Nhiều giám đốc điều hành (CEO) có “số má” tuyên bố tự giảm lương hay thôi nhận lương trong thời đại dịch, nhưng họ hầu như không mất gì cả mà thu nhập và tài sản lại…tăng thêm! Lý do dễ hiểu: lương chỉ là một phần trong tổng thu nhập của các CEO, thậm chí là… tiền lẻ so với tiền thưởng (bonus) và các khoản khác.
Bỏ lương chỉ là chiêu quảng cáo!
Thật ra, lương chẳng là gì cả trong “trọn gói thu nhập” của họ. Một nhà quan sát hiện tượng giàu lên của các CEO và tỉ phú đôla trong thởi khốn khó khẳng định: “Những tuyên bố giảm lương nghe có vẻ ‘nhân văn và chia sẻ vì lợi ích chung’, nhưng thật ra đó chỉ là chiêu trò quảng cáo và tự đánh bóng. Nó chỉ lừa được những người không biết gì về vị thế của CEO trong thế giới các công ty. Trước hết, giá cổ phiếu của công ty sẽ tăng ngay sau khi CEO tuyên bố giảm lương!”.
Trong số những CEO “cộm cán” tuyên bố giảm lương, có chủ tịch Walt Disney Bob Iger với mức lương cơ bản 3 triệu USD năm 2019. Tuy nhiên, đây chỉ là “miếng nhỏ” trong tổng thu nhập 47,5 triệu USD của ông ta. Phần còn lại gồm 21,8 triệu USD tiền thưởng và các chi trả khác. Iger (hiện có trị giá sản nghiệp 690 triệu USD theo công bố mới nhất của tờ Forbes), cho biết “sẽ không nhận lương cho đến khi khủng hoảng đại dịch qua đi”. Walt Disney đã ngưng trả lương cho 100.000 công nhân viên từ tháng 4.
Chủ tịch công ty bán hàng trên mạng Amazon Jeff Bezos đã thêm 24 tỉ USD vào sự giàu có của mình khi hoạt động mua bán trên mạng vượt xa mua sắm tại các cửa hàng. Theo thống kê, 4 trong 5 công việc tại Mỹ bị ảnh hưởng bởi Coronavirus. Tuy nhiên, các CEO vẫn sống khoẻ và giàu thêm. “Khi các CEO giàu sụ xúc động tuyên bố giảm hoặc không nhận lương, tôi rất muốn tin vào “sự thành thật tận đáy lòng”.
Nhưng rủi thay, nếu nhìn vào toàn bộ thu nhập của họ thì đây chỉ là màn trình diễn để đánh bóng tên tuổi và đẩy giá cổ phiếu công ty lên” – Jack Kelly, nhà sáng lập và giám đốc điều hành một công ty tuyển dụng trụ sở tại New York, nói. Dạo gần đây, Bill Gates xuất hiện nhiều, trăn trở với vắc-xin và đại dịch cũng là để tạo cú huých cho cổ phiếu của Microsoft và các công ty nghiên cứu, sản xuất vắc-xin ông ta có cổ phần.
Hy sinh vì đại nghĩa?
Tài của những người biết làm giàu là họ đánh hơi đâu cũng ra tiền. Thảm kịch cho số đông được họ biến thành cơ hội tăng sản nghiệp. Thống kê cho thấy chưa có tỉ phú nào nghèo đi vì làm từ thiện. Bỏ ra 1 tỉ USD vào quĩ thiện nguyện nào đó như quỹ chống sốt rét họ sẽ thu về gấp 3 gấp 4.
Trong số những người “hy sinh lương vì đại nghĩa” có Arne Sorenson, giám đốc điều hành chuỗi khách sạn lớn nhất thế giới Marriott. Lương căn bản của ông ta là 1,3 triệu USD năm 2019, nhưng cộng dồn các khoản tiền thưởng và phúc lợi lên đến 13,4 triệu USD! Ông Oscar Munoz, giám đốc hãng hàng không United Airlines, “dõng dạc” tuyên bố “sẽ bỏ 100% lương cơ bản cho đến ít nhất là cuối tháng 6”.
Tuy nhiên, sự hy sinh này không mang nhiều ý nghĩa lắm vì khoản lương 1,25 triệu USD của ông ta năm 2019 chỉ chiếm 10% tổng thu nhập! Các hãng hàng không dân dụng và khách sạn bị ảnh hưởng nặng nhất bởi Coronavirus và hàng triệu công việc bị mất đi. Tuy nhiên, thu nhập của các CEO vẫn “bền vững”. Theo thông lệ, khi cổ phiếu của công ty tăng, sự giàu có của CEO cũng tăng vì họ giữ nhiều cổ phiếu ưu đãi. “Tuyên bố giảm lương là chiêu kích giá cổ phiếu. Tiền thưởng của giám đốc thường liên kết với giá cổ phiếu công ty; vì vậy, họ sẽ giàu thêm sau khi thể hiện ‘lòng tốt’ không lãnh lương” – Sumit Agarwal, giáo sư kinh tế tại Đại học Quốc gia Singapore (NUS), nhận định.
Không nhận lương cũng là cách để xoa dịu sự bất mãn của những công nhân viên bị sa thải hay phải tạm nghỉ việc bằng cách gửi đi thông điệp ‘tôi cũng không còn lương như các bạn!’. Tiếc thay, các CEO vẫn nhận tiền thưởng và những khoản phúc lợi khác!” – Argawal nói. Xavier Baeten, giáo sư tại trường kinh doanh Vlerick ở Bỉ, nhận định: “Không nhận lương còn là màn bày tỏ ‘tình đoàn kết’ với các công nhân viên đang bị sa thải hoặc mất việc tạm thời”. Cố vấn quan hệ công chúng Emily Draycott-Jones đưa ra lời khuyên: “Nếu muốn được tôn trọng, các CEO nên lặng lẽ ‘hy sinh’ chứ đừng khoe khoang trước công chúng. Chiêu trò tự quảng bá không xứng với cương vị của họ, nhất là trong mùa đại dịch”.
“Người ăn không hết, kẻ lần chẳng ra”
Một cuộc khảo sát mới do Viện Nghiên cứu chính sách (Institute for Policy Studies) của Mỹ thực hiện cho thấy chỉ trong 23 ngày (từ 18-3 đến 10-4) các tỉ phú đã giàu thêm 283 tỉ USD (10% tài sản) nhờ khủng hoảng coronavirus.
Cụ thể, từ 1-1-2020, tám tỉ phú đã bổ sung thêm ít nhất là 1 tỉ USD vào sản nghiệp, gồm cả Jeff Bezos (nhà sáng lập kiêm giám đốc điều hành Amazon), Elon Musk (nhà sáng lập kiêm giám đốc điều hành Tesla và SpaceX), MacKenzie Bezos (vợ ly dị của Jeff Bezos), Eric Yuan (nhà sáng lập kiêm giám đốc điều hành ứng dụng họp video Zoom), Steve Ballmer (Google), John Albert Sobrato, Joshua Harris và Rocco Commisso. Trong cùng thời gian này có 22 triệu người Mỹ đăng ký thất nghiệp.
“Sản nghiệp của các tỉ phú tăng mạnh trong vài thập niên qua, thậm chí vẫn tăng trong các thảm hoạ như đại dịch Covid-19 nhưng mức thuế của họ giảm” -báo cáo nghiên cứu viết. Jeff Bezos giàu thêm nhờ có nhiều người phải ở nhà mua sắm trên cửa hàng online Amazon Prime thay vì đến cửa hàng. Từ 1.1, sản nghiệp của Jeff Bezos tăng thêm 25 tỉ USD và thêm 12 tỉ USD từ 1.2, tăng nhiều nhất trong các tỉ phú Mỹ.
Tính chung, sự giàu có của các tỉ phú Mỹ đã tăng 1.130% từ 1990 so với 5,37% giàu thêm bình quân tại Mỹ. Từ những năm 1980-2018, số tiền thuế phải đóng của các tỉ phú giảm 79%. Họ giàu xụ trong khi 78% người Mỹ phải sống bằng trợ cấp (paycheck-to-paycheck) trong thời kỳ Covid-19 và 20% không có chút sản nghiệp nào hoặc đang là con nợ. Số thất nghiệp trên 30 triệu người hiện này là lớn nhất kể từ thới kỳ Đại suy thoái (Great Depression), lúc tỉ lệ thất nghiệp lên đến 25%.