Du lịch được ví là ngành công nghiệp không khói, mang lại nhiều lợi ích cho con người, kể cả kinh tế đơn thần lẫn môi trường. Ngoài các tua du lịch truyền thống, gần đây còn xuất hiện cả những hình thái du lịch mới lạ, thậm chí còn trá hình dưới vỏ bọc du lịch.
1. Du lịch Tombstone
Du lịch Tombstone (Tombstone Tourism) là kiểu du lịch mới lạ, tới thăm nghĩa địa, hầm mộ, thăm nơi yên nghỉ của người quá cố. Rất đa dạng như thăm những người nổi tiếng, anh hùng dân tộc, liệt sĩ hy sinh vì đất nước…
Thậm chí cả những nhân vật tai tiếng, giàu có, hay những nhân vật khi sống là những tay găng-xtơ giang hồ cộm cán. Như Nghĩa trang Quốc gia Arlington ở Washington, Nghĩa trang Pere Lachaise ở Paris. Nghĩa trang Pere Lachaise, nơi nghỉ ngơi của ca sĩ Jim Morrison v.v.
Khách du lịch thường đến viếng, thắp hương, dâng hoa…, thậm chí còn để lại cả những điếu thuốc lá cháy dở, bản chép tay, son môi hay những vật dụng mà khi còn sống người quá cố ưa dùng.
Trào lưu du lịch Tombstone phổ biến từ thời Victoria ở Anh. Người Anh xây dựng những nghĩa trang đẹp, hiện đại với hy vọng trở thành những địa danh thăm viếng cho hậu thế. Ngày nay, mô hình du lịch này tại Anh khá thịnh hành nhưng người ta lại tránh xa các nghĩa trang liên quan đến thảm họa Thế chiến I và II.
2. “Du lịch ma túy”
“Du lịch ma túy” (Drug Tourism), là du lịch có mục đích duy nhất là kinh doanh, sử dụng ma túy. Đây là dạng du lịch khá thịnh hành ở những quốc gia sản xuất ma túy lớn như Colombia hay vùng Tam Giác Vàng châu Á.
Khách du lịch phương Tây và Úc thường đến Colombia chỉ để mua và sử dụng cocaine. Đơn giản ở Colombia, ma túy rất rẻ, ít nhất là theo tiêu chuẩn phương Tây hay ở Úc. Ví dụ tại Úc,1 gram cocaine được bán với giá 300 USD (6,6 triệu VNĐ) còn ở Colombia, giá chỉ có 7 đến 15 USD (160.000 đến 340.000 VNĐ). Có thể mua bán ngay trên đường phố mà không sợ bị bắt.
Người bán thường quẩn quanh gần tụ điểm du lịch hoặc đứng bên lề đường nhưng trong người lại có sẵn cocaine. Cảnh sát hiếm khi làm phiền người bán ma túy, miễn là họ được hối lộ. Đôi khi, cảnh sát còn ép cả du khách mua thuốc để được nhận hối lộ rẻ mạt 1 USD (khoảng 23.000 VNĐ).
3. Du lịch nguyên tử
Du lịch nguyên tử (Atomic Tourism) liên quan đến vũ khí hạt nhân. Khách du lịch thường đến thăm các bảo tàng hạt nhân, các khu vực được dùng để phát triển loại vũ khí này, hoặc những nơi đã bị tàn phá bởi vũ khí hoặc lò phản ứng hạt nhân.
Các điểm đến phổ biến là ở các cường quốc quân sự. Tại Mỹ có Bảo tàng Tên lửa Titan ở Tucson, Arizona, nơi đang bảo quản tên lửa hạt nhân. Ở đây, khách có thể khám phá, thâm nhập vào các khoang silo tên lửa.
Hoặc tìm hiểu các địa danh đã từng được dùng để thử nghiệm bom nguyên tử Trinity ở New Mexico, trái bom nguyên tử đầu tiên được kích nổ tại đây vào ngày 16 tháng 7 năm 1945. Tuy nhiên, khách chỉ được phép tới thăm các địa danh này 2 lần một năm, hoặc chỉ được đến thăm địa danh chính xác nơi bom nguyên tử được kích nổ.
Ngoài ra còn có Khu Bảo tồn hạt nhân Hanford (HNR), đây là liên hợp sản xuất hạt nhân ngừng hoạt động do Chính phủ Mỹ điều hành trên sông Columbia, thuộc tiểu bang Washington.
Đây cũng là nơi lò phản ứng hạt nhân đầu tiên được chế tạo, plutonium được làm giàu để phục vụ cho việc sản xuất trái bom nguyên tử đầu tiên. Bên cạnh HNR còn có Bảo tàng Khoa học và Năng lượng ở Oak Ridge, Tennessee, Bảo tàng Khoa học hạt nhân và Lịch sử Quốc gia ở Albuquerque, New Mexico.
Tại các địa danh này, du khách sẽ được hiểu thêm về lò phản ứng hạt nhân. Ngoài lãnh thổ Mỹ, có Bảo tàng Bom nguyên tử Nagasaki và Địa danh Hòa bình Hiroshima, nơi du khách có thể tìm hiểu về những trái bom nguyên tử đầu tiên được Mỹ ném xuống Nhật Bản trước khi Thế chiến II chấm dứt.
Còn tại Ukraine, du khách có thể tới thăm khu vực xung quanh Chernobyl, nơi xảy ra thảm họa hạt nhân vào năm 1986, đặc biệt là tới thăm thị trấn Pripyat hoang vắng nằm ở phía Bắc Ukraina, giáp với biên giới với Belarus bị bỏ hoang sau thảm họa kinh hoàng nói trên.
4. Du lịch ổ chuột
Du lịch ổ chuột (Slum Tourism) là hình thức du lịch có nguồn gốc từ phương Tây hay các nước giàu có, muốn tới thăm các khu dân cư nghèo nàn, ổ chuột ở các nước kém phát triển. Mục đích là thỏa mãn sự tò mò của con người, nhất là khi họ đã bỏ xa cuộc sống nghèo nàn.
Các điểm đến tập trung phổ biến ở một số vùng như Manila (Philippines), Rio de Janerio ở Brazil và Mumbai ở Ấn Độ. Kiểu du lịch này bùng nổ khiến nhiều quốc gia đón khách cũng không khỏi ngạc nhiên, thậm chí còn gây cả tranh cãi.
Trong khi những người ủng hộ thì cho rằng đây là cách để nâng cao nhận thức về đói nghèo, người phản đối thì cho rằng kiểu du lịch này mang tính phân biệt giàu nghèo, coi khinh tầng lớp hạ lưu vào nhắm vào người nghèo. Thật thú vị, nguồn gốc của kiểu du lịch này lại xuất phát từ Mỹ.
Vào thế kỷ 19, những người Anh ở London giàu có đã tò mò đến thăm khu ổ chuột mại dâm và ma túy ở New York và San Francisco, sau đó, nó lan rộng khiến ngành công nghiệp du lịch của Anh trở nên sôi động, thậm chí người ta còn thuê cả người đóng thế sử dụng ma túy hoặc cảnh đâm chém nhau ngay trên đường phố, cốt chỉ để đáp ứng hiếu kỳ của khách du lịch đến từ châu Âu mà bản thân du khách không hề hay biết.
5. “Du lịch Jihad”
“Du lịch Jihad” (Jihad Tourism) bùng nổ kể từ khi chiến tranh Syria xảy ra và Nhà nước Hồi giáo tự xưng (hay còn gọi là IS) ra đời và kiểm soát nhiều vùng lãnh thổ của Iraq và Syria.
Từ đây, một số quốc gia phương Tây phải đối mặt với việc gia nhập IS của người dân trong nước. Để đến được vùng đất nói trên, những người này phải nhờ đến du lịch, nên những người này được gọi là du khách Jihad.
Phần lớn là những người có gốc gác Hồi giáo nay rời khỏi đất nước mà họ đang định cư để tham gia vào một cuộc chiến mà thực ra không phải là việc của họ.
Thật thú vị, không phải tất cả các khách du lịch Jihad đều tham chiến cho IS mà nhiều trường hợp là đi du lịch thuần túy.
Đối với nhóm gia nhập IS, họ không có mục đích nào khác ngoài tham chiến khủng bố, thậm chí còn tuyên chiến khủng bố. Bản thân Osama bin Laden là một du khách thánh chiến, con người này từng rời Arập Xêút để chiến đấu cho cái gọi là Mujahideen (Du kích thánh chiến) tại Afghanistan.
Từ đây, hàng ngũ chóp bu của Mujahideen phần đông có nguồn gốc từ du lịch jihad. Nhiều nước quan ngại về hậu quả lâu dài của du lịch Jihad, đặc biệt là tiếp tay cho nạn du lịch khủng bố phát triển và cả những hậu quả khi những người này “giải ngũ” quay trở về chính quốc khi chiến tranh kết thúc.