Miền Tây Nam bộ được khẩn hoang sau cùng trong quá trình khai mở đất phương Nam. Nơi đây, thuở ấy là rừng rậm bạt ngàn, mênh mông đầm lầy hoang hóa, có nhiều loài chim muông, dã thú và đã để lại không ít mẩu chuyện mang màu sắc hoang đường…
Trong quá trình chinh phục, khai thác, biến những vùng đất thiên nhiên khắc nghiệt thành những làng thôn trù phú, ngoài những câu chuyện có thật, đã trở thành truyền thuyết, giai thoại dân gian. Ở miền Tây thuở xưa, còn có những câu chuyện, huyền thoại, mang màu sắc hoang đường, kỳ bí lưu truyền khá phổ biến trong dân chúng… Vào những năm trước và sau 1945, trong những hội hè, đình đám, lúc trà dư tửu hậu người ta thường kể nhau nghe những câu chuyện kỳ bí, lạ lùng, hấp dẫn, kinh dị!
Cô Hai Hiên ở Nha Mân (Sa Đéc)
Huỳnh Minh trong tập biên khảo Sa Đéc xưa và nay, đã cam đoan rằng đây là câu chuyện có thật mà ông đã thu thập được từ những vị cao niên, lão làng, người thân của cô Hai Hiên. Vào khoảng năm 1900 lẻ… Một câu chuyện kỳ bí đã xảy ra ở làng Tân Nhuận Đông (Sa Đéc cũ) gây chấn động dân gian miền Tây:
Cô Hai Hiên tên đầy đủ là Phạm Thị Hiên, con cùa ông Hương cả Cần ở chợ Nha Mân làng Phú Nhuận (Sa Đéc) là một cô gái xinh đẹp, đức hạnh hơn người, nức tiếng gần xa, ai cũng ngưỡng mộ. Một hôm, cô đang ngồi chơi bên bờ sông trước nhà. Có một bà lão gọi đò qua sông giữa trưa nắng gắt.
Cô Hai Hiên động lòng thương người già cả nên lấy ghe chèo rước bà lão kia… Ngờ đâu, khi ghe qua nửa sông, nước chảy xiết, cô Hai sút tay chèo, ngã xuống nước chết đuối. Nghe tiếng la thất thanh. Thân phụ cô chạy ra cùng với nhiều người mò tìm xác cô. Khi vớt lên thi thể cô còn mềm dượi.
Cha mẹ cô tức tối, than trời trách đất. Trong lúc nóng giận, ông đã đạp đổ bàn thờ ngài Quan Thánh và lấy tượng ông này bỏ vào quan tài khâm liệm, chôn theo cô Hai Hiên. Mọi ngươi đều ngán ngại hành vi xúc phạm thánh thần của ông Hương cả!
Có một điều vô cùng kỳ bí. Lối xóm, láng giềng thỉnh thoảng thấy cô đi từ nhà trước ra nhà sau rồi ra vườn như lúc cô còn sống! Các chàng thanh niên thời ấy nghe nói đến cô Hai Hiên đều rất ngán sợ!
Người dân ở Nha Mân vẫn còn truyền nhau nghe câu chuyện “hồn linh” của cô Hai Hiên quá giang ghe bầu ra Huế: Sau khi cô Hai Hiên chết vài năm, có đoàn ghe bầu từ ngoài Huế vào đậu tại bến Nha Mân bán quế và thúng rổ. Khi bán hết hàng, đoàn ghe chuẩn bị lên đường về Huế. Lúc sửa soạn rời bến, có một cô gái xin quá giang ra Huế.
Trong đoàn ghe, có một chiếc bằng lòng cho cô gái ấy đi theo. Tới lúc nhổ neo, chờ mãi không thấy cô gái đến, chiếc ghe ấy buộc lòng tách bến. Đi được mấy ngày trên biển, bỗng gặp sóng to gió lớn, các ghe khác đều chìm, duy chiếc ghe nhận lời chở cô gái Nha Mân vượt qua sóng gió, về bến an toàn. Người ta thấy cô đứng trên cột buồm chỉ hướng cho ghe đi…
- Xem thêm: Tập tục ở rể của người miền Tây Nam bộ
Năm sau, ghe chuẩn bị vào Nam, ngươi ta lại thấy cô Hai đến bến sông gởi về nhà một cây quế và một cây thanh trà. Gia đình cô đã trồng hai cây này trước sân nhà, sum sê, tươi tốt. Về sau, cô về báo mộng cho bà con biết là cô đã lên Thất Sơn tu hành. Dân gian hiện nay còn có người tin tưởng về sự linh ứng của cô, bởi cô luôn phù hộ mọi người bình an vô sự, mua may bán đắt!
Nhà cũ của cha mẹ cô Hai Hiên ở Nha Mân không còn nữa. Sau khi vợ chồng Hương cả Cần qua đời, cô ruột của cô Hai có chồng Tây, ăn xài phung phí, gia sản khánh kiệt, nên kêu bán nhà, chẳng ai dám mua vì sợ phạm đến cô. Khi ấy, có một ông Bái (người trong ban tế tự của đình làng) ở làng Tân Xuân (nay thuộc xã Tân Bình, TP Sa Đéc) muốn mua nhà, dỡ đem về cất đình nhưng cũng sợ, nên chần chừ.
Cho đến khi có lời bàn “dựa vào” ý cô Hai Hiên: Nếu mua về cất đình thì cô chịu, nhưng phải thờ bài vị cô cạnh bên. Nghe vậy, ông Bái cùng các Hương chức bàn tính, thỏa thuận mua ngôi nhà ấy về cất đình Tân Xuân.
Đến thời kháng Pháp, ngôi đình bị sụp đổ trong chiến tranh, chỉ còn lại nền đất trống không! Mới gần đây, có người đã bỏ ra tiền tỷ ra trùng tu đình Tân Xuân, nơi thờ tự cô Hai Hiên để đền ơn cô đã phù hộ! Mộ cô hiện ở gần chợ Nha Mân, khang trang, thoáng mát và luôn có nhang khói đủ đầy.
Vịnh Đôi Ma
Ở huyện Gò Công Đông, thuộc tỉnh Tiền Giang, ngày nay dân chúng vẫn còn nhắc về câu chuyện tình cảm động xảy ra từ hơn 200 năm trước. Tại xã Kiểng Phước, có một ấp tên là ấp Đôi Ma – cái tên mới nghe qua ai qua cũng giật mình, thảng thốt! Nơi khúc quanh của rạch Cần Lộc ngang ấp Đôi Ma có một vịnh nước nhỏ chảy xiết, gọi là vịnh Đôi Ma. Vịnh Đôi Ma xưa kia rộng và sâu hơn bây giờ rất nhiều. Thuở ấy, hai bên bờ rạch chỉ toàn lau sậy, bần đắng, dừa nước mọc um tùm, sầm uất, hoang vắng bóng người.
Chuyện kể rằng: Ngày xưa, bên bờ rạch “Tình Trinh giang” (tên gọi khác của rạch Đôi Ma), có gia đình họ Nguyễn và họ Phạm. Nguyễn gia mất sớm để lại người vợ và cậu con trai tên là Nguyễn Nghị. Bà góa phụ ấy ở vậy thờ chồng, sớm hôm vất vả nuôi con ăn học. Cậu học trò Nguyễn Nghị vốn hiền lành, thông minh, hiếu học. Nhà họ Phạm thấy Nguyễn Nghị học giỏi, có chí nên rất yêu mến, hứa gả con gái là Phạm Thị Nữ cho; họ Phạm còn giúp đỡ tận tình cho Nguyễn Nghị theo việc kinh sử.
Ngày kia, mẹ Nguyễn Nghị bị bạo bệnh qua đời, nhà họ Phạm lo tất việc tang ma. Sau khi mẹ mất, Nguyễn Nghị vô cùng đau buồn, thêm việc học thi quá sức nên mắc bệnh nan y (lao). Dù bên nhà họ Phạm hết lòng chạy chữa nhưng bệnh tình Nguyễn Nghi vẫn ngày trầm trọng thêm.
Thị Nữ muốn qua nhà Nguyễn Nghị chăm sóc người yêu nhưng không được chấp nhận, vì theo lễ giáo gia phong thời ấy, khi chưa cưới hỏi thì trai gái không được cận kề! Một thời gian sau, Nguyễn Nghị chết. Thị Nữ nhớ thương người yêu mà sinh tâm bệnh. Ít lâu sau, cô cũng qua đời! Trước khi nhắm mắt, Thị Nữ trối trăng muốn được chôn cạnh mộ Nguyễn Nghị.
Cha mẹ làm theo ý cô. Từ dạo ấy, thỉnh thoảng khi trời chạng vạng, hoặc những đêm thanh vắng, có người thấy đôi uyên ương thơ thẩn bên bờ rạch. Tiếng đồn lan ra khắp một vùng, dân chúng gọi tên đoạn rạch ấy là vịnh Đôi Ma! (Hai bóng ma). Sách Đại Nam nhất thống chí ghi tóm lược như sau: Xưa kia, có một cô tiểu thư con nhà trưởng giả, đem lòng yêu thương một anh học trò nghèo.
Chàng trai kia cũng thấu hiểu tâm tình cô gái, nhưng vì thân phận nghèo hèn, nên chưa dám đến hỏi việc cưới xin! Cô gái chờ mong mỏi mòn rồi ôm nỗi trầm uất, thất tình, sinh bệnh mà chết. Cha mẹ cô thương tiếc con không chôn ngay mà cất lều ở sau vườn, quàn linh cữu. Chàng trai hay tin, đến thắt cổ chết bên cạnh người yêu.
- Xem thêm: Bông ô môi
Người ta đem thi thể hai người đặt nằm cạnh nhau, lâu ngày âm khí kết tụ dần thành ma quỷ! Ít lâu sau, cha mẹ cô gái ấy buồn rầu, sanh bệnh mất đi. Xác đôi trẻ bị bỏ phế. Nơi ấy hoang vu cây cỏ, dây leo mọc đầy thành gò rậm rạp, quỷ khí càng thịnh hành, chọc phá mọi người. Dân chúng kinh hãi, nên đặt tên là rạch Đôi Ma. Sau quân Tây Sơn tới đốt phá, tai quái kia mới dứt!
Ấp Đôi Ma, xã Kiểng Phước ngày nay không còn hoang vắng như trong chuyện kể ngày xưa nữa. Cuối nơi con rạch Cần Lộc quanh co chảy ra biển, bây giờ đã trở thành một cảng cá nhộn nhịp, sầm uất. Hơn 200 năm trôi qua, địa danh Đôi Ma vẫn còn đó với câu chuyện tình đẹp, buồn, u uất như là những kỷ niệm về một thời quá khứ trên mảnh đất Gò Công, thuở tiền nhân ta mới khai mở đất phương Nam.