Ngay cả lúc Internet và mạng xã hội đã trở thành phương tiện duy nhất còn lại để giải trí, truy cập thông tin, giao tiếp và tương tác với xã hội bên ngoài, chúng vẫn có thể làm tăng thêm sự trầm cảm trong lúc dịch bệnh đẩy sự lo lắng lên tầm cao.
Thay vì giúp đỡ, Internet chỉ làm sức khoẻ tinh thần tồi tệ hơn nếu chúng ta không biết cách. Việc được sống trong những quốc gia hạnh phúc nhất thế giới trong thời Covid-19 là điều may mắn khi mạng lưới an toàn và các hệ thống hỗ trợ người dân luôn được chuẩn bị kỹ và trong tư thế sẵn sàng xử lý những rắc rối bất ngờ xảy ra, kể cả đại dịch.
Để tránh trầm cảm trong mùa đại dịch
Khi chính phủ và các chuyên viên y tế thường xuyên cập nhật thông tin phòng chống, tình hình dịch coronavirus, người dân cũng bị tập kích bởi hàng đống thông tin mà đa số là tiêu cực, làm tăng thêm mối lo lắng hay tạo ra “sự hy vọng ảo” dẫn đến lơ là trong phòng bệnh.
Chưa hết, bạn bè và người thân “tốt bụng” còn liên tục chia sẻ những thông tin họ cho là thú vị trên Facebook, tin nhắn, Viber và các mạng xã hội khác khiến tình trạng càng tồi tệ hơn. May mắn là chúng ta có một số cách để giải quyết những vấn đề trên mà không phải ngắt kết nối với thế giới bên ngoài. Các chuyên viên y tế và mạng xã hội đưa ra một số lời khuyên “sống chung với Internet trong thời gian bị cô lập xã hội”.
Hãy “reset” (cài đặt) lại các mối quan hệ trên mạng
Nhà khoa học xã hội máy tính Taha Yasseri thuộc Viện Internet Oxford, Đại học Oxford, nói: “Nhiều người vào mạng có thói quen ngấu nghiến tất cả nội dung, từ hình ảnh, video đến tin tức và những post liên quan đến dịch bệnh một cách vô thức. Hậu quả: họ bị quá tải thông tin dẫn đến hoang mang và lo lắng. Vì vậy, việc đầu tiên là hãy “reset” lại các mối quan hệ của bạn trên mạng cũng như cách thức, thời điểm và nơi chốn cập nhật tin tức.
“Khi tin tức đi nhanh hơn, xa hơn và sâu hơn trên mạng xã hội, bạn sẽ bị tập kích bởi rất nhiều tin có hại cho sức khoẻ tinh thần. Những tin tiêu cực bao giờ cũng được chia sẻ nhiều nhất – ông nói – Vì vậy, chúng ta phải giới hạn số lần cập nhật thông tin trong ngày. Sáng, chiều, tối là tốt nhất”.
- Xem thêm: Chuyện bên lề về dịch Covid-19
Tamara Russell, chuyên viên của Viện Tâm lý, Tâm thần và Khoa học thần kinh tại King’s College London, đề nghị người vào mạng nên chọn một, hai nguồn tin đáng tin cậy và cập nhật nhanh nhất để theo dõi một, hai lần trong ngày và tránh lan man sang những nguồn gây nhiễu khác. “Ngoài ra, những thông báo, messenger cũng nên hạn chế. Tốt nhất là tắt chúng đi, vì đa số thông báo là tin chưa kiểm chứng và đánh vào nỗi sợ của con người” – bà nói.
Chọn nút “mute” (câm) hay “unfollow” (bỏ theo dõi) những người thường làm phiền bạn
Mute và unfollow là vũ khí mà các mạng xã hội trao cho người dùng để bảo vệ sự riêng tư và yên tĩnh. Đây là cách dễ nhất để khỏi nhìn thấy hoặc nghe thấy những thứ chúng ta không thích trên mạng xã hội. Chặn tạm thời các chia sẻ phiền phức cũng cần thiết. Nói chung, bạn phải “giành lại quyền kiểm soát mạng xã hội” cho mình.
Bạn cũng có thể tạm rời nhóm bạn một thời gian trên WhatsApp và trên các mãng xã hội có chế độ này. Nếu chưa đủ, Yasseri đề nghị bạn tải về ứng dụng Freedom để khoá một số ứng dụng vào thời gian bạn thích. Một ứng dụng khác có tên Moment giúp phân tích chi tiết cách bạn chi thời gian trên mạng.
Tham gia một cộng đồng ảo (digital community) tốt và gọi điện cho bạn bè
“Con người là sinh vật gắn liền với nhu cầu giao tiếp xã hội nên nhiều người cảm thấy bị cô lập khi không được gặp mặt đối mặt với bạn bè, đồng nghiệp. Internet và mạng xã hội giúp chúng ta giải quyết phần nào trở ngại này. Ở một nơi bị phong toả thì tham gia các cộng đồng ảo là cách tốt nhất để giữ những mối quan hệ trong thế giới thực” – Rosie Weatherley thuộc Hội thiên nguyện sức khoẻ tinh thần Mind, trụ sở ở Anh, nói.
Dĩ nhiên, bạn không nên tham gia những nhóm bạn chỉ làm rối tung mọi việc thay vì làm êm mọi thứ. Gọi điện và chat video cũng là cách rất tốt để loại bỏ cảm giác bị cô lập, thông qua các nền tảng như Skype và FaceTime. Yasser nói: “Gọi video luôn là cọn lựa tốt nhất vì 80% thông tin của chúng ta nằm trên biểu cảm khuôn mặt. Ví dụ, khi bạn chuẩn bị cười người bên kia đã đoán trước và cười trước bạn”.
Giải trí, học tập, thể dục trên mạng
Một giải pháp khác là tìm các ứng dụng giải trí, học tập và thể dục trên mạng để tham gia. Hàng ngàn phim hay có sẵn trên Netflix, Amazon Prime Video, Disney Plus, Hulu… Nhưng đừng chọn những bộ phim quá bị luỵ, không thích hợp vào thời điểm này. Rồi các trang web thiên văn, thám hiểm không gian, bảo tàng, thú vật.
Ngoài ra, còn những livestream bổ ích nói về cách ly, phong toả và cách sống chung với nó. Nếu nhà có vườn, bạn hãy dành nhiều thời gian hơn cho khu vườn của mình. Nhà cũng nên thông thoáng cửa nẻo để tạo không khí lạc quan. “Nghe nhạc âm lượng vừa phải cũng là một cách rất tốt để giải toả căng thẳng. Âm nhạc sẽ nâng lên tâm trạng. Xem một điệu nhảy vui tập thể là món ăn tinh thần. Tập thể dục trong nhà là chọn lựa đúng khác” – Russell nói.
Những quốc gia hạnh phúc nhất thế giới chuẫn bị tốt hơn cho đại dịch
Samuel Kopperoinen sống ở Phần Lan, quốc gia hạnh phúc nhất thế giới trong 3 năm liền, theo báo cáo mới công bố World Happiness Report do Sustainable Development Solutions Network soạn theo yêu cầu của Liên Hiệp Quốc nhân Ngày hạnh phúc Quốc tế (International Day of Happiness) hàng năm. Sau Phần Lan, top 10 gồm Đan Mạch, Thụäy Sĩ, Iceland, Na Uy, Na Uy, Hà Lan, Thuỵ Điển, New Zealand, Áo, Luxembourg. Bảng xếp hạng dựa vào 6 tiêu chí: thu nhập, quyền tự do, niềm tin vào chính quyền, tuổi thọ chất lượng, hỗ trợ xã hội và sự rộng lượng.
“Chăm sóc y tế công là một ưu điểm – Kopperoinen, hiện là nhà thầu xây dựng sống tại thủ đô Helsinki có 3 con, nói – Người Phần Lan luôn hiểu họ sẽ được chữa trị tốt nhất khi đau yếu hay bị tàn phế. Và chúng tôi tin vào chất lượng của hệ thống chăm sóc y tế. Mạng lưới hỗ trợ xã hội cũng giúp người dân khi mất việc, bị bệnh hay con cái bị đau ốm. Thu nhập mất đi sẽ được bù đắp để bạn có thể đáp ứng những yêu cầu cơ bản của cuộc sống hàng ngày.
Chính quyền địa phương và các cơ sở tôn giáo luôn quan tâm đến những gì các thành viên trong cộng đồng cần, thông qua những tổ chức tương trợ như Nappi Naapuri. Chăm sóc y tế, chăm sóc trẻ em, hệ thống giáo dục tốt và các khoản trợ cấp thất nghiệp đã làm cho xã hội tốt hơn, nhất là trong những lúc khó khăn như đại dịch coronavirus lan rộng toàn cầu”.
“Tuy nhiên, hạnh phúc không tự nó là thuốc chủng ngừa giúp các quốc gia hạnh phúc chống virus mới – giáo sư kinh tế Jeffrey Sachs, đồng tác giả báo cáo, hiện là giám đốc Trung tâm phát triển Tự duy trì thuộc Đại học Columbia, nói – Không có hệ thống y tế nào tự nó chiến thắng được dịch bệnh mà còn phải có ý thức chung về các biện pháp phải làm như giữ khoảng cách an toàn, tự cách ly, cách ly bắt buộc những khu vực bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
- Xem thêm: Cuộc đua vaccine: Dục tốc bất đạt
Tất cả phải được làm nghiêm túc trong sự đồng thuận tuyệt đối của người dân. Chúng ta phải châp nhận phí tổn kinh tế lớn trong ngắn hạn, chấp nhận sự mất tự do một thời gian để cứu nhiều mạng sống, đặc biệt là những người già. Mọi đại dịch đều cần một chính phủ mạnh và làm việc hiệu quả. Các cộng đồng cũng phải hợp tác và tuân thủ tuyệt đối những quy định phòng chống dịch. Hãy nhìn sang Mỹ, quốc gia hạng phúc thứ 18 trong World Happiness Report đang rất hỗn loạn, phản ảnh phân hoá chính trị, niềm tin vào chính phủ, chính quyền địa phương thấp và nhiều biện pháp không đáp ứng được kỳ vọng của dân chúng. Ngoài ra, khâu chuẩn bị đối phó dịch cũng rất kém”.
Cư dân Jaattela sống tại thị trấn Tampere, Phần Lan nhận định: “Tôi không nghĩ chính phủ hiện nay đã hoàn hảo, nhưng tôi tin vào cách ứng phó của họ đối với cuộc khủng hoảng đang diễn ra”. Ngay cả khi chưa có coronavirus, không có nền kinh tế lớn nhất thế giới nào lọt vào top 10 bản xếp hạng. Năm nay, Anh xếp thứ 13, Đức 17, Nhật 62, Nga 73 và Trung Quốc hạng 94.
Năm 2011, Bhutan đề nghị Liên Hiệp Quốc chọn World Happiness Day như “thước đo sự mãn nguyện của người dân”. Năm nay là năm thứ 8 Liên Hiệp Quốc lập bảng xếp hạng World Happiness Report (từ 2012) dựa vào số liệu và phân tích từ 156 quốc gia, kể cả số liệu thăm dò Gallup World Poll. Kết quả: 10 quốc gia ít hạnh phúc nhất: Afghanistan (chót bảng), Nam Sudan, Zimbabwe, Rwanda, Cộng hoà Trung Phi, Tanzania, Botswana, Yemen, Malawi, Ấn Độ.