Các nhà đầu tư cá nhân thuộc hàng triệu phú trên toàn thế giới tỏ ra thận trọng khi hướng đến năm 2020 trong bối cảnh tình hình địa chính trị ngày càng biến động.
Theo một khảo sát mới nhất của tổ chức tài chính hàng đầu Thụy Sĩ UBS, các nhà đầu tư cá nhân thuộc hàng triệu phú trên toàn thế giới tỏ ra thận trọng khi hướng đến năm 2020 trong bối cảnh tình hình địa chính trị ngày càng biến động, nhưng họ vẫn lạc quan về triển vọng kinh tế và thị trường trong thập niên tới.
Cuộc khảo sát của UBS đã thăm dò ý kiến của hơn 3.400 nhà đầu tư giàu có trên toàn cầu với giá trị tài sản ròng tối thiểu là 1 triệu USD trong khoảng từ tháng 8 đến 10-2019.
Theo đó, 79% những người được hỏi cho rằng thị trường đang tiến tới thời kỳ biến động cao hơn, và 66% cho rằng thị trường hiện đang bị chi phối bởi các sự kiện địa chính trị hơn là các yếu tố cơ bản trong kinh doanh như lợi nhuận, doanh thu và tiềm năng tăng trưởng.
Cuộc khảo sát cho thấy ba yếu tố địa chính trị lớn nhất mà các nhà đầu tư đang theo dõi sát sao là căng thẳng thương mại Mỹ – Trung, tình hình chính trị trong nước và cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020.
Trên quy mô toàn cầu, 44% các nhà đầu tư vẫn lo lắng rằng những căng thẳng thương mại sẽ ảnh hưởng đến hiệu suất cho danh mục đầu tư của họ trong năm tới.
Tuy nhiên, các nhà đầu tư Trung Quốc dường như tỏ ra ít lo lắng về xung đột thương mại khi chỉ có 30% bày tỏ quan ngại về vấn đề này. Ngược lại, 45% những nhà đầu tư tại Mỹ chia sẻ sự lo lắng trên.
Tính theo khu vực, các nhà đầu tư ở Mỹ Latinh thận trọng về giai đoạn trước mắt hơn so với bất kỳ khu vực nào khác. Trong số đó, 81% thấy thị trường đang sắp chịu những biến động lớn hơn và 64% lo ngại về xung đột thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.
Các nhà đầu tư châu Á lại tỏ ra bớt lo ngại về những biến động thị trường ngắn hạn hơn so với các khu vực địa lý khác được khảo sát, với 76% tin rằng các thị trường sẽ còn chịu nhiều “trồi sụt” hơn trong tương lai và 40% lo lắng về các cuộc chiến thương mại.
Khi các thách thức tăng cao, các nhà đầu tư giàu có đang tìm kiếm những chiến lược khác nhau để bảo vệ danh mục đầu tư của họ, với hơn 60% những người tham gia khảo sát cho biết đang cân nhắc chọn thêm các cổ phiếu chất lượng cao, đa dạng hóa các loại tài sản và tăng tiền mặt trong danh mục đầu tư của họ.
- Xem thêm: OECD hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu
Mặc dù những mối lo ngại trong ngắn hạn gia tăng, phần lớn số người được hỏi bày tỏ sự lạc quan trong thập niên tới. 69% trong số họ cảm thấy lạc quan về lợi nhuận đầu tư trong giai đoạn những năm 2020 và 88% cho thấy sự quan tâm trong việc sắp xếp danh mục đầu tư phù hợp với một số đại xu hướng (mega trend) dự kiến diễn ra vào giai đoạn này.
Dân số già hóa là xu hướng được đề cập nhiều nhất với 87% ý kiến. Bên cạnh đó, những xu hướng bao gồm công nghệ tiên tiến như tự động hóa và Trí tuệ nhân tạo (AI), cùng tình trạng suy giảm tài nguyên thiên nhiên cũng được nhắc tới khá nhiều.
Trong số những người được hỏi, 82% bày tỏ sự quan tâm lớn đến đầu tư bền vững, vốn được thúc đẩy bởi một loạt các vấn đề mà họ cho rằng thế giới cần ưu tiên giải quyết trong thập niên tới. Chúng bao gồm nguồn cung nước sạch và vệ sinh, khả năng tiếp cận chăm sóc sức khỏe của người dân, tình trạng ô nhiễm và hủy hoại môi trường.