Ngày Tết tuy bắt nguồn từ Trung Hoa, nhưng tục lệ ăn tết mỗi nơi một khác. Đài Loan (ĐL) tuy chỉ cách TQ một eo biển, nhưng “thập lí bất đồng tục” (10 dặm phong tục đã khác), tục lệ ăn Tết của họ có nhiều điểm dị biệt với Đại Lục. Vừa qua, tôi có chuyến khảo sát thực địa tại ĐL, tuy chưa đến Tết, nhưng tôi vẫn sưu tầm được nhiều tư liệu lý thú.
Ăn Tết kéo dài nhất thế giới
Thời gian đầu, cuộc sống người ĐL rất gian nan, nên cứ vào ngày 16 (tất cả trong bài này đều tính theo Âm lịch) hàng tháng, mỗi gia đình đều tổ chức bữa ăn tươi, gọi là “nha tế” (cúng răng). 16 tháng Chạp là ngày “nha tế” sau cùng trong năm, nên gọi là “vĩ nha”. Hôm đó, mọi nhà phải bày cỗ thịnh soan, cúng ông địa, cám ơn ông đã phù hộ quanh năm. Tục ngữ có câu, “đầu gà to hơn má lợn”, trong tiệc vĩ nha, nếu thấy đầu gà quay về ai đó thì đừng vội mừng, đó là ngụ ý ra Giêng người đó sẽ bị chủ “ưu tiên” sa thải, hãy lo kiếm việc khác đi! Từ vĩ nha trở đi, không khí Tết ở ĐL ngày càng được hâm nóng.
Theo danh tác Hiệp khách hành của Kim Dung, từ ngày mùng 8 tháng Chạp (lễ Lạp Bát), người ĐL đã chuẩn bị đón Tết bằng món cháo Lạp Bát, được nấu từ nếp, hạt sen, ý dĩ, bạch quả, táo tàu, hạt dẻ. Tương truyền, Lạp Bát là ngày Thích Ca Mâu Ni đắc đạo. Nhà chùa thường ngày chỉ cúng Phật bằng hương hoa trái cây, hôm đó phải dâng Phật bằng cháo Lạp Bát. Tục lệ đó dần dần lan truyền trong dân gian mà người ta quên mất ý nghĩa tôn giáo của nó.
Tiếp theo, ngày 23 tháng Chạp là ngày đưa ông Táo lên trời. Táo quân được Ngọc hoàng cử xuống trần theo dõi từng nhà, cuối năm về thiên đình báo cáo kết quả giám sát trong năm. Ngọc hoàng căn cứ vào báo cáo đó để quyết định họa phước, nên bài vị ông Táo phải ghi là “Định phước Táo quân”, dân gian cung kính gọi ông là “Táo vương gia”. Do đó, bữa cỗ đưa tiễn ông phải thật linh đình, gọi là “ăn tết nhỏ”.
Người Việt Nam ta cúng ông Táo phải có thèo lèo cứt chuột, người ĐL thì lấy cục kẹo mạch nha trát lên miệng ông, cưỡng bức ông ăn kẹo dính răng, bớt bép xép. Phản ánh người ĐL bề mặt tôn kính, nhưng lại xỏ ngầm, coi ông như con nít. Táo quân gần gũi người dân, không ăn trên ngồi trốc như đức Quan thánh. Giống như Việt Nam, cũng hay mang ông Táo ra giễu cợt, như “đội mũ đi hia không mặc quần”, “1 bà 2 ông” v.v.
Phương tiện giao thông của Táo Việt Nam là cá chép, còn Táo ĐL cưỡi ngựa. Người ĐL đưa ông Táo phải cúng rơm trộn với đậu nành và con ngựa giấy.
Ngày 25 tháng Chạp Ngọc hoàng mới thiết triều, nhận sớ tấu các nơi. Người ĐL có tục lệ “quan tam, dân tứ, thuyền gia ngũ” (quan cúng 23.12, dân cúng 24.12, trôi nổi trên sông cúng 25.12). Đêm trừ tịch thì Táo quân về, thường dẫn theo bạn bè mới quen biết trên trời xuống hạ giới ngao du. Táo quân là “thổ công” đúng nghĩa, có trách nhiệm làm hướng dẫn viên. Sau Tết, các vị thần tiên lên trời trở lại, Táo quân trở về xó bếp, nên chiều mùng 4 Tết, gia chủ chỉ cần nhang đèn hương hoa đón tiếp là xong.
Sau Tết, mỗi ngày đều có nội dung cụ thể, ví dụ:
- Con gái đã xuất giá phải đón Tết bên chồng, mùng 2 được về nhà thăm bố mẹ;
- Mùng 6 là “Hoa nhật”, rủ nhau đi chợ hoa;
- Mùng 7 là “Nhân nhật”, đi chơi tập thể ngoại ô;
- Ngày 11, con rể về thăm bố mẹ vợ;
- Ngày 15, Tết Nguyên tiêu, ở TQ coi như lễ hội chấm dứt;
- ĐL còn kéo dài đến ngày 18 tháng Giêng, làm lễ tắt đèn, cuộc vui mới buông màn.
Người ĐL đón Xuân
Người ĐL đón Xuân có nhiều tập tục khác với Việt Nam cũng như Đại Lục.
Trấn thái tuế
Người ĐL rất tin bổn mệnh. Người bị năm tuổi, ngày mùng 1 Tết phải lên chùa thắp đèn thái tuế, gọi là “trấn thái tuế”, nhằm cầu phước cho cả năm. Thái tuế là sao dữ, tương ứng với sao Mộc, có chu kỳ quanh mặt trời 12 năm. Người ĐL tin rằng, người trấn thái tuế trong năm nếu tránh được đại hung, sẽ được đại kiết, nên họ thường nằm yên chờ thời.
Cướp túi phước
Mùng 1 Tết, các siêu thị ĐL đều tổ chức khuyến mãi dưới hình thức đưa ra những “túi phước” kèm theo những phần thưởng rất hấp dẫn, nên dân chúng thay vì ở nhà đón Xuân, đã chen chúc xếp hàng, thành một cảnh quan chỉ có ở ĐL.
Tranh nhang đầu
Đa số người ĐL đều có tín ngưỡng hoặc theo Phật, hoặc theo Đạo giáo. Trong những ngày Tết, đa số các chùa chiền và đạo quán đều mở cửa thâu đêm. Đêm trừ tịch, người ĐL ăn cơm tất niên xong đều đổ xô đi chùa gần nhà để thắp nhang cầu phước. Một số chùa đóng cửa tạm thời, nhân viên chùa niêm phong lư hương bằng giấy đỏ. Đến giao thừa, cổng chùa bật mở, các thiện tín như ong vỡ tổ, tranh nhau thắp nén nhang đầu năm.
Rước Xuân
Những người (có thể không quen biết nhau) đến từng nhà chúc Tết, chủ nhân pha trà, bê tráp đỏ đựng mứt và trái cây ra mời, chúc tụng nhau; trước khi đi, 2 bên trao đổi phong bao cho những đứa trẻ đi cùng.
Hát trốn nợ
Nông thôn ĐL, đến nay vẫn còn duy trì tập tục “hát trốn nợ” độc đáo. Đêm trừ tịch, không chỉ là đêm đoàn tụ, còn là đêm đòi nợ để chủ nợ khóa sổ trong năm. Một số chùa, miếu hay tổ chức diễn kịch kéo dài cho tới sáng mùng 1, trở thành nơi trốn nợ cho những con nợ hết khả năng chi trả. Chủ nợ nếu cứ đến đòi nợ ngay trước sân khấu, sẽ dẫn đến công phẫn, có thể bị đánh hội đồng đến nhừ đòn. Qua hôm sau, con nợ có thể yên tâm về nhà, vì không ai nỡ đòi nợ vào ngày Tết, để sau Tết tiếp tục… hứa!
Dán giấy hoa
Ngày Tết, ngoài việc dán câu đối tết, người ĐL còn thích cắt giấy thành hình các con giáp dán lên cửa sổ để trang trí và tăng thêm không khí ngày Tết.
Tranh Tết
Giống như tranh Đông Hồ của Việt Nam, tranh Tết ĐL cũng rất phổ biến. Tranh Tết ĐL bắt nguồn từ TQ, có lịch sử lâu đời, sớm nhất là tranh “Hoa dung nghiêng nước của mỹ nhân yểu điệu nhà Tùy” là bản khắc gỗ đời Nam Tống, cách đây gần 1.000 năm. Trong tranh vẽ Chiêu Quân, Lục Châu, Ban Cơ, Triệu Phi Yến 4 vị mỹ nhân thời cổ.
Món hàng Tết trọn gói
Cuộc sống ĐL ngày càng sung túc, họ không còn bận lòng đến việc bếp núc nữa. Khi chuẩn bị đón Tết, các nhà hàng, siêu thị, mua sắm trên mạng… đều đua nhau đưa ra thực đơn cũng như nguyên liệu chế biến tùy khách lựa chọn, khách có thể mua một lúc trọn gói thức ăn ngày Tết.
Xuân vận
ĐL là hòn đảo nhỏ, giao thông lại phát triển, về quê ăn Tết không có vấn đề gì. Họ cười ngất khi thấy mấy trăm triệu người bên kia eo biển chen chúc tàu xe, tạo thành “cuộc di chuyển lớn nhất của loài người trên mặt đất”, gọi tắt là “xuân vận” (vận tải mùa xuân).
Đài Truyền hình ĐL mỗi tối cận Tết đều đưa tin mang tính chất chế diễu, đại để như “Xuân vận TQ đạt thành tích… trăm triệu lượt khách”, “Những người lỡ tàu quỳ lạy ngay trên đường rày”, có người chạy ngựa về quê…
Giật lì xì của tổng thống
Một hoạt động quan trọng của Tổng thống ĐL là phát lì xì cho dân chúng vào sáng mùng 1 Tết. Hành trình của tổng thống được công bố trước, ai muốn nhận lì xì phải đi đúng giờ, đây cũng là dịp tổng thống gần gũi quần chúng, lắng nghe tâm tư nguyên vọng của họ. Tổng thống Thái Anh Văn năm nay từ mùng 1 đến mùng 4 Tết đi khắp ĐL, thể hiện tấm lòng thành của bà.
Có người hiếu kỳ muốn biết lì xì của tổng thống có bao nhiêu tiền? Tôi đã hỏi 1 người từng được lì xì của tổng thống thì được biết, trong đó chỉ có 1NT (#760 VNĐ) hoặc 1 cục chocolette đúc thành hình 1 tệ. Một đồng đài tê, tượng trưng cho “nhất nguyên phúc thủy” (1 năm bắt đầu), chứ không phải tổng thống keo.
Món ăn ngày Tết ở ĐL
Khi ăn tối ở các chợ đêm, tôi không bỏ qua cơ hội dò hỏi văn hóa ẩm thực ngày Tết của người ĐL, nên nắm được khá tường tận.
Lẩu tất niên
Lẩu chỉ là món ăn thông thường, nhưng cả nhà quây quần nồi lẩu đón tất niên, phong tục đó chỉ có ở ĐL, gọi là “quây lẩu”. Người tham gia quây lẩu, bất kể lớn bé, món nào cũng phải đụng đũa chiếu lệ; ngay cả phụ nữ, ngày thường không đụng tới rượu cũng phải nhấp môi cho may mắn. Các món ăn, ngoài thịt, cá thông thường, các loại rau không được thái nhỏ, phải để y nguyên cả rễ, rửa sạch, nấu chín rồi từ từ ăn luôn cả cây lẫn rễ, ngụ ý chúc cha mẹ trường thọ, gọi là “rau trường niên”. Trong gia đình nếu ai vắng mặt, phải để trống chiếc ghế, trên đặt áo người đó, gửi gắm niềm thương nhớ.
Phật nhảy tường
Thời kỳ Càn Long, khi nhà Thanh vừa thu hồi ĐL, vua cử quan khâm sai đến khảo sát phong thổ dân tình. Quan tri phủ ĐL lấy lòng cấp trên, đã chiêu đãi một bữa thịnh soạn. Khi ăn món chế biến từ nhiều loại nguyên liệu do nhà bếp mới sáng chế, quan khâm sai hỏi món đó tên gì, ai cũng ú ớ. Quan tri phủ chữa thẹn bằng tức cảnh ngâm câu thơ: “Dê non vịt béo hầm cùng rượu/Đức Phật nhẩy tường xuống góp vui”. Từ đó, món Phật nhảy tường trở thành món ăn đặc sắc của ĐL.
Phật nhảy tường dày công chế biến từ hơn 10 thứ nguyên liệu như dê, heo, gà, vịt, bào ngư, vi cá… hầm với ruợu vàng Thiệu Hưng. Nếu bạn chê cách rách, mời đến siêu thị, có sẵn trong dãy thức ăn trọn gói.
Các món ăn vặt: Các món này đều có thể dễ dàng mua được ở Chợ Lớn (TPHCM).
– Bánh trôi nước, 23 tháng Chạp cúng ông Táo phải có món này.
– Bánh tộ, hấp từ bột nếp, có thể chiên ăn như bánh chưng chiên.
– Bánh xếp. Bột mì cán mỏng làm vỏ, thịt heo bằm với cải làm nhân. Ngày Tết, cả nhà quay quần gói bánh xếp, như bên mình gói bánh chưng vậy. Tôi từng ăn bánh xếp ở ĐL: bánh luộc chín, chấm với nước tương; không có nước lèo, nên mau ngán. Ngoài nhân thịt heo ra, bánh xếp còn được làm bằng thịt bò hoặc thịt dê.
Mười câu hỏi kiêng cữ trong ngày Tết của bạn trẻ ĐL
Năm hết Tết đến, mọi người gặp gỡ, chúc Tết; khi hàn huyên, hay bị hỏi những câu hỏi khó chịu, trả lời không được đành phải cười trừ. Theo điều tra của hãng TV Tungsen qua mạng, các bạn trẻ ĐL sợ nhất phải trả lời 10 câu hỏi sau:
- Bao giờ kết hôn? Bạn trẻ ĐL sống chung nhưng không vội kết hôn là rất phổ biến, câu hỏi này đụng đến quyền riêng tư, đưng dầu trong TOP 10 câu hỏi… đen.
- Có bạn trai/gái chưa? Các bậc sinh thành bỗng dưng muốn trở thành ông bà mai, nêu ra câu hỏi chơi khăm giới trẻ, nhất là đối với những trai/gái quá lứa lỡ thì.
- Lãnh lương bao nhiêu? Thường là “câu chuyện làm quà” trong các buổi gặp gỡ đầu năm mà không ai muốn trả lời.
- Tiền thưởng cuối năm bao nhiêu? Tiền thưởng cuối năm là nguồn thu quan trọng của người ĐL, là đề tài “tám” của các bà ăn không ngồi rồi, là tổ“vịt cồ”.
- Dò la kết quả thi cử. Gặp câu hỏi này, các bạn trẻ đều trăm miệng một lời: “Khi nào thi đậu, cháu sẽ thông báo rộng rãi sau”.
- Bao giờ mua nhà mới? Có nhà, có xe là tiên đề để các bạn trẻ kết hôn, nhưng đâu có dễ dàng như mua ổ bánh mì đầu hẻm.
- Bao giờ sanh con hoặc có định thêm đứa nữa không? Đều là những câu hỏi rất phản cảm.
- Đang làm việc gì, chức vụ gì, khó khăn và triển vọng ra sao, có về quê ăn Tết cùng gia đình? Những câu hỏi này khiến người đối diện có cảm giác như đứng trước cuộc phỏng vấn xin việc.
- Cháu năm nay thi đậu thứ mấy? Chỉ bậc phu huynh mới nếm trải sự vô duyên của câu hỏi này.
- Khi gặp họ hàng bề trên đạn pháo tầm xa bắn không tới, bị hỏi như tra tấn, chỉ muốn độn thổ: “Không nhớ bác rồi sao? Bác quen cháu khi còn thò lò mũi xanh”.
Nếu 10 câu hỏi này đều bị cấm kỵ, quả thật, khi Tết gặp nhau, tôi không còn biết chúc người ĐL điều gì nữa!
- Xem thêm: Truyền thống