“Miếng trầu là đầu câu chuyện”, bên cạnh chức năng giao tiếp xã hội, trầu cau là lễ vật đặc biệt có mặt trong việc cúng tế và không thể thiếu trong hôn lễ như là biểu tượng tình nghĩa vợ chồng đã tồn tại trong tâm thức của mỗi con người Việt Nam và được mặc định từ Sự tích trầu cau ra đời từ thời Hùng Vương.
Rất ít các bằng chứng thư tịch giải đáp về nguồn gốc của tập tục ăn trầu. Trong thực tế, tục ăn trầu đã tồn tại ở nhiều quốc gia châu Á và cũng như theo chân các cư dân châu Á di cư đến một số nước khác trên thế giới.
Tuy việc ăn trầu giờ đây được cho là không tốt cho sức khỏe có thể gây nghiện nhưng đây là một tập quán lâu đời và đã đi cùng quá trình phát triển lịch sử – văn hóa của một dân tộc. Để hiểu rõ tập tục này ở xứ ta, cần thiết chúng ta phải đối chiếu tục ăn trầu ở một số nước châu Á.
1. Ở Ấn Độ, sự kết hợp giữa lá trầu với trái cau và đôi khi thuốc lá được gọi là paan (Phạn parna có nghĩa là “lá”). Tất cả được nhai trộn lẫn nhau, có tác dụng kích thích và tác động đến thần kinh.
Sau khi nhai nát, bã của chúng sẽ được nhổ ra hoặc nuốt. Paan có nhiều biến thể. Ngoài ra, hỗn hợp vôi tôi nhão (chunnam) thường được phết vào lá trầu.
Một số chế phẩm này ở vùng Nam Á bao gồm hỗn hợp bột nhão katha hoặc mukhwas: hỗn hợp được làm từ hạt và hột khác nhau, nhưng thường là hạt thì là, hồi, dừa, và vừng; đôi khi thêm vào các loại tinh dầu như bạc hà để cho hơi thở thơm mát.
Truyền thuyết trầu cau của Ấn Độ cũng có phần tương tự với sự tích trầu cau của Việt Nam. Chuyện kể rằng: Ngày xưa, có hai anh em Bhanu và Veer.
Cha mẹ họ đã mất sớm khi họ còn nhỏ. Vì thế Bhanu một mình chăm sóc em trai. Khi Bhanu trưởng thành, anh kết hôn với Bharati.
Veer khi bước sang tuổi 20, biết nhà vua đang tuyển quân đi lính, anh quyết định đầu quân mặc cho người anh trai và chị dâu hết sức ngăn cản.
Khi nhà vua cùng các binh lính thắng trận trở về. Cả người anh trai và chị dâu đều trong ngóng người em trở về. Khi quân lính đi ngang qua nhà, Bhanu hỏi thăm tin tức về Veer.
Một người nói rằng người em đã chết trên chiến trường, người khác nói Veer đã hồi phục nhưng anh ta không muốn trở về nhà và người khác nữa lại nói rằng người em đã bị bệnh trên đường trở về nhà.
Nghe những tin tức không hay này, Bhanu và người vợ đã quyết định đi tìm người em trai. Họ vượt qua những khu rừng, thung lũng và những dốc núi dựng đứng nơi này đến nơi khác để tìm kiếm.
Một lần khi họ băng qua một khu rừng sâu, đến gần ngôi làng nhỏ, họ đã kiệt sức. Trong khi Bhanu nằm nghỉ thì Bharati đã mất đi vì sự kiệt sức. Thấy vợ chết, Bhanu cũng ngất lịm đi và chết ngay tại chỗ. Nơi cả hai nằm xuống mọc lên hai loại cây, một loại cây cao và một dây leo ôm lấy cây biểu thị việc Bhanu và Bharati đã bên cạnh nhau ngay cả họ qua đời.
Nhưng người em vẫn còn sống, anh bị thương nặng và phải mất nhiều năm để hồi phục ở một ngôi làng nhỏ. Nhiều năm sau trở về, thấy nhà cửa khóa trái và mọi thứ trống trơn. Anh đã hỏi những người hàng xóm, và biết được rằng họ đã đi tìm chàng mà lâu rồi không thấy quay về. Nghe vậy, người em cũng quyết định đi tìm.
Ngày nọ, anh cũng tìm đến được nơi mà Bhanu và Bharati nằm xuống. Nhìn thấy một ngôi đền được dựng lên ở đó, anh đã hỏi những người bản xứ và biết được một cặp vợ chồng đã cùng nhau mất đi trong khi kiếm tìm người em trai. Veer hiểu ra họ là ai, đau đớn vô cùng, anh biến thành một ngọn đá vôi.
Cái cây cao lớn cho các quả đó được gọi là cau, lá của cây dây leo là lá paan hay lá trầu, và từ tảng đá vôi đó thì bột vôi được thêm vào để nhai paan.
Câu chuyện đã cho mọi người thấy những giá trị về tình yêu, sự gắn kết yêu thương, thủy chung. Rồi khi mọi người nhai paan, họ nhớ lại câu chuyện đầy xúc động này và từ đó mà tập tục nhai paan cũng trở nên thịnh hành.
Trong sách dạy nấu ăn thế kỷ 16, Nimmatnama-i Nasiruddin-Shahi, đã đề cập việc Ghiyas-ud-din Khalji, nhà vua của Mandu (năm 1469-1500), đã chọn những lá trầu tốt nhất đem trải ra, rắc nước hoa hồng lên chúng, và thêm vào nghệ tây để thưởng thức. Nhai miếng trầu được têm hoặc paan một cách tinh tế sẽ cảm nhận đầy đủ các hương vị của hoa hồng lẫn miếng cau.
Một truyền thống ở Nam Ấn Độ và các vùng lân cận là họ thường mang đến hai loại trầu, cau (miếng hoặc trọn quả) và dừa cho du khách (cả nam và nữ) vào bất kỳ dịp hỷ sự nào.
Ngay cả trong một ngày bình thường, trầu, cau và dừa hoặc một số loại trái cây cùng với vòng hoa là truyền thống tiếp khách đến thăm nhà là người phụ nữ đã lập gia đình. Nghi thức này được gọi là phép tambolam.
Lá trầu sử dụng để làm paan được trồng ở nhiều địa phương xứ Ấn Độ, bao gồm Tây Bengal, Bihar, Assam, Andhra Pradesh, Uttar Pradesh.
Ở Tây Bengal có hai loại trầu là Bangala Patta (lá bản địa) và Mitha Patta (lá ngọt). Ở Tây Bengal, Bangla patta được sản xuất chủ yếu ở các quận Dinajpur, Malda, Jalpaiguri và Nadia;còn Mitha patta được sản xuất ở Midnapur và phía nam 24 Parganas.
Ở Bắc Ấn, người làm paan có tay nghề được tôn là một paanwala. Ở các vùng khác, paanwalas cũng được gọi là panwaris hoặc panwadis. Ở Bắc Ấn Độ, có truyền thống nhai paan sau lễ hội Deepawali Puja để được ban phước lành.
Việc khạc nhổ paan bừa bãi, mất vệ sinh nơi công cộng ở Ấn Độ bị chỉ trích và lên án nhưng không thành công đáng kể; song ngày nay, do nhu cầu tiêu thụ giảm sút vì người tiêu dùng thích nhai thuốc lá như gutka hơn paan, nên nó đang mất đi thị phần trong sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó, chi phí cao, sự khan hiếm nước và thời tiết không thể dự đoán đã khiến các vườn trầu cho sản lượng thấp.
2. Ở Indonesia và Malaysia, truyền thống bersirih, nyirih hoặc menginang tức tập quán nhai trầu cau rất phổ biến trong các dân tộc Indonesia, đặc biệt là người dân Java, Bali và Mã Lai.
Tập tục này được xác định có niên đại từ hơn 3.000 năm. Những ghi chép của các du khách từ Trung Quốc cho thấy trầu và cau đã được tiêu thụ từ thế kỷ thứ 2 trước Công nguyên.
Ở quần đảo Mã Lai, menginang đã trở thành một hành vi tôn kính trong truyền thống địa phương; là một nghi thức được thực hiện để thể hiện sự kính trọng đối với những vị khách.
Một bộ đầy đủ và phức tạp các dụng cụ sirih pinang được gọi là Tepak Sirih, pekinangan hoặc cerana.
Bộ dụng cụ này thường được làm bằng gỗ sơn mài, đồng thau hoặc bạc; và nó bao gồm combol (hộp đựng), bekas sirih (đồ đựng lá), kacip (dao bấm để cắt quả cau), gobek (chày nhỏ và cối giã), và ketur (ống nhổ).
Sirih Pinang đã trở thành một biểu tượng của văn hóa Malay. Truyền thống truyền miệng Malay có câu tục ngữ như “Miếng trầu mở cửa ngôi nhà” hoặc “Miếng trầu mở cửa trái tim”.
Menginang được sử dụng trong nhiều lễ nghi chính thức như hôn nhân, sinh đẻ, tang ma, và chữa bệnh.
Một số điệu múa truyền thống Mã Lai – chẳng hạn như vũ điệu Tanggai miền Nam Sumatra – thể hiện việc các vũ công mang các dụng cụ như cerana hoặc tepak sirih, nghi lễ thể hiện việc dâng miếng trầu cho vị khách mời đáng kính.
3. Ở Philippines, paan là một phần của nền văn hóa bản địa. Đây là tập tục chủ yếu giống hệt như tepak sirih ở Malay; nó cũng được gọi là ngangà ở Tagalog và mama hoặc maman ở Ilokano.
Ngangà nghĩa đen có nghĩa là “nhai”. Ngày nay, nó phổ biến rộng khắp cộng đồng cư dân của Cordilleras, trong vùng Lumads của Mindanao, và ở các cư dân vùng đất thấp.
4. Kwun-ya là từ chỉ cho paan ở Miến Điện, phổ biến nhất dạng thức nhai lá trầu nho (trầu tiêu), hạt cau (Areca catechu/cau), vôi tôi (calcium hydroxide) và một số hương liệu, mặc dù nhiều người cũng sử dụng thuốc lá.
Nhai trầu có truyền thống từ rất lâu ở Miến Điện, tập quán này đã có trước khi bắt đầu sự có ghi chép về lịch sử.
Cho đến năm 1960, cả nam và nữ đều yêu thích việc ăn trầu và mỗi hộ gia đình đều có những hộp trầu sơn mài đặc biệt, được gọi là kun-it, nó được dùng để mời bất kỳ du khách nào cùng xì gà xén tày hai đầu để hút và trà xanh để uống.
Chiếc hộp này có nhiều tầng, lá trầu này được giữ dưới đáy hộp, và một khay đặt bên trên chứa những chiếc hộp nhỏ đựng các vật liệu khác.
Ở những gia đình giàu có thường dùng những chiếc hộp bằng bạc đựng các thành phần như trầu cau, vôi tôi, chất nhựa tamin chiết xuất từ cây đước, hạt hồi và một dao cắt cau.
Dạng ngọt (acho) phổ biến đối với người trẻ, nhưng những người đã trưởng thành thích ăn trầu với bạch đầu khấu, đinh hương và thuốc lá.
Những quầy và quán ở các thị trấn và thành phố chủ yếu bán cho người gốc Ấn. Người hút thuốc lá cũng thú vị với thói quen dùng trầu cau để cai thuốc lá.
Ngoài ra, việc khạc nhổ bã trầu cau tạo ra màu đỏ bẩn thỉu vấy trên sàn nhà và các bức tường do đó người ta đặt các ống nhổ cùng những bảng hiệu chỉ dẫn “Không khạc/nhổ paan” phổ biến khắp nơi. Trên đất nước này, nhiều người thường hay cười toe toét khoe hàm răng biến màu do thói quen nhai trầu.
Taungoo ở hạ Miến Điện là vùng mà cây cau phát triển tốt nhất và được trồng phổ biến. Các nơi khác cũng góp phần tạo nên các yếu tố hợp thành paan tốt nhất theo như câu nói: “Tada-U cho lá, Ngamyagyi cho thuốc lá, Taungoo cho các loại cau, Sagaing cho vôi tôi, Pyay cho chất nhựa tanin chiết xuất từ cây đước”.
- Xem thêm: Tập tục ở rể của người miền Tây Nam bộ
Kun, hsay, lahpet (paan, thuốc lá và trà ngâm) được coi là các mặt hàng thiết yếu để dâng lên các nhà sư và các bậc trưởng lão đặc biệt là vào thời xa xưa.
Những thiếu nữ truyền thống thường mang các hộp trầu đặt trên một cái giá gọi là kundaung và hoa mạ vàng (pandaung) trong lễ rước shinbyu (giai đoạn mới bắt đầu tu tập).
Lịch sử Miến Điện cũng đề cập đến một tập tục cổ xưa dành cho kẻ thù trước khi bị hành quyết với yêu cầu bắt buộc ban cho “một miếng paan và nước uống”.
Một cuộc khảo sát nhỏ của chính phủ đã chỉ ra rằng 40% nam giới và 20% phụ nữ ở Miến Điện nhai trầu. Kể từ những năm 1990, chính phủ nước này đã ban hành những quyết định nhằm không khuyến khích việc nhai trầu.
5. Ở Pakistan, việc dùng paan từ lâu đã là một truyền thống văn hoá rất phổ biến, đặc biệt là các hộ gia đình ở Memon và Muhajir, họ tiêu thụ nhiều paan nhất tính theo ngày.
Nói chung, paan là một món được yêu thích trong nhiều dịp đặc biệt, và hầu như chỉ mua từ những người bán hàng rong ven đường thay cho sự chuẩn bị tại nhà.
Pakistan trồng trọt một lượng lớn trầu, đặc biệt ở các vùng ven biển của Sindh, bên cạnh việc nhập khẩu với số lượng lớn từ Ấn Độ, Bangladesh, Sri Lanka và gần đây là Thái Lan.
Hoạt động kinh doanh paan được quản lý và điều hành bởi các thương nhân Memon, những người đã di cư từ miền tây Ấn Độ đến Pakistan sau khi giành được độc lập vào năm 1947.
Văn hóa nhai paan cũng lan rộng ở Punjab, nơi có thể tìm thấy những cửa hiệu bán paan ở hầu hết các đường phố và chợ.
Trên đường phố Anarkali Bazar nổi tiếng ở Lahore được gọi là paan gali là thiên đường dành riêng cho paan và các thứ ăn cùng lá trầu cũng như những sản phẩm khác của Pakistan.
6. Tục ăn trầu cau là một thành tố của nền văn hóaá Campuchia, Lào và Thái Lan. Cho nên, trầu và cau cũng được trồng phổ biến ở những vùng nông thôn của các quốc gia này. Đó là loại cây trồng truyền thống và các dụng cụ sử dụng để “chế biến” chúng thường được quý trọng.
Giờ đây, nhiều người trẻ tuổi đã từ bỏ thói quen này, đặc biệt là ở khu vực thành thị, nhưng đối với nhiều người, đặc biệt là người lớn tuổi, họ vẫn lưu giữ tập tục truyền thống này.
Ở Thái Lan, trầu cau mọc hoang khắp chốn và được gọi là Maak. Theo truyền thống của Thái Lan, ba thành phần chính là lá trầu, hạt cau và bột vôi đỏ nhão.
Trước khi ăn trầu, hạt cau được luộc, cắt lát và phơi khô. Phổ biến cau được chẻ làm bốn rồi đem phơi khô, khiến miếng cau trở nên rất cứng.
Sau khi cau khô, chúng thường được xâu bằng dây (thường dài khoảng 50cm) và treo quanh nhà để cần thì đem ra sử dụng; bởi cau khô thì trữ được lâu hơn. Ngoài ra, các thành phần khác có thể được thêm vào là Plai (zingiber cassamunar/gừng tía, gừng dại) hay thuốc lá.
Trước khi nhai trầu hầu hết người Thái sẽ trộn lẫn tất cả các thành phần lại với nhau. Điều thú vị là, nhiều người lớn tuổi (răng rụng hoặc răng yếu) sẽ trộn và nghiền giã tất cả các nguyên liệu để sử dụng,
Chian Maak là bộ dụng cụ để ăn trầu cau. Chian Maak có hình dáng, kích cỡ và chất liệu khác nhau. Các chất liệu như đồng thau, bạc, vàng và gỗ chạm được sử dụng phổ biến trong các gia đình giàu có, trong khi người nông dân và công nhân thông thường sử dụng các giỏ đựng làm từ vật liệu rẻ hơn như mây tre.
Bộ dụng cụ ăn trầu gồm: 1/Cối và chày dùng để giã và trộn các thành phần lại với nhau, chủ yếu ở người cao tuổi, vì răng yếu; 2/Dao cắt cau; 3/Đồ cất giữ nguyên liệu (lá trầu, miếng trầu, hỗn hợp bột vôi nhão …); 4/Ống nhổ bã trầu.
Trong tiếng Thái, cau được gọi bằng các tên khác nhau như: Maak hoặc Maak Ploo. Maak từ tiếng Thái, có nghĩa là trái cây. Mười quả cau được xâu thành chuỗi gọi là Maak Mai hoặc Maak Sieb. Chuỗi quả cau gắn với nhau là Maak Hua hoặc Maak Pun. Mười Maak Hua buộc với nhau được gọi là Maak Muen hoặc Maak Loon.
Maak cũng đóng vai trò quan trọng trong truyền thống văn hóa và lễ nghi của Thái Lan như:
1/Lễ mừng thọ: Người Thái Lan xác tín rằng Maak có thể mang đến sự trường thọ; người ta lấy một cây trầu nhỏ và đọc chú nguyện cho nó trước khi trồng tại một ngôi đền hoặc khu vực công cộng.
2/Kan Tung/ Kan Kru: Kan Tung là một chiếc mâm/khay trang trí bằng Maak và các vật phẩm dâng cúng khác dùng trong nghi lễ tạ ơn để người học trò thể hiện sự kính trọng và lòng biết ơn đến người thầy trong quá khứ và hiện tại.
3/Các lễ nghi Phật giáo: Maak được sử dụng như lễ vật cho những ngôi nhà thần linh, và được sử dụng trong suốt lễ thụ chức/tôn phong của các tăng sĩ Phật giáo. Chỉ những lá trầu đực (hiểu là trầu lươn) mới được sử dụng trong lễ Phật.
4/Kan Maak (Hôn lễ): Theo truyền thống, thông qua một lễ nghi “Kan Maak”, một cặp trai gái đã đính hôn, được tổ chức trong lễ cưới. Kan Maak là một khay trang trí ở đó Maak là vật phẩm chính.
Kể từ thời Sukhothai (1238-1583) và trong suốt thời Lanna (1292), ăn Maak đã được sử dụng như một hình thức tán tỉnh giữa những chàng trai trẻ tuổi và các cô gái. Những vết màu nâu đỏ trên răng của những người nhai Maak được coi là đẹp.
Ngoài ra, tàu cau cũng được những đám trẻ lấy để chơi đùa. Một trò chơi phổ biến được gọi là chuk lark, có nghĩa là kéo và giựt. Đây là một trò chơi mà một người kéo ở một đầu, trong khi một người khác ngồi trên tán rộng của mo cau.
- Xem thêm: Thuận nay mà không mất xưa
Mo cau Maak rất chắc còn sử dụng để làm quạt cầm tay. Hay cây Maak còn dùng bọc thực phẩm như gói cơm. Mo cau có khả năng giữ ẩm và ấm cho thực phẩm.
Ngoài ra, lớp vỏ lụa mềm của nó cũng được sử dụng để cuộn thuốc lá. Cuối cùng, là làm dược liệu, Maak được sử dụng để chữa ho, đau họng hoặc phát ban.
Plaek Phibunsongkhram, cựu thủ tướng của Thái Lan đã phát động một chiến dịch vào năm 1940 để khuyến khích người dân từ bỏ thói quen nhai trầu.
Ông cũng ra lệnh chặt toàn bộ cây Maak trên toàn quốc. Nhai Maak cũng bị cấm trong các văn phòng chính phủ.
Điều này đã bắt đầu xu hướng: những người nhai Maak trong các văn phòng chính phủ đã bị từ chối đáp ứng các dịch vụ từ chính phủ.
Điều này nhằm thúc đẩy xã hội phát triển hiện đại và thành phố sạch sẽ vì việc nhổ nước cốt trầu trên các đường phố, làm ố thành phố và đường sá, chẳng những dơ bẩn mà còn không vệ sinh.
Việc nhai trầu ở Thái Lan đang giảm đáng kể, đây là nước duy nhất ở Đông Nam Á được ghi nhận về xu hướng sụt giảm này.
Nhai Maak ở các thành phố lớn như Bangkok và Chiang Mai gần như đã biến mất hoàn toàn. Mặc dù ở nông thôn, nhai trầu vẫn còn phổ biến ở người cao tuổi.
7. Tại Bangladesh, mọi tầng lớp trong khắp cả nước đều ăn trầu. Trước khi bị Anh cai trị, trầu đã được ăn mà không đi kèm thuốc lá.
Nó được bán cho khách hàng và được sử dụng trong các lễ hội không phân biệt tôn giáo. Một hỗn hợp được gọi là Dhakai paan khili (cuộn/cuốn) nổi tiếng ở Bangladesh và tiểu lục địa.
Miếng trầu ngọt của bộ lạc Khasi nổi danh với chất lượng đặc biệt. Paan cũng được sử dụng trong lễ hội Hindu puja, lễ cưới và khi thăm viếng người thân, họ hàng.
Ăn trầu đã trở thành nghi thức, truyền thống và văn hóa của Bangladesh. Những người phụ nữ trưởng thành thường tụ tập cùng bạn bè và người thân nhai trầu khi rảnh rỗi.
8. Ở Nepal, paan được nhai chủ yếu bởi người Madheshis, mặc dù những người di cư ở Terai cũng đã nhai paan trong thời gian gần đây.
Trong khắp Terai, paan cũng phổ biến như ở bất cứ đâu trên miền bắc Ấn Độ. Hầu hết lá trầu được bày bán ở đây đều được nhập khẩu từ Ấn Độ. Mặc dù không phổ biến như ở Terai, phần lớn cư dân Kathmandu cũng thích paan.
Một loại paan ngọt được gọi là meetha paan phổ biến với những người không thích hương vị đậm đà đơn giản của paan (sada). Một số bậc phụ huynh cho phép con cái sử dụng meetha paan bởi nó không có thuốc lá.
9. Ở Đài Loan, tục ăn trầu đặc biệt phổ biến, chiếm khoảng 20% dân số. Cau là sản phẩm nông nghiệp đứng hàng thứ nhì ở Đài Loan, chỉ sau gạo, hàng năm doanh số đạt khoảng 3 tỉ đôla. Hầu hết người ăn trầu ở Đài Loan là nam giới.
Do đó, khoảng những năm 1960, người ta đã khai trương những quầy bán trầu cau với các cô gái bán hàng xinh đẹp để chiêu dụ khách.
Trong 100.000 quầy bán trầu cau có đến 60.000 quầy bán trầu cau được gọi là “Tân lang Tây Thi” (Người đẹp trầu cau).
Những quầy này thường được đặt dọc đường quốc lộ, chiếu sáng bằng đèn neon và có thể nhìn xuyên thấu qua các cửa kính trong suốt.
Cô gái chỉ việc bổ cau, têm trầu cho khách hàng chủ yếu là các tài xế đường trường. Ở những quầy bán hàng này, các cô gái thường dùng sắc dáng để chiêu khách mua trầu cau đã gây nhiều tranh cãi trong xã hội Đài Loan, vốn là một xã hội có truyền thống Khổng Mạnh.
- Xem thêm: “Miếng trầu là đầu câu chuyện”
Chính quyền huyện Đào Viên năm 2002 đã phê chuẩn một đạo luật mới đòi hỏi các Tân lang Tây Thi phải mặc trang phục che kín ngực, rún và mông.
Chính quyền cho rằng những cô gái ăn mặc hở hang chào bán trầu cau này đã làm ảnh hưởng đến đất nước Đài Loan, gây ra nhiều vụ tai nạn xe cộ hay bị khách hàng lạm dụng tình dục.
Vì tục ăn trầu cau làm gia tăng nguy cơ ung thư nên chính quyền Đài Loan cũng mở chiến dịch phòng chống ung thư bằng cách giảm thiểu số người ăn trầu nhưng gây ra nhiều phản ứng từ các Tân lang Tây Thi, vì tục ăn trầu là một truyền thống lâu đời và đã tạo công ăn việc làm cho trên 70.000 gia đình.
Một số nhóm tranh đấu cho quyền lợi phụ nữ đã cho rằng những Tân lang Tây Thi phải ăn mặc hở hang hoặc lố lăng là để cải thiện hoàn cảnh kinh tế của bản thân.
Họ cũng chỉ ra rằng trong những ngành nghề khác như người mẫu, ca sĩ, hoặc promotion girl (nữ tiếp thị) cũng ăn mặc hở hang và lố lăng như thế, nhưng lại được xã hội chấp nhận, cho nên theo quan điểm của họ, đâu là những hành vi phân biệt đối xử.
Một số khác phê phán truyền thông đại chúng đã bôi nhọ hình ảnh những cô gái này, thật không khách quan nói đến các nguyên nhân kinh tế và xã hội đằng sau đó.
Tổ chức chống lạm dụng tình dục “Garden of Hope” cho rằng những Tân lang Tây Thi (tương tự những cô gái tiếp thị) này là đối tượng bị lạm dụng bởi xã hội tiêu thụ và tình dục, họ cho rằng chính quyền cần có những chính sách để bảo vệ quyền lợi cho những cô gái trẻ này, nâng cao phẩm giá và khả năng của họ để có thể cưỡng lại sự cám dỗ.
Nhìn chung, tục ăn trầu trở thành phong hóa của một vùng rộng lớn ở châu Á. Mỗi quốc gia, có những dị biệt nhỏ, song đại thể là tương đồng.
Mặt dù, sự phát triển của nó, mỗi nơi cũng tiến thoái khác nhau và có những biến dạng đặc thù, nhưng trong lịch sử, tục ăn trầu là một tập tục ảnh hưởng tích cực trong việc củng cố mối quan hệ xã hội và tác động sâu đậm đối với đời sống văn hóa.