Ngay cả khi sống ở đô thị không thiếu mảng xanh, vẫn sẽ có lúc ta không thể tiếp cận được các không gian mở đó, ví dụ như khi có lệnh phong tỏa, hạn chế đi lại vì đại dịch chẳng hạn. Những lúc như thế, còn gì hơn có một không gian xanh ngay tại nhà mình.
Khái niệm phổ biến về không gian xanh đô thị bao gồm hành lang cây xanh, các công viên công cộng, vườn bách thảo, rừng nội đô mở cửa cho mọi người không phân biệt hoàn cảnh xã hội.
Tổ chức Y tế thế giới từng xuất bản một công trình dài khẳng định không gian xanh công cộng có chất lượng và an toàn, dễ tiếp cận mang lại nhiều lợi ích về tâm lý và thể chất cho con người, đồng thời làm các đô thị bớt nóng bức, cải thiện chất lượng không khí, tiếng ồn…
Hoạt động thể chất từ lâu được chứng minh là cải thiện sức khỏe tim mạch, tâm lý, phát triển nhận thức thần kinh, sự lành mạnh chung, giảm béo phì, ung thư và loãng xương. Không gian xanh chất lượng và an toàn có thể lôi kéo mọi người ra ngoài vận động và đây là một trong những cách mà không gian xanh có liên hệ tích cực với sức khỏe. Do đó, việc đảm bảo không gian xanh cần được xem là chính sách cần quy hoạch phù hợp để giải quyết một số vấn đề sức khỏe cộng đồng.
Tuy nhiên, có đạt được mục tiêu lý tưởng đó hay không lại là chuyện khác.
Mảng xanh là những liều thuốc bổ không mất tiền. Nghiên cứu ở Nhật chứng minh mối quan hệ giữa việc đi dạo trong rừng và phản ứng miễn dịch có lợi qua biểu hiện của các protein chống ung thư. Một công trình khác ở Anh chỉ ra đi bộ trong không gian xanh giúp cải thiện hoạt động của trí não, tăng cảm giác thư giãn và hồi phục.
Nghiên cứu ở nhiều nơi chỉ ra mảng xanh chất lượng ở đô thị có liên hệ tích cực với việc người dân tập thể dục nhiều hơn trong cả bốn mùa, tăng tiếp xúc với nắng và cải thiện giấc ngủ. Tại Tây Ban Nha, nghiên cứu xác nhận người sống gần rừng ít có thói quen ngồi một chỗ hơn.
Mảng xanh không dành cho tất cả
Viết trên The Conversation ngày 22-4, một nhóm nghiên cứu cho biết họ đã quan sát mức độ tiếp cận không gian xanh của các khu dân cư bằng chỉ số liveability (chỉ số đô thị sống được) trong danh mục Quan sát đô thị Úc và nhận thấy không phải khu dân cư nào cũng có thể tiếp cận không gian công cộng trong vòng 400m.
Thực tế này diễn ra ở các khu dân cư ở phía bắc bãi biển Bondi Bắc tại Sydney, các khu dân cư ở Melbourne và nhiều thành phố khác tại Úc.
Cũng theo The Conversation, mảng xanh riêng tại các hộ gia đình ngày càng được trân trọng hơn lúc nào hết. Nhiều người dùng sân, vườn nhà để trồng thêm rau và cây ăn trái.
Theo các nhà nghiên cứu, không gian xanh ở các hộ gia đình và đa dạng sinh học ở đây là những tác nhân ảnh hưởng quan trọng đối với sức khỏe. Sự kết nối với thiên nhiên trong vườn nhà là liều thuốc tuyệt vời hỗ trợ sức khỏe tâm thần.
Câu chuyện không thể tiếp cận mảng xanh công cộng và hệ quả của nó trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết trong thời giãn cách xã hội vì COVID-19.
Chia sẻ với Tuổi Trẻ Cuối Tuần, Ann Mai, nhà thiết kế cảnh quan gốc Việt sống ở Texas (Mỹ), cho biết lần gần nhất cô ra ngoài là cách đây mấy ngày, đi dạo quanh khu dân cư mình sống. “Được ra ngoài khiến tôi thấy phấn chấn, tôi chạm những cái cây và để ý nhiều hơn đến cảnh vật xung quanh” – cô nói.
Là chuyên gia về thiết kế cảnh quan, Ann cho biết không gian xanh tác động đến các giác quan của chúng ta ngay cả khi ta không để ý, làn gió, tiếng chim hót, tiếng lá xào xạc… giúp ta bình tĩnh, phục hồi khả năng tập trung và thúc đẩy khả năng sáng tạo. Nó cũng giúp cải thiện một số tác động tiêu cực của đô thị hóa như sự cách biệt, thiếu gắn kết cộng đồng, hiệu quả hoạt động trí não và sức khỏe tâm lý con người.
Trải qua những ngày phải ở nhà để phòng dịch, Mai và nhiều người Mỹ khác đều cảm thấy mình cần đến với thiên nhiên như một nhu cầu tất yếu. Một số công viên ở Mỹ đã vẽ những vòng tròn cách nhau 2m để người dân có thể ra ngoài mà vẫn không ở gần nhau trong phạm vi có thể lây bệnh, dẫu trên thực tế người dân không thực sự giữ khoảng cách này.
Theo Mai, cô không thể biết tương lai cho không gian xanh hậu COVID-19 như thế nào, nhưng chắc chắn việc thiết kế không gian ở đô thị sẽ cần phải xem lại.
Dịch bệnh đã bộc lộ một điều đã tồn tại từ lâu là khoảng cách về mức sống, tiêu chuẩn sống đã ảnh hưởng đến mức độ hưởng thụ không gian xanh của cư dân. Người trung lưu, người nghèo ở đô thị khó có điều kiện để sở hữu một mảnh vườn riêng, do đó cần đến công viên, bờ sông, bờ biển. Khi những hoạt động bên ngoài không được phép, không có khoảng xanh tại nhà như những người khác, họ bị ảnh hưởng nhiều hơn.
Theo Mai, tổ chức thêm các khu vườn cộng đồng, đầu tư cho các không gian quy mô nhỏ ở các khu dân cư là điều có thể làm được. Thay vì tập trung ngân sách cho những công viên lớn, hãy phát triển thêm các mảng xanh nhỏ tại cộng đồng. Làm vậy để khi có một sự cố tương tự dịch bệnh COVID-19, người dân mỗi cộng đồng vẫn sẽ được ra ngoài công viên trong khu vực gần nhà, lý tưởng là trong vòng 10 phút đi bộ.
Một nghiên cứu ở Úc cho thấy người dân có xu hướng đi bộ nhiều hơn ở những không gian xanh hấp dẫn, cởi mở với mọi người. Ngoài ra, không gian xanh trong phạm vi 1,6km khuyến khích người dân duy trì thói quen đi bộ. Mai cho rằng không gian xanh là dành cho mọi người, vì vậy,để tổ chức lại chúng sau dịch, chính quyền cần đối thoại, lắng nghe mong muốn của người dân, nhất là những người yếu thế, người nhập cư về một không gian xanh mà họ mong muốn.
Chuyện những mái nhà xanh
Trên thế giới đã có những nỗ lực để thiết kế mái công trình lớn như sân vận động, tòa nhà bằng cỏ hoặc vườn rau. Các công trình này không chỉ “độc”, lạ, đẹp mắt mà còn giúp tiết kiệm chi phí năng lượng, tạo ra môi trường sống cho hệ động vật trong thành phố, giảm ô nhiễm và nóng bức, thậm chí còn là nguồn thực phẩm tại chỗ.
Tuy nhiên, nhà chức trách, chính quyền địa phương cần hỗ trợ để thúc đẩy xu hướng này đi tới và trở thành một điều bình thường, dễ tiếp cận với mọi người. Về cơ bản, phát triển không gian xanh lồng ghép trong các công trình dân sự lớn nhỏ đòi hỏi hàng loạt thay đổi lớn trong thiết kế, xây dựng và bảo trì, hệ thống bơm, tưới, vận chuyển…
Ở Mỹ, TP San Francisco đã ban hành một chính sách có hiệu lực từ 1-7-2017 yêu cầu các tòa nhà mới phải có mái xanh và năng lượng mặt trời.
Vào những năm 1990, TP Toronto của Canada ban hành chính sách khuyến khích những khu vườn trên mái công trình ở đô thị. Những công trình này đòi hỏi những tính toán mới như phần mái phải vững chắc, kiên cố hơn để chịu tải trọng của đất, nước, đảm bảo các yêu cầu về sức khỏe và an toàn. Người vận hành, bảo trì tòa nhà cũng phải có những kỹ năng mới như quy hoạch về cảnh quan, tổ chức quản lý tình nguyện viên.
Vườn hay rừng trên mái các tòa nhà có thể là ý tưởng hay nhưng thuyết phục nhà đầu tư bỏ tiền ra là khâu quan trọng nhất. Cần những phân tích về kinh tế như tiền đầu tư tăng thêm bao nhiêu khi xây dựng một công trình xanh, chi phí quản lý thấm, dột so với những lợi ích mà công trình mang lại về môi trường, cảm xúc và hạnh phúc của cư dân ra sao…
Hầu như đa số mọi người, từ nhà quản lý đến người dân, đều thấy rõ những lợi ích của không gian xanh với con người. Ở các công trình quy mô hộ gia đình, nhiều người hào hứng ban đầu với ý tưởng mang thiên nhiên vào nhà, từ vườn cây đến bể cá, nhưng sớm bỏ cuộc vì không biết chăm sóc hoặc việc chăm sóc quá vất vả, biến thiên đường xanh mơ ước thành gánh nặng trĩu vai. Có người sau vài năm phải thuê người đến dọn hoặc sau vài tháng thì để mặc mọi thứ khiến nhà cửa, sân vườn bê bối.
Sau dịch COVID-19, có thể nhiều người thực sự cần mảng xanh của riêng mình nhưng như bao dự án cần sự nghiêm túc khác, trồng cây không dành cho người không chịu học hỏi, hoặc những ai bốc đồng.
Tại Mỹ, khi phải tự cách ly tại nhà do đại dịch COVID-19, người dân đã tìm đến những niềm vui mới, đặc biệt là trồng cây, làm vườn. Với một số người, đây là cách giết thời gian trong khi với một số khác, đây là cách họ tự cung cấp thực phẩm tươi cho mình sau khi chứng kiến cảnh dân tình hoảng loạn mua sắm, các kệ hàng trong siêu thị trống rỗng trong dịch COVID-19.
Nhu cầu mua hạt giống và dụng cụ làm vườn tăng lên đã đành, người Mỹ còn mua cả con giống, đặc biệt là gà với viễn cảnh ngọt ngào là có thể túc tắc lượm trứng mỗi ngày!