý nghĩ của việc này là thể hiện tinh thần đoàn kết, gắn bó cùng cộng đồng. Tâm điểm chính của tháng chay Ramadan là lễ Roya Fit Ri hay còn gọi là lễ bố thí gạo diễn ra vào ngày 30 của tháng chay. Tất cả già trẻ lớn bé đều được tham gia, mọi người sẽ tập trung tại thánh đường cùng nhau cầu nguyện. Qua một tháng ròng nhịn đói, nhịn khát cùng đồng cam cộng khổ, mọi người sẽ hiểu và chia sẻ cùng nhau nhiều hơn, yêu thương nhau hơn. Bạn bè, cha mẹ, con cái, anh chị em cùng bắt tay, ôm nhau chúc mừng và cùng xin tha thứ những sai lầm. Tháng chay Ramadan thật sự là một lễ hội truyền thống có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, có tính cộng đồng cao làm cho cuộc sống của cả thôn làng ngày càng tốt đẹp.
Đọc kinh
Khi chiều buông trên mặt hồ mênh mông, dưới ánh nắng vàng lung linh, người thiếu nữ Chăm Islam bắt đầu múa điệu “Nghìn lẻ một đêm” quyến rũ và huyền ảo trong tiếng trống hội rộn ràng. Đêm trên Búng Bình Thiên khiến người lữ khách như lạc mất mình trong một thế giới hư ảo, liêu trai và đầy bí ẩn.
Ngô Trần Hải An