Trong lịch sử nhân loại, con người đã từng xoay xở để sinh tồn trong những tình huống và môi trường khá khắc nghiệt.
Tuy nhiên trên hành tinh của chúng ta, có những địa danh ngay cả những người gan góc nhất cũng không dám nghĩ đến chuyện cư ngụ. Sau đây là những nơi thậm chí bạn cũng không muốn đến tham quan.
1. Sa mạc Danakil (Ethiopia)
Ở phía Đông Bắc Ethiopia và miền Nam Eritrea, có một sa mạc rộng 100.000km2 trải dài đến cuối tầm mắt. Những vùng rìa của sa mạc Danakil là nơi cư trú của người Afar; họ phụ thuộc phần lớn vào sa mạc để kiếm sống.
Mặc dù khu vực này là một trong những nơi nóng nhất và khô cằn nhất trên thế giới, với nhiệt độ lên tới 63oC dưới ánh nắng mặt trời, người Afar vẫn thường xuyên cưỡi lạc đà đi qua sa mạc.
Đó là một thế giới đầy cát, muối, cái nóng và hoạt động của núi lửa. Các suối nước nóng sulphur, những thềm dung nham đang hoạt động, và những hồ muối nằm rải rác trong cảnh quan.
Nhưng vì sao người ta vẫn cứ gắn bó với một môi trường khắc nghiệt như thế? Tất cả cũng chỉ vì tiền.
Những người Afar sinh nhai bằng cách khai thác những phiến muối từ những vùng đất thấp chung quanh Lòng chảo Danakil và họ chất những phiến muối lên các con lạc đà, vượt qua những dặm đường trở lại thành phố gần nhất để trút xuống hàng hóa quý giá của họ.
- Xem thêm: 7 hòn đảo bị nguyền rủa khắp thế giới
Nếu bạn là một người yêu thích ngành địa chất và muốn có một chuyến đi để kiểm tra khu vực độc đáo này, bạn có thể thuê một lực lượng an ninh để giúp bạn đến nơi và quay trở về. Tuy thiên nhiên ở Danaki hiểm trở, một số người dân địa phương chắc chắn đã gắn liền muối với quyền lợi của họ trong khu vực.
Năm 2012, các phiến quân đã tấn công một nhóm du khách đến tham quan núi lửa Erta Ale trong Lòng chảo Danakil, sát hại năm người, làm bị thương bảy người, và bắt cóc bốn người khác.
2. Thung lũng chết (Nga)
Trong khi Thung lũng Chết ở Hoa Kỳ được cho là nổi tiếng hơn, thì Thung lũng Tử thần của Nga ở Bán đảo Kamchatka cũng nguy hiểm chết người vì những lý do hoàn toàn khác.
Dọc theo sông Geyser và đứng dưới bóng của núi lửa Kronotsky, thung lũng Geysers là một cảnh tượng ngoạn mục đúng theo tên gọi của nó. Khu vực này được xem là một phiên bản Nga của Vườn quốc gia Yellowstone, tuy nó lớn hơn nhiều.
Thung lũng Geysers bao gồm gần 10.000km2 hoặc đất bảo tồn. Trong gần một thế kỷ, khu vực này không cho bất kỳ ai tham quan ngoại trừ các nhà khoa học và các nhân viên kiểm lâm của Nga.
Nhưng đến năm 2011, chính phủ bắt đầu cho phép du ngoạn vào thung lũng, đem lại một tầm nhìn hiếm hoi về cảnh đẹp, khu địa chất tuyệt vời, cũng như đặc điểm bí ẩn và nguy hiểm nhất của khu vực: Thung lũng Chết.
Được phát hiện vào năm 1975, Thung lũng Chết chỉ chiếm một diện tích nhỏ bên trong Thung lũng Geysers rộng lớn hơn, dài khoảng 2km, rộng từ 100 đến 500m.
Sở dĩ Thung lũng Tử thần có tên gọi như vậy là do các loại khí độc hại có thể được tìm thấy bám vào vùng sàn thung lũng và từ hàng trăm loài động vật đã chết vì khói ở đó.
Do địa hình núi lửa trong vùng, các loại khí bao gồm hydrogen sulphide, carbon dioxide, carbon sulphide và kể cả cyanide tràn vào thung lũng nhỏ, nhất là vào những ngày trời êm, lặng gió.
Xác của những động vật chết ở đó được bảo quản tốt, bởi vì khói độc thậm chí còn có tác dụng kiềm chế sự phát triển của vi khuẩn. Trong trường hợp bạn muốn đi tham quan khu vực, có thể bạn sẽ phải nín thở hoặc mang theo một bình dưỡng khí.
Và nếu bạn cảm thấy bị chóng mặt, nhức đầu hoặc thấy mệt, bạn nên nhanh chóng rời khỏi, nếu không muốn trở thành nạn nhân mới nhất của Thung Lũng Chết.
3. Núi lửa Sinabung (Indonesia)
Trên đảo Sumatra ở Indonesia, một gã khổng lồ đang ngủ đã thức dậy từ một giấc ngủ dài và gã không vui lắm vì điều đó.
Sau khi nằm im lìm trong gần 400 năm, núi Sinabung đã bất ngờ bùng phát vào tháng 8.2010. Ba năm sau đó nó ngủ yên, nhưng Sinabung lại bùng nổ lần nữa vào tháng 9.2013. Kể từ đó, về cơ bản ngọn núi lửa này liên tục phun trào, mở màn một chu kỳ khủng bố đối với dân cư trong vùng.
Có hàng chục ngàn người sống trong vòng vài dặm của núi lửa, và cứ mỗi đợt phun trào liên tiếp đã khiến cho nhiều người trong số họ phải sơ tán và di dời.
Đối với nhiều người trong số những cư dân này, họ không thể có một kế hoạch ổn định lâu dài nào trước tình huống.
Khi vụ phun trào mới nhất kết thúc, người dân lại lũ lượt trở về những thị trấn của họ, chứng kiến mọi thứ đều bị vùi trong tro và bùn núi lửa. Họ dọn dẹp nhà cửa, nhưng chỉ êm được vài ngày hoặc vài giờ, vì Sinabung luôn luôn bất ổn.
Bên cạnh đó, số người chết và những tác động đến nền kinh tế địa phương thậm chí còn tồi tệ hơn. Các vụ mùa bị đã thất bại và các loài gia súc trang trại đều chết cả.
Ngày 1.2.2014, chỉ một ngày sau khi chính quyền cho phép các cư dân trở về nhà của họ, Sinabung đã bùng phát trong một vụ phun trào chết người nhất của nó, giết chết 16 người. Một đợt phun trào khác vào tháng 5.2016 đã cướp đi thêm bảy sinh mạng.
4. Ilha da Queimada Grande (Đảo Rắn, Brazil)
Ilha da Queimada Grande, được biết đến một cách thông tục như Đảo Rắn, hòn đảo này từng là một phần của lục địa Brazil cho đến khi mực nước biển dâng cao chia cách nó ra khỏi lục địa cách đây 11.000 năm.
Các vùng nước dâng cao cũng làm cho loài rắn hổ lục đầu vàng mắc kẹt lại trên đảo. Loại rắn cực độc và rất nguy hiểm này đã phát triển mạnh trên Đảo Rắn, với tỉ lệ khoảng một con rắn trên 1m2.
Điều đó có nghĩa là gần như mỗi bước đi trên Đảo Rắn, người ta phải đối mặt trực tiếp với một trong những con rắn nguy hiểm nhất thế giới.
Fer-de-lance, một người anh em họ của rắn hổ lục đầu vàng, chịu trách nhiệm nhiều nhất cho những cái chết vì rắn cắn ở Trung và Nam Mỹ.
Nọc của loài rắn này khiến cho các tế bào và mô của nạn nhân bị tan chảy và chết, nhưng nọc độc của rắn hổ lục đầu vàng trên Đảo Rắn còn mạnh gấp năm lần so với những người anh em của chúng ở lục địa.
Chắc chắn chính phủ Brazil đã thấy được mối đe dọa nghiêm trọng của Đảo Rắn. Một ngọn hải đăng đã được dựng lên vào năm 1909 để cảnh báo những người đi thuyền tránh xa hòn đảo.
Sau khi người quản lý ngọn hải đăng và gia đình của ông đã chết vì rắn cắn vào những năm 1920. Nhưng điều đó đã không ngăn được tất cả những du khách.
Những kẻ buôn lậu động vật hoang dã đã săn trộm rắn hổ lục đầu vàng trên đảo để sử dụng trong nghiên cứu y học, và các thợ săn kho tàng vẫn tiếp tục khám phá khu vực này qua chương trình truyền hình Săn Kho tàng: Đảo Rắn của kênh Discovery.
5. Hang Gouffre Berger (Pháp)
Ở Pháp, hang Gouffre Berger được coi là một trong những hang sâu nhất trên thế giới. Độ sâu của nó hơn 914m. Nhiều lối đi ấn tượng và xinh đẹp của nó gần như thẳng đứng, kể cả lối vào, người ta phải mang theo dây thừng và đu xuống.
Ngoài ra, Gouffre Berger dễ bị ngập lụt trong những trận mưa lớn, khiến cho hang trở thành cái bẫy chết. Bất cứ ai vào hang động khi mực nước dâng lên đều có nguy cơ bị chết đuối. Trong thập niên vừa qua, đã có 6 người chết trong hang, 5 trong số họ bị chết vì ngập lụt.
6. Hang pha lê ở Mexico
Giống như Gouffre Berger, Cave of the Crystals (Hang pha lê) ở Mexico cũng đẹp nhưng dễ gây chết người. Được phát hiện bởi các thợ mỏ làm việc tại mỏ Naica ở Chihuahua, Mexico, hang Cave of the Crystals thường chứa đầy nước, nhưng lại được phơi bày bởi những máy bơm rút nước khi khai thác mỏ.
Các gian hang động chứa đầy những tinh thể selenite khổng lò, một số khối dài tới 11m và nặng 55 tấn. Khi chúng rơi xuống sẽ nghiền nát nạn nhân.
Không giống như hầu hết các hang động khác, thường có nhiệt độ từ 10 đến 21oC, khí hậu bên trong Cave of the Crystals đủ nóng để giết người.
Do mỏ Naica và hệ thống hang kế bên với một hang magma (đá nóng chảy) ngầm, khiến cho môi trường trở nên quá nóng.
Nhiệt độ trong hang Cave of the Crystals lên tới 58oC, với độ ẩm 90-99%. Con người chỉ có thể nán lại 10 phút trong hang mà không cần thiết bị hỗ trợ.
Ngay cả khi mặc những bộ quần áo làm mát đặc biệt, cũng chỉ có thể ở được trong hang khoảng 30 phút.
7. Vùng An ninh Quốc gia Nevada (Hoa Kỳ)
Trước đây, Vùng An ninh Quốc gia Nevada (NNSS) được gọi là Vùng Thử nghiệm Nevada, là một địa danh nguy hiểm nhất nước Mỹ.
Vùng này trải dài trên sa mạc Sahara, chỉ cách Las Vegas 65 dặm, là nơi mà người Mỹ đã tiến hành phần lớn các thử nghiệm hạt nhân của họ kể từ những năm 1950. Trong suốt bốn thập niên qua, hơn 900 thử nghiệm nổ hạt nhân đã được thực hiện tại đây.
Bụi phóng xạ từ các cuộc thử nghiệm trên mặt đất và những vụ nổ ngẫu nhiên ngầm dưới đất chỉ là một số trong những vấn đề.
Hơn 2 tỷ USD đã được trả cho các nạn nhân bị phơi nhiễm bức xạ, họ là những người sống phía dưới ngọn gió của NNSS hoặc do làm việc tại hiện trường.
Nhiều thập niên thử nghiệm hạt nhân đã để lại hơn 300 triệu đơn vị bức xạ, đồng thời nhiều cuộc thử nghiệm đã được tiến hành dưới lòng đất hoặc dưới tầng ngậm nước, làm nhiễm xạ ước tính khoảng 1,6 ngàn tỷ gallon nước trong những năm tới.