Sau gần bốn giờ ngồi xe từ Kuala Lumpur theo tuyến đường cao tốc Bắc Nam của Malaysia và tốn thêm khoảng nửa giờ đi phà từ thị trấn Lumut, chúng tôi đến Pangkor.
Đây là một trong những hòn đảo nằm ở vùng biển phía Tây bán đảo Malaysia, có diện tích chỉ tám cây số vuông với khoảng 25 ngàn dân sinh sống, nhưng được thế giới biết đến qua cái tên Pulau Pangkor – hòn đảo xinh đẹp.
Muôn vẻ thiên nhiên
Đảo nằm ở phía Tây Bắc của bang Perak, đối diện thị trấn Lumut, cực bắc của đảo quay ra biển Andaman.
Pangkor thu hút du khách bốn phương bởi những điểm đặc trưng của một hòn đảo miền nhiệt đới với rừng nguyên sinh bao phủ, những bãi biển tít tắp, nước biển xanh màu ngọc bích, ấm áp, sinh vật biển đa dạng, làng chài ẩn hiện trong vòm lá xanh…
Đảo Pangkor mở ra một không gian nhẹ nhàng, xanh mát để du khách nghỉ ngơi, thư giãn sau khi họ rời khỏi các tòa nhà cao tầng của thủ đô.
Giữ vị trí quan trọng trong eo biển Malacca, Pangkor trước đây là nơi trú ẩn an toàn của ngư dân, thủy thủ, các thương gia và cả bọn cướp biển. Dân cư trên đảo đa số làm nghề chài lưới và chế biến các sản phẩm thu được từ biển cả. Tôm cá khô và cá sa tế là hai đặc sản nổi tiếng ở đây.
Ngày nay, dù không nổi tiếng bằng Langkawi và Penang, nhưng với các loại hình dịch vụ lưu trú đa dạng, từ motel, nhà trọ bình dân đến những khu resort sang trọng và lãng mạn, Pangkor là điểm đến yêu thích của cư dân địa phương và người Singapore, đặc biệt là vào dịp tết Nguyên đán.
Nhiều đoàn du khách chọn Pangkor Island Beach Resort làm chỗ dừng chân. Nơi đây có hơn 70 hécta rừng nguyên sinh và một bãi biển riêng dài hơn một cây số nên khách có thể tham gia đủ các trò thể thao dưới nước như bơi lội, jetski, dù lượn, kayak, thuyền chuối hoặc đi canô ra biển câu cá, lặn ngắm san hô… hoặc tha hồ chơi golf, tennis, bắn cung, bóng chuyền bãi biển…
Với những ai thích sự yên tĩnh thì đây là nơi lý tưởng để dạo chơi, ngắm chim chóc, nằm dài tắm nắng, đọc sách, thưởng thức cà phê trắng – đặc sản của Malaysia hoặc chụp hình.
Gió từ đại dương thổi vào làm lay động những con thuyền ngoài bãi. Bầu không khí ở đảo lúc nào cũng trong lành. Hoàng hôn cùng ánh mặt trời vàng đậm loang ra trên biển, bao trùm không gian là một cảm giác bình yên thơ mộng.
Những chú chim công, chim hồng hoàng lững thững đi kiếm ăn ngay trên bãi cỏ, nơi du khách thường qua lại mà không chút e dè.
Đầu buổi sáng, tiếng sóng vỗ nhè nhẹ vào bờ như cố ý gọi du khách thức dậy để đi dạo, ngắm cảnh ngư dân kéo lưới hoặc thả bộ trên bãi cát mịn màng, hít thở bầu không khí trong sạch, tươi mới đậm hương biển cả trước ánh bình minh.
Dù biết là rừng rậm bao bọc toàn bộ khu resort nhưng nhận phòng xong, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên thú vị khi nhìn thấy tấm bảng cảnh báo “Đừng cho khỉ ăn và nhớ khóa cửa kẻo khỉ vào phòng!”.
Lời dặn dò ấy quả không thừa khi sáng hôm sau, vừa mở cửa phòng, chúng tôi đã thấy vài chú khỉ đang thập thò dọc hành lang, ngó nghiêng qua ô kính cửa sổ. Khi thấy khách giơ máy ảnh lên, mấy chú khỉ ấy thoăn thoắt chuyền lên cây, trốn vào tán lá rậm rạp.
- Xem thêm: Những hòn đảo đáng nhớ ở Tasmania
Sau bữa buffet sáng với nhiều món ăn đặc trưng của người Mã Lai (nhiều nước cốt dừa, cà ri và ngọt lịm), khách lên thuyền khám phá các hòn đảo lân cận. Vì được nhiều đảo bao bọc, mặt biển phẳng lặng như mặt hồ.
Qua làn nước xanh biếc, có thể thấy từng đàn cá nhỏ tung tăng. Canô băng băng lướt đi qua những hòn đá hình thù ngộ nghĩnh đã được đặt tên theo hình thù của chúng, nào hòn Cá Sấu, hòn Đầu Rắn, nào hòn Cá Voi, hòn Rùa…
Theo lời hướng dẫn viên địa phương, nơi đây là nơi rất yêu thích của loài rùa. Chúng thường leo lên bờ tắm nắng và vào mùa sinh nở, những con rùa cái nặng nề vẫn tìm đến đây để đẻ trứng.
Thuyền đưa chúng tôi vòng qua bãi San hô và Teluk Nipah – nơi hằng năm vào ngày mồng 1 và rằm tháng Giêng Âm lịch, thủy triều rút cạn để lộ khoảng hai cây số đường cát mịn màng, nối liền hai điểm trên.
Vượt qua Teluk Nipah, thuyền đi ngang Pangkor Laut – một hòn đảo nhỏ thuộc sở hữu tư nhân gần Pangkor có khoảng 150 villa biệt lập xây dựng cả trong rừng, trên triền đá núi hoặc nhô hẳn ra biển.
Với kiến trúc lãng mạn như vậy, xem ra, những villa ấy khá thích hợp cho các đôi uyên ương trong tuần trăng mật hay những kỳ nghỉ dài ngày.
Câu cá giữa đại đương
Đảo Giam, nơi có nhiều tảng đá lớn trồi lên khỏi mặt biển là nơi ngành du lịch Malaysia đánh giá là rất hấp dẫn.
Những ai ưa khám phá thì được dịp đeo kính lặn, thả sức ngắm san hô dưới đáy biển, có khi may mắn bắt được cả hải sâm.
Ai không lặn cũng cảm thấy thích thú khi ngồi trên thuyền thả bánh mì cho cá ăn. Chỉ cần một mẩu bánh nhỏ cũng thu hút hàng trăm con cá háu mồi vây lại.
Tiết mục câu cá được chờ đợi nhất diễn ra sau đó, khi người lái canô đưa du khách đi một vòng quanh các đảo nhỏ rồi dừng lại ở giữa biển, nơi có những ngôi nhà đang xây dở trên các cột bê tông to lớn cắm chênh vênh.
Mỗi du khách được phát một lưỡi câu để móc mồi và thả xuống hai bên mạn thuyền. Sự im lặng kiên nhẫn cuối cùng cũng bị phá vỡ khi một khách sung sướng la to: “Đây rồi!”.
Chú cá đầu tiên được nhấc lên khỏi mặt nước vùng vẫy trong tiếng reo hò của cả đoàn. Không giống với câu cá ở sông hồ, câu cá ở biển khó khăn hơn vì dây câu không có phao, người câu phải tinh ý để nhận ra khi nào cá cắn mồi mà giật lên.
- Xem thêm: Réunion, hòn đảo đa sắc giữa Ấn Độ Dương
Do chưa có kinh nghiệm, nhiều vị khách thả mồi sát đáy biển khiến những chiếc lưỡi câu bị mắc vào các tảng đá nặng đến nỗi đứt cả cước. Có người lại nhấc lên cả những nhánh san hô khá to.
Sự khó khăn càng khiến mọi người bị chinh phục, hăm hở quyết câu bằng được một chú cá háu ăn. Cá ở đây rất phong phú, đủ hình dạng, đủ kích cỡ và màu sắc.
Có những con cá nhỏ xíu vô tình mắc câu bị nhấc lên, nhưng ngay lập tức, người lái canô chạy đến, nhẹ nhàng tháo lưỡi câu để cá không bị rách miệng rồi thả về biển. Hành động của ông như khéo léo nhắc nhở mọi người ý thức bảo vệ biển, không đánh bắt những loài cá nhỏ.
Sau bữa trưa với những chú cá vừa câu được, chúng tôi đi tham quan đảo bằng những chiếc taxi hồng vui mắt.
Đi dọc con đường mềm mại như một dải lụa với một bên là rừng, một bên là biển, xe vòng lại bãi San hô để ghé thăm miếu Nam Hải Quan Âm – nơi thờ vị thần che chở cho ngư dân trong những chuyến ra khơi.
Tiếp tục hành trình, xuyên qua con đường đồi núi chập chùng với nhiều khúc cua thót tim, chúng tôi đến thăm làng chài Sungai Pinang Besar ở phía Đông Pangkor và tha hồ mua sắm các loại khô, cá sa tế đem về làm quà.
Dưới chân Pangkor Hill là Phúc Lâm Cung, ngôi đền Lão giáo lớn nhất đảo với một phiên bản thu nhỏ của Vạn Lý Trường Thành.
Xung quanh đền là các ao nhỏ nuôi nhiều cá và rùa. Nếu chịu khó leo lên ngọn đồi nhỏ sau đền thì từ đó có thể thấy những làng chài lô nhô ven biển. Đó là nơi lý tưởng để ngắm toàn cảnh Pangkor và chụp ảnh.
Một điểm đến thú vị khác là pháo đài Hà Lan được xây dựng vào thế kỷ XVII để bảo vệ độc quyền thương mại thiếc của bang Perak, đồng thời để chống lại sự xâm lăng của người Aceh và người Xiêm. Nhưng rồi người Hà Lan đã phải ra đi vì không đủ khả năng bảo vệ pháo đài ấy.
- Xem thêm: New Caledonia – hòn đảo trái tim
Năm 1874, một ứng viên ngôi vua bang Perak tìm kiếm sự ủng hộ của người Anh và ký kết hiệp ước Pangkor, từ đó bắt đầu thời kỳ thuộc địa Anh trên bán đảo Mã Lai. Ngày nay, pháo đài chỉ còn trơ lại vài bức tường, một khẩu đại bác và một nền đá khắc hoa văn.
Sau một ngày mệt nhoài khám phá, trở về resort, du khách thỏa thích vẫy vùng trong làn nước màu ngọc bích… Giấc ngủ tại hòn đảo thiên đường vì thế đến nhanh hơn, sâu hơn và êm ái hơn.