Từ Madagascar, tàu của chúng tôi lênh đênh trên Ấn Độ Dương gần ba giờ thì đến được đảo Réunion. Dù không nổi tiếng bằng Madagascar và thiên đường nghỉ dưỡng Mauritius gần đó, Réunion vẫn thu hút được lượng du khách đáng kể nhờ thiên nhiên xinh đẹp và đời sống văn hóa đa sắc màu.
Mấy năm nay, hòn đảo này (về mặt hành chính là một tỉnh hải ngoại của Pháp) cũng là điểm đến của nhiều người thích mạo hiểm do có những dãy núi cao cùng các vực sâu bí ẩn. Nhiều thế hệ người Việt Nam biết đến đảo này là nơi vị vua yêu nước Duy Tân bị thực dân Pháp lưu đày.
Saint-Denis thơ mộng và đại lộ mang tên nhà vua Việt Nam
Ngày dạo chơi đầu tiên của đoàn trôi qua êm đềm ở Saint-Denis, thủ phủ đảo. Thành phố có nhiều đại lộ rộng lớn, phố xá và các khu thương mại khang trang, nhà cửa được chăm chút giữa vườn tược xanh tươi.
Réunion là hòn đảo hiếm hoi có đa số cư dân đầu tiên không thuộc dòng giống nô lệ hay từ châu Phi, mà là hậu duệ của lớp người Bồ Đào Nha, Anh, Hà Lan, Ả Rập… theo thương thuyền ghé đảo, đặt trạm liên lạc từ thế kỷ XV. Sự pha trộn kiến trúc thể hiện rõ ở những dãy phố lâu đời nhất. Vào các khu chợ, giới tiểu thương phần lớn là người gốc Ấn Độ và Trung Hoa. Ngoài cổng chợ, các đền thờ Hồi giáo, Thiên Chúa giáo, Ấn Độ giáo đều có nhiều tín đồ thong thả ra vào cầu nguyện. Các cộng đồng cư dân Ấn Độ, Trung Hoa, Ả Rập được khuyến khích gìn giữ tập tục và ngôn ngữ cha ông trong một nền văn hóa chung pha trộn, đa dạng. Đặc biệt, thành phố có một đại lộ mang tên Vĩnh Sang, tên khai sinh của vua Duy Tân (Boulevard du Prince Vinh-Sang), vị vua Việt Nam yêu nước bị lưu đày tại đảo từ năm 1916 cho đến lúc qua đời vì rơi máy bay vào năm 1945.
So với Madagascar, đời sống Réunion sung túc và văn minh hơn nhiều. Đảo hơn tám trăm ngàn dân, chủ yếu sống bằng nông nghiệp, buôn bán và du lịch. Được thiên nhiên ưu đãi, dân địa phương sống khá nhàn hạ. Họ có thể bỏ cả ngày để ngắm cảnh núi non, bãi biển hoặc ngồi hàng giờ tán gẫu với bạn bè. Dân đảo không có thói quen đi bộ, mà cứ ra khỏi nhà là lên ôtô. Các gian hàng tại đây thường mở cửa lúc 9 giờ sáng và 4-5 giờ chiều đã đóng cửa. Sự trù phú ở Réunion không chỉ nằm trên những đồn điền trồng dừa, cà phê, mía đường bát ngát mà còn được thể hiện bởi mùi hương quyến rũ luôn thoang thoảng trong không gian: đây là xứ sở của vani, các loại lá thơm và hạt gia vị, nhiều loại hoa quý cho ngành mỹ phẩm, nước hoa…
Réunion nổi tiếng với cây vani, thế nên loại hương liệu này được bỏ nhiều vào các món ăn hằng ngày hoặc các món tráng miệng. Ẩm thực đảo còn đặc biệt ở chỗ hầu hết các món ăn đều được bỏ thêm đậu lăng ăn rất bùi. Dân đảo thích ăn cay, hạt tiêu hồng được phụ nữ Réunion sử dụng như bí quyết giữ dáng bằng cách khéo léo kết hợp vào món ăn. Từ món bánh macaron phết nước xốt tiêu hồng ngọt thơm cho đến ly kem mát lạnh cũng được làm từ tiêu hồng; người ta còn ăn hạt tiêu hồng kèm hải sản để tăng vị tươi ngon, hay kết đôi tiêu với thịt gà, thịt bò, thịt thỏ, thăn heo cho tỏa mùi nức mũi. Hướng dẫn viên khoe thêm: Nhờ hạt tiêu hồng, phụ nữ Réunion thoải mái ăn ngon mà vẫn lôi cuốn rạng ngời với thân hình chắc khỏe. Du khách khi đến thăm đảo không khỏi thích thú trước vẻ đẹp người dân – sự pha trộn nét duyên của nhiều sắc tộc qua bao thế hệ. Họ có làn tóc xoăn nhẹ, màu da nâu khỏe mạnh, đường nét thanh tú mũi thẳng mắt sâu.
Chinh phục núi lửa và núi tuyết
Sau khi băng qua những thung lũng rộng và đồi xanh ngút ngàn, đoàn chúng tôi bước vào hành trình chinh phục các ngọn núi nổi tiếng giữa Ấn Độ Dương. Réunion có nhiều ngọn núi cao, trong đó đỉnh cao nhất là Piton de la Neige (đỉnh núi tuyết) với độ cao 3.070m so với mực nước biển. Ngọn núi cao thứ hai là Piton de la Fournaise cao 2.632m, được bao phủ bởi một hệ thống núi lửa hoạt động mạnh nhất thế giới. Theo cảm nhận của tôi, chinh phục đỉnh núi tuyết Piton de la Neige là tour hấp dẫn hơn cả với lịch trình táo bạo và cảnh sắc thiên nhiên độc đáo. Trước khi tiếp cận chân núi, du khách được ngồi xe đi rừng chuyên dụng thám hiểm ba đài vòng (Cirque Cilaos, Cirque Mafate, Cirque Salazie) – ba vùng hoang dã bao quanh ngọn núi. Có lẽ hướng dẫn viên đã không quá lời khi giới thiệu rằng sau khi đi qua ba đài vòng, du khách đã được chiêm ngưỡng gần như đầy đủ tất cả các loài hoa, cây của vùng nhiệt đới. Các thành viên không ai có thể rời mắt trước những loài hoa chưa từng thấy bao giờ. Hoa rừng đẹp lộng lẫy, sắc màu rực rỡ như thắp sáng cả đại ngàn thâm u.
Ngoạn mục nhất phải kể đến Trou de Fer – một hẻm núi phủ đầy cây cối có độ sâu khoảng 300m, nằm giữa hai vòng đá hình cung ở trên có con sông Bras de Caverne chảy qua. Hẻm núi được chia thành hai phần riêng biệt, phần miệng lớn của hẻm núi chứa sáu thác nước nổi bật nhất và phần còn lại là khe núi hẹp tạo thành chiều dài cho hẻm núi. Nước từ thượng nguồn con sông Bras de Caverne chảy xuống vòng cung lớn nhất nằm trên sườn núi qua bức tường của hẻm núi từ độ cao 210m tạo nên những dòng thác ấn tượng. Tùy theo mùa mà lượng nước nhiều hay ít. Vào mùa xuân, các dòng thác được hồi sinh và người ta đo được chiều cao lớn nhất của một trong sáu ngọn thác vào thời điểm này là 300m. Kể từ khi được phát hiện vào năm 1989 cho đến nay, Trou de Fer trở thành điểm đến ưa thích dành cho những người đam mê môn thể thao vượt thác. Địa hình Trou de Fer được tạo ra từ núi lửa đứt gãy, cho nên việc tiếp cận vào trung tâm hòn đảo Réunion này khá khó khăn. Chính địa hình trắc trở đã giúp cho hẻm núi tránh được sự xâm lấn của con người, bảo tồn được vẻ hoang sơ vốn có và cả những khu rừng nhiệt đới xung quanh, làm môi trường sinh sống yên bình cho những loài thực vật như thạch nam khổng lồ, dương xỉ, địa y…
Khác với vẻ tươi tốt quanh Piton de la Neige, vùng đất rộng lớn bao quanh núi lửa Piton de la Fournaise trơ trụi như sao Hỏa nhưng cũng rất mê hoặc. Đường đi đến Piton de la Fournaise khá khó khăn, gập ghềnh do bị dung nham bao phủ. Ngọn Le Piton de la Fournaise có đường kính 30km. Năm 2007 núi đã xảy ra một trận được gọi là trận phun trào của thế kỷ, khiến dân chúng nhiều làng mạc chung quanh phải di tản do chất dung nham tung bắn cao đến 100 mét. Dòng lửa lỏng ào ạt phun trào ra đến khoảng 20-25 triệu mét khối, tràn chảy theo sườn núi qua hàng chục cây số, phủ lấp đường quốc lộ và nhiều làng thôn cũng như đồn điền dưới nhiều thước nham thạch trước khi tuôn đổ xuống đại dương. Sau đó không lâu, du khách tấp nập kéo đến đảo để được ngắm cảnh vùng núi lửa có cảnh lạ phủ đầy chất dung thạch cô đặc này. Chúng tôi cũng thấy thú vị khi đứng trên bờ biển đen tuyền dung nham, nhìn ra một bên là ngút ngàn xanh đồi núi, một bên có Ấn Độ Dương mênh mang sóng vỗ.
Đoàn còn được dẫn đi thăm ngôi làng nhỏ cận kề chân núi có tên Le Piton Sainte-Rose. Ngôi làng nổi tiếng với giáo đường nhỏ mang tên Notre Dame de Sainte-Rose. Trong trận phun trào thế kỷ, dung nham đã cuốn trôi và nhận chìm tất cả nhà cửa trong làng. Nhưng không hiểu sao trước ngưỡng cửa của Notre Dame de Sainte-Rose, dòng lửa lỏng chợt dừng lại và chảy bao quanh tường, không hề gây thiệt hại gì. Giáo đường thoát nạn trong đường tơ kẽ tóc!
Gần chục năm đã trôi qua từ trận phun lửa dữ dội, du khách khắp nơi đến đây tẩn mẩn ngắm nghía, chụp ảnh trên vùng đất đá còn tỏa khói nóng. Thiên nhiên đôi khi hung hãn, nhưng vẫn thường dành tặng cho con người nhiều điều kỳ diệu.
Xem thêm: