Những năm đầu thế kỷ XX, ở miền Tây Nam bộ chế độ điền địa đã phân rõ ranh giới giữa người nghèo, người giàu. Những điền chủ, Hội đồng có từ vài chục đến hàng trăm mẫu ruộng. Bên cạnh đó là những tá điền phải mướn ruộng, mướn trâu để canh tác. Cuối mùa, tá điền phải đóng lúa ruộng cho chủ…
Nghề chăn trâu
Những địa chủ còn nuôi vài chục đến cả trăm con trâu để cho tá điền mướn. Những nhà giàu nhỏ hơn cũng có chục ngoài con trâu để cày bừa đất nhà, còn dư công thì cày mướn cho những người nghèo hơn, không mua nổi trâu,… Trâu nuôi nhiều cần có người chăn giữ. Mùa nắng hạn, khi lúa ngoài đồng đã thu hoạch thì thả lan trâu ở cánh đồng nhiều cỏ hoang nào đó để dưỡng sức trâu. Khi gần đến mùa gặt thì đến lùa trâu về.
Trong nhà những người nuôi trâu nhiều thường có những người ở coi giữ trâu, dân gian gọi là “làm bạn”. Những người này có thể là đứa bé trên chục tuổi đến cả những thanh niên, lão niên. Họ có một điểm chung là nhà nghèo, phải ra thân đi ở cho nhà chủ. Những ngày làm đồng, chính họ là những người vừa coi giữ trâu, vừa cầm cày, cầm trục. Tối lùa trâu về chuồng thì họ ngủ ngoài chuồng trâu để canh phòng trộm.
Suốt ngày ở ngoài đồng, cơm vắt, cơm nắm đem theo. Chiều về được ăn bữa cơm chiều ở nhà dưới với những gia nhân khác. Thường thì có hai dạng người ở, họ ở để trừ nợ mà gia đình, cha mẹ họ còn thiếu nhà chủ, hoặc được chủ mướn, họ ở để lấy tiền công, công ở được tính bằng lúa.
Hình ảnh người ở làm bạn coi trâu với cái quần xà lỏn, chiếc áo rách vai, rách vạt vá chằng vá đụp, cái nón lá, gắn liền và thân thuộc với họ trong những tháng ngày đi ở. Nhiều khi mắc lỗi, họ bị nhà chủ quở trách, phạt vạ,…
Người ở mướn được trả công mỗi tháng chừng năm bảy giạ lúa. Đến tết, những người này cũng được cho nghỉ vài ba ngày để về nhà… ăn tết. Trước khi về, những bạn chăn trâu phải cắt cỏ để dự trữ cho trâu ăn. Ngày trước, sau khi thu hoạch lúa xong, người ta còn chất những cây rơm lớn ở sau nhà, gần chuồng trâu nhằm lo sẵn “cái ăn” cho con vật quen thuộc này. Ngày mùng 3 tết, khi chủ nhà cúng Ông bà chuồng tạ ơn trâu thì những bạn ở cũng quay trở lại để tiếp tục công việc của mình.
Gần tết, chủ nhà cũng sẽ sắm cho bạn ở vài ba bộ quần áo mới. Những chủ tốt bụng còn lì xì thêm cho em út hoặc con cái những người này ít giạ nếp, thúng gạo, thùng muối… để họ ăn tết.
Những ngày nông nhàn, khi trâu đã được thả rông, những bạn ở sẽ làm những công việc khác như giã gạo, chẻ tre, đốn củi, hoặc đào mương, sên lại các ao, đìa trong vườn của nhà chủ.
Có người ở một vài năm, có người ở với chủ suốt mấy chục năm liền. Có khi nhà chủ còn đứng ra cưới vợ cho họ, rồi lại cho ở đậu trên miếng đất trống nào đó. Con cái của họ lớn lên, nhiều khi chưa thoát khỏi kiếp nghèo lại tiếp tục công việc của cha chúng ngày trước. Đời này, kiếp khác, cứ thế nối tiếp,… Có lẽ trong hoàn cảnh đó, người dân vẫn có niềm tin rằng: không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời là vậy!
Một câu ca quen thuộc trong dân gian tái hiện tình cảnh đó:
Trâu anh con cưỡi con dòng,
Lại thêm con nghé cực lòng thằng chăn.
Câu ca cho người đọc hôm nay cảm nhận tương đối đầy đủ mảnh đời của những người đi ở mướn, “làm bạn” ngày xa xưa đó.
- Xem thêm: Tiếng gà xa vắng
Nghề chèo mướn
Những người nghèo, ngoài việc mướn đất cấy cày, khi mùa vụ đã xong, họ tranh thủ thời gian rãnh rỗi để làm mướn kiếm thêm.
Ngày trước, phương tiện đi lại chủ yếu của người miền quê vùng sông nước là ghe, xuồng. Xuồng thường được bơi bằng dầm di chuyển trong quãng đường ngắn. Những chiếc ghe nhiều loại lớn nhỏ khác nhau đều được gắn 2 chèo, 3-4 chèo hay nhiều hơn. Những nhà giàu, những vị hương chức hội tề, những điền chủ,… muốn đi một quãng đường xa, thường mướn người chèo ghe. Tùy theo đường xa gần, người ta có thể mướn 2-3 người hoặc nhiều hơn để thay phiên chèo. Họ là anh nông dân khỏe mạnh, ở cùng làng, cùng xóm “bán sức” mình để kiếm chút đỉnh tiền công.
Những người bỏ tiền ra mướn thì khăn đống áo dài ở trong mui ghe, khi ngồi uống trà đàm đạo, khi mệt thì nằm nghỉ. Những trạo phu chèo mướn bên ngoài ra sức cho ghe lướt đi. Trời nắng, nước ngược gió ngược là những thử thách mà những người chèo mướn thường phải đối mặt. Đến nơi, chủ lên nhà, lên đình hoặc đến dinh quan lớn có việc, năm ba anh em bạn chèo ghe tranh thủ ăn vội những vắt cơm đem theo để lấy sức, chuẩn bị quay về. Nếu đi xa hơn, phải qua đêm, những trạo phu nghiệp dư này phải chuẩn bị đem theo chiếc nóp để ngủ lại luôn trên ghe.
Nếu người mướn là các bà chủ thì theo ghe còn có con cháu hoặc đi nhiều người. Ít có trường hợp một bà chủ đi với một, vài anh chèo mướn.
Khi máy đuôi tôm được nhập vào vùng đất này, những chiếc ghe lớn thường được gắn động cơ chạy bằng xăng, dầu và… nghề chèo ghe mướn cũng đã lùi xa vào dĩ vãng.
Nghề vác lúa mướn
Một nghề kiếm cơm khác cũng nặng nhọc không kém chèo ghe mướn là vác lúa mướn. Vào mùa gặt, đập lúa, những điền chủ, Hội đồng thu lúa ruộng của tác điền rồi vô lẫm. Những tá điền lực lưỡng sẽ… tham gia vác mướn. Lúa được xúc vào giạ và có người đỡ lên vai cho người vác. Người vác qua cửa lẫm sẽ nhận một thẻ từ tay người được phân công giao tính tiền công. Cứ đến thẻ thứ mười sẽ được đổi thành một thẻ lớn hơn (thử chục), mười thẻ chục được đổi thành thẻ trăm,…
Cuối ngày, người nào vác nhiều hưởng nhiều, vác ít hưởng ít. Sau này, khi những ghe chài từ Sài Gòn, Mỹ Tho xuống miệt Hậu Giang, Cà Mau “ăn lúa” thì việc vác lúa từ lẫm xuống ghe cũng do những người làm mướn này đảm nhận.
Công việc nặng nhọc, đến chiều người làm mướn ê ẩm vai, đau mình dữ dội. Âu đó cũng là cái giá của chén cơm manh áo mà phận nghèo phải chấp nhận, chịu đựng. Có người vác mướn nhiều đến lúc già bị nhiều căn bệnh rất thảm thương hành hạ họ trước khi tiễn họ về với đất!
- Xem thêm: Cảm xúc đi trên thân đòn gánh!
Nghề cấy, gặt mướn
Một công việc làm mướn nữa vốn đã từng tồn tại một thời gian dài trên vùng đất này, đó là những người chuyên làm nghề đi cấy mướn, gặt mướn.
Những người trong làng xóm, khi cần giúp nhau thì họ chỉ vần công, ít có chuyện tiền nong chen vào. Người gặt thuê, cấy mướn mà chúng tôi đề cập ở đây là những người ở vùng miền khác, họ di chuyển chuyển trên những chiếc xuồng, ghe, đi thành đoàn xuống các điền… bán sức lao động.
Gia tài của người đi cấy, gặt mướn ngoài chiếc xuồng có mui là những chiếc nọc cấy, những chiếc vòng gặt vài cái nóp, ít lon gạo, nồi xoong. Họ còn đem theo vài tay lưới, miệng chài, ít chục câu để kiếm cá ăn dọc đường. Đến đâu, họ đậu xuồng lên bờ xin củi, xin nước nấu nhờ bữa cơm. Cá, tôm sẵn trên ruộng trên sông rạch được chài bắt lên ăn. Đời sống của người làm mướn đơn giản như vậy.
Trăng non rồi trăng già, hết mùa lúa này đến mùa lúa khác, và như một tập quán quen thuộc, nhóm đã cấy, gặt năm ngoái ghé lại điền nào thì năm họ lại đến điền ấy dừng ghe, dừng xuồng và bắt đầu mùa gặt lúa mới. Khi đã quen, nhiều khi ghe cấy, xuồng gặt tới, họ còn đem theo ít cây nhà lá vườn để biếu cho chủ điền hay những người đã giúp đỡ, cưu mang họ những năm trước.
Họ tá túc dưới bóng bần, gốc sộp, tán mù u,… dần dà họ quen với tá điền, để rồi sau những buổi làm lụng vất vả ngoài đồng, họ lại đến với nhau bằng chung trà ly rượu. Có lẽ gì thế tình thâm càng khắng khít.
Hơn thế, vào những dịp này, trai gái trong điền cùng dân cắt lúa cũng có những giao tiếp chuyện trò qua lại và rồi tình cảm đâm chồi nẩy nhánh làm thành những mối tình quê chơn chất vừa đẹp vừa lãng mạn biết bao. Các ông, các bà gia giáo có thể quở trách những mối tình vụng trộm ấy, nhưng với tuổi trẻ thì cái thuở đi cấy, gặt rồi yêu thương nhau là thời kỳ đẹp nhất trong đời họ.
Dường như ngày xưa, đoàn ghe cấy, xuồng gặt lúa nào cũng gặp những mối tình trai gái ấy, nhưng cuối cùng ít có ai nên vợ nên chồng, phần vì đường sá xa xôi, cuối mùa người về, người ở đâu có gì để liên lạc nhau. Người đi, kẻ ở cảnh biệt ly không thể tránh khỏi. Nó chính là nguồn cảm hứng cho biết bao câu hò, khúc ngâm dân gian ra đời.
Đến hồi buồn kết:
Tay đuổi chim, tay cầm cần vụt,
Mãn mùa rồi xí hụt, anh ơi.
Những chiếc xuồng cấy mướn, gặt mướn của những chàng trai xứ Long Tuyền, Bình Thủy (nay thuộc Cần Thơ), đến điền của địa chủ vùng Cổ Cò, Bãi Xàu, Lịch Hội Thượng,… (Sóc Trăng) làm mướn được soạn giả Điêu Huyền tái hiện trong vở cải lương Tiếng hò sống Hậu và Đoàn cải lương Sài Gòn dàn dựng năm 1978 đến nay vẫn còn âm vang trong đời sống của người dân miền Tây chân chất này.
Người cấy, gặt mướn được trả công bằng lúa. Ngày xưa, giá một công cấy hoặc gặt một công lúa mùa là một giạ lúa hột. Xong việc ở đồng này, những đoàn người cấy, gặt mướn sẽ di chuyển xuồng sang điền khác. Chừng tháng sau, lúa công cấy, gặt, được người làm mướn quay lại gom mà chẳng lo ai giựt mất cả. Hết mùa, từng đoàn ghe xuồng làm mướn chở những xuồng lúa đầy ắp về quê.
Ngày nay, khi không gian văn hóa đã thay đổi, nhiều tập quán xưa cũng không còn. Những nghề làm thuê mướn xưa cũng nằm trong quỹ đạo ấy. Đời sống của người bình dân đã thay đổi theo chiều hướng tích cực. Những nghề kiếm cơm để sanh tồn của người nghèo xưa, nay đã hoàn toàn vắng bóng. Nét sinh hoạt ấy đã trở thành một trong những biểu hiện của văn hóa miền quê, có điều nét văn hóa xưa chỉ còn thấp thoáng ẩn hiện trong tiềm thức và sách vở mà thôi!