Với phần lớn du khách đã có dịp đến với miền núi non Tây Bắc, những thị tứ vùng này thường không để lại ấn tượng bằng cung đường đi tới đó. Mường Lay, thị xã mới nằm ở phía Bắc tỉnh Điện Biên, cách thành phố Điện Biên Phủ khoảng 100km cũng không ngoại lệ. Một lần có dịp đi ngang qua đây, chúng tôi hoàn toàn bị cảnh quan tươi đẹp, đặc sắc hai bên đường thu hút.
Chúng tôi đến Mường Lay theo con đường từ Điện Biên sang Lai Châu. Cung đường đèo dốc, nhiều đoạn rất khó đi này vẫn là thử thách cho những ai đã quen với đường nhựa phẳng phiu. Tuy vậy, cảnh đẹp hai bên đường làm cả đoàn quên bớt phần nào mệt mỏi.
Trong buổi sáng đẹp trời, sương sớm tan nhanh. Ban đầu nắng chỉ vàng rực trên các triền núi, soi rõ màu áo người đồng bào đi chợ, lên nương. Sau thoáng chốc, các dải đồi thấp và cây cối ven đường cũng lấp loáng ánh nắng như dát vàng, những bụi hoa dại đủ màu lúc này trông lại càng rực rỡ.
Qua đoạn hai bên đường chỉ toàn là cây rừng nhiệt đới dày ken đúng kiểu “rừng xanh hoa chuối đỏ tươi” trong thơ Tố Hữu, làng bản thôn xóm bắt đầu hiện ra. Khuất sau hàng cây thấy thấp thoáng những nếp nhà sàn mái đá đen, vàng, xám của người Thái. Những con trâu mộng to gần gấp đôi trâu đồng bằng lừng lững tiến bước trên đường núi quạnh quẽ, những người đồng bào chân trần đi trên đường thẳm. Cung đường còn đưa chúng tôi đi qua dòng sông Nậm Na uốn khúc quanh chân núi thơ mộng.
Trên dòng sông này đã từng có cây cầu dây văng lớn nhất Đông Dương, được hoàn thành vào năm 1973. Đó là cầu Hang Tôm cũ – niềm kiêu hãnh của người Tây Bắc một thời. Kể từ khi dòng sông Đà bị chặn đứng làm thủy điện vào tháng 5-2010, mực nước dưới cầu Hang Tôm cũ đã dâng lên khoảng 40m, vì thế cách đây không lâu, người ta phải dỡ bỏ cầu vì đến mùa lũ, cầu sẽ bị nhấn chìm trong nước. Bây giờ, cách cầu cũ 800m về phía thượng nguồn là cầu Hang Tôm mới dài 362m, rộng 9m nằm kề vị trí hợp lưu của sông Đà, sông Nậm Na và suối Nậm Lay. Từ cây cầu này đi thêm khoảng 8km nữa là đến đèo Văn Long, nơi có một di tích lịch sử còn sót lại là tấm bia của người anh hùng Lê Lợi và một vài kiến trúc do người Pháp xây dựng hồi đầu thế kỷ.
Rời khỏi cầu Hang Tôm mới, chúng tôi chạy ngang qua Mường Lay lúc nào không hay. Mới đây, một số địa danh ở vùng giáp ranh hai tỉnh Điện Biên – Lai Châu này đã được đổi tên gây bối rối cho nhiều du khách: Thị xã Lai Châu cũ đổi thành thị xã Mường Lay mới, thị trấn Mường Lay cũ đổi thành Mường Chà mới… Qua khỏi thị trấn Mường Chà mới, thị xã Mường Lay mới hiện ra với những con đường vừa được san ủi, những dãy nhà sàn theo quy hoạch nằm thành từng lớp hai bên bờ suối Nậm Lay. Trung tâm thị xã là một hồ nước xanh trong rất đẹp, cũng là kết quả từ việc ngăn chặn sông Đà làm thủy điện Sơn La.
Nhìn miền núi non hùng vĩ nay bỗng xuất hiện những dấu ấn rõ rệt của đời sống hiện đại, vài người không tránh khỏi cảm giác tiếc nuối. Chỉ khi đi qua các bản làng cách thị xã không xa, ngắm những ngôi nhà sàn xinh xắn trên rẻo cao đang ẩn hiện trong lớp mây mù lãng đãng, ai nấy mới nhận ra rằng vẻ quyến rũ của Tây Bắc thật ra vẫn nằm trên từng cung đường, từng dãy núi.
Lê Duy