Phát triển bền vững (PTBV) là xu hướng toàn cầu và ngày càng được các doanh nghiệp hưởng ứng mạnh mẽ. Không chỉ dừng lại ở câu chuyện thương hiệu, các doanh nghiệp đang ra sức xây dựng những giá trị thiết thực thay cho lời cam kết trách nhiệm xã hội, góp phần nâng cao đời sống người lao động, cộng đồng địa phương và xã hội nói chung.
Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, các doanh nghiệp chỉ có thể tồn tại nếu nhanh chóng xác định và khai thác lợi thế cạnh tranh của mình. Trong đó, mục tiêu tiến đến cán cân thăng bằng giữa 3 yếu tố môi trường – kinh tế – xã hội đã được nhiều doanh nghiệp lựa chọn trên hành trình xây dựng thương hiệu cũng như niềm tin nơi người dùng.
Phát triển bền vững: Thiết lập cơ hội, tiềm ẩn thách thức
Theo thống kê của Unilever, trên thực tế, nhu cầu của người tiêu dùng đối với các thương hiệu bền vững đang gia tăng đáng kể, cụ thể có 54% người tiêu dùng muốn mua sản phẩm từ các thương hiệu bền vững. Bên cạnh chất lượng đạt chuẩn, giá cả phải chăng, chính sách bảo vệ môi trường và những dự án an sinh xã hội của doanh nghiệp cũng chính là những yếu tố tác động đến quyết định tiêu thụ sản phẩm của người dùng.
Điều này đã tạo ra cơ hội “vàng” cho nhiều doanh nghiệp khi sở hữu một công cụ mới để giao tiếp và ghi điểm trong mắt người dùng. Bởi khi định vị bản thân là doanh nghiệp có trách nhiệm cộng đồng, đồng nghĩa khả năng lớn nhãn hàng sẽ thu về doanh thu cao hơn so với đối thủ. Chính vì thế, bên cạnh những nỗ lực miệt mài để xây dựng câu chuyện thương hiệu, doanh nghiệp ưu tiên thực thi các mục tiêu PTBV nhằm mang đến các sản phẩm đạt chuẩn an toàn, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh và tạo ra các giá trị dài hạn về kinh tế, môi trường và xã hội.
Tuy nhiên, phát triển kinh doanh đồng thời hạn chế những tác động tiêu cực đến môi trường và đảm bảo sự phát triển toàn diện của cộng đồng, hành trình này không hề đơn giản hay có thể về đích trong một hai ngày. Các doanh nghiệp cần phải đầu tư thời gian, công sức, nguồn lực vào các mục tiêu phi tài chính liên quan đến môi trường, xã hội.
Chưa kể, trong bối cảnh quy mô nền kinh tế ngày càng lớn, nhu cầu thị trường ngày càng tăng, các ngành sản xuất cần điều chỉnh để thích ứng với sự tăng trưởng. Lúc này, vừa trăn trở giải quyết bài toán phát triển bền vững trách nhiệm xã hội, các doanh nghiệp còn đứng trước sức ép lớn từ việc mở rộng quy mô sản xuất. Phát triển bền vững là xu hướng, nhưng không hẳn là “cuộc đua” mà bất kì ai cũng có thể chen chân vào.
Phát triển bền vững: Ai đủ sức nhập cuộc?
Trong cục diện thực tại, những doanh nghiệp FDI với nguồn vốn quy mô từ các nhà đầu tư được đánh giá là những đối tượng tiềm năng trong việc giải quyết bài toán kinh tế – môi trường – xã hội. Các doanh nghiệp cũng tích cực tiến đến một tương lai phát triển bền vững để lấy sức “chạy đường dài” tại thị trường Việt Nam. Trong đó, những gương mặt điển hình như công ty giấy Lee & Man (Hậu Giang) luôn chiếm vị trí dẫn đầu.
Chính thức hoạt động vào năm 2017, Lee & Man đã ghi dấu bằng những dự án xã hội thiết thực. Cụ thể, Lee & Man đã đưa vào sử dụng “Khu nhà ở cho chuyên gia và nhân viên” với mức đầu tư hơn 380 tỉ đồng, bao gồm hơn 400 căn hộ, đáp ứng chỗ ở cho khoảng 1.500 nhân viên cùng gia đình, người thân.
Nhận định về chiến lược của doanh nghiệp trong việc theo đuổi xu hướng PTBV, ông Patrick Chung, Tổng Giám đốc Lee & Man Việt Nam chia sẻ: “Bên cạnh mục tiêu phát triển kinh doanh, một tương lai phát triển bền vững với những đóng góp thiết thực cho sự phát triển kinh tế – xã hội của Hậu Giang nói riêng và Việt Nam nói chung luôn được chúng tôi chú trọng. Trong đó, chất lượng cuộc sống và vấn đề việc làm chính là một trong những mối lưu tâm hàng đầu, giúp chúng tôi đưa ra những giải pháp thiết thực giải quyết vấn đề nhân lực của địa phương.”
Chính vì thế, trong suốt quá trình phát triển, Lee & Man luôn chủ động xây dựng những dự án xã hội khác nhau để tích cực hỗ trợ cho cộng đồng địa phương. Mới đây, Lee & Man đã phối hợp với Báo Hậu Giang, UBND thị trấn Mái Dầm trao hơn 50 suất học bổng, mỗi suất trị giá 500.000 đồng; hơn 7.000 quyển tập; hơn 100 cặp cho học sinh khó khăn. Cũng nhân dịp khai giảng năm học mới, công ty còn hỗ trợ các trường học, các ngành, địa phương trong tỉnh tặng cho các em học sinh học bổng, xe đạp, cặp, tập học sinh với tổng giá trị hơn 100 triệu đồng.
Riêng đối với bài toán môi trường, xử lí chất thải, Lee & Man đã có sự nghiêm túc khi đầu tư hệ thống nước thải công suất 20.000 mét khối một ngày đêm. Nước thải sau khi được xử lí đạt tiêu chuẩn sẽ được đưa qua hồ kiểm chứng và hồ chỉ thị sinh học trước khi xả thải.
Trước giải pháp này, trong chuyến công tác đến nhà máy Lee & Man tại tỉnh Hậu Giang gần đây, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam, ông Lê Hoài Trung cho biết: “Tuy bước đầu phải đối diện với các thách thức khó tránh khỏi về vận hành và môi trường, nhưng công ty đã ghi nhận những đóng góp và liên tục cải thiện khâu xử lý, chính sách hoạt động cũng như hoàn thành trọn vẹn cam kết gìn giữ môi trường tại địa phương. Hơn nữa, công ty cũng có những kế hoạch cụ thể để nâng cao chất lượng cho đời sống công nhân viên, điều này rất đáng hoan nghênh.”
Tuy đặt ra những thử thách không hề nhỏ mang tính đường dài, phát triển bền vững thực sự là xu hướng tích cực, là cầu nối hữu hiệu để các doanh nghiệp cam kết sự trách nhiệm với xã hội, đóng góp những giá trị tích cực, tốt đẹp cho sự phát triển toàn diện của địa phương và quốc gia nói chung.