Hoàng đế thời phong kiến có tam cung lục viện là chuyện bình thường, riêng đông đến cả 1.000 con thì chỉ có Ismail Ibn Sharif (1645-1727), quốc vương Morocco. Ông lên ngôi năm 1672, trị vì suốt 55 năm liên tục. Sau khi ông qua đời nhiều tháng, con trai út mới chào đời. Theo ghi chép của các nhà viết sử, vị vua này có tổng cộng 1.171 thứ phi.
Nhiều con nhất thế giới
Ismail Ibn Sharif (1645-1727) chào đời tại Sijilmassa, là con trai thứ của Hoàng đế Sharif ibn Ali (1589-1659). Vị vua này sáng lập vương triều Alaouite, đóng đô tại khu vực Tafilalt (ốc đảo lớn nhất Morocco). Ông tại vị từ năm 1631-1636, sau đó truyền ngôi cho con trai cả là Muhammad ibn Sharif. Muhammad trị vì Tafilalt được 36 năm thì bất ngờ qua đời vì ngã ngựa, Ismail nghiễm nhiên kế vị. Vì hoàng huynh đã có nhi tử và còn 13 hoàng đệ, công chúa khác, vị vua mới phải đối mặt với sự bất phục từ tứ phía.
Theo ghi chép của Hội Cha xứ cứu chuộc Dominique Busnot (châu Âu), Ismail có ngoại hình nhỏ thó, nhưng rắn chắc, khỏe mạnh. Ông khá điển trai, nhưng điên hạng nhất. Vị vua này có 3 màu áo bào: xanh, trắng và vàng. Khi vui vẻ, ông khoác áo bào màu xanh, rất dễ dãi với kẻ dưới. Khi hứng tình, ông khoác áo bào màu trắng lượn lờ khắp hoàng cung, cho phép các cung tần mỹ nữ gọi mời. Khi bực dọc, ông đổi áo bào màu vàng, điên cuồng tắm máu. Bất kể xung quanh là ai, có tội hay vô tội, Ismail đều thẳng tay cứa đứt cổ họng. Tính ra, vị vua này cũng giết vô tội vạ 30.000 quân lính và người hầu.
Mỗi lần thành công trong việc chinh phục một bộ lạc hay một vùng đất nào, Ismail lại đòi kẻ đứng đầu phải tiến cống những phụ nữ đẹp nhất. Ông có tất cả 4 hoàng hậu và 500 thứ phi. Mỗi người vợ của Ismail đều có đội hầu cận bao gồm 1 hoạn quan, 1 nam nô lệ và 1 cung nữ. Ngoại trừ nhà vua, không ai được phép nhìn thẳng mặt họ. Mỗi lần các quan lại, lính tráng thấy họ đều phải cúi đầu, thậm chí nằm xấp, úp mặt xuống đất. Chỉ cần thoáng hồ nghi phi tần nào có thói lẳng lơ, Ismail lập tức chém giết.
Năm 1703, Dominique Busnot lập số liệu thống kê Ismail có 868 người con. Dựa vào Dominique Busnot, Sách Kỷ lục Guinness sau này ghi nhận Ismail có tất cả 888 người con, là người đàn ông đông con nhất lịch sử nhân loại. Tuy nhiên theo 2 nhà nghiên cứu sử Elisabeth Oberzaucher và Karl Grammer của Đại học Vienna, vị vua này phải có tổng cộng 1.171 thứ phi. Cả lịch sử lẫn dân gian Morocco đều khẳng định Ismail là vị vua có ngàn con. Ông còn tại vị thêm 24 năm sau thời gian Dominique Busnot đếm nên điều này hoàn toàn có khả năng.
Chuyên chế và tàn bạo
Từ năm 1610, Đế quốc Tây Ban Nha đã chiếm đóng và thuộc địa nhiều vùng đất quan trọng của Morocco, trong đó có thành phố cảng Larache. Ngay sau khi ổn định vương quyền, Ismail dẫn 50.000 binh sĩ vây kín Larache. Bất chấp thương vong lên đến hàng vạn, ông tái chiếm bằng được, thuận đà thắng lợi quét sạch quân xâm lược Tây Ban Nha trên toàn bờ cõi.
Sau đó, Ismail chinh phục các bộ lạc tự trị. Ông tàn sát không chừa một ai cho đến khi nhận được sự quy thuận hoàn toàn. Riêng với người Guerouan thà chết không chịu nhục, Ismail giảo hoạt treo thưởng 10 mithqal/đầu người (một đơn vị tiền tệ thời Trung cổ). Ông không cần mất một binh hay một tốt mà vẫn giết được 12.000 chiến binh và cư dân Guerouan. Ở bước đường cùng, người Guerouan chỉ còn cách quỳ gối cầu sống.
Ngay với con cái, Ismail cũng không chút khoan thứ. Bất kể công chúa, hoàng tử nào dám trái ý, ông đều áp chế bằng bạo lực. Trong cung điện, Ismail nuôi hơn 40 con mèo, đặt tên và chăm chút còn hơn con ruột. Vị quốc vương này ưu ái cho chúng ăn toàn thịt ngon, hết quốc sự là lập tức chạy tới chơi cùng chúng. Thế nhưng chỉ cần có con mèo nào làm Ismail phật ý, ông liền lệnh cho quân lính bố cáo thiên hạ, lập đàn xử tử công khai.
“Nếu Chúa đã trao cho ta vương quyền, đừng hòng kẻ nào tước đoạt”, Ismail tuyên bố. Trên dưới Morocco không ai dám nghịch ý nhà vua. Xã tắc yên ổn và an ninh tới mức không một có một kẻ bất lương hay trộm cắp nào.
Nhiều cống hiến
Gạt đi khía cạnh tàn bạo, Ismail là vị vua vĩ đại nhất Morocco. Ông rất quan tâm phát triển kinh tế, nông nghiệp, đối ngoại. Trong triều đại vị vua này, Morocco có mối giao hảo với Pháp. Ismail từng cầu hôn Công chúa Marie Anne de Bourbon (1666-1739), nhưng bị từ chối. Dẫu vậy, ông và vua Louis XIV (1637-1715) của Pháp vẫn giữ quan hệ đồng minh thân thiết.
Ngay sau khi lên ngôi, Ismail quyết định dời đô đến Meknes, phía Bắc miền Trung Morocco. Ông cho thiết kế và tiến hành xây dựng hoàng thành khổng lồ bao gồm cung điện và nhiều công trình công cộng, dân sự khác. Ít nhất, 30.000 người Morocco và 2.500 nô lệ theo Kitô giáo bị đẩy đến công trường. Ismail kiểm tra từng li, đốc thúc liên tục và luôn giở thói chém giết mỗi khi không vừa ý.
Tại Meknes, ông cho làm kho chứa lương thực Heri es-Souani, đào giếng trữ nước và thiết lập hệ thống kênh rạch thủy lợi hoàn hảo. Tạm xong phần bên trong Meknes, Ismail huy động nhân lực đắp tường thành. Kinh đô mới được bảo vệ chặt chẽ bởi bức tường kiên cố dài 40 km, có 24 cổng ra vào và 67 đài quan sát.
Về mặt quân sự, Ismail thành lập lực lượng vệ binh đen Black Guard lừng danh. Họ bao gồm 150.000 quân lính thiện chiến, thề tuyệt đối trung thành với nhà vua. Toàn bộ thành viên Black Guard đều là đàn ông châu Phi bị bắt cóc từ khi còn nhỏ, trải qua các khóa huấn luyện vô cùng khắc nghiệt. Họ có thể một địch một trăm người, giúp Ismail chiến thắng trên mọi chiến trường. Bất kể là Đế chế Ottoman (Thổ Nhĩ Kỳ) hay quân đội viễn chinh châu Âu ngấp nghé bờ cõi Morocco đều bị ông đánh tan tác. Sau khi Ismail qua đời, Black Guard vẫn tiếp tục được duy trì. Hiện nay, tổ chức này đổi tên thành Vệ binh Hoàng gia Morocco (Moroccan Royal Guard).
Ngày 22.3.1727, Ismail băng hà, thọ 81 tuổi. Mất đi vị lãnh đạo quyền lực nhất, Morocco rơi vào hỗn loạn. Ngai vàng liên tục thay chủ, chỉ trong vòng 30 năm mà có đến 7 vị vua. Riêng Hoàng đế Moulay Abdallah (1694-1757) còn lên ngôi tổng cộng 6 lần.
- Xem thêm: Trầm mặc phố cổ Morocco