Trong phiên bế mạc kỳ họp thứ 7 vào cuối tuần qua, Quốc hội đã thông qua nghị quyết về tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị, trong đó có vấn đề người Việt Nam đứng tên mua nhà, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, thuê đất cho người nước ngoài.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo, qua giám sát, một số địa phương phản ánh có hiện tượng này, tuy nhiên, đoàn giám sát chưa có thông tin chính thức, do vậy, để bảo đảm tính thận trọng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội không đưa nội dung trên đây vào Điều 1 của dự thảo nghị quyết, để trong thời gian tới Chính phủ chỉ đạo rà soát thực trạng, nghiên cứu, ban hành cơ chế, chính sách nhằm quản lý, xử lý nghiêm các vi phạm.
Liên quan đến vấn đề này, trước đó, Bộ Công an khẳng định có tình trạng doanh nghiệp, cá nhân người Trung Quốc “núp bóng” người Việt mua bán bất động sản tại các khu vực ven biển để chuyển mục đích sử dụng sang đất thương mại, dịch vụ hoặc thuê diện tích đất dọc ven biển, khu vực biên giới biển, biên giới đất liền; thâu tóm các vị trí đất đẹp, trung tâm.
Với nghị quyết sau giám sát, Quốc hội yêu cầu Chính phủ rà soát thực trạng, nghiên cứu, ban hành cơ chế, chính sách để quản lý, xử lý nghiêm việc người Việt Nam đứng tên thay cho người nước ngoài để mua nhà, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, thuê đất trái pháp luật.
Vấn đề này từng được nhắc tới nhiều lần trước đó, đặc biệt là tình trạng người Trung Quốc đứng tên mua đất tại Việt Nam. Ngay tại kỳ họp Quốc hội diễn ra hồi tháng 11 năm ngoái, trong kiến nghị gửi Quốc hội, cử tri thành phố Đà Nẵng phản ánh, theo dư luận hiện nay có nhiều người Trung Quốc mua đất dọc ven biển nước ta thông qua việc nhờ người Việt Nam đứng tên hộ.
Tại thời điểm đó, trả lời về vấn đề này, Bộ Công an khẳng định, nhằm quản lý chặt chẽ quỹ đất, bảo đảm an ninh, quốc phòng, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, Luật Đất đai và Nghị định quy định chi tiết thi hành đã có những quy định cụ thể. Hiện tại cũng chưa có bất cứ cơ quan chức năng nào cung cấp số liệu thống kê về số người nước ngoài mua nhà tại các dự án ở Việt Nam.
Về nguyên tắc, người nước ngoài được phép mua nhà tại Việt Nam, tuy nhiên để mua được nhà ở phải đáp ứng điều kiện nhất định. Theo khoản 1 Điều 59 Luật Nhà ở 2014 thì tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam gồm:
– Tổ chức, cá nhân nước ngoài đầu tư xây dựng nhà ở theo dự án tại Việt Nam theo quy định của Luật Nhà ở và pháp luật liên quan.
– Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp nước ngoài, quỹ đầu tư nước ngoài và chi nhánh ngân hàng nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam (gọi là tổ chức).
– Cá nhân nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam.
Người nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam thông qua hai nhóm hình thức sau:
– Đầu tư xây dựng nhà ở theo dự án tại Việt Nam.
– Mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế nhà ở thương mại bao gồm căn hộ chung cư và nhà ở riêng lẻ trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở, trừ khu vực bảo đảm quốc phòng, an ninh theo quy định của Chính phủ.
Tại một hội nghị bất động sản, bà Dương Thùy Dung, Giám đốc cấp cao Công ty Nghiên cứu thị trường CBRE, tiết lộ một thống kê qua các giao dịch thành công tại các dự án do công ty này phân phối cho thấy, tỷ lệ người Trung Quốc mua nhà tại TP. Hồ Chí Minh đạt 31%, trong khi người Việt Nam chỉ đạt 24%.
Những con số này cho thấy nhu cầu đầu tư của người Trung Quốc nói riêng và nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường bất động sản Việt Nam là có thật.
Ngoài ra, theo quy định của pháp luật thì người nước ngoài không được phép mua đất nền, do đó có thông tin phản ánh về tình trạng người Trung Quốc đã thuê người Việt đứng tên để mua.
Ngoài thị trường đất nền, các phân khúc bất động sản khác của Việt Nam cũng đang rất hấp dẫn người nước ngoài, không chỉ riêng nhà đầu tư đến từ Trung Quốc.
Tại một diễn đàn bất động sản diễn ra mới đây, trả lời câu hỏi “Thời gian qua khách nước ngoài tìm kiếm mua nhà tại Việt Nam có tăng không và họ chủ yếu tìm mua những phân khúc nào?”, ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội cho biết, theo ghi nhận của Savills, nguồn cầu của khách nước ngoài, nhất là khách mua cá nhân đang tăng rất nhanh.
Theo ông Matthew Powell, với những dự án cao cấp, lượng bán cho người nước ngoài rất nhanh, nguồn cung gần như không đủ cầu: “Thị trường bất động sản Việt Nam đang thu hút được nhiều sự chú ý của các nhà đầu tư nước ngoài. Hằng ngày Savills vẫn luôn gặp gỡ các nhóm khách hàng đẩu tư bày tỏ mối quan tâm, rất nhiều trong số đó là các nhà đầu tư lần đầu tìm hiểu về việc đầu tư vào thị trường Việt Nam. Các nhóm khách hàng này chủ yếu đến từ các nước trong khu vực – Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Hong Kong, Singapore. Ngoài ra còn có cả các quỹ đầu tư đến từ Mỹ và châu Âu; và các quỹ đầu tư toàn cầu hiện cũng đang tích cực nghiên cứu đầu tư vào Việt Nam”.
Theo chuyên gia của Savills, tất cả các phân khúc thương mại và nhà ở đều đang được nhắm tới. Nhu cầu đầu tư vào thị trường là rất lớn, tuy vậy số lượng giao dịch còn hạn chế trong năm 2018 và 2019 bởi số lượng dự án được nhà đầu tư chào bán rất hạn chế.
Sau vi phạm của các quan chức liên quan đến ngành mình quản lý như công an, giáo dục, hiện đang đối diện với luật pháp, thì mới đây “căn bệnh” này lại lan sang ngành thanh tra với hành vi ăn hối lộ doanh nghiệp gần 250 triệu đồng. Chính phủ đang tỏ ra cương quyết xử lý vụ tiêu cực này.
Văn phòng Chính phủ cho biết, vừa qua báo chí phản ánh về vụ việc Đoàn Thanh tra Bộ Xây dựng bị công an tỉnh Vĩnh Phúc lập biên bản, tạm giữ về hành vi “vòi tiền” trong quá trình thanh tra tại huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa yêu cầu Bộ Công an chỉ đạo công an tỉnh Vĩnh Phúc và các đơn vị chức năng khẩn trương xác minh, điều tra làm rõ vụ việc để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả trước ngày 1-8-2019.
Trước đó, công an tỉnh Vĩnh Phúc thông báo ngày 12-6 đã bắt quả tang, khám xét nơi làm việc tại Ủy ban nhân dân huyện Vĩnh Tường của bà Nguyễn Thị Kim Anh (44 tuổi, Phó trưởng phòng Phòng chống tham nhũng – Thanh tra Bộ Xây dựng) và ông Đặng Hải Anh (38 tuổi, chuyên viên thanh tra phòng Thanh tra Xây dựng 2, Thanh tra Bộ Xây dựng). Hai người này đang bị tạm giữ ở trại tạm giam do công an tỉnh quản lý.
- Xem thêm: Vốn đổ vào bất động sản quá nhiều
Cơ quan điều tra cáo buộc bà Kim Anh và ông Hải Anh đã nhận hối lộ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ thanh tra công tác quy hoạch, quản lý thực hiện quy hoạch được phê duyệt, công tác cấp phép xây dựng, quản lý sau cấp phép và quản lý đầu tư tại một số dự án ở huyện Vĩnh Tường.
Đoàn Thanh tra Bộ Xây dựng gồm năm người do bà Kim Anh làm trưởng đoàn về làm việc tại huyện Vĩnh Tường từ giữa tháng 4. Ngày 12-6, đoàn bị công an lập biên bản với nghi vấn “vòi vĩnh” tiền tại địa phương.
Ngày 13-6, Bộ Xây dựng cho biết, vụ việc trên bắt nguồn từ việc Bộ Xây dựng năm 2019 tổ chức đoàn thanh tra về công tác quy hoạch trên địa bàn huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc, theo kế hoạch đã được Bộ trưởng phê duyệt.