Gió đi ù ù ngang họng súng thần công
Tiếng chuông chùa đi thủng thỉnh trong không
Áo em trắng đi từ xa vắng lại
Thời gian đi xám mặt đỉnh đồng.
(Nguyễn Duy – Huế, 1976)
1. Huế, 4.1976…
Tôi trút bộ quân phục sau mười một năm lính, nhận quyết định chuyển ngành ra dân – làm biên tập viên kiêm phóng viên báo Văn Nghệ Giải Phóng. Trên đường từ Hà Nội vô Sài Gòn nhận việc, tôi dừng lại chơi Huế, ăn nhờ nơi anh chị Tô Nhuận Vỹ – 26 Lê Lợi, ngủ đậu nhà nhạc sĩ Trịnh Công Sơn – 11 Nguyễn Trường Tộ.
Huế đang trong tình trạng thiết quân luật. Mọi người không được đi lại ngoài đường sau 12 giờ khuya, nhà nào có khách qua đêm phải khai báo tạm trú. Riêng nhà Trịnh Công Sơn bị phường khóm “để ý” kỹ hơn vì thường tụ tập đông vui. 25 tháng Tư là ngày Quốc hội thống nhất họp phiên đầu tiên tại Sài Gòn, an ninh càng siết chặt hơn. Tối đó, tôi cùng nhóm anh em văn nghệ Huế gồm Trịnh Công Sơn, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Tô Nhuận Vỹ, Bửu Chỉ… đàn hát chán chê nơi sân nhà Nguyễn Khoa Điềm, rồi lại kéo nhau về nhà anh Sơn mua nem Bến Ngự nhắm nháp. Gần giờ giới nghiêm ai nấy vội về. Tôi ngủ lại.
Quá nửa đêm, công an phường xét nhà. Giấy tờ tùy thân của tôi để trong ba lô gửi chỗ Tô Nhuận Vỹ. Không có giấy thì ra bót! Tôi lập tức được áp giải lên đồn công an Phủ Cam. Anh Sơn lẽo đẽo đi cùng, bước thấp bước cao giữa màn đêm sương lạnh. Viên công an áp giải soi đèn pin cho tôi đọc một câu khẩu hiệu đỏ viết trên mảng tường trắng: “Dù cho bão táp mưa sa/ Khách lạ đến nhà phải báo công an”.
Đó là câu “thơ” đầu tiên về Huế mà tôi thuộc lòng trong chuyến đi ấy.
Chúng tôi được xếp ngồi chung băng ghế dài với mấy “anh chị” vừa bị gom từ ga Huế về, từ dưới đò sông Hương lên. Rét run cầm cập. Tôi co ro lẩm nhẩm một câu khẩu hiệu khác vụt hiện trong đầu: “Ở Huế có lệ xét nhà/ Ai không có giá…i (giấy) thì ra bót ngồi”. Chẳng lẽ câu “thơ” đầu tiên của mình về Huế lại như thế a? Không! Huế đẹp và thơ mộng kia mà! Chợt bừng tỉnh, tôi ngồi lặng sắp đặt lại trong đầu những hình ảnh thật sự là thần hồn của Huế…
Mờ sáng, hết giờ giới nghiêm, anh Sơn mới được về nhà và đạp xe đi lấy giấy tờ giải cứu cho tôi.
2.
Mấy ngày thăm thú Huế thật sâu lắng, bồi bổ tôi cả cảm xúc lẫn tri thức. Và thơ, thơ đến tự nhiên nhẹ nhàng như gió thoảng. Ngay buổi sáng vừa thoát khỏi đồn công an Phủ Cam về đến nhà anh Sơn, tôi xin anh mấy tờ giấy trắng. Ghi vội kẻo quên, vài ý tứ loé lên trong đêm lạnh.
Đi ngang thành nội
Gió đi ù ù ngang họng súng thần công
Tiếng chuông chùa đi thủng thỉnh trong không
Áo em trắng đi từ xa vắng lại
Thời gian đi xám mặt đỉnh đồng
(Huế, 1976)
Bài thơ bốn câu này mở đầu cho chùm Gửi Huế, tôi chép tặng Trịnh Công Sơn. Anh nói thích nhất câu kết, thời gian đi xám mặt đỉnh đồng. Thì chính anh hôm rồi đã đưa tôi vào xem cửu đỉnh trong sân Thế Miếu.
***
Hoạ sĩ Bửu Chỉ cùng tuổi Đinh Hợi với tôi, đãi bữa cơm quán Âm Phủ, một quán ăn nổi tiếng của Huế từ thời nảo thời nào, món ngon mà giá bình dân. Hỏi tại sao quán tên Âm Phủ? Bửu Chỉ mỉm cười, không biết, có thể do trước đây chuyên bán cho khách giang hồ ăn khuya, như bán cho ma từ dưới sông lên mà lấy tên vậy. Anh say sưa nói về các đặc sản quê kiểng, những mắm, những hến, những cá bống thệ, những tôm rằn bóc vỏ bỏ đuôi/gạo de An Cựu mà nuôi mẹ già… Tôi tưởng tượng rồi sẽ xa, sẽ nhớ mà viết bài này đề tặng Bửu Chỉ, tặng ngay từ lúc chưa xa:
Hỏi thăm
Vừa xa mà đã nghe lâu
Hỏi thăm áo tím qua cầu gió bay
– Ớt Đông Ba có còn cay?
– Gạo de An Cựu độ này còn thơm?
Hỏi thăm hoa phượng bên đường
– Sông Hương mấy bữa mưa nguồn còn trong?
– Quán cơm Âm Phủ còn không?
– Cô gì hôm ấy lấy chồng hay chưa?…
(Huế, 1976)
***
Nhà văn Trần Công Tấn, không biết mượn đâu được chiếc xe hơi La Dalat cà tàng, cũng chẳng hay chàng xoay đâu ra hàng chục lít xăng giữa thời buổi “gạo châu củi quế” ấy, tự lái xe, đưa tôi cùng với anh Sơn, anh Tường du ngoạn cố đô. Hoàng Phủ Ngọc Tường dẫn chuyện, xin hình dung anh là một bộ bách-khoa-toàn-thư-sống về Huế. Biết rộng, nhớ sâu và nói duyên, anh thuyết trình cho tôi hiểu về nét đặc trưng của một số lăng tẩm, cung điện chính, và chỉ cho tôi thấy mấy loại cây quý hiếm hình như chỉ còn sót ở nơi này, cây ngô đồng bên bờ sông Hương, cụm lan báo hỉ trong vườn lăng Tự Đức.
Sau cuộc du ngoạn nhớ đời ấy, tôi lại mường tượng rồi sẽ xa, sẽ nhớ, nỗi nhớ lúc chia xa, mà nảy bài thơ ghi tặng Hoàng Phủ Ngọc Tường, tặng ngay khi chưa xa:
Nhớ bạn
Ta về xứ Huế mưa sa
em ơi Đồng Khánh đã là ngày xưa
Ta về xứ Huế chiều mưa
em ơi áo trắng bây giờ ở đâu?
Bến Tuần loáng thoáng hàng dâu
em xa vườn lựu từ lâu lắm rồi
Lối mòn đá cuội rong chơi
lơ thơ trắng dưới chân đồi hoa mơ
Lan báo hỉ nở tình cờ
bông ngô đồng rụng xuống bờ Hương giang
Chợ chiều Bến Ngự chưa tan
Ai đi ngược dốc Phủ Cam một mình.
(Huế, 1976)
Hoàng Phủ Ngọc Tường đọc bài thơ, cười khà, người đi ngược dốc Phủ Cam một mình thì đúng là mình rồi!
3. Sài Gòn, 1991…
Chùm thơ Gửi Huế của tôi vừa độ trăng rằm, tuổi mười lăm. Anh Sơn đã di cư vào Sài Gòn được hơn mười năm, làm việc và sinh hoạt tại Hội Âm nhạc Thành phố.
Nhạc sĩ Từ Huy, cán bộ văn phòng Hội Âm nhạc, tháo vát và ham vui, thỉnh thoảng gầy nhóm “bia văn nghệ”, một cái mốt giải trí thông thường hồi bấy giờ. Nhóm “bia văn nghệ” này gồm bốn năm nhạc sĩ thân nhau, trong đó có Trịnh Công Sơn. Tôi là kẻ ngoại đạo duy nhất được đặc cách tham dự. Mỗi tháng một hoặc đôi lần, chúng tôi thường ngồi tại quán quen trên đường Trần Quang Khải. Cũng mỗi người một em tiếp viên quen, biết hát với cây ghi ta thùng. Nào có ai ôm ấp ai đâu, mọi người uống bia và luôn phiên đàn hát. Chỉ ôm đàn thôi. Cảm giác thú chơi này man mác thanh tao như thú hát ca trù thời các cụ kị xa xưa.
Cô em luôn ngồi cạnh Trịnh Công Sơn có gương mặt xinh và phúc hậu hơn cả, nói giọng Huế, hát nhạc Trịnh. Lần đầu tiên tôi đến đây, sau lời Từ Huy giới thiệu để làm quen, em dướn mắt nhìn tôi chằm chằm rồi đứng bật dậy, Anh ơi áo trắng bây giờ ở đây. Em tên Vân… Tôi sững người. Rõ ràng em đã thuộc và nhại một câu trong bài thơ Nhớ bạn của tôi.
Em buông tiếp hai câu nữa khiến tôi sởn da gà, Bến Tuần loáng thoáng hàng dâu/ Em xa vườn lựu từ lâu lắm rồi… và tiếp đó đọc nguyên bài thơ. Đích thị học trò Huế, tôi thầm đoan chắc thế. Anh Sơn nhỏ nhẻ hỏi thêm về gia cảnh. Em kể, Vân chỉ là tên giả, các em ngồi đây toàn tên giả. Thương ba má nghèo không lo nổi học phí, em đành bỏ học, đi làm phụ bán quán, rồi dạt vô Sài Gòn mưu sinh để giờ ra nông nỗi này.
Ôi chao, kiếp người sao mà oái oăm!…
***
Cuối thu 1991, má của Trịnh Công Sơn trở bệnh rồi qua đời. Lễ tang cử hành tại tư gia, trang trọng và thiêng liêng theo nghi thức truyền thống. Hoa viếng chật cả ngõ phố, đèn, nhang, tụng niệm suốt mấy ngày. Anh Sơn đứng vai con trưởng, chủ lễ.
Đến ngày lễ tang thứ hai, tôi chợt thấy em Vân thấp thoáng tít ngoài đường Phạm Ngọc Thạch, ăn vận rất tươm tất. Gặp tôi, Vân mừng hú, kể lể: Em đi qua đi lại mấy lần rồi, muốn vô thắp cây nhang lạy má anh Sơn mà không dám. Sợ ảnh không bằng lòng về cái thân phận chẳng ra gì của em. Nhờ anh hỏi nhỏ anh Sơn giùm, nếu ảnh có cho phép thì em vô viếng, nếu không em đứng ngoài ni bái vọng. Nghe nghèn nghẹn.
Tôi rẽ đám đông kéo anh Sơn ra góc khoảng sân hẹp, thì thào thế… thế… Anh im lặng giây lát, chừng như để nuốt cơn xúc động, rồi nhẹ nhàng cầm tay tôi, hơi run, nhờ ông ra nói giùm, tôi mời Vân…
***
Từ sau lễ tang má, anh Sơn rút lui khỏi mọi cuộc bia bọt nhộn nhạo, hội “bia văn nghệ” tan luôn. Cũng từ đó tôi không gặp lại Vân một lần nào nữa. Có lúc tôi đã trở lại quán bia quen trên đường Trần Quang Khải ấy hỏi tìm Vân tiếp viên. Người ta lắc đầu, cô Vân Huế chuyển đi lâu rồi, chuyển đâu không ai biết.
Đôi khi chợt cảm thương vô cớ, tôi lẩm bẩm vu vơ, em ơi áo trắng bây giờ ở đâu…