Coupe de Huế 2019 được xem là giải đua xe đạp mạo hiểm, gian khổ nhất Việt Nam và tương đương với Tour de France nổi tiếng thế giới.
“Điên rồ” trong… dự tính
“Kết thúc Coupe de Hue 2018, ban tổ chức (BTC) nhận được rất nhiều tán thưởng, ngợi khen từ VĐV khi lần đầu tiên họ được đến Huế để tham dự một giải xe đạp với những cung đường tuyệt đẹp mà khắp Việt Nam không đâu có được.
Nhưng bên cạnh những ngợi khen ấy, không ít tay đua quốc tế tỏ ra tiếc nuối bởi giải đấu có cung đường bằng phẳng, thiếu đi tính thử thách, mạo hiểm – điểm mấu chốt tạo nên sức hấp dẫn ở các giải đua xe đạp trên thế giới”, ông Nguyễn Trung Trực – thành viên BTC Coupe de Hue 2019 bắt đầu câu chuyện với Thừa Thiên Huế Cuối tuần.
“Đem cái sự tiếc của VĐV ra bàn bạc cùng ý tưởng đưa hai địa danh Bạch Mã, A Lưới vào nội dung thi đấu, không ít người tỏ ra hoài nghi về tính khả thi, thậm chí có người còn nói “điên rồ”.
“Điên rồ” là bởi, ngoài chuyện hai cung đường nói trên có độ mạo hiểm, gian khổ tương đương Tour de France – giải đua xe đạp nổi tiếng nhất thế giới, thì làm thế nào để quy tụ nhiều VĐV quốc tế tham dự, rồi vấn đề về y tế, hậu cần, tình nguyện viên, bảo hiểm, môtô hộ tống… là những chuyện khó khăn gấp mấy lần so với Coupe de Hue 2018.
Nhưng sau khi soát xét lại năng lực, cộng với sự ủng hộ nhiệt thành của tỉnh, của các sở: Văn hóa và Thể thao; Du lịch…, cái sự “điên rồ” ấy hoàn toàn nằm trong dự tính và tầm khống chế của chúng tôi”, ông Trực khẳng định.
Trong hai ngày diễn ra Coupe de Hue 2019 (21 và 22-9), ngày đầu tiên, các VĐV phải trải qua thử thách: “Vua leo núi Bạch Mã Laguna” với chiều dài 15,2km, độ cao 1.260m, độ dốc trung bình 8,3%. Ngày tiếp theo, chinh phục chặng “Gran Fondo TP. Huế – A Lưới – TP. Huế” dài 150km, độ cao 1.800m và Half Fondo dài 65km.
Ở phần thi “Vua leo núi Bạch Mã Laguna”, tuy phải chinh phục độ cao hơn 1.200m so với mặt nước biển chỉ trong đoạn đường dài 15,2km, đổi lại, các VĐV sẽ được đạp xe dưới những tán cây xanh mát, có cơ hội tận thấy hơn 1.400 loài thực vật, nghe tiếng chim, tiếng muông thú gọi bầy và tận hưởng thiên nhiên trong lành trong hơn 10km hành trình phải trải qua.
Sau khi chinh phục non cao Bạch Mã, ngày tiếp theo, tham dự cung đường TP. Huế – A Lưới – TP. Huế (Gran Fondo), trừ 15km cuối cùng tương đối bằng phẳng, còn lại toàn bộ chặng này bắt buộc các tay đua phải dốc hết sức lực để chinh phục các con đèo hiểm trở, những khúc cua tay áo uốn lượn với những vách núi hùng vĩ, những rừng cây bạt ngàn, những vực sâu mờ sương để đến thị trấn A Lưới rồi sau đó quay trở lại TP. Huế với đích đến là cột cờ Phu Văn Lâu.
- Xem thêm: 10 điểm đến du lịch lưu giữ hồn xứ Huế
Còn ở nội dung Half Fondo dài 65km, các VĐV cũng xuất phát từ TP. Huế đi A Lưới, nhưng chỉ đạp 26,6km trên cung đường này rồi quay trở lại đích ở TP. Huế.
“Hiện, đã có hơn 50 VĐV Việt Nam và khoảng 200 VĐV quốc tế đăng ký tham dự, trong đó xuất hiện những tay đua nổi tiếng thế giới, như: Javier Sardá (Tây Ban Nha), Chris Butler (Mỹ), Cadel Evans – cựu vô địch thế giới xe đạp leo núi (1998, 1999) và Tour de France (2007, 2011)…
Với danh tiếng và đẳng cấp của những VĐV nói trên, giải đấu hứa hẹn tạo được sức lan tỏa vượt khỏi ranh giới lãnh thổ Việt Nam cả ở những lần tổ chức tiếp theo”, ông Trực nói.
Sau những guồng quay
Khác với những cuộc đua trước, đây là giải Gran Fondo chuyên nghiệp quốc tế lần đầu tiên được tổ chức ở Việt Nam, cũng như là lần đầu tiên được đăng ký vào danh sách các giải thi đấu của Liên đoàn Đua xe đạp Quốc tế (UCI) dưới hạng mục Cycling for All.
Theo ông Nguyễn Trung Trực, sau giải đấu này, nếu chứng tỏ được năng lực trong công tác tổ chức, đáp ứng đầy đủ những tiêu chuẩn khắt khe của Liên đoàn Đua xe đạp Quốc tế (UCI) thì Coup de Hue sẽ trở thành phần thi bắt buộc phải trải qua hằng năm đối với các tay đua chuyên nghiệp trên thế giới.
Như vậy, nếu điều này xảy ra, bên cạnh là nơi đầu tiên của Việt Nam tổ chức được một giải đua chuyên nghiệp đẳng cấp thế giới đúng nghĩa, Coupe de Hue còn là chất xúc tác để thúc đẩy phong trào xe đạp nói riêng, thể dục thể thao nói chung, và quan trọng không kém, là góp phần lan tỏa hơn nữa những nét đặc sắc về đất và người Cố đô đến với bạn bè khắp thế giới, tạo thêm cơ hội giúp du lịch, dịch vụ Huế tiếp tục phát triển.
Nhưng Coupe de Hue 2019 không chỉ mỗi đua xe đạp. Trong thời điểm diễn ra hành trình chinh phục Bạch Mã (21-9), sẽ là một tổ hợp các hoạt động thể thao cộng đồng cùng mục đích làn tỏa những giá trị “xanh” diễn ra song song, gồm: đua ghe, đua SUP; diễu hành xe Vespa cổ, biểu diễn Saxophone Trần Mạnh Tuấn, ba thế hệ của gia đình cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đạp xe và cổ vũ một Huế “xanh – sạch – sáng”; dọn rác trên sông Hương và hai bên bờ sông, khu vực cột cờ Phu Văn Lâu, bến xe Nguyễn Hoàng, Nghinh Lương Đình, chợ Đông Ba…
- Xem thêm: Hồn quê trong ẩm thực cố đô Huế
Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao, chia sẻ: “Với quy mô và mục đích hướng đến, không chỉ riêng thể thao, Coupe de Hue hứa hẹn góp phần nâng tầm và lan tỏa mạnh mẽ hơn những giá trị văn hóa, du lịch của một Huế xinh đẹp đến bạn bè năm châu”.