Nếu hỏi nguyên nhân khiến một người nghiện internet, chắc chắn bạn sẽ trả lời: “Đó là do người đấy quá tệ trong việc tự kiểm soát, còn tôi thì không”. Điều này không sai nhưng, bạn có biết còn một lý do lớn hơn dẫn đến hệ quả ấy. Bằng cách dẫn dụ, lập trình thói quen lên mạng của người sử dụng, các mạng trực tuyến dễ dàng thao túng, cưỡng ép hình thành hành vi nghiện internet, và bạn có đang tự phụ không đấy khi chắc chắn mình không phải nạn nhân?
1. Nạn nhân tự nguyện
Trước đây, nhà tâm lý học B.F. Skinner của Mỹ từng thực hiện thí nghiệm nhằm lập biểu đồ các nguyên tắc hành vi nhất định ở chim bồ câu Pháp. Ông huấn luyện đám chim bằng cách cho chúng tập một thói quen có thưởng: Cứ mỗi lần mổ vào mặt kính hộp thử nghiệm thì được cho một miếng ăn. Skinner cũng đặt các khoảng thời gian khác nhau giữa các lần mổ. Ban đầu, mốc thời gian là 60 giây. Nếu cứ sau mỗi 60 giây mà con chim biết mổ vào mặt kính, một viên thức ăn sẽ nảy ra.
Tất nhiên, lũ chim không bao giờ làm chủ được khoảng thời gian. Skinner cũng cho thay đổi ngẫu nhiên, sau 5 giây, 50 giây hoặc 200 giây. Đối diện với sự bất ổn định này, đám bồ câu đã phát điên. Có con đạt tốc độ mổ trung bình 2,5 lần/giây trong suốt 16 giờ. Có con còn mổ đến 87.000 lần/14 giờ nhưng, những lần chúng mổ trúng thời điểm chỉ ít hơn 1% thời gian.
Giả sử chúng ta có một anh S là phóng viên. Gửi và nhận email là việc quan trọng đối với S. Thời gian hộp thư của S nhận email trung bình là 45 phút/thư. Email mới có thể đến sau 2 phút, cũng có thể là 3 giờ. S cũng chỉ có thể biết email đó là cần thiết hay chỉ là rác sau khi đọc. Điều này khiến anh luôn nhấp nhỉnh. Bất cứ khi nào có kết nối internet, S lập tức vào mạng và mở hộp thư điện tử. Ban đầu, anh đăng nhập email mỗi 30 phút. Dần dà, thời gian rút lại còn 5 phút, thậm chí là 2 phút/lần. Có phải hành vi của S cũng tương tự với bồ câu thử nghiệm của Skinner? Cả S lẫn đám chim bồ câu đều mắc lỗi mất tự chủ, nhưng ai mới thật sự là kẻ tạo nên cơ sự?
2. Kẻ thứ ba thao túng
Đầu thế kỷ 21, điện thoại thông minh (smartphone) bắt đầu mở cuộc chiếm lĩnh. Những ứng dụng như Facebook, email, Netflix, Twitter… tới tấp xuất hiện. Chỉ ba năm sau khi trình duyệt web đầu tiên chính thức đi vào hoạt động, các nhà tâm lý đã nói về khả năng nghiện internet. Khác với heroine, internet không giết người, mà còn có nhiều tiện ích. Cũng khác với bài bạc, pháp luật không cấm hay bắt phạt tội… nghiện internet.
Với tình trạng nghiện internet, chúng ta chỉ có hai đối tượng để đổ lỗi, internet hoặc người dùng. Internet không phải người hay vật thể. Nó là kiểu tồn tại vô hình, được tạo nên bởi hệ thống kết nối và giao thức. Nó không có sức mạnh vật lý để ép buộc con người. Chỉ có thể trách người dùng vì họ đã không giữ nổi mình. Tuy nhiên, nếu xét kỹ hơn một chút, bạn sẽ thấy xuất hiện kẻ giật dây trong bóng tối. Đó là những kẻ thiết kế trang web.
Không ít các công ty công nghệ cố ý tạo nên trang web khiến người dùng phải truy cập liên tục. Phần lớn các công ty này kiếm tiền bằng cách thu hút sự chú ý của bạn, số lượt xem và những cú click chuột. Để gia tăng thu nhập, họ lên chiến lược nuôi dưỡng thói quen lên mạng cho bạn, đặt mục tiêu giành được càng nhiều lượt truy cập càng tốt. Để làm được việc đó, họ thành lập các nhóm chuyên biệt, nỗ lực thu thập thông tin, xây dựng kho dữ liệu cá nhân hóa. Với hàng trăm nhà thống kê, phân tích, hệ thống máy móc thông minh, tân tiến nhất và nhân viên ưu tú được tuyển dụng từ các trường đại học hàng đầu, việc đánh bại ý chí của bạn đối với họ mà nói chỉ là trò chơi đơn giản.
3. Bốn bước dẫn dụ
Khi Hooked, cuốn sách hướng dẫn các nhà thiết kế trang web cách nắm bắt, dẫn dắt ham muốn của người dùng do tác giả Nir Eyal của Israel viết được xuất bản vào năm 2014, nó lập tức trở thành cuốn sách bán chạy nhất. Là chuyên gia tư vấn khởi nghiệp cho Thung lũng Silicon, Eyal dạy cho các nhà thiết kế trang web cái mà ông gọi là “tính chất gây mê” của những trang trực tuyến như Facebook, Pinterest. Mục tiêu của Eyal rất rõ ràng, đó là khiến người dùng duy trì hành vi truy cập mãi mãi. Chỉ cần bốn bước đơn giản, một thiết kế kỹ thuật số có thể điều khiển tâm trí bạn. Lấy Facebook làm ví dụ, bốn bước trên được tiến hành như sau:
- Thông báo bằng các tín hiệu.
- Bắt buộc phải kéo xuống, mở ra nếu muốn biết toàn bộ thông tin.
- Cho cơ hội thể hiện, bằng cách nhấn “Like” hoặc để lại nhận xét.
- Liên tục dẫn dụ cho đến khi người dùng không thể ngừng việc liên tục vào trang.
Với một con bạc, đánh bạc là điên cuồng theo đuổi một mục tiêu ảo. “Toàn bộ thời gian, không gian, bản sắc xã hội bị tạm khóa để tuân theo nhịp cơ học của một quá trình lặp đi lặp lại khác”, Natasha Schüll (Mỹ) ghi nhận. Càng tiếp tục, con bạc càng mất mát nhiều tiền của. Nếu con bạc làm giàu cho nhà cái thì bạn cũng vậy. Càng thường xuyên vào trang web, bạn càng giúp chủ sở hữu của nó kiếm nhiều tiền.
Ở thế giới cờ bạc, chúng ta cũng có xu hướng đổ lỗi cho con bạc. Những quân bài, con cờ tuy hữu hình hơn internet, nhưng cũng chỉ là công cụ. Nó không biết đúng sai hay dẫn dụ. Nhưng người tạo ra chúng thì biết. Dù Eyal khẳng định Hooked chỉ là cuốn sách “giúp mọi người sống vui vẻ, khỏe mạnh, kết nối, giàu có”, ông phải đối mặt với vấn đề đạo đức. Và dù Eyal chỉ đồng ý tư vấn cho các dịch vụ hữu ích như chăm sóc sức khỏe, ví dụ ứng dụng nhắc nhở người bệnh uống thuốc đúng giờ, Hooked của ông không có quyền lựa chọn website mà nó sẽ hỗ trợ. Không có gì lạ khi nó trở thành công cụ đắc lực cho các trang web khiêu dâm.
4. Cuộc chiến không cân sức
Eyal thường biện minh: “Những gì tôi viết chỉ là cách để thuyết phục chứ không phải là cưỡng ép”. Tương tự, các nhà thiết kế game bài bạc trực tuyến cũng nhấn mạnh rằng họ chỉ tạo ra những thứ mà người chơi muốn.
Chúng ta sử dụng internet vì chúng ta thích, muốn, cần. Chúng ta lên mạng để tìm kiếm giải trí, kết nối, thông tin. Nói cách khác, chúng ta ngầm đồng ý cho phép các trang web dẫn dắt, làm cho mình bị phân tâm. Còn các công ty công nghệ thì giỏi khuếch đại sự phân tâm ấy. Họ luôn đem đến cho chúng ta nhiều hơn cả mong đợi. Chuyện bạn chỉ định vào Facebook 10 phút nhưng rút cuộc lại ở lại đến 30 ngày chẳng có gì là lạ cả.
Cuộc chiến chống nghiện internet không phải là cuộc chiến giữa bạn và internet. Nó là cuộc chiến giữa bạn với các chuyên gia tâm lý, kỹ sư công nghệ, những người cố ý phá vỡ khả năng tự kiểm soát của bạn. Bất luận là về năng lực hay sự bền bỉ, bạn đều ở thế dưới cơ. Trong Hooked, Eyal để lại một lưu ý mong người áp dụng nó tự vấn lương tâm. Song nếu như người áp dụng không quan tâm vấn đề đạo đức, “không có gì có thể ngăn cản họ”, Eyal thừa nhận.
5. Quyền tự lựa chọn
Internet như một thư viện khổng lồ với vô số phòng đơn kết nối với nhau, mỗi phòng đều sẵn “đồ giá trị” để cấp cho người vào. Nhà cung cấp, tất nhiên, sẽ thu vé vào cửa. Một hệ thống cảm biến nhận biết truy cập được xây dựng. Bất cứ khi nào bạn vào một trang hay chuyển sang trang liên kết, một số tiền nào đó sẽ được chuyển vào túi của một ai đó. Được lợi, nhà cung cấp mở thêm ngày càng nhiều “cửa” mới, cả kể là liên kết đến trang trống.
Trong một thống kê của Farhad Manjoo (Nam Phi), có đến 38% các bài báo được mở từ trang liên kết không được đọc. Ít hơn 25% người đọc sách trực tuyến đọc đến trang cuối cùng, 5% chỉ nhìn vào tiêu đề rồi bỏ qua. Chúng ta đang sống trong thời đại “lướt”, và người được lợi từ nó chính là kẻ sở hữu trang web. Mọi cú nhấp, rê, kéo chuột của bạn đều là tiền bạc rót vào túi họ.
Để ứng phó với vấn đề đạo đức, các nhà công nghệ không ngừng tìm cách đáp ứng mọi yêu cầu của người dùng. Họ luôn tận lực phục vụ, lấy ý kiến phản hồi, cho phép tự cài đặt. Trừ khi bạn là người rừng, không lý gì lại không hài lòng với các tiện ích trực tuyến hữu hiệu thế này.
Trước tình trạng nghiện internet ngày càng cao, nhiều người chuyển hướng cơn giận vào các công ty công nghệ cao, gọi họ là “bố già internet” hay “ông trùm hắc ám”. Nhưng dù có tức tối đến mấy, nhân loại vẫn cần internet. Để tránh bị nghiện, ngoài tự lo ra chẳng còn cách nào khác. Bạn có thể sàng lọc các trang web, tắt một số thông báo từ các ứng dụng, cài đặt thời gian, cách thức, tần suất thông báo. Mọi trang web đều cho bạn quyền tự chọn.
Dẫu vậy, vẫn còn một điều khẩn xin bạn đừng quên. Đó là dù tâm lý bao nhiêu đi chăng nữa, các “thương gia internet” vẫn đặt mục tiêu tiền bạc lên hàng đầu. Bạn không thể trách họ bởi ngay cả chúng ta cũng vậy thôi. Vả lại, chỉ cần biết cách tận dụng, internet sẽ mãi là “kho lợi ích” bất tận. Khai thác hay bị khai thác là tùy bạn quyết hết.