Ở thành phố Hội An (Quảng Nam), vào ngày mồng 10 tháng 3 âm lịch hằng năm, Lễ Giỗ Tổ nghề Yến được tổ chức trọng thể nhằm tưởng niệm, tri ân các bậc tiền bối đã có công lao đối với nghề khai thác yến sào, đồng thời cầu an đầu năm cho cộng đồng cư dân, nâng cao ý thức bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên quý hiếm của đất nước.
Người “trung hưng” nghề khai thác yến sào
Khi vào tiếp quản vùng đất Quảng Nam, các chúa Nguyễn đã thực hiện việc độc quyền quản lý nguồn lợi yến sào ở Biển Đông bằng cách giao dân làng Thanh Châu (Hội An) khai thác và tính thu thuế trên đầu dân theo từng hạng. Nghề khai thác yến sào của làng này từng được nhà bác học Lê Quý Đôn nhắc đến trong tác phẩm Phủ biên tạp lục (biên soạn vào năm 1776): “Phủ Thăng Hoa, huyện Hà Đông, xã Thanh Châu có nghề lấy yến sào, dân xã ấy tản cư các phủ Thăng Hoa, Điện Bàn, Quy Nhơn, Phú Yên, Bình Khang, Diên Khánh, Gia Định…”.
Tương truyền, ông Trần Tiến, người làng Thanh Châu có công phát hiện tổ chim yến và hình thành nghề khai thác yến sào. Thế nhưng, người “trung hưng” nghề yến chính là cụ Hồ Văn Hòa. Năm Gia Long thứ 4 (1803), ông có đơn xin quy tập ngoại dân để lập lại Thanh Châu Đông Yến sào Đội. Ngày 23 tháng 12 năm này, Công đường quan ở dinh Quảng Nam có văn bản “sai Hồ Văn Hòa, người thuộc Đông giáp, xã Thanh Châu, Võng Nhi thuộc, phủ Điện Bàn… nay vẫn y như lệ cũ quy tập dân trong xã và của xã khác chỉnh đốn thêm 3 chiếc thuyền lập thành Thanh Châu Đông Yến sào Đội, hàng năm neo thuyền tại xứ Tân Non Cù Lao (tức Cù Lao Chàm-NV) để canh giữ các hang yến và lấy yến sào phụng nạp thuế lệ”.
Văn bản này cũng cho biết: ông Hồ Văn Hòa được giao làm Đội trưởng với tước Hòa Đức Bá. Năm Gia Long thứ 17 (1818), ông Hồ Văn Hòa được triều đình chuẩn làm Yến sào nhị đội đội trưởng. Ngày mùng 7 tháng 6 Minh Mạng nguyên niên (1820), nhà vua chuẩn cho đổi Yến sào Đội thành Yến Hộ và chuẩn cho Hồ Văn Hòa làm Hộ trưởng “có nhiệm vụ xướng suất dân trong Hộ chiếu thu thuế lệ để phụng nạp”.
Đảm trách nhiệm vụ quản lý, Hồ Văn Hòa rất chăm lo đến đời sống của người dân làm nghề khai thác yến đầy hiểm nguy, bất trắc. Năm Minh Mạng thứ 2 (1821), ông có tờ trình xin giảm nạp các khoản thuế thân, thuế tạp dịch của các hộ làm yến, thay vào đó tăng số thuế yến lên để cho dân được tiện lợi. Năm sau, Hồ Văn Hòa lại tiếp tục tâu và được vua cho phép được chiêu mộ thêm dân ngoại tỉnh để bổ sung vào Yến Hộ Quảng Nam và miễn điều động các thuyền của Yến Hộ đi chuyên chở các việc khác mà chỉ dùng các thuyền này chuyên cho việc canh giữ các hang yến.
Năm Minh Mạng thứ 5 (1824), nhà vua có chiếu cho Yến Hộ Hồ Văn Hòa được thăng thọ Chánh Đội trưởng, tước Hòa Đức Hầu, trật tòng lục phẩm. Bốn năm sau, viên Hộ trưởng Yến Hộ Bình Định là Trần Văn Thư vì có tội nộp thuế yến vừa thiếu số lượng, vừa kém chất lượng nên bị bắt, giao cho phủ Thừa Thiên xét xử. “Xét thấy Chánh Đội trưởng Yến Hộ của Quảng Nam là Hồ Văn Hòa trước nay lo biết phép công, hết lòng lo việc thuế khóa, chưa hề chậm trễ”, triều đình tin tưởng giao ông kiêm quản Yến Đội Bình Định thay cho Trần Văn Thư.
Năm Minh Mạng 15 (1834), ông Hồ Văn Hòa được thăng thọ Cai đội, trật tòng ngũ phẩm. Ông được phái đi cùng một viên Khoa đạo thị sát để định thuế yến ở đảo Côn Lôn vào 4 năm sau đó. Việc thành, ông được vua thưởng ngân 6 lạng. Năm Thiệu Trị thứ 3 (1843), ông Hồ Văn Hòa được thăng thọ Phó quản cơ nhưng lãnh Yến Hộ. Đến năm Tự Đức thứ 8 (1855), do tuổi quá 70, thân thường bệnh tật nên ông được nhà vua cho giữ nguyên hàm về hưu trí tại nguyên quán. Theo đề nghị của ông, người con trai Hồ Văn Học được bổ làm Hộ trưởng Yến Hộ nhưng quản lãnh Quảng Nam, Bình Định, Khánh Hòa các yến hộ.
Như vậy, suốt 52 năm liên tục, qua 4 đời vua triều Nguyễn, cụ Hồ Văn Hòa đã có công tổ chức, quản lý nghề khai thác yến sào một cách bài bản, chuyên nghiệp, không chỉ ở làng Thanh Châu mà cả miền Trung. Hơn 2 thế kỷ qua, trải qua bao thăng trầm của lịch sử, nghề khai thác yến sào ở Thanh Châu đã tạo ra cho Hội An một sản phẩm yến sào thật đặc trưng. V
ới những giá trị độc đáo về lịch sử, văn hóa, khoa học và kinh tế, năm 2016, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có Quyết định số 4036/QĐ-BVHTTDL ghi danh Nghề khai thác yến sào Thanh Châu vào Danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia. Hộ trưởng Hồ Văn Hòa còn có công lớn trong việc giữ gìn chủ quyển biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Theo nhà nghiên cứu Trần Văn An (Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản văn hóa Hội An), cùng với khai thác kinh tế về nguồn lợi yến sào, các vua triều Nguyễn đã có sự kết hợp với bảo vệ chủ quyền biển đảo. Việc quản lý, khai thác yến sào ở các đảo ven biển nước ta được giao cho 2 bộ là Bộ Binh và Bộ Hộ. Bộ Binh lo về tổ chức, phiên chế con người, Bộ Hộ lo về thu thuế.
Tờ Truyền của Bộ Hộ năm Minh Mạng thứ 12 (1831) ghi rõ: “Việc thu thuế yến do bổn bộ (Bộ Hộ) quản lý; còn việc tu chỉnh, bổ sung ngạch tịch, sổ sách thì do Bộ Binh cấp bằng…”. Những người đứng đầu tổ chức quản lý, khai thác yến sào được phong những chức Đội trưởng, Quản cơ, Quản lãnh… là những chức vụ thuộc về võ ban triều Nguyễn. Chỉ có đến thời Pháp thuộc thì việc khai thác yến sào mới được chuyển thành là một hoạt động khai thác kinh tế đơn thuần thông qua hình thức đấu thầu và giao cho tư nhân thực hiện.
Trùng tu hai ngôi miếu thờ Tổ nghề Yến
Đáng chú ý là trong thời gian tại vị, vào năm Tự Đức nguyên niên (1848), Phó Quản cơ, Hộ trưởng Hồ Văn Hòa cùng các hộ làm nghề yến sào ở làng Thanh Châu đã trùng tu hai ngôi miếu thờ Tổ nghề yến: Một tại làng Thanh Châu, nay thuộc thôn Thanh Đông, xã Cẩm Thanh và một tại thôn Bãi Hương, xã Tân Hiệp (Cù Lao Chàm).
Ngôi miếu tại làng Thanh Châu thờ ông Trần Tiến nên được gọi là miếu Ông Tiến. Miếu tọa lạc trên khu đất nằm giữa đồng lúa, cách hơn 100 mét về phía Tây là lăng Trà Quân, phía Đông là khu mộ Thứ phi vua Quang Trung và các tướng Tây Sơn. Miếu còn là nơi thờ những vị thần bảo hộ cùng những người có công xây dựng, phát triển nghề khai thác yến sào của làng Thanh Châu. Năm 2011, Miếu Tổ nghề Yến được xếp hạng di tích cấp tỉnh.
Còn ở Bãi Hương, Cù Lao Chàm, ngôi miếu thờ Tổ nghề yến là công trình kiến trúc tín ngưỡng độc đáo. Trên bàn thờ, có các bài vị của những bậc tiền bối khai sáng nghề Yến sào và các vị thần liên quan đến sông biển. Trên tường bên phải có tấm bia đá ghi công đức của các chư phái tộc và ca ngợi núi non kỳ vĩ của Cù Lao Chàm. Miếu đã được xếp hạng Di tích cấp quốc gia năm 2006.
Nói về mục đích trùng tu các ngôi miếu, Phó Quản cơ, Hộ trưởng Hồ Văn Hòa trong văn bia đặt tại miếu thờ vị Tổ nghề khai thác yến ở Thanh Châu (được Viện Nghiên cứu Hán Nôm dịch nghĩa) cho hay: “Tiền nhân tạo ra, hậu thế tôn trọng và kế thừa. Đó là mạch nguồn vô hạn, nên hướng về cái phúc vô hạn ấy! Cung bái sự hiển linh, núi non khí tốt, sông hồ hợp tính, biết năng lực để thực hiện công việc, tinh thần sẵn sàng. Phẩm vật quý ở đất phía Nam (tức yến sào-NV) ngang tầm với đồ vật quý của kinh thành phía Bắc. Vua ban công tước vinh hiển, người người ngưỡng vọng. Miếu linh được xây dựng lại ẩn chứa cốt cách như ngọc tại vùng đất tốt, sinh khí giữ núi yến vững bền đầy đủ trời Nam, quả là công lớn lâu dài. Nay miếu cũ trùng tu quy mô to lớn thay đổi càng tốt đẹp hơn. Tuy chưa trọn vẹn được nhưng cơ nghiệp đã có chủ, khói hương huy hoàng”.