Những ngân hàng bị kiểm soát đặc biệt là những đơn vị có số lỗ lũy kế vượt quá vốn điều lệ và các quỹ dự trữ. Từ khi được “điểm mặt chỉ tên” cách nay gần hai năm, các ngân hàng thuộc nhóm này đã được Ngân hàng Nhà nước lên lộ trình cho tự lập kế hoạch tái cơ cấu, sáp nhập… và thời hạn để hoạt động bình thường trở lại. Đến nay, đa số được đánh giá là đã vượt qua giai đoạn khó khăn, tuy nhiên ngân hàng nào vẫn không đáp ứng được yêu cầu sẽ buộc phải “mở cửa” để đón nhận nguồn vốn từ bên ngoài và Quyết định 48 sẽ tạo hành lang pháp lý cho hoạt động ấy.
Theo đó, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước sẽ chỉ định tổ chức tín dụng được tham gia góp vốn, mua cổ phần bắt buộc và số vốn được góp – bằng tiền hoặc thông qua việc chuyển đổi một phần hoặc toàn bộ dư nợ các khoản tiền gửi, cho vay. Ngân hàng Nhà nước cũng có thể trực tiếp mua cổ phần bắt buộc hoặc góp vốn nếu các tổ chức tín dụng khác không đáp ứng được điều kiện. Trong trường hợp đó, giao dịch có thể bằng tiền hoặc chuyển đổi một phần hay toàn bộ giá trị dư nợ cho khoản vay đặc biệt, dư nợ cho vay tái cấp vốn nếu có. Ngân hàng Nhà nước cũng có thể sử dụng các công cụ nợ do chính mình phát hành để thực hiện việc góp vốn, mua cổ phần. Khi ngân hàng bị kiểm soát đã hoạt động bình thường, các tổ chức tín dụng tham gia có thể tiến hành việc thoái vốn; ngân hàng có thể được nhà đầu tư mua lại hoặc sáp nhập, hợp nhất với tổ chức tín dụng khác.
Có ý kiến cho rằng nên để các ngân hàng yếu kém phá sản, bởi suốt một thời gian dài họ đã không tuân thủ những nguyên tắc quản trị rủi ro, không kiểm soát được việc cho vay, khiến thiếu hụt thanh khoản, nợ xấu, tạo ra các cuộc chạy đua lãi suất huy động, gây rối loạn cho cả hệ thống. Tuy nhiên, có thể thông cảm với quyết định của các nhà điều hành khi không để cho các tổ chức tín dụng này phá sản, bởi trong bối cảnh nước ta, động thái ấy có thể gây mất an toàn hệ thống và ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế.
Nhưng Ngân hàng Nhà nước có nên bỏ tiền ra để cứu các ngân hàng này? Thiết nghĩ, cơ quan điều hành có nhiều công cụ chính sách để xử lý, can thiệp nhằm giúp thị trường hoạt động một cách lành mạnh, không cần phải can thiệp quá sâu vào hoạt động của các ngân hàng, mà việc bỏ tiền ra mua cổ phần của các ngân hàng yếu kém là một sự can thiệp như vậy.
Ở các nước phát triển, việc cơ quản quản lý mua lại một ngân hàng phá sản để điều hành, tái cấu trúc cho đến khi ngân hàng đó hoạt động bình thường rồi thoái vốn không hề mới. Để làm được điều này, cần những nhà quản lý có trình độ và một cơ chế hợp lý, tuy nhiên cũng chỉ mang tính tạm thời, bởi thực tế đã chứng minh rằng khu vực công không thể quản lý đồng vốn hiệu quả bằng khu vực tư. Với nước ta, điều này càng thể hiện rõ và công cuộc cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước lâu này chính là để các doanh nghiệp sau cổ phần hóa sẽ nâng cao được hiệu quả hoạt động kinh doanh. Nghĩa là, xử lý ngân hàng yếu kém bằng tiền ngân sách không nên là một giải pháp lâu dài.
Cũng cần lưu ý rằng tình trạng sở hữu chéo hoàn toàn có thể xảy ra một khi các ngân hàng yếu kém được giao cho một số nhà đầu tư hoặc được sáp nhập, hợp nhất với tổ chức tín dụng khác. Tình trạng nợ xấu kéo dài của nhiều ngân hàng hiện nay có phần không nhỏ từ sự sở hữu chéo, để lại nhiều hệ lụy mà nền kinh tế vẫn phải gánh chịu.
Minh Hằng