“…Tôi đã về thăm mộ cụ Phan Thanh Giản và đốt nhang lạy hương hồn cụ. Và tôi cũng quyết định sửa sang lại khu mộ phần và nhà thờ cụ bởi mộ đã bị thời gian bào mòn quá nhiều”, Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt.
Nhà xuất bản Hà Nội đã quyết định tạm thời đình chỉ phát hành quyển Phan Thanh Giản – Nhà ái quốc, người mở đường cho nước Việt Nam hiện đại: Những năm cuối đời (1862-1867) vì “trong quá trình rà soát lại, Nhà xuất bản Hà Nội nhận thấy một vài nội dung cần có sự nghiên cứu kỹ lưỡng để có thể chỉnh sửa cho phù hợp hơn”. Cho dù, chưa rõ một vài nội dung cần “chỉnh sửa cho phù hợp hơn” như Nhà xuất bản chủ trương, thì cái tên Phan Thanh Giản lâu nay cũng đã gây nhiều tranh luận. Tuy nhiên, nhận định mang nặng thành kiến “bán nước” đối với Phan Thanh Giản mà không xem xét thấu đáo sử liệu là “nỗi oan trăm năm” cho ông, như nhiều người đã đề cập.
Người Đô Thị giới thiệu bài viết của tiến sĩ sử học Hãn Nguyên Nguyễn Nhã, góp thêm sử liệu khách quan để độc giả rút ra những nhận định.
***
Khi thực hiện số đặc khảo về Phan Thanh Giản (1796-1867) của Tập san Sử Địa (TSSĐ) số 7&8 (Sài Gòn, 12.1967) với vai trò chủ biên, tôi đã cố gắng thể hiện tính khách quan của lịch sử bằng cách cung cấp nhiều tư liệu với những cái nhìn khác nhau về Phan Thanh Giản.
Còn bây giờ khi chính bản thân viết, tôi lấy tiêu đề là Phan Thanh Giản với cái nhìn khách quan của lịch sử. Tính khách quan của lịch sử thể hiện bằng cách không thiên lệch về một cái nhìn nào hoặc khen hay chê, hoặc công hay tội… Tôi xin đưa ra một số nhận định cùng với những tư liệu cụ thể:
- Phan Thanh Giản đã uống thuốc độc tự vận, sau khi đầu hàng, nộp thành cho thực dân Pháp, để tránh nổ súng và cũng đã viết bản tâu lên vua Tự Đức xin chịu tội cùng thư gửi cho các quan trấn thủ ở miền Tây, và cho người Pháp.
- Vua Tự Đức ra Dụ nghị xử và làm sáng tỏ các nguyên do.
- Vì sao dân Vĩnh Long lập đền thờ Phan Thanh Giản tại khu Văn Thánh Miếu Vĩnh Long?
Một là Phan Thanh Giản đã uống thuốc độc tự vận, và chuẩn bị cái chết ra sao, chính người Pháp ở Vĩnh Long đã theo dõi và ghi như sau: Éliacin Luro viết trong cuốn Le Pays d’Annam, Paris 1897, được Nguyễn Thế Anh trích dịch trong bài Phan Thanh Giản dưới mắt người Pháp qua vài tài liệu được đăng trong TSSĐ số 7&8: “Vị kinh lược ba tỉnh, với một tinh thần thung dung cho tới phút cuối cùng, chết trong một căn nhà tranh nghèo nàn, trong đó ông đã sống suốt thời gian ông cầm quyền, muốn bằng lối sống ấy nêu cho mọi người cái gương vong kỷ, bần cùng và liêm khiết trong sự thi hành những chức vụ cao quí nhất”.
Trung tá Ansart viết thư gửi cho Tổng tham mưu trưởng Reboul ngày 4.8.1867 từ Vĩnh Long (tư liệu trong Văn khố Trung ương Pháp, tập 11.807/2 mà G.Taboulet đăng trong La Geste Francaise en Indochine, Paris 1956) cũng được đăng trong TSSĐ số 7&8, cũng do Nguyễn Thế Anh trích dịch trong bài Phan Thanh Giản dưới mắt người Pháp qua vài tài liệu: “Chúng tôi không khỏi bị xúc động nhiều vì sầu cảm trước cái chết của vị lão thành phi thường ấy, và tôi chắc rằng sầu cảm này sẽ được chia sẻ bởi tất cả những ai được biết ông ta. Ông ta đã tự tử với một ý chí quả quyết lạ lùng.
Sau khi đã chuẩn bị thể xác cho sức tàn phá của độc dược bằng sự giảm thực kéo dài hơn mười lăm ngày, ông bình tĩnh trù liệu mọi điều, cho mua quan tài của ông và tang phục cho gia thất và đầy tớ, sắp đặt tang lễ cho tới những chi tiết nhỏ nhặt nhất và trối lại cho con cái ông những lời khuyên khôn ngoan và chính trực.
Ông khuyến khích họ nên ở lại với người Pháp, nhưng không nên nhận một chức vụ nào của Pháp cả. Họ phải sống trong đất đai của họ, với tính cách những người yêu chuộng hòa bình, ngay thực mà qui phục nước Pháp, không bắt tay vào chính trị ngoài sự khuyên nhủ hòa bình và cần lao khắp mọi nơi.
Còn đối với các cháu nội của ông, không bị ràng buộc bởi cùng những lý do bất tham dự, ông dặn dò phải nhờ người Pháp chăm nom chúng và, vài ngày trước khi thi hành quyết định trí mệnh của ông, ông bày tỏ với tôi ý muốn giao cho tôi vài ngàn quan để đài thọ các phí tổn cho sự giáo dục các đứa trẻ này ở Sài Gòn”.
Trong bản Tâu của các đại thần nghị xử gồm hơn 30 người trong đó có Nguyễn Tri Phương, Trần Tiến Thành, Phan Huy Vịnh… có ghi:
“Vậy nay chỉ xin đem tập tâu của viên Cố Kinh Lược Phan Thanh Giản và Tổng đốc Vĩnh Long Trương Văn Uyển đã trình bày rằng: ngày 19 tháng 5 năm ngoái, vào khoảng giờ Thìn thấy viên quan Tây đem số lớn tầu binh đến bến tỉnh thành thả neo, kỳ thủy 1 viên quan ba cùng 1 người tên là Cố Trường đưa đến 1 phong thư, trong thư nói rằng: viên quan Tây nhận thấy bọn giặc quấy rối lâu nay phần nhiều là dân của tỉnh Châu Đốc, nay y muốn rằng quí quốc nhường lại 3 tỉnh để y kiểm soát, thì chúng không dám quấy rối như xưa…
“Thần đẳng xem xong bức thư, cùng nhau thương nghị, rồi Kinh lược sứ lập tức đem các viên Niết Ty Võ Doãn Thanh, theo xuống dưới tàu cùng viên chúa tàu đàm thoại; trách y đã vin vào cớ nhỏ mọn mà đã vội làm thương tổn đại nghĩa …
“Y trả lời rằng: bổn ý thế nào đã nói ở trong bức thư. Nói đoạn y cho chiến thuyền tiến sát vào phía ngoài thành rồi cho bộ binh vào thành đóng giữ” (TSSĐ, số 7&8).
“Tôi cũng muốn nhắc lại câu nói như một tuyên ngôn của Phan Thanh Giản khi biết chắc ba tỉnh miền Tây đã rơi vào tay giặc: “Lá cờ ba sắc không thể phấp phới bay trên một thành lũy mà nơi ấy Phan Thanh Giản còn sống”. Với “tuyên ngôn” này và với những gì tôi đã trình bày, tôi khẳng định rằng Phan Thanh Giản là một người yêu nước, thương dân mà lo không tròn bổn phận, Cụ đã tự làm án cho chính mình: đó là cái chết. Một cuộc đời thanh sạch, thật đáng để lại gương soi cho hậu thế… Tôi đã về thăm mộ cụ Phan Thanh Giản và đốt nhang lạy hương hồn cụ. Và tôi cũng quyết định sửa sang lại khu mộ phần và nhà thờ cụ bởi mộ đã bị thời gian bào mòn quá nhiều”.
CỐ THỦ TƯỚNG VÕ VĂN KIỆT
Trên ghi về tờ Tâu, còn tờ Tư gửi cho các quan các tỉnh thì được ghi như sau:
“Viên nguyên Tổng đốc An Hà Nguyễn Hữu Cơ khai rằng: Ngày 15 tháng 5 năm trước, tiếp được tờ Tư của Kinh lược Phan Thanh Giản và Kiêm tri Trương Văn Uyển, trong có một khoản nói rằng: Có nghe phong thanh tỉnh ấy có nhiều dân ra ứng nghĩa, quan binh của Tây thường vin cớ đó để sinh chuyện. Lần này chúng phái tàu chiến qua nước Cao Man tất nhiên đi qua quí hạt, nếu không tìm kế ngăn chặn sớm đi, e nữa chúng lại ngờ vực lôi thôi”… (TSSĐ số 7&8).
Hai là trong tập Tâu của Viện Cơ Mật, các đại thần kết tội Phan Thanh Giản: “Nhưng trong số đó riêng có Phan Thanh Giản và Nguyễn Văn Nhã, hiện đã quyên sinh hoặc ốm chết rồi thì nên cho được miễn tội trảm hậu và trượng lưu; còn ngoài ra thì nên chiếu án để xử trảm” (TSSĐ).
“Ngày tháng 2, vâng tiếp đạo Dụ trong có 1 khoản: Viên cố Khâm mạng Tòan quyền đại thần Phan Thanh Giản kia có công hay có tội, từ trước đến giờ, chưa có nhất định; thế mà những kẻ bênh vực còn dám nhiều lời, như vậy không thể làm cho nó sáng tỏ? Còn phần tư cách của Phan Thanh Giản, là người học rộng nết tốt, đáng làm mô phạm cho đời: tấm lòng trung thành cần mẫn trong sạch, chăm chú làm hết phận sự, thì Trẫm đã biết từ lâu và rất chú trọng. Riêng nói về tài thì hơi kém, không đủ thao lược ứng biến, lại còn phạm lỗi cố chấp, không thể trao cho công việc trọng đại, cho nên đại sự đến nỗi vấp ngã. Thế mà những kẻ bênh vực còn dám xin cho tên Thụy, không biết chúng đã căn cứ vào những điểm nào?” (TSSĐ, số 7&8).
“… Ngày tháng Giêng năm nay, Lại bộ thần đã đem tờ sớ của viên Án sát Khánh Hòa là Nguyễn Thông trình bày rằng: Phan Thanh Giản xưa là người tiết liệt, nay xin ban cho tên Thụy” (TSSĐ, số 7&8).
Ba là vì sao dân Vĩnh Long lập đền thờ Phan Thanh Giản tại Khu Văn Thánh Miếu Vĩnh Long?
Chính vua Tự Đức cùng các đình thần đều rất kính trọng nhân cách của Phan Thanh Giản, huống hồ người dân Vĩnh Long rất biết ơn Phan Thanh Giản đã có công xây dựng Văn Thánh Miếu duy nhất của miền Tây Nam bộ.
Ngoài ra, dân Vĩnh Long biết ơn Phan Thanh Giản đã hy sinh tính mạng của mình để tránh chiến tranh có thể làm chết dân mình. Phan Thanh Giản còn là vị tiến sĩ đầu tiên của cả Nam bộ, đó cũng là niềm tự hào của dân Nam Kỳ Lục Tỉnh. Với những điều như trên về Phan Thanh Giản, một cách khách quan, một nhà sử học như tôi bắt buộc phải nhận xét như sau:
Một là Phan Thanh Giản đã chết vì nước hay đã tuẫn tiết và nhận có tội để mất thành, cũng phần nào giống như Hoàng Diệu hay Nguyễn Tri Phương sau này.
Hai là Phan Thanh Giản là một trí thức lớn có nhân cách lớn, “đáng làm mô phạm cho đời như vua Tự Đức nhận xét; sống thanh bạch, là tấm gương sáng cho muôn đời sau, nhất là lời dặn dò các con cháu trước khi tuẫn tiết, sau này các con ông như Phan Tôn, Phan Liêm tham gia khởi nghĩa chống Pháp đều đã được đặt tên đường…
Còn tội để mất thành hay mất nước trong tình thế không thể giữ được như chính Phan Thanh Giản đã nhận, thì tội trên hết vẫn là vua quan triều Nguyễn lúc bấy giờ cũng như cả hệ thống chính trị lạc hậu so với văn minh phương Tây hồi đó.
Phan Thanh Giản – Nhà ái quốc, người mở đường cho nước Việt Nam hiện đại: Những năm cuối đời (1862-1867) là tác phẩm của hai tác giả Phan Thị Minh Lễ và Pierre Ph. Chanfreau.
Bản gốc sách tiếng Pháp mang tên Phan Thanh Gian: patriote et précurseur du Vietnam moderne. Ses dernières années 1862-1867, NXB L’Harmattan (Paris) ấn hành năm 2002. Nguồn tài liệu chính của sách là: thư viết tay, văn bản liên quan của Phan Thanh Giản gửi cho gia đình Đô đốc De La Grandière (thống đốc Nam Kỳ những năm 1863-1868); nguồn tài liệu vi phim của Bộ Ngoại giao Pháp và tác phẩm Châu bản triều Tự Đức (Viện Khoa học xã hội TP.HCM, 1979). Bản tiếng Việt do dịch giả Phan Tín Dụng chuyển ngữ.