Nửa thế kỷ trước, khi Bác Hồ còn tại thế, nhà báo, nhà văn, nhà sử học Pháp Jean Lacouture cho xuất bản tác phẩm “Hồ Chí Minh”, tiểu sử chân dung dày 260 trang (NXB Le Seuil, Paris, 1967), cuốn tiểu sử đầu tiên về vị anh hùng dân tộc Việt Nam, nhà văn hóa thế giới. Cách nhìn của tác giả về các vấn đề lịch sử không phải lúc nào cũng chuẩn, tuy nhiên bao trùm lên tất cả là lòng ngưỡng mộ Bác Hồ và trân trọng dân tộc Việt Nam.
Vậy là đã nửa thế kỷ con người ấy không ngừng tiếp lửa và chiến đấu, khi hoạt động bí mật lúc trên đài vinh quang, với tư cách đội viên du kích hay nguyên thủ quốc gia… Nửa thế kỷ đấu tranh qua một trận chiến chưa từng có tiền lệ về tính đa dạng trong chiến thuật và sự rối rắm về thời cuộc, lúc nào cũng mềm mại trong cuộc chơi, bất chấp bao hiểm nguy phải đối mặt, bao hy sinh đành chấp nhận, vượt lên sự chênh lệch quái đản về vũ khí so với các đối thủ, một con người mảnh dẻ với da mặt màu nước chè, chòm râu lơ thơ như khóm lúa, đôi mắt rực lửa dưới vòm trán cao phất phơ mái tóc bạc, thân bó trong chiếc áo kaki cài đến cổ. Vóc dáng ông mảnh mai tới mức tưởng chừng con người ấy tồn tại là nhờ sức mạnh tinh thần và ngọn lửa chiến đấu của một dân tộc cũng mảnh dẻ, thanh đạm và kiên cường như ông.
Cuộc đấu tranh của Lênin kết thúc đầu năm 1924, của Trostky năm 1940, của Dimitrov năm 1948; Mao Trạch Đông thực tế mới nổi từ năm 1927, Tito năm 1942. Cụ Hồ được cuộc Cách mạng Pháp khơi nguồn cảm hứng, đã là một chiến sĩ xã hội ngay từ buổi đầu Cách mạng tháng Mười Nga. Ông từng là đảng viên đảng Cộng sản Pháp, đảng Cộng sản Liên Xô, hình như của đảng Cộng sản Trung Quốc nữa, là người sáng lập Đảng Cộng sản Đông Dương, sáng lập Việt Minh, sáng lập Đảng Lao động Việt Nam. Ông từng có thời gian chia sẻ nỗi đói nghèo cùng cực với những người vô sản châu Phi, châu Mỹ. Bản thân ông đã nếm trải xiềng xích tù đày tại tỉnh Vân Nam.
Ông bị các tòa án thực dân kết án tử hình, mười lần ông thoát khỏi ngục tù và máy chém. Ông khoác áo nhà sư nước Thái, ông mặc quân phục Bát lộ quân Trung Hoa. Đến khi vừa giành lại được chính quyền sau bao tổn thất đau thương, thì phải lần lượt đối đầu hai cường quốc phương Tây. Thử hỏi có nhà cách mạng nào cùng thời dám thách thức mệnh lệnh của các cường quốc với sự ngoan cường và kiên trì đến thế?
Hồ Chí Minh không phải Lênin, cũng không phải Mao Trạch Đông. Ông không đề xướng học thuyết nào. Chàng trai tên Cung, trở thành Nguyễn Tất Thành, trở thành anh Ba, trở thành Nguyễn Ái Quốc, trở thành Vương, rồi Chín, rồi Line, rồi Trần, rồi Hồ Chí Minh từ đầu đến cuối là một nhà hoạt động vô song, hay như có người gọi chua cay mà không phải không có phần đúng, “một nhà cổ động”. Ông thường xuyên thức tỉnh, khi mọi người ngủ quên.
Nhà hoạt động tài ba dựa trên những trải nghiệm của chính mình, người kiến tạo lịch sử đã làm hồi sinh một dân tộc, lập nên một Nhà nước, dắt dẫn hai cuộc chiến tranh chống ngoại xâm về thực chất là cuộc chiến của những người bị áp bức. Cuộc kháng chiến chống Pháp của ông làm tan tành một đế quốc thuộc địa lớn. Cuộc kháng chiến chống Mỹ do ông chỉ đạo làm bộc lộ giới hạn của sức mạnh kỹ thuật khi chống lại con người.
Trong tất cả những người đang sống trên thế giới hôm nay, Cụ Hồ có lẽ là người chứng minh sáng tỏ nhất những gì nghị lực con người có thể làm được thông qua kỹ năng sử dụng một bộ máy quyền lực bám rễ vào khát vọng ngàn đời của người dân.
__________
Bút tích Jean Lacouture
Lời đề tặng: Bản sách (hơi cũ) này vốn thuộc quyền sở hữu của Philippe Sainteny, người ngày thứ năm 13.2.1992 tại Hà Nội đã trao lại tận tay tác giả Jean Lacouture… (ký tên P. S.), tác giả đã dùng làm món quà trân trọng tặng ông Phan Quang, kỷ niệm một tối vui tại Hà Nội. Rất thân (ký tên J. L.)