Sau một thời gian du nhập vào Việt Nam, môn thể thao lặn biển bắt đầu thu hút nhiều người tham gia như một cách giải trí thú vị và cũng là cách rèn luyện bản lĩnh đối phó với nguy hiểm. Dù phải đổi nhiều thời gian tập luyện, chuẩn bị để lấy ít phút thám hiểm đại dương nhưng những ai đã yêu thích bộ môn này đều cho rằng điều đó hoàn toàn xứng đáng. Cảm giác tự do không trọng lượng khi khám phá thế giới huyền ảo dưới nước khiến nhiều du khách luôn hào hứng ra biển khi có dịp.
Niềm vui dưới đáy biển
Vì lặn biển là môn thể thao mạo hiểm nên người tham gia luôn được yêu cầu phải trải qua quá trình huấn luyện.Theo cách phân chia của những người chơi lặn biển chuyên nghiệp, môn thể thao này được chia làm hai nhánh là freedive và scuba.Freedive có nghĩa là người lặn hoàn toàn không có sự hỗ trợ của thiết bị thở dưới nước. Freedive đòi hỏi người chơi phải tập luyện chăm chỉ và đúng cách theo hướng dẫn của huấn luyện viên để cải thiện khả năng nín thở và chịu được áp suất khi xuống sâu. Trang bị cho một người lặn freedive bao gồm: chân vịt, mắt kính, quần áo lặn, dây chì. Còn scuba là lặn với khí tài, được hiểu là dụng cụ hỗ trợ việc thở dưới nước.Trang bị cho một thợ lặn scuba ngoài những thứ giống như freedive còn có thêm áo cân bằng độ nổi, thiết bị thở và bình dưỡng khí.
Lặn scuba
Dưới làn nước xanh trong suốt cùng tiếng rì rào huyền hoặc của biển cả, đàn cá tung tăng bơi lượn quanh những cụm san hô với đủ loại màu sắc, hình dạng đã hớp hồn không ít du khách đi tìm trải nghiệm mới lạ dưới đáy đại dương. Hầu hết những điểm du lịch biển ở Việt Nam đều đã có dịch vụ này, nhưng phổ biến và rẻ nhất là ở Nha Trang. So với Hội An, Phú Quốc, hay so với Thái Lan, Malaysia và một số nước khác ở Đông Nam Á thì mức chi phí ở Nha Trang chỉ bằng khoảng phân nửa. Chi phí cho người đã có chứng chỉ lặn, không cần có hướng dẫn đi kèm khoảng 40 USD/ngày. Một hướng dẫn lặn ở Nha Trang cho biết nguyên nhân một phần là do ở Nha Trang các công ty lặn ra đời quá nhiều mà không có một Hiệp hội Lặn biển nào để đạt được tiếng nói chung, vậy nên cạnh tranh giảm giá là điều khó tránh khỏi.
Ngoài những thành phố du lịch biển nổi tiếng, hiện nay nhiều điểm đến còn hoang sơ cũng đã có dịch vụ lặn biển như Côn Đảo, cù lao Chàm (Hội An), Cồn Cỏ… Cồn Cỏ là một hòn đảo thuộc huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị, cách bờ biển khoảng 30km. Nơi đây thu hút khách lặn bởi rạn san hô có độ phủ cao, đa dạng về thành phần loài và còn tương đối nguyên vẹn, trong đó có nhiều loại quý hiếm mà đặc biệt là san hô đỏ và san hô đen. Mới mẻ và hấp dẫn không kém là khu bảo tồn biển ở Cù lao Chàm có 165ha san hô và 500ha thảm cỏ biển với nhiều loại hải sản quý sinh sống.
Hiện nay, nhiều du khách can đảm còn có thú lặn đêm. Ban đêm người lặn không đi nhanh và xa được, chỉ là bám sát đáy biển, nhìn la bàn, soi đèn pin gặp sinh vật nào thì ngắm sinh vật đó. Tuy nhiên, đây là lúc các loại cá đều đã ngủ nên chúng đứng yên cho du khách mặc sức ngắm nhìn. Hạn chế của việc lặn đêm tầm quan sát bị hạn chế nên du khách rất dễva vào đá, bị thương tích.
Môn thể thao rèn luyện tinh thần
Một thách thức lớn nhất trong môn lặn biển là độ sâu. Với người lần đầu lặn, ở độ sâu chừng 5 mét sẽ bắt đầu thấy tức thở, đau tai và dễ hoảng loạn muốn ngoi lên. Mặc dù huấn luyện viên đã dặn rất kỹ rằng nếu thấy tức thở, đau tai thì ngoi lên một chút rồi từ từ lặn xuống, cứ phải ngoi lên lặn xuống vài lần như thế thì mới quen với áp lực nước… Tuy nhiên trong cơn hoảng sợ, chẳng mấy ai lặn lần đầu mà nhớ được điều này.
Anh Nguyễn Hoàng Huy, một Việt kiều Mỹ cho biết môn thể thao này còn rèn luyện cho anh khả năng giữ bình tĩnh trong mọi tình huống. Bởi bài học chủ yếu khi lặn là không được hoảng hốt.Nếu rơi vào trạng thái hoang mang hoặc sợ hãi khi đang lặn thì nên dừng lại, thư giãn vài giây để giữ bình tĩnh xử lý tình huống nguy cấp.
Thế giới lộng lẫy dưới biển
Ngoài mối đe dọa về sự cố, cá mập, sứa độc… Nhiều vùng biển còn có một loại hàu có thể gây nguy hiểm đến tính mạng người lặn. Đó là loài hàu xanh tai nghé tên khoa học là tropical oyster, sinh vật này nhiều khi trở thành cái bẫy vô tình với người lặn. Hàu xanh tai nghé rất lớn và có miệng hình lượn sóng, sống lẫn trong rạn san hô, bề ngang trung bình khoảng 30cm đến 40cm, khá khó nhận dạng trừ phi chúng đang mở miệng. Nếu ai vô tình thò tay hay chân vào trong miệng hàu thì có thể bị gãy xương khi chúng ngậm miệng lại. Nguy hiểm hơn nữa là loài này bám trên đá rất chặt làm người lặn bị kẹt, không trồi lên mặt biển được. Vì thế nhiều nơi ở Nha Trang và những vùng biển có hàu xanh tai nghé sinh sống, du khách được yêu cầu phải mang theo dao khi lặn…
Nghề chơi nào cũng lắm công phu, nhưng có lẽ những yếu tố mạo hiểm thêm vào đó đã khiến môn lặn biển thêm sức thu hút. “Cái nguy hiểm nhất của môn lặn này không phải là sự cố khi ở dưới đáy biển mà là sự thiếu hiểu biết và sự mất bình tĩnh khi đối mặt với sự cố. Người ta càng mất bình tĩnh chừng nào thì càng dễ chết bấy nhiêu! Đó cũng là bài học mà chúng tôi đã rút ra được từ hoạt động lặn biển và áp dụng vào những sự cố đời thường”, anh Hoàng Huy kết luận.
Cẩm Tú