Nếu quan tâm tới vấn đề tôn giáo ở châu Á, chắc chắn bạn biết giữa Pakistan và Ấn Độ có xung khắc tín ngưỡng sâu sắc, gay gắt đến nỗi thường xuyên xảy ra bạo lực.
Nhưng ở Hinglaj, thị trấn nằm tại miền Tây Pakistan, khi mùa xuân tới lại nườm nượp tín đồ hành hương từ Ấn Độ. Họ đông đến hơn 40.000 người, lũ lượt trèo lên đỉnh miệng núi lửa bùn, ném dừa xuống và khẩn cầu Sati, một nữ thần của Ấn Độ giáo, ban phước lành.
Suốt nhiều thế kỷ, tuyến đường thương mại cổ băng từ Đông sang Tây, vắt qua Balochistan, một tỉnh thuộc miền Tây Pakistan đã đón nhận vô số bước chân người hành hương Ấn Độ kiên trì bậc nhất. Họ cặm cụi đi bộ hàng trăm km, hướng tới mảnh đất Hinglaj thiêng liêng nhất.
Xuân vừa sang cũng là lúc hơn 40.000 tín đồ không quản ngại đường xa, băng sa mạc nắng như thiêu như đốt để đến đây, gắng sức trèo bằng được lên đỉnh ngọn núi lửa bùn trơn trượt để bắt đầu nghi lễ lớn nhất của người Ấn giáo (còn gọi là Hindu giáo), Hinglaj Yatra, bày tỏ sự thành kính và lòng biết ơn đối với Sati, nữ thần hôn nhân, hạnh phúc và tuổi thọ theo tín ngưỡng Hindu truyền thống.
Huyền thoại một chuyện tình bi tráng
Ngày xửa ngày xưa, Sati, nữ thần hôn nhân, hạnh phúc và tuổi thọ của người Hindu đem lòng yêu thương và muốn kết hôn với Shiva, nam thần hủy diệt. Bất chấp sự ngăn cản của phụ thân, Sati vẫn cưới Shiva. Giận nhi nữ không biết vâng lời, cha của Sati không buồn mời tân hiền tế tới dự một buổi lễ quan trọng.
Cảm thấy bị xúc phạm quá đáng, Sati bèn lao vào giàn hỏa giáo trong buổi lễ, tự kết liễu đời mình. Quá đau đớn trước cái chết của ái thê, Shiva cứ mãi ôm chặt lấy xác nàng. Khi nỗi uất hận mỗi lúc một dâng tràn, thần đòi hủy diệt cả thế giới.
- Xem thêm: Một Ấn Độ dịu dàng ở Amritsar
Sợ Shiva nói sao làm vậy, các vị thần liền chia cắt cơ thể của Sati thành 51 mảnh, rải xuống khắp trái đất. Có điều khái niệm “khắp trái đất” của người Ấn giáo thuở ấy chỉ nội trong 5 quốc gia ngày nay là Ấn Độ, Pakistan, Nepal, Sri Lanka và Bangladesh.
Ở mỗi nơi có mảnh thi thể của Sati rơi xuống, người ta dựng lên một đền thờ. Cả cư dân địa phương lẫn khách hành hương đều chăm chỉ tới viếng, cầu xin nữ thần ban phước. Riêng Hinglaj, Pakistan là nơi thờ phượng xa xôi hơn cả. Để tới được nơi này, người hành hương Ấn Độ phải vượt con đường dài trên 260km, băng qua sa mạc nắng gắt và bán dọc theo bờ biển Ả Rập.
Ngồi xe là không đủ thành tâm
Theo niềm tin của họ thì hành hương phải là đi bộ mới “đúng chuẩn” bởi chính sự mệt nhọc trên đường dài mới là cách triệt để nhất để thanh tẩy mọi tạp niệm. Và lúc băng qua sa mạc nóng bức cũng là khi tội lỗi của họ bị đốt cháy. Chỉ lúc này, con người mới trở nên thanh khiết, đủ tư cách để đứng trước mặt nữ thần.
Chỉ có điều hơn 260 km không phải là quãng đường ngắn. Nhiều tín đồ hành hương đã gục gã trên đường vì kiệt sức. Để phần nào giúp đỡ họ, vào năm 2004, Pakistan đã hoàn thành đại lộ ven biển Makran. Mọi người có thể tự lái xe, thuê phương tiện công cộng thay vì lội bộ. Tuy nhiên, các tín đồ vẫn thích đi bộ hơn. Trừ khi không có thời gian, họ mới miễn cưỡng sử dụng phương tiện giao thông.
Dù phải mất vài tuần, thậm chí là vài tháng đối với những người ở xa hơn, họ cũng không quản ngại. Từ thời kỳ thuộc địa, người Ấn Độ giáo đã tỏ ra không mấy thích những khách du lịch thong dong trên tàu hay cưỡi lạc đà để đến các điểm hành hương của họ rồi. Mặc dù không kỳ thị người ngoại đạo, song họ cho rằng sự thành tâm phải được biểu hiện qua hành động thực tế.
Leo lên miệng núi lửa bùn ném dừa
Mặc dù là địa điểm hành hương nổi tiếng bậc nhất, song thị trấn Hinglaj của Pakistan không phải là danh lam thắng cảnh gì. Trái lại, nó khá bình dị, còn có phần tẻ nhạt nữa. Nếu không phải mùa hành hương, nơi này chẳng khác nào vùng đất hoang vu dẫu vẫn có bóng người.
Kể từ khi bước chân vào Hinglaj, mọi tín đồ hành hương đều bắt đầu thực hiện các nghi lễ truyền thống. Ban đầu, họ cố gắng leo lên hai ngọn núi lửa bùn là Chandragup và Khandewari (Chandragup là quan trọng nhất). Núi lửa bùn (mud volcano) là một dạng núi lửa phun bùn nhão nóng và khí. Nó là một kiểu hoạt động địa chất hiếm, đếm cả thế giới mới phát hiện được 700 ngọn. Khoảng 86% chất khí được phun ra từ núi lửa bùn là methane, carbon và nitơ.
Về thực chất thì việc leo lên núi lửa bùn không hề dễ chút nào. Bùn bị phun ra khỏi miệng núi sẽ tràn ra xung quanh, khiến cho nó vô cùng trơn trượt, và núi lửa bùn dù sao cũng là núi nên nó rất dốc, dễ gây trượt ngã. Nhiều tín đồ phải leo đến cạn kiệt hết sức lực mà vẫn chưa lên được đỉnh núi. Chưa kể, bùn núi lửa còn khá nóng.
Không ít người đuối đến ngất xỉu, song vừa hồi phục được chút ít là họ lại cật lực leo tiếp. Khi đã leo lên đến miệng núi lửa bùn rồi, người ta ném dừa xuống miệng hố bùn để dâng tặng nữ thần Sati, khẩn cầu nữ thần ban phúc cho mình, sau đó bày tỏ sự cảm cảm tạ rồi mới xuống núi. Ngoài ra, họ cũng rải hoa hồng và lấy bùn trét lên mặt mũi nữa.
- Xem thêm: 10 lễ hội kỳ lạ ở Ấn Độ
Vùng đất khiết tịnh và thanh bình nhất
Rời núi lửa bùn, các tín đồ hành hương hướng tới sông Hingol. Họ tắm rửa tại đây theo nghi thức, cuối cùng đi đến đền thờ nữ thần Sati nằm trong hang động tự nhiên của một hẻm núi hẹp ở cuối dãy đồi Kheerthar, Hinglaj. Trong đền có một bàn thờ bùn thấp và hai hòn đá được phết màu đỏ, tượng trưng cho mặt trăng và mặt trời.
Ngoài đền thờ chính này, Hinglaj còn khá nhiều điểm thờ cúng khác, ví dụ như Ganesh Deva, Mata Kali, Gurugorakh Nath Dooni, Braham Kudh, Tir Kundh… Nếu quan tâm tới vấn đề tôn giáo ở khu vực châu Á, bạn chắc chắn biết giữa Pakistan và Ấn Độ tồn tại sự xung đột sâu sắc. Bắt đầu kể từ năm 1947, khi đất nước này phân tách ra khỏi Ấn Độ, tuyên bố Hồi giáo phái Sunni mới là bản sắc dân tộc của mình; họ đã không ngừng thể hiện thái độ đối nghịch và thù địch với Ấn Độ giáo.
Gay gắt đến nỗi dẫn đến thảm sát, bạo lực cực đoan, đốt phá, bắt cóc trong suốt nhiều thập kỷ ở cả hai phía. Nhưng riêng tại Hinglaj thì ngoại lệ. Ở đây, cả người Ấn giáo lẫn Hồi giáo đều hòa hợp. Họ cùng nhau đến các địa điểm thờ thần, cùng nhau thực hiện nghi lễ, cùng nhau khẩn nguyện. Dù cũng thuộc về Pakistan song Hinglaj cứ như một vùng đất hoàn toàn khác vậy. Chính vì sự hòa bình khó thấy ấy mà nó mới ngày càng hấp dẫn, bất chấp sự thật là chẳng có danh lam thắng cảnh nổi bật nào.