Là một nghệ sĩ người Pháp gốc Việt, Nodey Đôn Nguyễn được biết trong giới nghệ sĩ quốc tế nhiều hơn ở Việt Nam. Anh về Việt Nam theo một chương trình nghệ thuật lưu trú. Tại đây, anh gặp ngôi sao nhạc rap Việt Nam – Suboi. Và họ kết hợp thành một đôi tuyệt đẹp.
Nodey chọn lối sống chu du khắp thế giới, từ những ngõ ngách châu Âu đến châu Á, đi đến đâu, sáng tác đến đó. Nodey từng có tác phẩm đầu tiên mang tên Atrahasis EP vào năm 2015, kế đến là tổ hợp các bản nhạc sàn thuần Việt Vinasounds Vol.1 phát hành năm 2016…
Định mệnh đưa anh trở về Việt Nam theo một chương trình nghệ thuật lưu trú. Từ đây, anh gặp ngôi sao nhạc rap của Việt Nam – Suboi. Quá trình làm việc chung, sự đồng điệu trong cảm nhận nghệ thuật và cuộc sống đã khiến Nodey không dừng lại ở Việt Nam ba tháng như dự định ban đầu.
DJ, nhà sản xuất nhạc và sáng tác beat Nodey đã lập gia đình cùng Suboi, có một thiên thần nhỏ, cùng nhau ra mắt sản phẩm âm nhạc chung mang đậm dấu ấn Việt Nam. Từ đây, hành trình Finding Saigon (tên một phim tài liệu của Nodey) mở dài ra đầy thú vị.
Vợ chồng Nodey – Suboi đã có buổi trò chuyện với Người Đô Thị về hành trình chung của họ:
____Mình rất thích tác phẩm nghệ thuật chung (đầu tiên?) của Suboi và Nodey là Đôi khi. Không chỉ là âm nhạc, hình ảnh trong MV có rất nhiều điều thú vị về văn hóa Việt Nam. Hai bạn có thể chia sẻ về ý tưởng tác phẩm chung này, đó là góc nhìn về Việt Nam, về cuộc sống của Nodey hay Suboi?
Suboi: Đôi khi đúng là bài hát đầu tiên Suboi gặp và làm việc với Nodey. Khi đó Nodey đang đi chu du, cùng lúc tìm gặp và kết hợp với các nghệ sĩ, anh có ý hợp tác với Su một bài trong album đầu tiên của anh. Đúng lúc Su cũng mong muốn làm một điều gì đó vượt ra khỏi khuôn khổ nhạc rap, quên đi những công thức, cung cách viết mà sau một thời gian đã sắp sửa “đóng khung”. Đối với Su, Đôi khi là một sự mông lung, một bức tường sập dần và một cái hạt nứt mầm… mà bây giờ nhìn lại, càng thấy nó rõ hơn.
Ý tưởng hình ảnh của Đôi khi là do đạo diễn Anh Phi, người có góc nhìn mới về Sài Gòn, về văn hóa Việt Nam. Có lẽ vì anh cũng là một người Pháp gốc Việt tìm cầu nối về nguồn cội, nên anh và Nodey trở thành bạn tốt của nhau. Họ cùng lên kế hoạch và vận động những nhân tố tuyệt vời sản xuất nên video này.
Nodey: Chúng tôi đã sáng tác Đôi khi trong lần gặp nhau cách đây hai năm rưỡi, lúc tôi về đến Sài Gòn. Tôi khó nói về ý nghĩa vì phải nói thật, tôi ít quan tâm tới ca từ. Tôi tập trung vào những xúc cảm, những cảm quan mà âm nhạc nói chung gợi lên trong tôi. Đôi khi phản ánh cái nhìn của tôi về cuộc sống, từ ngày tôi sống ở Việt Nam: một sự hòa trộn ánh sáng, âm nhạc, nỗi sầu muộn, những kỷ niệm nhập nhòa, những bóng ma…
“Sao mình không thương người Việt Nam cho được, suy cho cùng Việt Nam là nước hiểu rõ cái đau đớn của sự mất mát nên cũng mềm dẻo nhiều chiều sâu”
SUBOI
Về mặt hình ảnh, người thực hiện MV này là bạn tôi, Anh Phi Tran, biệt hiệu Cako. Ý tưởng chủ đạo là tạo ra một thế giới mộng tưởng, lấy cảm hứng từ những thành tố văn hóa Việt Nam: những huyền thoại như hòn vọng phu, vũ điệu múa quạt, áo dài… Một trong những điểm mạnh của Anh Phi là tập hợp được đúng người đúng việc, và để thực hiện clip này, anh đã huy động được những tài năng đa dạng như Mouna cho biên đạo múa, Travipome cho thiết kế bài trí. Hơn 80 người tham gia trường quay, cùng chung một động lực là làm nên một tác phẩm vinh danh nghệ thuật Việt Nam ngày hôm nay.
____Là một DJ, sáng tác hip hop, sinh ra ở Pháp, lang thang khắp nơi nhưng rồi lại chọn Sài Gòn làm nơi sống. Với Nodey, Sài Gòn ý nghĩa như thế nào?
Nodey: Về phần tôi, thực ra không có sự lựa chọn. Dường như định mệnh hay một quyền lực tối cao nào đó đã an bài cho tôi về Việt Nam. Trước đó tôi đã lãng du nhiều nơi, rồi một hôm, tôi được đề nghị một chuyến “cư trú nghệ thuật” ở Sài Gòn do Tổng lãnh sự quán Pháp quản lý. Trong chương trình sinh hoạt này, người ta đã sắp xếp tôi gặp Suboi. Rồi tình yêu đến, rồi Suboi mang thai. Từ ấy, tôi hiểu là tôi sẽ định cư ở Sài Gòn. Có lẽ tổ tiên tôi đã mong muốn tôi sống ở Việt Nam và đã sắp đặt như thế!
____Với Nodey, có gì là khiên cưỡng khi đưa âm hưởng nhạc truyền thống của Việt Nam vào tác phẩm hip hop không? Các tác phẩm của Nodey có màu sắc này đã được đón nhận như thế nào tại các sân khấu quốc tế nơi bạn xuất hiện?
Nodey: Rất là tự nhiên, thậm chí có thể nói là vô thức. Hiện nay tôi sử dụng nhiều sample nhạc Việt trong nhạc của mình, nhưng ngay từ trước đây, khi tôi không có chủ ý dùng âm nhạc Việt Nam thì bạn bè tôi ở Pháp nhiều người đã thấy có màu sắc châu Á trong nhạc của tôi. Nhất là những bạn gốc châu Phi hay nhận xét như vậy.
Mặc dầu tôi sinh trưởng ở Pháp, hấp thụ giáo dục Pháp, nhưng tôi đã thấm nhuần những thành tố văn hóa Việt như âm nhạc, ẩm thực. Tôi lớn lên trong cộng đồng người Việt, được nghe nhạc truyền thống trong những lễ hội như ngày Tết Nguyên đán, Tết Trung thu, những buổi lễ trên chùa. Bố tôi, lúc tôi còn nhỏ, lại phụ trách một trung tâm văn hóa Việt Nam. Cho nên những âm thanh ấy đã thẩm thấu trong đầu óc tôi từ thuở còn thơ. Điều này giải thích màu sắc trong nhạc của tôi.
____“Nữ hoàng rap Việt” là cách một tờ báo nước ngoài gọi Suboi. Khi Suboi công bố mình mang thai, sinh em bé, chồng là một người soạn nhạc hiphop, có âm nhạc, hình ảnh tương đồng với những gì Su theo đuổi, khán giả có thể hình dung đây là sự kết hợp của hai tâm hồn đồng điệu về nghệ thuật. Nhưng là vợ chồng thì có lẽ không đơn giản chỉ vậy, đâu là điều khiến bạn muốn gắn bó với Nodey?
Suboi: Chắc là do có tình bạn. Cả hai gặp nhau ở những chia sẻ, những suy nghĩ về đời, về cách mình sống, cách mình nghĩ về cái chết, mình không biết ngày mai ra sao, mình chung quan điểm là sống sao cho khỏi phải hối tiếc.
Trước khi thành vợ chồng, Nodey là một người bạn đặc biệt, bạn ở đâu làm gì cũng được, bạn tốt đẹp hạnh phúc là được, vì mình cũng sẽ như vậy. Rồi hôm nay mình được thấy mặt nhau mỗi ngày, được làm đồng đội, cũng được cho nhau không gian và thời gian để chấp nhận bản thân, chấp nhận nhau… Không biết nói sao cho gọn nữa. Chắc là có duyên. Có thể nói là chúng tôi hợp nhau, yêu nhau, cả hai đều thích sống một cuộc sống giản dị và thoải mái. Chúng tôi thích nghe nhạc và thích nhảy múa với con gái của chúng tôi.
____Trên facebook của Su có viết: “Cách đây 6 năm, một cô bán mỹ phẩm ở New York khen tôi đẹp có gu y như người bản xứ, cô ấy cho rằng đó là một lời khen ngợi to lớn đối với một cô châu Á, mà còn là từ Việt Nam chứ không phải Đại Hàn, Nhật Bản, và chắc tôi sẽ phải rất vui mừng. Tôi nói cảm ơn và thật ra tôi chỉ nhìn y như con gái Việt Nam (kèm 1 nụ cười). Ok, câu trả lời tôi bảnh, vì ý của tôi nghĩa là thành phố bạn to lớn và phát triển hơn chỗ tôi nhiều, tôi rất thích và khi công nhận điều đó thì cũng không có nghĩa rằng tôi đang phủ nhận nước của tôi, tôi cũng tự hào về quê hương của tôi, con người bên nước tôi cũng đẹp”. Điều mà Su tự hào về đất nước mình, con người mình là gì?
Suboi: Ý của câu chuyện đó là thông điệp yêu quý bản thân, cái “thân” từ nước “nhỏ mà có võ”, yêu cái “thân” đó rồi nhìn đến những thứ mình ngưỡng mộ, những thứ mình thấy hay ho rồi sàng lọc và hoàn thiện. Mà sao mình không thương người Việt Nam cho được, suy cho cùng Việt Nam là nước hiểu rõ cái đau đớn của sự mất mát nên cũng mềm dẻo nhiều chiều sâu. Người ta nhìn mình sao cũng được, thái độ mình mới quan trọng. Mình không mặc cảm, tự ti ngăn cản việc thừa nhận người khác để hướng tới học hỏi, cũng không tự mãn rồi bảo thủ, kém mở mang.
____Năm 2020 có vẻ là một năm đặc biệt với cả hai. Suboi sinh con, tham gia Rap Việt. Nodey quyết định sống ở Sài Gòn, có con. Cả hai ra MV chung. Và đặc biệt 2020 là năm “dừng lại” của toàn thế giới khi virus Corona xuất hiện. Hai bạn có thể nói gì về một năm thật đặc biệt này?
Suboi: Su chỉ có thể nói là mình biết ơn cuộc sống này rất nhiều, không chỉ riêng trong năm nay. Corona là một lời nhắc nhở lớn nhất cho nhân loại, bắt buộc mọi người phải chậm lại. Đối với nhiều người đây là việc rất khó khăn, có nhiều sự bất an, nhưng Su cũng mong mọi người bình ổn và chăm sóc sức khỏe, đó là thứ quan trọng nhất.
Nodey: Chúng tôi đã sống một năm 2020 trong hạnh phúc và thấy mình thật may mắn. Chúng tôi không bị nhiễm COVID-19. Vì con đầu lòng của chúng tôi đã sinh ra vào đúng thời điểm dịch bệnh nên chúng tôi quyết định ngưng mọi hoạt động nghệ thuật khi cháu ra đời. Ở nhà chăm con, chúng tôi không phải hứng chịu những ràng buộc của sự phong tỏa. Đến khi chúng tôi làm việc trở lại thì cũng là lúc công việc làm ăn kinh doanh ở Việt Nam tái khởi động. Tôi cầu chúc cho bạn đọc của Người Đô Thị được bình an và cân bằng nội tâm vì đối với phần đông, 2020 là một năm phức tạp, và tôi linh cảm rằng những năm sắp tới cũng sẽ chẳng tốt đẹp hơn mấy.
____Là hai người trẻ có lối sống tự lập, phóng khoáng và tiếp cận sớm với các xu thế nghệ thuật cũng như lối sống phương Tây, hai bạn có gặp phải trở ngại nào đáng nói trong mối quan hệ với gia đình hai bên? Hai bạn có muốn con mang ảnh hưởng từ cuộc sống của mình không?
Suboi: Tất nhiên có những lúc bố mẹ và Su có quan điểm khác nhau do hoàn cảnh, tình thế. Nhưng cuối cùng thì gia đình vui khi thấy con mình hạnh phúc, và ông bà hai bên đều rất vui. Về em bé, mình không có mong đợi gì to lớn đặt lên con, có chăng cũng nằm hết trong tên Đăng Hân (Đăng như ngọn đèn, Hân như hân hoan). Mình làm hết sức có thể từ khi mang thai, nghiên cứu học hỏi, chế tác hạnh phúc, giữ năng lượng…, có nhiều kỹ năng mềm hay hành vi cần trau dồi,… Hiện tại mình xem trọng những việc đó hơn.
Nodey: Tất nhiên đã có những vấn đề với gia đình, nhưng cuộc sống là như vậy. Đó chỉ là những xung đột nho nhỏ, tôi may mắn bởi bố mẹ là những người cởi mở về văn hóa, chấp nhận chọn lựa của tôi. Còn với con gái, nói thực là tôi không có gì phải băn khoăn. Sau này, nó muốn làm gì thì làm, miễn sao nó hạnh phúc và an nhiên là được. Dù vậy, tôi thấy nó giống bố mẹ, rất nhạy cảm với âm thanh và âm nhạc.
____Năm 2020 cũng là năm rap Việt được sống một cách mạnh mẽ và đại chúng khi có đến hai chương trình truyền hình về rap. Đặc biệt là Rap Việt rất thành công. Cùng với sự phát triển của nhạc online, Suboi có nghĩ đã đến lúc các nghệ sĩ rap sẽ có nhiều cơ hội hơn trong thị trường biểu diễn?
Suboi: Rõ ràng sau hai chương trình này các bạn rapper đã được sự chú ý nhất định, cơ hội lên sân khấu và cả các công việc quảng cáo đều có cơ hội hơn, điều đó rất xứng đáng vì các bạn đều tự sáng tác và mang chất riêng. Rap đã có mặt ở đây khoảng 20 năm rồi, nó không chỉ là một phong trào.
____Khi xuất hiện trước công chúng, khi muốn nói với mọi người, à, tôi là Nodey thì bạn đeo những chiếc răng vàng (bạc?) lên. Tôi thật tò mò và muốn biết câu chuyện về những chiếc răng này?
Nodey: Đó là những thứ trang sức người ta thường gọi là “grillz”, phổ biến trong phong trào nhạc hip hop xuất phát từ Mỹ. Từ nhỏ tôi đã mê hip hop, làm fan của một nhóm New York tên là Wu Tang Clan (Phái Võ Đang). Trong phòng tôi có treo một tấm poster Wu Tang Clan, và họ đều gắn răng vàng. Những cái “grillz” của tôi được làm tại Paris, bởi một người bạn tên là Franck.
Tôi rất hãnh diện vì Franck đã tạo ra “grillz” cho rất nhiều ngôi sao, như Beyoncé, Rihanna hay Drake. Những cái tôi mang không phải bằng vàng mà bằng cobalt. Hồi đầu, tôi mang những cái “grillz” bằng vàng 14 cara, một hôm gỡ ra để ăn cơm, bỏ vào túi quần, chạy scooter rồi đánh rơi mất. Bị mất mấy lần rồi, nên bây giờ tôi mang trang sức bằng cobalt, chứ không chẳng mấy lúc sẽ… sạt nghiệp.
____Có con – điều đó ý nghĩa như thế nào và thay đổi lớn dường nào đến cuộc sống, suy nghĩ của bạn?
Nodey: Tôi rất thích. Đứa con làm tôi được cân bằng hơn. Trước đây đầu óc tôi thường bay lơ bay lửng. Bây giờ làm cha, tôi cảm thấy phải bám chặt chân lên mặt đất. Điều rất thú vị là cháu rất vui tươi, khiến cho cả nhà, cả họ vui vẻ.
“Đôn đã tìm thấy ở Việt Nam đáp án về nguồn gốc, tình yêu, Hạnh phúc”
Như Nodey đã chia sẻ, dù anh sinh ra tại Pháp nhưng âm hưởng Việt Nam trong âm nhạc của anh đến rất tự nhiên là do cuộc sống của anh thấm nhuần yếu tố Việt từ thuở còn thơ. Ba anh là ông Nguyễn Ngọc Giao (sinh năm 1940 tại Bắc Ninh, di cư vào Sài Gòn năm 1954). Ông du học từ năm 1958, rồi giảng dạy tại khoa Toán Đại học Denis Diderot Paris VII.
Ông từng phiên dịch cho phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Hội nghị Paris về Việt Nam (1968-1973), biên dịch Việt – Pháp (Văn Tiến Dũng, Bùi Ngọc Tấn, Nguyễn Quang Thiều…), Pháp/Anh-Việt (Lịch sử Thế kỷ XX của Eric J. Hobsbawm). Ông nghiên cứu về lịch sử hiện đại Việt Nam, lịch sử phong trào Việt kiều ở các nước Tây phương. Ông là người tham gia thành lập Hội Liên hiệp Sinh viên Việt Nam tại Pháp (1965), Liên hiệp Việt kiều tại Pháp (1969), Hội Người Việt Nam tại Pháp (1976), cộng tác với nhiều tạp chí.
Khi hỏi ông nghĩ gì về con đường âm nhạc mà con trai mình chọn, nghĩ gì về việc Nodey, dù sinh ra và lớn lên ở Pháp, lại chọn Sài Gòn để sống và rồi cưới vợ là ngôi sao nhạc rap ở Việt Nam và có con, ông đã trả lời, từ Pháp:
“Về âm nhạc thì xin thú thật là tôi hoàn toàn không hiểu gì về rap. Nina – tên tiếng Anh của Đăng Hân, con gái của Đôn và Su – chưa đầy một tuổi, qua những hình ảnh WhatsApp và Messenger mà chúng tôi nhận được, tỏ ra rất nhạy cảm với âm thanh, âm nhạc. Tôi nói đùa với bố mẹ cháu là tôi mong lớn lên Nina sẽ yêu thích nhạc cổ điển, như thế ông cháu có thể hiểu nhau và gần nhau hơn!
Việc chọn con đường của con, đối với tôi chưa bao giờ đặt thành vấn đề bởi đó là sự chọn lựa của con cái, cha mẹ chỉ có nhiệm vụ tìm hiểu, cảm thông. Và yên tâm khi tin rằng sự chọn lựa ấy phù hợp với thiên hướng và khả năng của con. Tôi dạy toán, nhưng trong ba con trai, chỉ có người thứ nhì chọn làm toán; hai người kia, anh lớn của Đôn chọn ngành thiết kế mỹ thuật, và Đôn chọn âm nhạc. Tôi cũng mừng là mỗi người đã chọn đúng thiên hướng và khả năng của mình.
Sinh trong thập niên 80 của thế kỷ XX, Đôn thuộc thế hệ “toàn cầu hóa”, không có những đam mê gắn liền với ý tưởng dân tộc như thế hệ chúng tôi. Một khó khăn lớn của lứa tuổi này – tôi muốn nói tới con cháu những người gốc Á, Phi, sinh trưởng ở một nước châu Âu như Pháp – là vấn đề “định vị bản sắc”. “Tôi là ai?” không thể trả lời ngắn gọn và phiến diện bằng một vế “Tôi là người Việt” hay “Tôi là người Pháp”. Chính sự cọ xát với bạn bè đủ mọi nguồn gốc ở trường học, ngoài xã hội, hay trong các cuộc chu du, đã thúc đẩy các bạn trẻ đi tìm “bản sắc” hay đúng hơn, đi “tìm nguồn”. Nếu sự tìm kiếm ấy làm giàu cho ý thức và kiến thức văn hóa của mình thì bản thân cân bằng, ổn định hơn; công việc, nhất là công việc sáng tạo có thêm nguồn cảm hứng.
Tôi rất mừng là sau những cuộc chu du ở châu Âu, châu Mỹ và châu Á, Đôn đã tìm thấy ở Việt Nam không chỉ đáp án về nguồn gốc, mà cả tình yêu và hạnh phúc gia đình”.
– Nhiếp ảnh Chương Phạm – Trang phục Kaarem