Âm nhạc là ngôn ngữ tình cảm có khả năng lay động tình cảm con người, cảm hóa người học nhằm tạo nên sự thay đổi. Học đàn ban đầu có thể xuất phát từ một hình ảnh thị giác, nhưng đây là khởi đầu cho một hành trình khám phá và phát huy những gì đang còn ngủ quên, tiềm tàng bên trong mỗi cá nhân.
Trong quá trình dạy học, tôi nhận được nhiều câu hỏi từ phía phụ huynh, đa số là những vấn đề liên quan tới giáo dục âm nhạc. Điều này phản ánh một thực tế, trong khi nhiều người nhận thấy sự cần thiết của âm nhạc, nhưng lại khá mù mờ về phương diện giáo dục.
Giáo dục âm nhạc nói riêng và thẩm mỹ nói chung tuy là nội dung quan trọng trong cơ sở đào tạo, nhưng qua những câu hỏi mà phụ huynh đặt ra có thể thấy còn nhiều khoảng trống cần bổ khuyết bằng hoạt động thực tiễn nhằm đưa âm nhạc đến gần người học hơn, kể cả phụ huynh, đồng thời giúp nâng cao năng lực hưởng thụ nghệ thuật.
Trẻ nên học nhạc từ khi nào?
Theo ngành Tâm lý học, trẻ sơ sinh tính từ sau 28 ngày, em bé khoảng 1 – 2 tuổi; tuổi thơ là khoảng thời gian trước khi cắp sách đến trường (5, 6 tuổi), sau đó là tuổi vị thành viên và dậy thì (rơi vào khoảng 14 – 16 tuổi). Như vậy, trẻ em thuộc nhóm đối tượng kéo dài từ giai đoạn sơ sinh đến tuổi dậy thì.
Mục đích của giáo dục âm nhạc là dạy và học các kỹ năng, kỹ thuật, nghệ thuật nhằm thỏa mãn nhu cầu thẩm mỹ. Công việc này bắt đầu từ khi trẻ sinh ra, thậm chí trước đó thai nhi đang còn trong bụng mẹ, sau 4 tháng tuổi đã có thể nhận biết âm thanh bên ngoài cơ thể người mẹ và giáo dục âm nhạc đã nhận lấy nhiệm vụ của mình. Giáo dục âm nhạc trong giai đoạn này gọi là Thai giáo.
Thời kỳ đóng vai trò then chốt diễn ra cùng với quá trình tiếp nhận ngôn ngữ. Đây là giai đoạn hết sức quan trọng. Trẻ thể hiện mạnh mẽ nhu cầu thông qua năng lực biểu cảm, bắt chước, bày tỏ niềm vui, bực tức… bằng hành vi, ngôn ngữ, cử chỉ, ánh mắt… Trên thực tế, không có đứa trẻ nào hoàn toàn giống nhau, kể cả các cặp song sinh.
Bởi vậy, trước khi áp dụng biện pháp giáo dục, chúng ta cần quan tâm, quan sát tỉ mỉ những biểu hiện, thay đổi tinh tế ở trẻ. Theo quan niệm Kinh Dịch, trẻ trước 7 tuổi thuộc giai đoạn Tiên thiên, ứng với quẻ Mông, nghĩa là mờ tối, mông muội… Trong thời kỳ này, các biểu hiện của trẻ đều xoay quanh tập tính tự nhiên, người xưa thường nói: “cha mẹ sinh con, trời sinh tính”.
Tính tình “trời sinh” ấy chính là những biểu hiện nhằm xác định cá tính, đặc trưng riêng ở từng đứa trẻ, thông qua đó nhà giáo dục lựa chọn, áp dụng phương pháp. Thay vì sử dụng một khuôn mẫu cho mọi trẻ em, chúng ta cần quan sát đối tượng cụ thể nhằm ứng dụng phương pháp phù hợp.
Đáng lưu ý, người đóng vai trò giáo dục trong giai đoạn đầu đời của trẻ chủ yếu là người thân, những nhà hoạt động không chuyên. Vì vậy, trước khi đảm trách công việc này, họ nên có sự chuẩn bị từ tri thức đến kỹ năng cần thiết.
Ở nhiều nước, cha mẹ và con trẻ cùng nhau tham dự những khóa học âm nhạc. Trên nền tảng đó, các thành viên sẽ xác lập vị trí, vai trò của mình nhằm tiếp tục tiến sâu vào địa hạt âm nhạc thông qua hoạt động ứng dụng âm nhạc tại gia đình.
Nên nhớ, đây mới là giai đoạn chuẩn bị cho quá trình tiếp nhận, học tập âm nhạc một cách nghiêm túc. Sau khi tham gia khóa học, người nhà dễ dàng nhận thấy sự cần thiết và tầm quan trọng của âm nhạc trong việc kiến tạo bầu không khí âm nhạc cho trẻ, qua đó tác động, ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển thể chất cũng như tinh thần ở trẻ.
- Xem thêm: Kindermusik – chương trình giáo dục âm nhạc dành cho trẻ nhỏ đầu tiên tại Việt Nam chính thức ra mắt
Nói tóm lại, trẻ có thể học nhạc từ rất sớm. Giai đoạn tiếp nhận ngôn ngữ kéo dài từ 12 đến 26 tháng tuổi là thời điểm thuận lợi để tiến hành song song việc giáo dục ngôn ngữ và âm nhạc.
Trước khi học nhạc, người nhà hoàn toàn chủ động cho con tiếp xúc âm nhạc bằng hát ru, tham gia trò chơi có sự hỗ trợ của âm nhạc, hóa thân vào các con vật, giả giọng, hát nhạo, nghêu ngao, ê a, nói với âm tiết mang tính chu kỳ… Gia đình kiến tạo bầu không khí âm nhạc bằng cách phát nhạc định kỳ.
Tất nhiên loại nhạc nào cần có sự lựa chọn cẩn trọng, theo một kế hoạch được thiết kế phù hợp lứa tuổi. Như đã nói, vấn đề khó khăn của giai đoạn này là cha, mẹ hay người thân đảm nhận vai trò truyền thụ.
Vì vậy, giáo dục âm nhạc cho trẻ bắt đầu sau khi giáo dục âm nhạc cho cha mẹ kết thúc. Nó giống như công tác chuẩn bị cho một tiến trình lâu dài. Nếu không, trẻ sẽ nhận sự thiệt thòi từ chính khiếm khuyết của cha mẹ.
Âm nhạc giống như sợi dây tình cảm nối trẻ với người thân và thế giới xung quanh. Những người đóng vai trò chăm sóc trẻ có thể sử dụng tiếng hát của mình để giao tiếp, tương tác.
Chẳng phải ngẫu nhiên mà trước khi loài người đến với xã hội hiện đại đã sáng tạo ra âm nhạc. Âm nhạc xuất hiện trong mọi nền văn hóa.
Nó giống như thuộc tính chung ở mọi dân tộc, mọi nền văn hóa. Trong các nền văn hóa âm nhạc lại có hát ru. Hát ru chính là bài học âm nhạc đầu đời mà trẻ tiếp xúc để rồi lãng quên.
Bên cạnh hát ru, đồng dao cũng là bài học thẩm mỹ đi kèm với kỹ năng, xung năng chơi. Đồng dao với đặc trưng vô tính thể hiện phần nào xung năng chơi, kích thích khả năng ứng biến, trí tưởng tượng, rèn luyện kỹ năng ghi nhớ, học cách tư duy… sáng tạo.
Ngày nay, khi những bài học âm nhạc đầu đời mất đi trong nhiều nền văn hóa, chúng ta cần bổ khuyến bằng các hình thức khác.
Các hình thức khác ấy làm tiếp công việc hỗ trợ trẻ trong hoạt động vui chơi, giải trí, tiếp nhận ngôn ngữ, tìm hiểu thế giới, rèn luyện trí nhớ, nâng cao khả năng biểu cảm, thể hiện âm thanh, điệu bộ… thông qua âm nhạc.
Thực hành âm nhạc cần có sự tham gia của người chăm sóc trẻ, tận dụng phương tiện nghe nhìn, máy nghe nhạc…
Tất nhiên, mỗi phương tiện đều có mặt ưu, khuyết riêng đòi hỏi người sử dụng thận trọng, từ âm lượng, thời lượng cho đến loại hình. Nên nhớ, giáo dục thẩm mỹ khác giải trí âm nhạc thuần túy.
Ở nhà, chúng ta có thể mở nhạc theo sở thích hay nhu cầu công việc, nhưng phát nhạc nhằm tạo môi trường giáo dục trẻ cần hướng tới mục tiêu đa dạng, đòi hỏi đầu tư nhiều công sức.
Trên hết, đó là trách nhiệm, hiểu biết, hành động của người lớn trong việc chuẩn bị hành trang, định hướng tương lai cho trẻ ngay từ hiện tại.
Trẻ mấy tuổi có thể bắt đầu học nhạc cụ?
Mỗi đứa trẻ có tính nết khác nhau, rồi chúng thay đổi nhanh chóng hay chậm chạp suốt năm tháng ấu thơ cho đến giai đoạn trưởng thành.
Bởi vậy, thay vì xác định độ tuổi học nhạc cụ ở trẻ, xin đưa ra một bộ khung co giãn, có khả năng dao động từ 3 đến 7 tuổi. Mọi đứa trẻ đều không hoàn toàn giống nhau, tuy có thể bằng tuổi nhau.
Vì thế, muốn xác định độ tuổi học nhạc cụ ở trẻ một cách chắc chắn, phụ huynh nên đưa con đến thầy cô giáo chuyên môn trắc nghiệm nhằm đảm bảo trẻ có cơ hội học tập sớm trong giai đoạn đầu đời. Trong trường hợp chưa thể học nhạc cụ thì cũng có sự chuẩn bị cần thiết.
Trẻ 3 tuổi nói chung đã có khả năng giao tiếp bằng ngôn ngữ, biết làm theo mệnh lệnh… Năng lực bắt chước, óc quan sát, trí nhớ… của trẻ ở giai đoạn này khá phát triển.
Chúng là những chỉ báo quan trọng giúp thầy cô giáo thiết kế chương trình học tập phù hợp với yêu cầu cao hơn trên nhạc cụ. Như đã đề cập, giai đoạn từ 3 đến 7 tuổi, tính cách trẻ rất khác nhau.
Từng đứa trẻ lại thay đổi trong khoảng thời gian này. Vì vậy, nếu trẻ 3 tuổi chưa thể học nhạc cụ, phụ huynh có thể sử dụng nhiều biện pháp thay thế cho trẻ tiếp xúc với âm nhạc, thay vì áp dụng trên một nhạc cụ, rồi bằng cách quan sát sự thay đổi, trao đổi với thầy cô giáo nhằm tìm ra thời điểm thích hợp.
Đối với đứa trẻ có tính hiếu động, phụ huynh đừng ngần ngại sử dụng các phép thử, như cho bé tham gia lớp học của anh chị lớn tuổi hay kể cả bằng vai phải lứa. Khi trẻ thiếu kiên nhẫn, mất khả năng tập trung, thầy cô giáo có thể thay đổi nội dung bài học, đừng quá chú tâm vào việc rèn luyện kỹ thuật chơi đàn.
Mỗi đứa trẻ chính là một tặng phẩm của tạo hóa. Trong chúng lại lưu giữ món quà mà tạo hóa ban tặng. Khám phá kho tàng ấy chính là sứ mệnh của nhà giáo dục. Không nên dùng một phương pháp áp dụng cho mọi đứa trẻ. Hãy áp dụng phương pháp tư duy “tùy duyên hóa độ” trong công tác bồi dưỡng, giáo dục trẻ trên cả phương diện thẩm mỹ.
Cách chọn nhạc cụ cho trẻ?
Trước khi quyết định chọn nhạc cụ cho trẻ, đừng ngần ngại cho chúng tiếp xúc, thể nghiệm, cảm nhận nhiều loại khác nhau. Sức hấp dẫn của một nhạc cụ nằm ở chính âm thanh phát ra. Những âm thanh đó sẽ dẫn trẻ đi xa, vào thế giới âm nhạc nhiệm mầu.
Vấn đề đặt ra là, nếu trẻ còn quá nhỏ, khoảng 3, 4 tuổi, thể chất, cấu trúc cơ thể chưa đáp ứng nhu cầu học tập một số nhạc cụ quá khổ, vậy phụ huynh nên hạn chế chủng loại nhạc cụ. Chẳng hạn trẻ 3 tuổi khó thể học thổi kèn saxophone, đàn harp, cello… Trong khi, chúng có thể học piano, mandoline, ukulele, violon, guitare size nhỏ… Những nhạc cụ này khá ổn định về cấu trúc.
Trẻ học làm quen trước những nhạc cụ phù hợp lứa tuổi giống như thời kỳ “quá độ”, sau đó tiếp tục điều chỉnh theo sở thích. Đến giai đoạn 6, 7, 8 tuổi, sự lựa chọn của trẻ đa dạng hơn, có thể mở rộng từ đàn phím sang đàn dây, nhạc cụ hơi, gõ hay nhạc cụ truyền thống…
Như đã đề cập, phụ huynh đừng ngại cho con tiếp xúc, thể nghiệm nhiều loại nhạc cụ khác nhau để chọn một hay vài thứ thật sự yêu thích nhằm đầu tư lâu dài.
Đứng ở góc độ nhạc cụ, nên hướng tới những chủng loại có lịch sử phát triển lâu dài và có bề dày văn hóa. Mặc dù chúng ta không phân biệt hay kỳ thị bất kỳ nhạc cụ nào, nhưng để chọn một nhạc cụ theo đuổi lâu dài, thiết nghĩ nên xem xét ý nghĩa biểu trưng và giá trị văn hóa của nó. Vì, một nhạc cụ không đơn thuần đóng vai trò công cụ phát thanh mà còn mang giá trị biểu trưng.
Tính chất biểu trưng này thể hiện và hình thành trong suốt quá trình lịch sử, không ngừng bổ sung bởi những đóng góp quý giá của nhà soạn nhạc, nghệ sĩ kiệt xuất. Chẳng hạn, trong kho tàng âm nhạc đàn piano, số lượng tác phẩm đã lên tới mức mà một nghệ sĩ chuyên nghiệp khó thể đàn hết. Trong quá trình học tập, người học vô hình trung được tiếp xúc kho tàng âm nhạc phong phú, vô giá.
Làm gì trước tình trạng cả thèm chóng chán?
“Cả thèm chóng chán” là hiện tượng phổ biến ở nhiều người, phản ánh bản tính lười biếng xét về mặt bản chất. Vì lười biếng, con người không ngừng sáng tạo ra nhiều phương tiện thay mình làm việc, từ máy móc, máy tính, điện thoại thông minh cho đến trí tuệ nhân tạo, nhưng có một thứ mà người máy không thể thay thế, đó chính là trái tim biết thổn thức, yêu thương, biết rung động trước cái đẹp và khao khát tìm kiếm ý nghĩa của cuộc sống.
Trước khi học đàn, cả học sinh và phụ huynh thường băn khoăn về mức độ khó khăn, song khó khăn thực sự đang chờ đợi không nằm trên cây đàn, mà nằm ở bản tính của người học. Để tạo nên sự thay đổi, chúng ta phải thay đổi bản thân. Đó là tiền đề trong hoạt động giáo dục.
Khi nghe âm nhạc, người thưởng thức có thể cảm thấy thích thú, ấn tượng với “giây phút thăng hoa”, nhưng giây phút ấy sẽ qua đi nhanh chóng và nhường lại chỗ cho sự bền bỉ, dẻo dai và một tinh thần phấn đấu không ngừng.
Trong quá trình học tập, một tác phẩm, một câu nhạc, thậm chí một động tác… đòi hỏi người học thực hành nhiều lần, lặp đi lặp lại một cách nhàm chán. Điều đó dễ tạo cảm giác mệt mỏi về thẩm mỹ. Nếu không rèn luyện tính kiên trì, người học khó thể vượt qua trở ngại, khó khăn, thách thức này.
Nếu bỏ dở giữa chừng, mọi sự cố gắng có nguy cơ trở về vạch xuất phách. Vì vậy, kiên trì, nhẫn nại, tinh thần kỷ luật là những đức tính cần rèn luyện trong quá trình học tập nhằm bảo toàn những gì đã học, đồng thời giúp người học vượt qua khó khăn, thách thức, đi từ tình trạng thụ động, tiêu cực đến chủ động, tích cực và tiến sâu vào lĩnh vực âm nhạc.
Ứng phó với tình trạng cả thèm chóng chán cần hiểu biết sâu về cả bản thân lẫn âm nhạc, tìm hiểu thay đổi, khả năng chuyển hóa trạng thái trong quá trình học tập. Sự thay đổi diễn ra âm thầm, thông qua đó người học tìm kiếm ý nghĩa. Chán nản là một cảm giác khó tránh. Nó xuất phát từ nhiều lý do, trong đó có sự mệt mỏi về thẩm mỹ và ý chí.
Nếu chán nản là hệ quả của việc tập luyện thường xuyên một vài kỹ thuật hay khúc luyện tập đơn điệu, người học có thể trao đổi với thầy cô giáo nhằm tìm kiếm giải pháp điều chỉnh phù hợp, trong đó có thời gian tập luyện, tính chất bài học cũng như gia tăng lượng bài học nhẹ nhàng, mang tính chất giải trí… Nếu cảm giác chán nản đến từ tác phẩm, có thể tập thêm phong cách khác, giảm lượng bài luyện kỹ thuật…
Còn sự chán nản xuất hiện thường xuyên, mang tính chất phản ứng, đối phó trước việc học thì đừng ngại áp dụng kỷ luật đối với bản thân nhằm tìm kiếm sự thay đổi.
Nên nhớ, chúng ta có thể thay đổi phương pháp, bài bản, kỹ thuật, phong cách… nhưng đừng bỏ cuộc, nếu đã xác định việc học này là đúng đắn, ý nghĩa và mang đến nhiều giá trị. Bỏ giữa chừng sẽ tạo khoảng trống giãn cách, đứt đoạn và làm tăng sự lãng phí trong quá trình học tập.
Âm nhạc giống như tình yêu, trải nghiệm cá nhân là tài sản không gì và không ai có thể thay thế. Thử hỏi, bạn có bao giờ nhờ người khác yêu hộ mình không? Đối với trẻ, chúng chưa thể hiểu thấu giá trị tiềm ẩn đằng sau việc học, nên cần có sự phối hợp, hỗ trợ của phụ huynh.
Phụ huynh nên duy trì việc học đều đặn của con, đồng thời tạo môi trường lành mạnh cho con chuyên tâm, chủ động tập luyện, tạo thói quen ổn định trong suốt thời gian học, bao gồm việc lên lớp và tập luyện tại nhà.
Đặc biệt, cha mẹ và con cái nên thống nhất với nhau khoảng thời gian tập luyện nhất định. Khi hoạt động này trở thành bình thường, chúng sẽ phát huy tác dụng.
Con người nói chung đều theo đuổi tự do, dù trong hoàn cảnh nào, từ suy nghĩ cho đến hành động. Song, để đạt đến tinh thần và hành động tự do đòi hỏi bộ công cụ hỗ trợ là nguyên tắc, kỷ luật.
Trên cơ sở đó, tinh thần tự do được hiện thực hóa thông qua hành động, chứ không dừng lại ở ước mơ hay suy nghĩ lởn vởn trong đầu.
Âm nhạc là một loại hình nghệ thuật thể hiện tinh thần tự do thực sự. Nó tựa như tình yêu đưa ta vào con đường khám phá bản thân và chân trời sáng tạo vô tận.
Âm nhạc thể hiện tinh thần tự do bằng cách tạo nên sự khác biệt, bản sắc độc nhất vô nhị ở từng cá thể. Ở trường học văn hóa, con trẻ có thể copy bài bạn để mang về điểm 10, nhưng đối diện trước cây đàn, không ai có thể làm thay chúng, kể cả cha mẹ, thầy cô giáo. Con trẻ thể hiện âm nhạc ra sao theo cách được lĩnh hội, hay hoặc dở không quan trọng, quan trọng là dở và hay một cách khác biệt.
Chẳng phải ngẫu nhiên, âm nhạc đã đạt nhiều thành tựu đỉnh cao trong lịch sử bằng sự xuất hiện hàng loạt nghệ sĩ, nhạc sĩ xuất chúng, sản phẩm băng đĩa chất lượng không ngừng chất đầy trên kệ, nhưng vẫn có những thế hệ mới xếp hàng nối nhau bước chân vào ngôi đền nghệ thuật.
Điều đó phản ánh tính chất cá thể, độc lập, độc đáo bên trong tòa thành âm nhạc. Người học đàn chính là chủ thể làm thay đổi mọi thứ. Hãy trao cơ hội cho con bạn khám phá bản thân và thế giới âm thanh nhiệm màu.
Một trong những triết lý dẫn dắt nền giáo dục thế kỷ XXI là “tương lai quyết định hiện tại”. Khi xác định mục tiêu ở tương lai, nó sẽ trở thành động lực giúp người học bứt phá, vượt qua rào cản trong hiện tại với sức mạnh bền bỉ, dẻo dai không ngừng rèn luyện, thăng tiến.
Để làm nên sự thay đổi kỳ diệu này đòi hỏi người học lấy bản thân làm thí nghiệm. Học đàn đã khó, nhưng rèn luyện tính nết càng khó hơn.
Vấn đề là, đức tính tốt, chuyên cần không tự nhiên mà có, đặc biệt là phẩm chất nhẫn nại, cẩn thận, chịu khó, bền bỉ, mực thước… Chúng được rèn luyện trong quá trình học tập.
Rèn luyện đức tính nhờ đến công cụ hỗ trợ. Trong trường hợp này, công cụ ấy chính là cây đàn. Đây là hai khía cạnh của một vấn đề. Một mặt chúng ta cần bản tính cần cù, chăm chỉ, bền bỉ, dẻo dai để có thể tiến xa trên con đường dài, một mặt nhờ đi đường dài mà chúng ta hình thành đức tính bền bỉ, dẻo dai, cần cù…