Trong tháng 11 vừa qua, chúng tôi có dịp cùng với các sư tăng và ni đi chiêm bái núi Kê Túc, nơi mà tín đồ Phật giáo tin rằng ngài Ca Diếp – một vị đệ tử trong hàng thượng thủ của Phật đã vào đó nhập đại định, giữ gìn chiếc y và bình bát của đức Thích Ca Mâu Ni, chờ đến khi Phật Di Lặc ra đời để trao truyền lại theo như lời dạy bảo của đức Thích Ca.
Tại sao gọi là núi Kê Túc? Theo tiếng Hán, kê có nghĩa là con gà, còn túc là cái chân. Hình dáng của ngọn núi này tựa ba cái móng chân của một con gà khổng lồ chụp lên mặt đất. Bên trong của ba cái chân núi ấy rỗng, tức là một cái hang rộng lớn.
Vì vậy, trong dân gian núi Kê Túc cũng được gọi là núi Chân Gà, riêng người dân địa phương gọi là núi Kukkatapāda. Dãy núi này thuộc huyện Gaya, bang Bihar, vùng Tây Bắc Ấn Độ.
Đường đến vùng đất thiêng
Đường đi từ tháp Bồ Đề Đạo Tràng đến núi Kê Túc không xa, khoảng chừng 40 cây số. Do đường xá xấu, nhiều ổ voi, ổ gà nên phải mất gần hai tiếng đồng hồ ngồi xe mới tới nơi.
Đường tới núi Kê Túc qua nhiều làng mạc, đặc biệt là có cây cầu bắc qua Ni Liên Thiền – con sông đã gắn liền với lịch sử của đức Phật Thích Ca.
Trước khi thành đạo, Ngài đã quăng bát sữa xuống dòng nước đang chảy, phát nguyện rằng nếu bát sữa trôi ngược dòng sông thì Ngài sẽ chứng quả Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Qua hơn 2.500 năm, dòng sông ấy nay vẫn còn.
Vào mùa hè, nước sông cạn trơ đáy, chỉ còn một rãnh nhỏ có nước ở giữa bãi cát rộng. Người dân trồng trọt rau màu trên bãi đó.
Mùa mưa đến, nước tràn bờ, dòng nước chảy rất mạnh nên chính phủ đã cho xây cây cầu bê tông bắc qua hai bờ sông để giao thông được thuận tiện.
Làng mạc hai bên đường rất nghèo, nhà cửa được xây bằng đất sét, lụp xụp. Trước nhà người ta nuôi trâu bò, nhìn thấy rõ những rãnh nước thải đổ trực tiếp trước nhà rất mất vệ sinh.
Đến vùng thôn quê ở Ấn Độ, có cảm nghĩ là cuộc sống ở đó toàn màu xám theo đúng nghĩa đen vì nhà cửa không được xây dựng bằng gạch vôi vữa, không sơn phết, xung quanh ít có cây xanh, mà nhiều ngọn núi hay đồi thì trọc nên toàn màu xám. Đã vậy, nhiều vùng ít mưa, bụi bám khắp nơi, đầy trên nóc nhà, khiến cuộc sống càng xám hơn.
Bihar là một trong những bang nghèo nhất Ấn Độ. Dân cư ở khu vực Gaya, gần tháp Bồ Đề Đạo Tràng, sống chủ yếu bằng nghề nông, chăn nuôi gia súc. Một nghề khác là thường thấy ở khu vực này là nghề “cái bang”, tập trung chủ yếu ở những nơi có thánh tích Phật giáo.
Từ xưa đến nay, cứ vào mùa hành hương (từ tháng 10 năm trước đến tháng 4 năm sau), dân “cái bang” lại tụ tập kiếm ăn. Nhiều khi có công ăn việc làm, nhưng họ vẫn thích hành nghề ấy vừa nhàn rỗi, không mệt, mà có tiền, chỉ có hơi bị… mỏi miệng!
- Xem thêm: Ajanta, thánh tích trong rừng sâu Ấn Độ
Hằng năm có nhiều đoàn Phật giáo từ các nước đến chiêm bái cây bồ đề và đại tháp, đem lại nhiều cơ hội làm ăn cho cư dân ở đây.
Nhiều tổ chức Phật giáo các nước cũng đã thành lập các cơ sở xã hội để giúp đỡ dân nghèo như mở trường học, xây trạm xá, hướng dẫn dân địa phương làm ăn thoát nghèo, nhưng nhiều em nhỏ sáng đi học, chiều lại lang thang ở khu vực du lịch để kiếm thêm thu nhập cho gia đình. Khi tổ chức từ thiện rút lui thì cư dân cũng bỏ dần nghề “cái bang”, nhưng không vì thế mà nghề này bị triệt tiêu.
Vài ba năm trước, trong lần đầu đến Bồ Đề Đạo Tràng, chúng tôi thấy dân “cái bang” chưa biết tiếng Việt, tiếng Thái Lan, nhưng nay họ đã biết “A di đà Phật, chào cô! Cho con xin ít tiền nuôi gia đình đi!”.
Điều đó chứng tỏ người Việt hành hương đến xứ này cũng đông. Các cửa hàng cũng có thêm bảng hiệu viết bằng tiếng Việt.
Có anh chàng chuyên bán tượng Phật, đã từng đến Nha Trang, cứ tấm tắc khen nào Việt Nam đẹp, nào người Việt Nam dễ mến, nào phong cảnh Nha Trang đi một lần muốn đến nữa…
Lên đỉnh Kê Túc
Khi xe tới nơi, lập tức dân làng sống dưới chân núi Kê Túc chạy ra chào “Hello!” rất đông. Cứ tưởng họ cũng là phật tử hay tính họ hiếu khách khi thấy người nước ngoài tới, nhưng sau mới hiểu ra rằng họ biết khách sẽ lên núi Kê Túc nên đến để giúp, đổi lại họ được ít tiền bo, cũng là một cách làm ăn.
Trong đoàn có vài người lớn tuổi, một người lo không xách nổi túi lên núi nên nhờ một em nhỏ và giá phải trả là 100 rupee (khoảng 40 ngàn đồng).
Mấy thanh niên khỏe mạnh nhận đèo thức ăn, nước uống và giúp cho những người già. Sau khi ngã giá xong, cả đoàn cùng nhau vượt chướng ngại vật lên núi.
Từ dưới nhìn lên, núi Kê Túc không cao lắm, nhưng khi đi đến nửa chặng đường mới hay “lên non mới biết non cao”.
Đường lên đỉnh núi bậc tam cấp chỗ có chỗ không. Nghe nói chính Phật giáo Tây Tạng đã làm con đường này để phật tử dễ dàng lên núi tham quan.
Trên đỉnh núi có một cái tháp đang xây, cũng mang dáng dấp kiểu Tây Tạng. Cuối cùng, đỉnh núi cũng hiện ra. Mọi người hò reo.
- Xem thêm: Manali, xứ mộng mơ của Ấn Độ
Gần đỉnh núi có một tảng đá to, cao cả chục mét, ngang cũng vài mét nằm ngáng đường. Để lên được đỉnh, đúng nơi được cho là chỗ mà đức Ca Diếp nhập định thì phải vượt qua tảng đá đó.
Tưởng đó là một thử thách lòng quả cảm của du khách, ai ngờ đến gần mới thấy tảng đá khổng lồ được… chẻ ra làm đôi! Vết chẻ có vẻ bằng phẳng, tạo thành đường đi nhỏ vào bên trong.
Lịch sử Phật giáo ghi lại rằng chính đức Ca Diếp dùng thần thông chẻ tảng đá này để giúp người đi vào bên trong, nhưng càng vào bên trong thì đường càng hẹp, nếu ai mập quá sẽ rất vất vả mới len qua được.
Khoảng cách từ ngoài vào bên trong của tảng đá chỉ chừng bốn mét, đi đến cuối đường tối om thì rẽ trái rồi phải chui qua một cái lỗ nhỏ mới lên được phía trên.
Khi lên trên đỉnh, có thể quan sát đồng bằng bốn bên và thấy Kê Túc đích thực không phải là một dãy núi, mà chỉ là một ngọn núi nằm trơ trọi trên một vùng đất bằng phẳng, có tầm nhìn xa.
Trên đỉnh núi có một cái tháp đang xây, dưới tháp là một cái hang, nơi được cho là chỗ đức Ca Diếp ngồi nhập định.
Chỗ đó giờ được xây thành một điện thờ nhỏ, có rào bao quanh, trong có đặt tượng đức Ca Diếp, làm nơi hành lễ của các đoàn đến chiêm bái.
Theo người gác điện thờ thì thỉnh thoảng có những tín đồ Phật giáo tới ngồi thiền suốt đêm trước điện thờ này.
Vì núi cao nên trên đỉnh gió thổi lồng lộng, vào mùa đông ít ai có thể ở trên đó suốt đêm được. Trên núi có nhiều cây lớn nên nhìn từ xa, ngọn núi có màu xanh tươi, đẹp hơn hẳn những ngọn đồi trọc khác.
- Xem thêm: Một Ấn Độ dịu dàng ở Amritsar
Tham quan xong, chúng tôi lần lượt xuống núi. Ai cũng nghĩ đường xuống núi sẽ dễ đi, ít mệt hơn, nhưng sự thật không hẳn như vậy. Sau một chặng mệt mỏi vì lên núi, đôi chân ai cũng đã bắt đầu thấm mệt.
Khi xuống núi, cả trọng lượng cơ thể đè lên đôi chân nên chân nhiều người bị run, bước đi trở nên khó khăn hơn. Càng xuống càng cảm thấy bước chân đi xuống khó chịu hơn nhiều.
Nếu đã thỏa thuận với ai đó để trả tiền công khi xuống đến nơi thì chẳng có gì để nói, nhưng trường hợp không thỏa thuận rõ ràng trước với một ai đó cụ thể thì thật khó mà trả tiền cho xong.
Chỉ cần rút tiền ra là dân nghèo bu đến, ai cũng chìa tay ra và người trả tiền bỗng… chìm lỉm trong đám đông lộn xộn đó.
Kinh nghiệm này được truyền đạt từ đoàn này đến đoàn khác là cho một người mà không cho người khác thì người chưa có tiền sẽ bám theo khách mãi, cứ xin mãi cho tới khi… thành công!
Cho mà phải giấu giếm, cho rồi còn phải luyện trí nhớ để nhớ mặt người đã nhận, chứ không thì cánh tay đã cầm tiền lại giơ nữa. Đó cũng là căn bệnh của dân nghèo xứ này: xin thêm chút nào hay chút đó, dù được trả đúng như thỏa thuận.
Trong hành trình tour của các đoàn khách quốc tế ít có điểm đến Kê Túc vì không thuận tuyến đường.
Đi núi Kê Túc thì phải mất trọn một ngày, trong khi theo tuyến thì một ngày đi qua vài địa điểm, mà thời gian có hạn nên các du khách đành chấp nhận được xem nhiều thứ hơn là chỉ một thứ.
Dù sao thì chuyến đi Kê Túc vẫn để lại nhiều ấn tượng đẹp và còn cho chúng tôi thêm nhiều kinh nghiệm trong khi đi du lịch Ấn Độ. Đúng là “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn”!