Với hơn 40 năm kinh nghiệm chống căn bệnh thế kỷ, bác sĩ David Khayat nổi tiếng nhất nước Pháp, là người sáng lập Viện Ung thư Quốc gia và là tác giả một kế hoạch chữa trị làm đảo lộn nhận thức cũ của y học, được Tổng thống Jacques Chirac bảo trợ. Ông đã tìm ra một khía cạnh mới của chứng bệnh bất trị này.
Phân tích các yếu tố ủ bệnh như stress và tăng cường sức đề kháng của cơ thể, ông quả quyết ung thư chẳng còn đáng sợ nữa. Sau đây là trích đoạn trong quyển Điều tra sự thật của bác sĩ David Khayat.
“Tên cô ta là Florence. Tuyệt vời, xinh đẹp, rất vui tính ngay cả những lúc căng thẳng nhất trong suốt bảy năm trời được tôi chữa trị bệnh.
Cô ta chết chỉ ba tuần trước khi được 29 tuổi. Tôi theo dõi căn bệnh ung thư của cô trong suốt bảy năm, thuyên giảm rất nhiều bằng hóa trị.
Và rồi bất ngờ, căn bệnh tái phát dữ dội, di căn từ cơ phận này sang cơ phận khác. Bệnh hoàn toàn kháng mọi loại thuốc, kể cả xạ trị.
Trong chưa đầy ba tháng, ngay giữa lúc tất cả có vẻ như được khống chế, ung thư đã mang cô đi. Tôi chẳng hiểu điều gì đã xảy ra, để cho tình thế bất ngờ đảo lộn.
Về y học, chẳng có gì đủ sức làm sụp đổ bất ngờ hệ thống miễn dịch mà chúng tôi thiết lập để cách ly căn bệnh từ xa. Không có gì!
Ngoại trừ bốn tháng trước đó, chồng cô đã bỏ đi. Tôi không biết lý do gì đã dẫn đến việc chia tay này. Anh ta cũng không hề giải thích với vợ, nhưng tôi dám chắc sự kiện này đã giáng một đòn trí mạng vào Florence.
Cảm giác mất chỗ dựa đã làm cho tinh thần cô bấn loạn. Florence cảm thấy cô đơn hoàn toàn và bị tổn thương trầm trọng.
Tàn nhẫn đến mức cô cảm thấy mình không còn có giá trị gì cả. Cơn đau khủng khiếp này đã khiến cho cơ thể đi đến quyết định tự sát, bằng cách ngưng mọi phản kháng bệnh tật. Sự tuyệt vọng đã làm tắt ngúm mọi tia hy vọng sống, đến mức cô đã tự cho phép bệnh ung thư chiến thắng mình […].
Tác dụng kinh hoàng của stress
Đó chính là stress! Nhưng làm sao nó có thể xảy ra được? Làm sao nó có thể tác động lên cơ thể con người?
Danh từ “stress” xuất phát từ tiếng Pháp cổ “estrece”, có nghĩa là ép bức, và chính nó cũng xuất phát từ tiếng Latinh “stringere” với nghĩa siết chặt.
Đó là toàn bộ phản ứng tinh thần, vật chất và xúc cảm của cơ thể khi bị chèn ép hay áp bức. Phản ứng này hoàn toàn tùy thuộc vào cảm nhận của cá nhân đang bị áp bức.
Ngày nay, sau 40 năm kinh nghiệm chữa trị, tôi quả quyết có mối quan hệ giữa stress và bệnh ung thư! Cái mà tôi đã từng ước đoán, giả định, nay được xác quyết! Mọi vấn đề từ nay là phải hiểu vì sao và bằng cách nào stress có thể gây tội ác […].
Phương pháp khoa học nhằm chứng minh một cách khách quan mối quan hệ giữa nhân và quả, cần phải có hai nhóm người tình nguyện, cho họ lên một chiếc máy bay với một nhóm mang balô bên trong có dù và một nhóm không có dù…
Rồi cho cả hai nhóm lao ra khỏi máy bay. Và sau đó đếm xác chết trên mặt đất, xem nhóm nào chết nhiều hơn! Đó chính là phương pháp khoa học.
Một thí dụ khác: Hai nhóm phụ nữ có con nhỏ. Một nhóm bị bắt cóc con và một nhóm không. Sau đó, xem tỷ lệ số người mắc bệnh ung thư vú.
Loại chứng minh này, trên nguyên tắc tự nhiên và đạo đức, không thể thực hiện được. Người ta biết rõ rằng, khi chúng ta muốn quan sát mối quan hệ giữa tâm lý và căn bệnh ung thư, không thể dựa vào những nghiên cứu đại loại như thế. Chính vì vậy, từ lâu, khoa học không muốn công bố sự thật này.
Vậy thì tại sao ngày nay tôi dám quả quyết mối quan hệ này là có thật, dựa vào kinh nghiệm chữa trị ung thư hơn 40 năm của mình?
Đơn giản chỉ vì việc tiếp xúc với hàng ngàn bệnh nhân thuộc mọi nguồn gốc, mọi điều kiện sống, đã khiến cho cá nhân tôi phải tin như thế […].
Một nghiên cứu khác tại Phần Lan năm 2003 tiếp tục làm đảo lộn nhận thức của y học và điểm mặt stress! 10.808 phụ nữ được theo dõi từ năm 1981, tức kéo dài suốt 22 năm, với danh sách bị stress rõ ràng của từng người như ly dị, chia tay, mất người thân…
Trong số này có 180 người mắc bệnh ung thư vú. Số người bị stress ít nhất một lần trước khi mắc bệnh, đã gia tăng nguy cơ mắc bệnh lên đến 35%.
Hơn nữa, ly dị hay chia tay gia tăng nguy cơ gấp 2,2 lần, chồng chết tăng 2 lần và chết một người rất thân tăng 35%.
Với đàn ông, tác động của stress cũng khủng khiếp với vô số thiệt hại. Năm 2016, một nghiên cứu tại Anh cho thấy mối quan hệ giữa lo lắng và nguy cơ chết vì ung thư của hơn 15.000 người tuổi trên 40. Lo lắng làm cho đàn ông chết vì ung thư cao gấp 2 lần […].
Phải công nhận đau đớn mà tôi cảm thấy, trong một lúc nào đó, chính là đau đớn của tế bào: chúng thông báo cho tôi biết tai họa gặp phải của mình.
Tôi tin chắc rằng có mối liên can giữa xúc động của tế bào – và xúc động của chính mình – với bệnh ung thư. Mối quan hệ này được giải thích bằng trí thông minh của tế bào. Vì thế, nếu tế bào bị đau, nó sẽ báo tin cho tôi cảm giác không chịu nổi nữa […].
Khả năng phi thường của hệ miễn dịch
Một trong những vấn đề mà tế bào ung thư gây ra là nó thoát khỏi mọi hệ thống bảo vệ an ninh của cơ thể, nhất là hệ miễn dịch. Dù là từ ngữ quen thuộc, rất nhiều người không biết rõ chính xác đó là cái gì.
Nói nôm na, đó là một hệ thống nhằm bảo vệ cá nhân khỏi mọi vật lạ xâm nhập, mọi thứ bệnh tật đe dọa. Phải biết rõ chúng ta đang sống trong tình thế bị vi trùng bao vây liên tục. Và hệ miện dịch chính là lá chắn.
Chẳng hạn hệ vi khuẩn đường ruột là rất cần thiết để tiêu hóa thức ăn, nhưng cùng lúc cũng là nguy hiểm rất cao.
Quả vậy, nếu hệ bảo vệ miễn dịch suy yếu và vi khuẩn đường ruột tấn công bất ngờ từ bên trong, thiệt hại là rất lớn bởi vì khi đó, cơ thể có nhiều vi trùng hơn tế bào!
Hệ thống bảo vệ cũng phải chống trả lại cuộc tấn công của vi trùng từ bên ngoài qua đường hô hấp, da và tiêu hóa.
Chúng ta sống sót được, trước những đe dọa khủng khiếp đó, hoàn toàn nhờ vào sự giám sát của hệ miễn dịch. Nó dựa vào hai loại vũ khí tế bào.
Trước tiên là lymphocyte, còn được gọi bạch huyết bào, trong thực tế chỉ chiếm khoảng 30 – 40% số lượng bạch cầu.
Tùy theo loại, lymphocyte có thể tấn công trực tiếp vào mọi vật lạ xâm nhập vào cơ thể hay sản sinh ra kháng thể. Kháng thể hòa tan vào máu để tìm kiếm những vật lạ có thể gây hại cho cơ thể.
Thiên nhiên rất kỳ diệu bởi kháng thể có bộ nhớ tuyệt hảo. Kẻ bất hảo gặp lại lần thứ nhì thì nó nhớ rất rõ và tấn công ngay tức khắc.
Nhược điểm duy nhất của lymphocyte là cần phải được báo trước nguy hiểm. Phải cho nó biết nhận diện kẻ lạ mặt và tiêu diệt. Nó giống như một con chó, phải được dạy cho biết mối nguy hiểm.
Khi nhận ra kẻ địch, nó sẽ báo cáo lên cho cấp thẩm quyền cao hơn. Đó là macrophage – đại thực bào. Chúng là cảnh sát biên phòng, kiểm soát mọi tế bào gặp được xem có phải là phe mình không!
Nếu xác minh đúng là “phe ta” thì không có chuyện gì xảy ra. Nhưng nếu nghi ngờ, lập tức bị xé xác ngay tức khắc. Chúng vồ lấy kẻ lạ mặt, xé thành mảnh vụn và báo động cho lymphocyte.
Chúng huấn luyện cho cách sờ mó, xem xét, ngửi mùi, phân rõ sự khác biệt và phát động chiến dịch săn lùng kẻ lạ mặt. Mỗi ngày có hàng trăm cuộc báo động của hệ miễn dịch kỳ diệu.
Đơn giản chỉ là nhận diện phe ta và phe địch, rồi tiêu diệt. Năng lượng tiêu tốn cho hệ thống này không nhỏ bởi nó diễn ra 24/7 ngày.
Tới lúc này, người ta phải tự hỏi: vì sao một hệ thống phòng vệ hoàn hảo như vậy lại không thể tiêu diệt được tế bào ung thư?
Thực ra, chúng thoát được nhờ vào một chiến lược gọi là sự thông minh của tế bào. Mỗi cuộc tấn công đều được lập trình chính xác, có kiểm soát và thích đáng.
Độc chiêu của trí thông minh tế bào ung thư là ngụy trang! Chúng làm cho bạch huyết bào và đại thực bào trở nên mù, không thể nhận diện được mình để tiêu diệt.
Chúng phủ lên bề mặt của mình một lớp keo, làm cho mọi tế bào đi ngang qua đều bị hút dính chặt vào. Gần giống như một con vật ẩn nấp bên dưới lớp lá cây khô, cành, sỏi đá…
Các tế bào ung thư dùng kỹ thuật ngụy trang này để di chuyển trong mạch máu. Chúng xuất phát từ khối u đầu tiên để tạo ra những di căn khác.
Chuyến đi này dài và nguy hiểm bởi bất kỳ lúc nào cũng có thể gặp phải “cảnh sát” vốn tuần tra liên tục. Ngụy trang là một trong 12 chiến lược của tế bào ung thư từ chỗ phục kích cho đến khi tấn công.
Nhưng dù khéo léo đến mấy, thỉnh thoảng cũng phải bị bại lộ và bị truy sát. Quy luật thiên nhiên là như thế: kẻ yếu nhất phải bị tiêu diệt. Đó là sàng lọc tự nhiên. Các tế bào ung thư yếu nhất bị phát hiện và tiêu diệt.
Điều này giải thích vì sao, với thời gian, tế bào ung thư ngày càng trở nên tinh quái hơn mới có thể sống sót! Và khi sinh sản ra, hậu duệ của chúng lại càng xảo quyệt hơn nữa.
Trong một thời gian rất lâu, và chỉ mới 5-6 năm nay thôi, người ta vẫn còn không hiểu vì sao các lymphocyte và đại thực bào không tiêu diệt nổi tên giết người hàng loạt này.
Trong kính hiển vi, khi xem xét một khối u, người ta thấy rõ hàng trăm đại thực bào và bạch huyết bào vây quanh tế bào ung thư, nhưng kỳ lạ là chúng giống như ngủ say, không thể đánh đấm gì được! Và rồi cuối cùng, người ta hiểu được vì sao.
Thật khó tin là khi tế bào ung thư biết mình đã bị phát hiện, có thể bị tấn công, đã tiết ra chung quanh mình một chất liệu có thể ru ngủ bạch huyết bào giống như thuốc ngủ để vô hiệu hóa đối phương.
Chất thuốc ngủ này có tên PDL1 rất dễ sợ bởi vì nó chỉ hiệu nghiệm với các tế bào trên mặt có bộ tiếp nhận đặc biệt, gọi là PD1. Bởi thế, khi chất PDL1 chạm vào khối PD1 thì cả tế bào mềm nhũn ra tức khắc.
Đó là điều kỳ lạ nhất của thiên nhiên, theo nguyên lý: “Đạo cao một thước, ma cao một trượng”! Dường như tế bào ung thư biết trước bọn cảnh sát lymphocyte đến tìm mình để giết và chúng có một tử huyệt nằm ở PD1 để xịt chất PDL1 ra đối phó!
Chính từ phát hiện này, người ta đã khai sinh ra một cách mới để trị bệnh ung thư: tái cấu trúc hệ miễn dịch (mmunothérapie” hay miễn nhiễm trị! Đó là tiêm cho bệnh nhân thuốc hóa giải chất gây ngủ này, làm cho tế bào ung thư bị tê liệt, không thể “chuốc rượu” cho bạch huyết bào được.
Những tiến bộ trong chữa trị ung thư
Hóa trị tiêu diệt khối u không phải là cách duy nhất để chiến đấu với ung thư bởi vì hóa chất cực độc cũng có thể tấn công sang các tế bào khỏe mạnh, gây ra tác dụng phụ, đôi khi rất khủng khiếp cho bệnh nhân: tiêu chảy, nôn mửa, rụng tóc, mất trọng lượng…
Nhiều thí nghiệm lâm sàng gây chấn động thế giới cho thấy có thể chữa trị mà không cần dùng đến các loại “vũ khí nặng” như hóa trị hay xạ trị.
Có thể kết hợp với miễn nhiễm trị, giúp cho hệ miễn dịch tìm thấy và diệt được tế bào ung thư. Không còn bị chúng đánh lừa nữa.
Một trường hợp ngoạn mục là ung thư tuyến tiền liệt. Các nhà nghiên cứu nhận thấy “oanh tạc bừa bãi” có thể gây ra thiệt hại không đáng có: rất nhiều tế bào còn khỏe mạnh bị tiêu diệt oan ức dẫn đến mất khả năng kiểm soát cương dương vật hay liệt dương!
Một nghiên cứu công bố vào tháng 6-2018 khiến cho các bác sĩ phải choáng váng về ung thư vú. Hàng ngàn phụ nữ mỗi năm bị cắt bỏ vú lại còn phải hóa trị kèm theo là điều không cần thiết!
Chỉ cần gia tăng chữa trị hormone là đủ. Bởi thế đến 70% trong số họ có thể tránh được hóa trị nhờ vào kết quả xét nghiệm di truyền sau khi được cắt bỏ vú và chỉ cần tăng cường hormone.
Về ung thư phổi, nghiên cứu cho thấy cần phải phân tích di truyền khối u trước khi tiến hành chữa trị. Nếu tìm thấy những gien biến đổi rõ rệt, chỉ cần dùng thuốc tấn công vào chúng là đủ.
Đó là miễn nhiễm trị. Phân tích di truyền ngày nay rất chính xác và nhanh. Có thể xử lý hàng trăm gien cùng lúc để tìm ra thủ phạm gây nên khối u, thay vì 1-2 gien như trước kia.
Vào năm 2007, một nhóm nghiên cứu tại Texas đã thực hiện một thí nghiệm mang tên Impact, ngày nay đã trở nên sôi động trong thế giới y học.
Họ quy tụ 3.743 bệnh nhân đang chữa trị tại Trung tâm Chống Ung thư M D Anderson trong khoảng những năm 2007-2013. Tất cả đều ở thời kỳ cuối của ung thư vú, phổi và trực tràng. Một số người được hóa trị hay xạ trị đến 16 lần.
Trong số đó có 711 người nhận được thuốc chuyển đổi gien để uống tại nhà. Nhóm thứ hai gồm 596 người theo cách thức cổ điển. Sau ba năm, 15% số người nhận được thuốc chuyển đổi gien còn sống sót, so với 7% của nhóm thứ hai.
Sau 10 năm, nhóm thứ nhất còn sống sót được 10% và nhóm thứ hai chỉ có 1%! Tiến sĩ Catherine Diefenbach, thuộc Đại học New York giải thích: “Đây là nghiên cứu đầu tiên, lớn nhất thế giới về chữa trị khối u theo kỹ thuật di truyền cho các bệnh nhân ở thời kỳ cuối. Kết quả rõ ràng là tốt.
Trước khi kỹ thuật này xuất hiện, bệnh nhân được chữa trị theo loại ung thư mà mình mắc phải. Nhưng một phụ nữ bị ung thư vú lại có tế bào ác tính thuộc gốc ung thư phổi! Không có kỹ thuật di truyền, không thể phân biệt được chúng.
Như vậy, tương lai dành cho khối u là phải truy sát gốc tích di truyền của nó. Trung bình, người được chữa trị theo cách này kéo dài cuộc sống được thêm chín tháng, so với 7,3 tháng theo phương pháp cũ. Nhưng phương pháp đang được cải tiến liên tục.
Bà nói: “Dần dần bệnh ung thư đã thay đổi. Từ căn bệnh nặng chết người, nó đã biến thành bệnh mãn tính. Rất đáng vui mừng bởi vì dù còn chưa bị tiêu diệt, nó đang bị đe dọa hơn bao giờ hết”.
Quy trình kỹ thuật mới: miễn nhiễm trị
Quy trình chữa trị ung thư bằng hệ miễn dịch của cơ thể gồm 4 bước như sau:
- Bạch huyết bào T được lấy ra từ trong máu của bệnh nhân.
- Sau đó, chúng được thay đổi để có thể nhận ra tế bào ung thư biến dạng, có khả năng vô hiệu hóa mình. Kỹ thuật này, tránh né được tế bào vô can.
- Tế bào T thay đổi được nuôi dưỡng trong phòng thí nghiệm để sản sinh ra hàng triệu “đơn vị đặc nhiệm”!
- Chúng được tiêm vào bệnh nhân để tìm và diệt địch, phương pháp này vô cùng hữu hiệu.
Bệnh nhân không cần phải nằm viện và ít bị hiệu ứng phụ hơn kỹ thuật hóa trị hay xạ trị cổ điển.