Thành công đó của Hyundai-Kia khiến các đối thủ không thể xem thường và nó thúc đẩy một cuộc chạy đua thiết kế mới giữa các hãng xe.
Một sự kiện gây bất ngờ đối với giới chuyên môn là chiếc HCD-14 Genesis Concept được bình chọn giải thưởng Concept Car of the Year 2013 (Chiếc xe ý tưởng của năm 2013), đồng thời nhận thêm danh hiệu Most Significant Concept of the Year (Xe ý tưởng quan trọng nhất năm) vì đạt điểm cao nhất trong số những chiếc xe chiến thắng ở hạng này. Cũng cần biết rằng giải thưởng thường niên của thị trường Bắc Mỹ lần thứ 12 ghi nhận những mẫu xe đóng vai trò định hướng cho tương lai của ngành công nghiệp xe hơi. Còn đối với nhà sản xuất thì đây đã là lần thứ hai được trao phần thưởng cao quý (lần trước, năm 2008, chiếc Genesis Coupé của họ cũng nhận được giải thưởng tương tự).
Chiếc xe ý tưởng của năm 2013
Các chuyên gia xe hơi không tiếc lời ca ngợi chiếc concept đến từ xứ sở kim chi. Xuất hiện lần đầu tiên trước công chúng tại Triển lãm Detroit hồi đầu năm nay, HCD-14 Genesis Concept giới thiệu một xu hướng mới của Hyundai dành cho những chiếc xe hạng sang trong tương lai bằng lối thiết kế và công nghệ tối tân. Trong cuộc bình chọn Concept Car of the Year 2013, HCD-14 đã vượt mặt các đối thủ đến từ Nhật Bản như Honda EV-STER và Toyota Corolla Furia để chinh phục các thành viên giám khảo.
Chiếc concept của Hyundai cũng được công nhận là thể hiện rõ những tính năng hàng đầu có ý nghĩa định hướng và mang lại trải nghiệm mới cho người tiêu dùng. HCD-14 sở hữu một loạt công nghệ tương lai của Hyundai như bắt theo ánh mắt nhìn của tài xế, nhận biết cử động của cánh tay, điều khiển bằng ngón tay được sử dụng để lựa chọn các chức năng dẫn đường vệ tinh, thông tin giải trí, âm thanh, điều hòa không khí và kết nối smartphone.
Cho dù có tạo ra bất ngờ nhưng việc HCD-14 Genesis Concept nhận giải đã phản ánh một thực tế rằng thiết kế xe hơi của các nhãn hiệu vốn thường bị coi ở “chiếu dưới” như Hyundai và Kia ngày càng có chiều sâu và chất lượng hơn. Các sản phẩm mang thương hiệu Hàn Quốc giờ đây không chỉ thỏa mãn được nhu cầu thông thường của đông đảo khách hàng (thông qua thành công về doanh số), mà đã tiến lên đáp ứng được những đòi hỏi khắt khe hơn, khó tính hơn của nhóm các khách hàng cao cấp. Thành quả này xứng đáng với một quá trình đầu tư lâu dài, có hệ thống và rất tốn kém của Hyundai-Kia. Giờ đây, những chiếc xe Hyundai và Kia đã khá tự tin cạnh tranh ngang cơ với các đối thủ cùng hạng đến từ Nhật và Mỹ, thậm chí cả xe châu Âu.
Peter Schreyer – người giúp thương hiệu xe Hàn Quốc có bản sắc và dấu ấn riêng trong nhiều model
Khoảng giữa thập niên 2000, bên cạnh những cải tiến công nghệ, Kia đã đề ra chiến lược thay đổi thiết kế và họ quyết định thực hiện giải pháp “đi tắt đón đầu” khi bỏ tiền chiêu mộ những nhà thiết kế giỏi từ các nhà sản xuất xe hơi danh tiếng của châu Âu. Đáng chú ý nhất là trường hợp Peter Schreyer đã rời Audi để nhận trách nhiệm trưởng bộ phận thiết kế toàn cầu của Kia và chính ông đã mang đến cho nhãn hiệu xe hơi Hàn Quốc một bản sắc và dấu ấn riêng, được thể hiện trên các mẫu xe từ Forte, Rio, Optima, Caren, Sportage và K9/Cadenza. Công lao của Peter Schreyer đã được đền đáp khi ông được đề bạt lên chức chủ tịch Kia kiêm giám đốc thiết kế của cả Kia và Hyundai. Tham vọng của Kia là đặt mục tiêu bán được 2,75 triệu xe trong năm 2013.
Lexus với “bộ mặt khủng”
Vài năm trở lại đây, Hyundai đã cho thấy sự thay đổi mạnh mẽ về phong cách nhờ sự ra đời của những mẫu xe trẻ trung và năng động hơn như i20, i30/Elantra, Sonata, Tucson, Santa Fe, Genesis Coupé, Veloster, thậm chí cả sản phẩm đầu bảng Equus. Hyundai cũng áp dụng cách làm hiệu quả của Kia khi thuê ông Christopher Chapman – nguyên Giám đốc thiết kế của BMW về lãnh đạo một trung tâm thiết kế của hãng đặt tại Mỹ. Tại đây, Christopher Chapman cùng cộng sự đã tạo ra chiếc HCD-14 Genesis Concept đoạt giải kể trên. Mục tiêu của Hyundai-Kia cơ bản đã đạt được bằng việc định hình những ngôn ngữ thiết kế có tác dụng như một nét đặc trưng mang tính thương hiệu. Khi Hyundai có Fluidic Sculpture (Điêu khắc lỏng) thì Kia cũng có Tiger Nose (Mũi hổ).
Toyota với các trung tâm thiết kế quy mô ở Nhật Bản đang nỗ lực cải tiến các mẫu xe của họ để tăng tính cạnh tranh. Thành quả đáng kể nhất của họ là đổi mới dòng sản phẩm hạng sang Lexus bằng tấm lưới tản nhiệt hình đồng hồ cát như một đặc điểm thương hiệu hay những chiếc Toyota theo phong cách thể thao và trẻ trung hơn như Toyota Avalon, Camry, RAV4 và gần đây nhất là chiếc Toyota Corolla 2014.
Mercedes A-Class trẻ trung, thanh lịch hơn
Nissan và Honda có những đầu tư nhất định vào thiết kế với những mẫu concept thể hiện ý tưởng, nhưng tiếc là chưa kịp tạo được nét chủ đạo trong các sản phẩm thương mại. Các nhãn hiệu hạng sang như Mercedes, BMW, Audi và Volkswagen cũng liên tục thay đổi thiết kế theo chu kỳ. Nếu Mercedes-Benz nỗ lực phát triển dòng xe gia đình với thiết kế thể thao hơn cho các dòng A-Class, CLA-Class và chiếc S-Class mới thì BMW cố gắng tạo nên điểm nhấn bằng kiểu thiết kế đèn pha gắn liền với lưới tản nhiệt đang thịnh hành trên 3-Series, 4-Series và X5 đời mới.
Cuộc đua thiết kế cũng đã có sự tham gia của cả các nhà sản xuất xe hơi Trung Quốc và Ấn Độ. Trước đây, xe của Trung Quốc và Ấn Độ luôn bị chê là thiết kế nghèo nàn và sao chép, nhưng nay nhiều người phải thay đổi suy nghĩ. Một số doanh nghiệp Trung Quốc sau một thời gian tích lũy tư bản nhờ sự bùng nổ của thị trường xe hơi nội địa hiện đang đầu tư mạnh vào thiết kế và nghiên cứu – phát triển. Họ không tiếc tiền thuê các nhà thiết kế quốc tế để thiết kế những mẫu xe hiện đại, có sức thu hút và đạt chuẩn cao hơn. Qoros là một điển hình nhờ sự giúp sức của các “chuyên gia đánh thuê” đến từ Ý, cho dù những mẫu xe đã xuất hiện của họ chưa nhận được những phản hồi tích cực từ phía người tiêu dùng.
Thiết kế phần đầu mới của BMW X5
Việc đầu tư vào thiết kế và gặt hái được thành công nhanh chóng như Hyundai và Kia là một hiện tượng mà không phải nhà sản xuất nào cũng làm được. Thiết kế vẫn là một cuộc chơi xa xỉ và bị chi phối bởi đồng tiền. Bên cạnh một chiến lược rõ ràng, dòng tiền đổ vào thiết kế đóng vai trò quan trọng để duy trì sức sống trường tồn, từ đó định hình được những nét đặc trưng về phong cách mà người ta vẫn gọi với cái tên mỹ miều là “ngôn ngữ thiết kế”.
Quang Hiệp