Long Kan là cái tên không quá xa lạ trong giới thời trang. Những năm gần đây, anh lấn sân sang lĩnh vực đạo diễn và đã gây ấn tượng khi thực hiện các chương trình fashion show, đại nhạc hội… Mỗi chương trình được anh tạo dựng luôn có yếu tố độc – lạ, “có chuyện” để giới truyền thông được dịp bàn luận. DNSGCT đã có buổi trò chuyện với Long Kan khi anh đang tất bật chuẩn bị cho Fashion Voyage sẽ diễn ra ngày 18-5 tại đảo Bàn Chân, vịnh Hạ Long.
Năm ngoái làm fashion show trên cây cầu vàng ở Bà Nà (Đà Nẵng), năm nay anh lại chọn một hòn đảo nhỏ, xa khuất trong vịnh Hạ Long để làm sàn catwalk. Phải chăng việc chọn những địa điểm độc và lạ sẽ góp phần quyết định thành công của show?
Việc chọn địa điểm tùy thuộc vào cá tính của đạo diễn, của chương trình. Riêng với Fashion Voyage, Long Kan đã định hướng cần đưa thời trang thoát khỏi những sàn diễn khuôn khổ, để hòa vào vẻ đẹp kỳ vĩ của thiên nhiên, đồng thời xuất phát từ mong muốn quảng bá các thắng cảnh Việt Nam với bạn bè thế giới thông qua thời trang. Thành công của một show thời trang, nên được định nghĩa dựa trên nhiều yếu tố: tính thời trang, sáng tạo của các bộ sưu tập, đột phá của không gian trình diễn, hình thức tổ chức… Tính chất độc – lạ của địa điểm tổ chức chỉ là yếu tố thu hút và truyền cảm hứng chứ không thể quyết định thành công của show diễn.
Trong công việc đạo diễn, anh có bị áp lực là phải khác biệt, “chơi trội” hơn người khác?
Có người gọi Long Kan bằng mỹ từ “kẻ mê muội giữa những giấc mộng viễn du”. Áp lực với Long chính là được sống với hoài bão, luôn muốn tạo được những chương trình sáng tạo, đột phá, có ý nghĩa và truyền cảm hứng đến người khác nhưng vẫn giữ được cá tính và đam mê của mình. Bởi Long luôn quan niệm “Thành công là vượt qua chính mình”.
Khi xem các chương trình đại nhạc hội, có một điều dễ nhận ra là anh rất thích thực hiện ứng dụng visual art trên sân khấu, đó là thế mạnh của anh hay như nhiều người nhận xét anh đang lạm dụng hiệu ứng này?
Mình là dân kiến trúc, sau đó lại có thời gian làm đồ họa và hình ảnh nên có thể nói Long Kan khá tự tin về việc tạo dựng không gian thông qua visual art. Ranh giới giữa lạm dụng và phát huy là một sợi chỉ mong manh. Mình có thể mạo hiểm đứng trên ranh giới đó, nhưng sau tất cả khó ai phủ nhận được thành công của những chương trình mà mình đã thực hiện. Đôi lúc, để có thể “lạm dụng” hiệu ứng đó, bạn phải tự tin mình làm tốt trước đã. Vai trò của đạo diễn là sáng tạo và kết hợp những yếu tố để đánh thức các giác quan của khán giả chứ không chỉ để thăng hoa người nghệ sĩ trên sân khấu.
Có vẻ như Long Kan thích dựng cảnh hoành tráng, dùng nhiều đạo cụ trên sân khấu ca nhạc?
Long Kan vốn là người duy mỹ và luôn biết tận dụng những ưu thế của mình để thực hiện chương trình sống động hơn, đẹp hơn. Giữa thời buổi dày đặc các show diễn với các ca khúc được lặp đi, lặp lại liên tục cùng vài ca sĩ hàng top, rất cần tạo những bối cảnh hoành tráng giúp cho ca sĩ bớt “đơn độc” khi xuất hiện và luôn có cái mới dành cho khán giả. Vì vậy, Long Kan và ê-kíp luôn dành nhiều thời gian để thảo luận các hiệu ứng sân khấu nhằm tạo được ấn tượng mạnh nhất đến người xem.
Long Kan có giữ được bình tĩnh trước dư luận khen chê tác phẩm của mình?
Quan niệm về thưởng thức nghệ thuật vốn vô chừng, tùy theo góc nhìn, cảm thụ, tri thức, nhận biết… nên khó tránh khỏi việc khen chê các show diễn, các chương trình. Bản lĩnh của đạo diễn là luôn lắng nghe, đón nhận có chọn lọc. Những lời chê trách đôi lúc có giá trị tích cực giúp mỗi chương trình hoàn thiện hơn và cũng là động lực để phấn đấu. Với tôi, mỗi chương trình dù lớn hay nhỏ, được khán giả đón nhận và ủng hộ là niềm vui lớn nhất và quan trọng nhất, khiến công việc sáng tạo thú vị và nhiều cảm hứng hơn.
Xin cảm ơn anh.