Ở nước ta, có một vùng rừng núi đã gây kinh ngạc cho các nhà khoa học bởi một nửa diện tích rừng khô hạn không khác gì châu Phi, nửa còn lại là những cánh rừng mưa nhiệt đới xanh tươi với hàng trăm loài sinh vật sinh sống.
Một lần đến thăm Vườn quốc gia (VQG) Núi Chúa ở Ninh Thuận, chúng tôi đã được hòa mình cùng với thiên nhiên hoang dã và học hỏi nhiều điều từ người dân Raglay hiền hòa, thân thiện.
Ban mai trên những cánh rừng
Từ trụ sở VQG, phải mất đến 30 phút đi trên con đường ngoằn ngoèo men theo sườn núi sát biển qua nhiều đoạn dốc đứng, chiếc xe bus mới đưa chúng tôi đến được khu vực nghiên cứu. Chẳng bao lâu sau khi mặt trời ửng hồng rực rỡ phía chân trời, những tia nắng vàng dịu đầu tiên chiếu vào vách núi đá trơ trọi, dựng đứng ở vùng đệm của VQG.
Phía dưới, biển xanh rì rào sóng vỗ. Cư dân đầu tiên của Vườn quốc gia chào đón chúng tôi là một nàng chim bói cá đang đứng chót vót trên mỏm đá chênh vênh cao ngất, chim nhìn ra hướng biển, nơi đem lại cho dòng họ nhà bói cá một cuộc mưu sinh đầy khó khăn – nhất là vào những ngày biển động.
Mùa này, những bông hoa mà-ca, một loài thực vật chịu hạn rất giỏi và phổ biến nơi đây thi nhau khoe sắc. Những chùm hoa màu trắng ngạt ngào hương thơm lan tỏa được gió mang đi khắp nơi. Nhờ gió biển, mật hoa đã khiến loài ong mật tìm đến, thụ phấn cho cây trong ánh bình minh chói lọi. Chỉ vài tiếng nữa, khi mặt trời lên cao, chùm hoa mà-ca cũng sẽ cụp lại để tránh thoát nước. Vì thế, mật ngọt của hoa này chỉ dành cho những loài cần mẫn, biết thức dậy từ rất sớm như loài ong.
Rồi chúng tôi đến với biểu tượng độc đáo nhất mà tạo hóa đã ban tặng cho VQG Núi Chúa: Một tảng đá chồng khổng lồ đứng trên một tảng đá nhỏ hơn như một lời thách thức ngạo nghễ với thời gian, thách thức những cơn gió cát, bão biển để đứng vững nơi đây từ ngàn đời và tạo nên nét chấm phá độc đáo cho thiên nhiên Núi Chúa.
Bao quanh “kỳ quan” này là cả khu rừng khô hạn trải dài với nhiều loài thực vật đầy gai sinh tồn. Phía xa, những dãy núi mờ sương cao ngất đang vừa như mời gọi, lại như đang thách thức bước chân của cả đoàn.
Sức sống trong hoang mạc
Mặc cho ánh nắng đã bắt đầu thiêu đốt, mọi người tiến bước về phía trước. Hầu hết các loài thực vật ở phần rừng khô hạn như sa mạc này là những bụi cây thấp gốc to, tạo thành những tán rất rộng để chống chọi với những cơn gió khô và mạnh. Các loài thực vật đều có lá dày, hay thân hình xù xì, gai góc rất đặc trưng cho thực vật biển khô hạn.
- Xem thêm: Cung đường “8 nàng tiên” ở Ninh Thuận
Ẩn mình trong đám lá xanh là loài rắn roi mũi đang ngon giấc sau một đêm mệt nhoài tìm kiếm thức ăn. Loài rắn này có thân hình khá kỳ dị do phải thích nghi với việc leo trèo săn mồi trên cây. Thân rắn chỉ to bằng chiếc bút chì nhưng chiều dài gần 1,5m khiến nó trở nên “dị hợm” so với các loài rắn khác.
Vượt lên qua hai ngọn núi thấp, đến độ cao 180 mét so với mực nước biển, chúng tôi đã bắt đầu cảm nhận được sự rát bỏng của ánh nắng gay gắt. Bên dòng suối nhỏ, nơi cây dẻ già nua khoe bộ rễ xù xì cùng năm tháng vô tình tạo cho chúng tôi một chỗ ngồi tránh nắng.
Từ đó ngước nhìn lên, chúng tôi bắt gặp một chùm lan môi trắng đặc hữu đang khoe sắc trong sự khô cằn và nóng bỏng. Loài lan này được một nhà khoa học người Hà Lan mới phát hiện năm 2001 trong VQG Núi Chúa. Đây là loài lan phụ sinh duy nhất có thể sinh sống tươi tốt đến không ngờ trong điều kiện khắc nghiệt như thế này.
Cả đoàn tiếp tục vượt qua một vài đỉnh núi thấp nữa. Phía trước hiện ra một thung lũng nhỏ với nhiều cây cối rậm rạp và xanh tươi. Dòng suối khá lớn với nhiều tảng đá mẹ rất lớn nằm chất đống. Chảy ngầm bên dưới là dòng nước đủ để những người dân Raglay đắp thành một chiếc đập nhỏ. Nước được dẫn vào đám ruộng lúa đang thì con gái xanh rờn.
Nơi này trước kia là một ngôi làng nhỏ của đồng bào Raglay sinh sống và trồng tỉa, nhưng từ khi có chính sách di dời, họ được chuyển đến sống trong những ngôi nhà mới khang trang và tiện nghi hơn nằm sát bờ biển. Hiện nay, ban quản lý vườn quốc gia vẫn cho phép đồng bào Raglay canh tác trên đám ruộng này để cải thiện đời sống.
Chúng tôi quyết định nghỉ ăn trưa để lấy sức đi tiếp. Tiếng suối chảy róc rách cùng những cơn gió rừng khiến cả đoàn chìm vào giấc ngủ rất nhanh…