Nhân ngày giỗ tròn năm người vợ hiền rất mực yêu thương, nhà thơ Nguyễn Duy vừa tái bản tập thơ Vợ ơi sau 25 năm kể từ lần in đầu tiên (NXB Phụ Nữ năm 1995).
Từ hơn hai mươi năm trước, Nguyễn Duy trong những sáng tác thời hậu bao cấp đã để lộ chân dung một nhà thơ xem đề tài gia đình và cảm hứng về vợ về con như một nội dung tự nhiên nhưng đầy chắt lọc chân tình trong tác phẩm của ông.
Vẫn nhớ lần đầu tiên đọc được mấy câu trong bài Bán vàng: “Tâm hồn ta là một khối vàng ròng/ đành đem bán bớt đi từng mảnh nhỏ/ mảnh này vì con, mảnh này vì vợ/ vì bạn bè và cha mẹ em ta…”. Chỉ ngần ấy câu chữ, nhà thơ hiện ra vừa đầy chất kiêu hãnh vừa chân chỉ trách nhiệm với những người thân thiết xung quanh.
Cũng trong bài thơ ấy, Nguyễn Duy không ít lần bày tỏ sự yếu kém trong vị thế người chồng người cha khi trót để tâm hồn “bốc lên” cùng nghệ thuật mà lãng quên hiện thực đang níu chặt lấy người vợ của mình: “Ta rất gần bể rộng với trời cao/ để xa cách những gì thân thuộc nhất/ nồi gạo hết lúc nào ta chả biết/ thăm thẳm nỗi lo, mắt vợ u sầu…”.
Nguyễn Duy gặp vợ từ trong thời chiến tranh ác liệt, tình cảm đằm sâu qua khói lửa, vui buồn theo nhau trải từng chặng gập ghềnh của đất nước. Đọc thơ Nguyễn Duy viết về vợ, hóa ra lại như một lần nữa được nhìn tình hình đời sống dân mình thời hậu chiến qua con mắt tinh tường và thấu cảm của nhà thơ.
Có bài thơ khiến người đọc bật cười khi tác giả đề từ “Kính tặng vợ nhân đầu năm con khỉ”, nhưng chứa đựng trong đó là cả một trời nhân sinh quan đan cài với chan chứa yêu thương chỉ xung quanh một đề tài là Chợ: “Có món ngon nào giá rẻ không em/ gạo trắng rau tươi cá bơi tôm nhảy/ người xưa bảo tiền nào của nấy/ cái lẽ đời giản dị thế thôi ư…”. Mà quả thật, chỉ cần chung nhau trong một mái nhà, san sẻ với vợ những nhọc nhằn cuộc sống, nếu “chắt” được chút gì từ thực tế ấy vào thơ, mới biết lẽ đời quả không hề giản dị. Bởi thế Nguyễn Duy mới có được những vần thơ không chỉ như “sấm mệnh” cho mình mà còn chung cho những nếp nhà của một thế hệ:
“Có đam mê nào giá rẻ không em
lời tâm huyết chiết ra từ máu đỏ
câu thơ thật đổi lấy đồng tiền giả
vã mồ hôi sôi nước mắt thắt lòng…
Mẹ trót ru ta câu sấm mệnh con cò
thôi đừng trách cành tre sao mềm thế
đừng tưởng loanh quanh mọi người sống dễ
có hạnh phúc nào giá rẻ không em?”
Điều thú vị của tập thơ trong lần tái bản này là bạn đọc được dịp chiêm ngưỡng lại các ảnh “lịch Nguyễn Duy” được dùng làm phụ bản. “Lịch thơ Nguyễn Duy” là một sản phẩm độc đáo từng làm nức lòng công chúng từ nhiều năm trước. Nay gặp lại hình ảnh những con ong, bướm, châu chấu cào cào, cọng cỏ nhành hoa… được bắt giữ ở góc máy tinh tế, lãng mạn và đẹp tuyệt, tất cả dường như muốn nói lên những gì bình dị nhất cũng có thể là nét cộng thêm cho cái đẹp ở đời.
Và thơ Nguyễn Duy cũng vậy, ngay khi ông thực thà như một người đang “thú tội trước vợ”, câu chữ tuôn ra vẫn đẹp lạ thường:
“Khi trong túi có mấy đồng ngọ nguậy
ta chạy rông như gì nhỉ – quên đời
lúc xơ xác bờm xơm từng sợi tóc
đói lả mò về
cơm đâu
vợ ơi”.
Ngay cả ý tưởng in hẳn một tập thơ dành tặng vợ cũng là nét độc đáo của Nguyễn Duy, không chỉ sớm công bố từ thời đổi mới mà nói như biên tập viên của NXB Phụ Nữ khi đọc duyệt tác phẩm này: “Có lẽ trong giới văn chương Việt từ xưa đến nay cũng mới chỉ duy nhất có ông in hẳn một tập thơ dành tặng vợ”.
- Xem thêm: Nguyễn Duy: Bấm đốt ngón tay
Mới đó mà bà Bùi Thị Hào – nhân vật chính của tập thơ – đã chia tay chồng, xa đám đông bù khú của đức lang quân đặc biệt tròn một năm. Lật tập thơ mới in, lại thấy mắt cay cay khi bắt gặp ngay trang đầu là chân dung người vợ với mấy dòng thủ bút của Nguyễn Duy in đè lên góc ảnh: “Trả cho mơ chút thiên đường/ trả cho nhau chút xót thương luân hồi/ xin đừng buồn nữa em ơi/ trả cho sao một chút trời xa xăm”. Những câu thơ như tiên liệu, như sẽ còn ngân mãi trong từng tiếng Vợ ơi…