Men in Black: International vừa ra rạp cuối tuần qua đã nối dài thêm danh sách mùa phim hè với nhiều bộ phim hấp dẫn cùng những phần tiếp theo của nó.
Phần 4 Men in Black: International (Đặc vụ áo đen: Sứ mệnh toàn cầu) vẫn tiếp tục “truyền thống” đặc trưng của chuỗi phim này: sự kết hợp giữa hai thể loại phim hành động và phim hài.
Từ phần thứ 4 của sê-ri phim đình đám…
Men in Black: International lấy bối cảnh vào năm 2016, trước khi đặc vụ J và K trở thành huyền thoại. Phim kể về Molly – cô bé tình cờ phát hiện ra một tổ chức mặc áo đen kỳ bí. Hai mươi năm sau, nỗ lực của Molly đã mang đến cho cô cơ hội trở thành đặc vụ thực tập tại London. Tại đây cô chạm trán H và Hight T, tất cả đều bị cuốn vào trong cuộc chiến nhằm bảo vệ một loại vũ khí bí mật khỏi những sinh vật sở hữu năng lực vô biên trong vũ trụ.
Nội dung phim rất đơn giản với những tình tiết chuyển biến được xây dựng nhanh nhưng không khó hiểu, có thể dự đoán được cốt truyện và diễn biến các tình huống sau khi theo dõi phim được khoảng 15 phút. Thậm chí nếu khán giả đã quá quen với các bộ phim của Hollywood có thể đoán ra ngay được nhân vật phản diện trong phim. Chất lượng nửa đầu bộ phim hơi yếu, tuy nhiên càng về cuối càng được cải thiện hơn khi cuộc chiến bước vào giai đoạn căng thẳng nhất mà vẫn không thiếu những tiếng cười sảng khoái với diễn xuất hài hước của H.
Men in Black: International gần như có một cuộc thay đổi lớn so với các phần trước. Chiếc ghế đạo diễn phim được chuyển cho F. Gary Gray – đạo diễn của The Fate and the Furious (2017). Thay thế bộ đôi Will Smith – Tommy Lee Jones, Men in Black: International giới thiệu hai nhân vật mới do Tessa Thompson và Chris Hemsworth thể hiện. Họ lãnh trách nhiệm thổi luồng gió mới cho thương hiệu đã có tuổi đời kéo dài hai thập niên.
Yếu tố “cũ” còn lại của loạt phim này là giám đốc sản xuất đã gắn bó với loạt phim Men in Black từ bộ phim đầu tiên phát hành năm 1997: Đạo diễn nổi tiếng Steven Spielberg, cũng như tạo hình quen thuộc của các nhân vật chính với đồng hồ đeo tay Hamilton Ventura, bộ suit đen họ luôn mặc đi cùng cặp kính đen và chiếc máy xóa trí nhớ trứ danh.
…đến câu chuyện cũ của phim Việt
Những ai đã xem xê-ri phim Men in Black sẽ dễ dàng bắt gặp chiếc đồng hồ Hamilton xuất hiện trên cổ tay các nhân vật trong nhiều bộ phim bom tấn hành động khác của Hollywood. Tính đến nay nó đã có mặt trong hơn 500 bộ phim và chưa gây ra hiệu ứng… phản cảm nào.
Câu chuyện các thương hiệu, đặc biệt là các nhãn hàng danh tiếng, xuất hiện trong các bộ phim vốn không xa lạ với điện ảnh nước ngoài. Vấn đề là xuất hiện như thế nào và có khéo léo hay không, để khán giả vẫn chấp nhận được mà không ảnh hưởng đến mạch cảm xúc theo dõi bộ phim.
Nhiều người trong giới điện ảnh xứ ta khi xem Men in Black: International đã thừa nhận điều này trong khi ở một số bộ phim Việt lại là một câu chuyện khác hẳn. Đã 16 năm kể từ khi phim Gái nhảy của đạo diễn Lê Hoàng ra đời, dù đó không hẳn là phim thương mại đầu tiên có lồng quảng cáo vào nhưng là bộ phim chiếu rạp gây chú ý nhất thời điểm ấy. Gái nhảy cho công chúng biết thế nào là khái niệm quảng cáo trên phim và trở thành… điển hình của chuyện quảng cáo khá lộ liễu!
Trong phim có đoạn khá dài hai nhân vật chính khiêu vũ, sau đó cả hai cùng kêu cái tên điện thoại Samsung, “y chang” clip quảng cáo của nhãn hàng này đang tung ra lúc ấy, nhưng gượng gạo hơn. Chưa kể, để quảng cáo cho xe Suzuki Vitara mới ra thị trường khi đó, ca sĩ Quang Dũng trong vai một ngôi sao nổi tiếng trong phim đi xe biển số… LD (biển số xe của các công ty liên doanh hoạt động tại Việt Nam).
Còn trong Vẽ đường cho yêu chạy, nhân vật nữ trong phim nói với bạn cùng phòng: “Sao không đi Grab taxi cho rẻ?”. Ở phân cảnh khác của bộ phim, một nhân vật nói với bạn: “Yên tâm, mình đã gọi Grab taxi rồi” và chìa chiếc điện thoại Oppo cho bạn biết mình đã dùng ứng dụng để gọi Grab taxi.
Hay như trong Ngày nảy ngày nay mà Ngô Thanh Vân lần đầu làm đạo diễn, một số cảnh quay nhân vật đi xe máy Yamaha quá lộ liễu đến độ cắt đoạn phim này đủ làm thành clip quảng cáo! Cũng may, là nhà sản xuất kiêm đạo diễn đã sửa sai trong các dự án điện ảnh sau đó của mình.
Cũng quảng cáo cho xe taxi công nghệ Frab (và nhãn hàng sữa chua lên men), nhưng Chị trợ lý của anh, tác phẩm đầu tay của nhà sản xuất Mỹ Tâm kiêm diễn viên chính Mỹ Tâm đã không gây phản cảm như các bộ phim nêu trên. Mỹ Tâm cho biết: “Tôi có may mắn được nhiều nhãn hàng yêu thích mời quảng cáo sản phẩm, nên việc vận động họ tham gia vào dự án điện ảnh đầu tay của mình khá thuận lợi.
Tuy nhiên, quan trọng vẫn là sự xuất hiện và tần suất hợp lý. Điều này rất khó, không chỉ đòi hỏi khả năng của đạo diễn, mà còn là sự kiên quyết, uyển chuyển khi làm việc với nhãn hàng và cho họ hiểu được sự xuất hiện như thế là hợp lý, vừa đủ, không thêm không bớt”. Nhưng với thực tế hiện nay, không phải ai cũng có tiếng nói cứng, “quyền lực” như Mỹ Tâm!