Trần lãi suất đối với tiền gửi có kỳ hạn 1-6 tháng đã giảm từ 7,5% xuống còn 7%, mức lãi suất cùng kỳ hạn tương ứng gửi tại quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô được giảm từ 8% xuống 7,5%/năm. Trần lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ sáu tháng trở lên được dỡ bỏ để các ngân hàng chủ động hơn trong việc cân đối nguồn tiền huy động của mình dựa trên cơ sở cung – cầu tiền trên thị trường. Đây đã là lần điều chỉnh lãi suất huy động thứ bảy kể từ tháng 3-2012, khiến trần lãi suất giảm từ 14%/năm xuống còn 7%/năm như hiện nay. Lần hạ trần lãi suất kỳ này có lẽ không tác động nhiều đến việc huy động vốn của các ngân hàng, bởi từ mấy tháng qua nhiều ngân hàng thương mại đã hạ mức lãi suất huy động các kỳ hạn ngắn xuống dưới 7% (kỳ hạn 1-3 tháng). Có chăng chỉ là một sự chuyển dịch tiền của người gửi từ các kỳ hạn ngắn sang các kỳ hạn từ sáu tháng trở lên nhằm hưởng lãi suất cao hơn.
Việc các nhà điều hành quyết định điều chỉnh lãi suất tiền gửi bằng USD của tổ chức từ 0,5%/năm xuống còn 0,25%/năm và cá nhân từ 2% xuống còn 1,25%/năm được cho là nhằm khuyến khích người dân không chuyển tiết kiệm từ tiền đồng sang USD. Giữ được mức chênh lệch lãi suất giữa hai đồng tiền ở mức 6 – 7%/năm như hiện nay sẽ giúp củng cố niềm tin của người dân vào tiền đồng. Theo các nhà kinh tế, những quyết định này được đưa ra sau khi thống kê cho thấy tăng trưởng GDP quý II của cả nước chỉ đạt 4,9% và thâm hụt thương mại lên đến 1,4 tỉ USD trong nửa đầu năm nay, so với mức thặng dư 155 triệu USD cùng kỳ năm trước. Cộng với lạm phát giảm, việc hạ trần lãi suất huy động sẽ kéo mặt bằng lãi suất cho vay xuống, giúp các ngân hàng đẩy mạnh được tăng trưởng tín dụng.
Có thể nói, công cụ chính sách tiền tệ đã được các nhà điều hành sử dụng tối đa, giờ là lúc mà các chính sách tài khóa phải lên tiếng. Để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 5,5% trong năm nay, nền kinh tế sáu tháng cuối năm phải đạt mức tăng trưởng khoảng 6%. Với tình hình kinh tế thế giới và trong nước còn nhiều khó khăn và có diễn biến phức tạp như hiện nay, việc đẩy mạnh tổng cầu để thực hiện mục tiêu trên là rất khó, cần có những gói hỗ trợ lớn – điều không dễ thực hiện với nguồn lực quốc gia hiện có. Đặc biệt, khi ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô thì kiềm chế lạm phát vẫn là một chỉ tiêu không thể xem nhẹ, trong khi lạm phát cơ bản (không tính đến lương thực và năng lượng) của nước ta trong sáu tháng đầu năm nay vẫn cao. Với một đất nước luôn đối mặt với lạm phát dai dẳng trong nhiều năm, việc điều hành lạm phát phải rất thận trọng, sự ổn định tạm thời của lạm phát có thể bị phá vỡ và khi ấy sẽ rất khó kiểm soát. Tập trung kiềm chế lạm phát ngay cả khi ở mức thấp như hiện nay là điều nên làm, song song đó là nỗ lực cải thiện mô hình tăng trưởng và tái cơ cấu nền kinh tế. Có một điều đáng mừng là số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới đã tăng lên trong hai tháng gần đây. Nếu như bốn tháng đầu năm, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới giảm 1,2%, thì năm tháng đã tăng 4,8% và sáu tháng tăng đến 7,6%. Số doanh nghiệp tạm dừng kinh doanh hoạt động trở lại cũng tăng dần, trong khi số doanh nghiệp giải thể có dấu hiệu giảm xuống. Các doanh nghiệp đều tập trung cho việc xử lý nhanh hàng tồn kho, nhằm quay nhanh vòng vốn, chuẩn bị cho sự phục hồi trong thời gian tới…
Minh Hằng