Bình về tác giả nào, tác phẩm nào Bùi Giáng đều có cái nhìn độc đáo và những phát hiện phát sáng đáng tâm phục!
Bùi Giáng – Tuyển tập luận đề là tập hợp từ những tập luận đề nổi tiếng của tác giả Bùi Giáng từng ấn hành trước 1975:
– Thúy Vân, Tam Hợp Đạo Cô – Hai mệnh đề phụ của Nguyễn Du (Quế Sơn – Võ Tánh xuất bản, Sài Gòn, 1969);
– Một vài nhận xét về Truyện Kiều và truyện Phan Trần (Tân Việt xuất bản, Sài Gòn, 1957);
– Một vài nhận xét về Lục Vân Tiên, Chinh phụ ngâm, Quan Âm Thị Kính (Tân Việt xuất bản, Sài Gòn, 1957)
– Một vài nhận xét về Bà Huyện Thanh Quan (Tân Việt xuất bản, Sài Gòn, 1957).
Nhận xét của nhà văn, nhà nghiên cứu Nhật Chiêu khi đọc lại tuyển tập này: “Bình về tác giả nào, tác phẩm nào Bùi Giáng đều có cái nhìn độc đáo và những phát hiện phát sáng đáng tâm phục.”
Những văn bản luận đề của Bùi Giáng không chỉ gợi mở độc giả đi vào các danh tác bằng một khí chất hay tâm tình riêng, mà còn giúp tiếp xúc với một lối “luận đề” văn học tự do, đầy nghệ sĩ tính, một “cảnh giới” tiếp nhận văn chương tài hoa, cởi mở, đầy phóng khoáng. Điều này lý giải vì sao các tập luận đề của ông đã từng là sách gối đầu giường của những học sinh, sinh viên đam mê văn chương và giới giảng dạy văn học ở miền Nam trước 1975.
Bùi Giáng (1926 – 1998); là nhà thơ, dịch giả nổi tiếng và có ảnh hưởng tại miền Nam từ nửa cuối thập niên 1950 đến nay. Một mình ông, đủ để tạo ra một trường phái thơ ca và một phong cách dịch thuật, giảng bình văn học, tiểu luận tư tưởng độc đáo.
Tác giả của những tập thơ nổi tiếng: Lá hoa cồn, Mưa nguồn, rong rêu, Ngàn thu rớt hột, Sa mạc trường ca, Mùa màng tháng tư,…
Ngoài làm thơ, giảng dạy văn chương, ông còn là tác giả của các dịch phẩm văn chương, triết học nổi tiếng Ngộ nhận của Albert Camus, Khung cửa hẹp, Hoà âm điền dã của André Gide, Hoàng tử bé của Saint Exupéry… và viết nhiều tập tiểu luận văn, triết như: Đi vào cõi thơ, Thi ca tư tưởng, Tư tưởng hiện đại, Con đường ngã ba, Con đường phản kháng,…