Từ TP. Hồ Chí Minh, ngồi xe buýt theo quốc lộ 13, đi hơn 40 cây số sẽ đến làng tre Phú An, nơi đã hơn năm nay được nhiều báo đài nhắc tới cùng với tên của tiến sĩ Diệp Thị Mỹ Hạnh, người con của xã Phú An, huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương.
Chị chính là người đã góp phần vào việc bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và môi trường xanh trên quê hương mình.
Những ngày này, tiếng thơm của khu làng tre ấy càng đi xa hơn vì giải thưởng Xích Đạo của Liên Hiệp Quốc về bảo vệ môi trường xanh năm 2010 đã được trao cho nơi đây.
Từ vườn sưu tập tre…
Gọi điện cho chị Mỹ Hạnh theo số điện thoại tìm thấy trên internet, một giọng phụ nữ sôi nổi, vui vẻ trả lời: “Các chị đi mấy người? Có hai thôi hả? Vậy thì ở lại đây luôn nhé, có giường ngủ sẵn sàng cho khách mà! Chị liên hệ với Hà Phương, học trò của tôi để tiện đón…”.
Vậy là dù biết chị sẽ đi Pháp ngay ngày mai, chúng tôi vẫn quyết định đến làng tre nhân mấy ngày nghỉ giỗ Tổ. Qua điện thoại, chị Mỹ Hạnh còn chỉ đường cụ thể đến làng tre Phú An.
Qua khỏi Thủ Dầu Một hơn chục cây số, xuống ngã ba Suối Giữa đón xe buýt về Dầu Tiếng, chúng tôi xuống xe khi chạy ngang qua làng tre Phú An.
Ngay từ cổng vào, đã thấy tấm biển “Chào mừng làng tre Phú An đạt giải thưởng Xích Đạo năm 2010 của Liên Hiệp Quốc”.
Hai bên cổng, hai tấm mành tre được thả dài xuống, một bên là dòng chữ “Làng tre Phú An”, bên kia ghi “Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn tre Việt Nam”.
Phía bên trái là một nhà bảo tàng đẹp đẽ vươn cao lên nền trời, lẫn trong vùng đất đồi bụi đỏ như một điểm nhấn êm dịu, khoáng đãng.
Hai hàng lục trúc xanh um ôm lấy con đường đất nhỏ dẫn vào căn nhà lá của vườn sưu tập và bảo tồn tre. Đó cũng là nơi làm việc của tiến sĩ Mỹ Hạnh và những học trò của chị.
Khi chúng tôi trao đổi qua điện thoại, chị Hạnh than ở đây hiện vẫn neo người lắm, bây giờ nhìn bao quát mảnh đất mênh mông phía sau nhà mới càng thấm thía nỗi lòng của chủ nhân vương quốc tre này: chị phải vừa đứng lớp ở Đại học Khoa học tự nhiên TP. Hồ Chí Minh, vừa dành thời gian sống và làm việc ở làng tre quê nhà, chưa kể phải đi khắp nơi tìm giống tre mới cho vườn ươm và đi hội nghị ở nước ngoài, chẳng hạn chuyến đi Pháp sắp tới kéo dài đến tháng 7.
Căn nhà lá chúng tôi bước vào rộng thênh nhưng thật giản dị. Ngay giữa nhà là một bàn thờ nhỏ, trên đặt tượng bán thân bằng thạch cao của nhà giáo nhân dân, giáo sư – tiến sĩ Mai Trần Ngọc Tiếng, cô giáo đáng kính của chị Mỹ Hạnh về khoa học môi trường.
Chái nhà bên phải là bàn làm việc của cô và các học trò, trên đó có chiếc máy tính và mấy chiếc ly cùng bình nước lọc. Hà Phương – học trò của chị Mỹ Hạnh đón chúng tôi rất niềm nở ân cần rồi đưa vào gian nhà trong, nơi có mấy chiếc giường tre thường được dành cho các sinh viên thực tập nghỉ lại.
Phòng này cũng rất đơn giản, chỉ có mấy tấm mành tre bỏ xuống để ngăn cách với gian ngoài và một chiếc bàn nhỏ để vật dụng cá nhân.
Có cảm giác vừa bước vào một gian nhà lá một gian, hai chái của vùng nông thôn miền Tây vậy.
Đã trưa nên Hà Phương chỉ dặn chị Loan phụ trách nhà bếp nấu cho chúng tôi bữa cơm chiều, mỗi phần 15 ngàn đồng như của sinh viên thực tập. Tấm lòng hiếu khách của người làng tre mới dễ thương làm sao!
Sau khi ngả lưng một lát trên chiếc chõng tre có trải lớp nệm mỏng, chúng tôi bước ra con đường phía bên trái ngôi nhà, vào vườn sưu tập tre, dù nắng còn khá gắt. Con đường mở ra mát rượi bởi bóng tre trùm kín, phất phơ trong gió.
Ngay từ đầu đường đã thấy một tảng đá lớn, phía trên khắc những dòng chữ Pháp và Việt cùng một nội dung: “Vườn sưu tập tre Việt Nam 2003-2007. Bộ sưu tập này xin kính tặng giáo sư Phạm Hoàng Hộ và người dân Phú An cùng tất cả những ai yêu thiên nhiên”. Phía dưới còn ghi rõ tên người khắc là chị Mỹ Hạnh.
Có lẽ chính lòng yêu quý thiên nhiên cây cỏ của cả các thầy và trò đã hun đúc nên niềm say mê sưu tập từng giống tre trên mọi miền đất nước của tiến sĩ Mỹ Hạnh.
Chúng tôi đi vào từng mảnh vườn của vương quốc tre rộng 10 mẫu. Đầu tiên là những loại tre đang được lấy mẫu để kiểm nghiệm tính chất cơ lý, trên mỗi cụm tre đều có bảng ghi tên như trúc bụng Phật, tre lộc ngộc, tre gầy, tre đắng, tre gai, tre luồng, tre nước, trúc cần câu Tây Sơn, vầu…
Có những thân tre vươn cao, quen thuộc như tre gai, lồ ô, nhưng cũng có bao loài tre với hình dáng kỳ lạ, chẳng hạn mấy cây vầu khi lên cao cứ quấn chặt vào nhau như những sợi thừng thành từng bụi lớn, lá đan vào nhau tạo vòm xanh ngút mắt. Loài trúc bụng Phật lại có những đốt rất ngắn, xanh mướt, phình ra tròn trĩnh như tên gọi.
Càng đi vào sâu, rừng tre càng mở ra thành nhiều khu, mỗi khu có cánh cổng riêng. Chỉ thấy tre liền tre, vòm nối vòm, lúc xanh um, lúc nâu sẫm, lúc vàng rực. Có một khu được đặt tên là “Mê cung tre – La byrinthe”.
Thỉnh thoảng, trên từng cung đường, những vòi nước tưới quay tít làm đẫm nước cả mặt đất xung quanh. Vườn sưu tập tre này đã tưới tự động được 50%, phần còn lại vẫn phải thuê người tưới.
Nước được bơm từ giếng lên. Mới thấy công phu của những con người ở vùng đất này suốt 10 năm nay để làng tre luôn mở rộng vòng tay đón khách.
Khi rẽ vào một ngách nhỏ, chúng tôi gặp hai thanh niên đang chặt, róc tre. Chưa kịp hỏi, hai chàng trai đã vui vẻ cho biết rằng cô Mỹ Hạnh cho chặt mớ tre về làm sườn xe đạp rồi vui vẻ chuyện trò.
Họ là anh em ruột, quê ở Đắk Lắk. Họ khoe đã làm thủ công được hai chiếc xe đạp có khung sườn bằng tre, chịu được tải trọng đến 100kg, đã chạy thử nghiệm nhưng cô Mỹ Hạnh góp ý là chưa ổn vì các mối nối dùng sợi thủy tinh (composite) là chưa thân thiện với môi trường.
Họ cho biết trên Đắk Lắk trước đây tre rừng bạt ngàn, nhưng nay đi tìm suốt vài chục cây số mà không có cây nào ưng ý, cơ bản vì tre đã bị chặt quá nhiều.
Thế mới biết vì sao dự án “Nghiên cứu và bảo tồn tài nguyên thiên nhiên” của tiến sĩ Mỹ Hạnh đã được tỉnh cấp đất và nhận được tài trợ 600 ngàn euro của vùng Rhône- Alpes thông qua vườn Pillat – một khu bảo tồn thiên nhiên ở Pháp.
…đến nhà bảo tàng, nghiên cứu tre
Buổi sáng hôm sau, chúng tôi hòa vào một đoàn học sinh tham quan khu nghiên cứu và bảo tàng. Nhà bảo tàng được chia thành hai khối nhà ngói ngang dọc, có vườn cây cảnh và một hồ nước nhỏ bao quanh.
Bước vào trong, khách sẽ thấy toàn bộ vật dụng được làm bằng tre, từ mấy cây cột đến trần nhà và bàn ghế, vật dụng trưng bày. Hầu hết tất cả đồ dùng trong sinh hoạt hằng ngày làm bằng tre, trúc như thúng, nia, sề, sịa, rổ, rá, lờ, lợp, đơm, đó…
Đặc biệt, trong một gian phòng có rất nhiều cọc tre treo trên trần nhà buông xuống đủ màu, láng bóng như một rừng thông linh bằng tre, chạm nhau nghe loong coong như tiếng đàn tre.
Ngoài sân, một nhóm học sinh cấp 2 ở một trường gần đó cũng tự đến tham quan và thăm thú cảnh vật. Nhìn mấy cô bé thoải mái đong đưa trên mấy chiếc xích đu gian ngoài mà thấy khu làng tre đã thực sự có ảnh hưởng đến dân cư trong vùng.
Nghe nói một số học sinh thường đến đây vẽ tranh về tre sau khi được hướng dẫn, thuyết minh về sự khác biệt của các giống tre.
Riêng chị Mỹ Hạnh đã sưu tập được 175 giống tre và những công trình nghiên cứu từ ngôi nhà này không bao lâu nữa sẽ được đưa vào ứng dụng trong y học, chế biến thực phẩm, xây dựng, trang trí nội thất…
- Xem thêm: Con mắt làng
Chị Mỹ Hạnh đã thử nghiệm thành công việc dùng tre để xử lý nước thải và đưa vào ứng dụng ở khu công nghiệp Việt Hương.
Giai đoạn sưu tập và bảo tồn tre đã hoàn tất, phần việc còn lại là giới thiệu loài thực vật đa dạng này ra công chúng vào cuối năm 2012 và tìm kinh phí mở rộng thêm như dự định của tiến sĩ Mỹ Hạnh.
Và ước mơ bảo vệ môi trường
Trong một cuộc trao đổi với báo chí, tiến sĩ Mỹ Hạnh cho biết dự án hình thành từ 10 năm trước dựa trên nguyện vọng của dân làng “muốn được sống trong môi trường sạch, đẹp và yên tĩnh”, riêng chị còn là mong ước góp phần vào việc bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường ngay tại quê hương mình.
Chị Hạnh đúng là người con đã làm rạng danh quê hương Phú An, Bến Cát. Dân cư quanh vùng đều biết nhà mẹ chị Hạnh ở gần đó, nhưng chị thường ở miết bên này, miệt mài nghiên cứu, miệt mài làm việc với nhiều đối tác cũng như hướng dẫn học trò với tất cả niềm say mê của một nhà khoa học.
Vẫn biết con đường đi tới còn lắm gập ghềnh, chông gai, nào là nguồn vốn đầu tư, nào là đội ngũ nhân sự, nào những nhiêu khê của thủ tục pháp lý…, nhưng hẳn “người đàn bà say mê tre” ấy sẽ không chịu dừng bước.
Chúng tôi hẹn gặp lại để trao đổi với chị bao nhiêu chuyện về tre, trúc, về môi trường xanh trên vùng đất ngang qua “đồng ông Cộ” nức tiếng ngày xưa cùng chiếc xe tăng cháy cách đó vài cây số như chứng tích còn lại một thời khói lửa. Về mà vẫn nhớ hoài màu xanh của làng tre Phú An.